Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương :”Sai sót trong thao tác kỹ thuật khi sử dụng filler có thể dẫn tới tử vong”
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho rằng, sử dụng filler không đúng kỹ thuật dẫn đến hậu quả nặng nhất là tử vong.
Mù mắt, hoại tử mũi, thậm chí là tử vong, một trong những hậu quả chị em gặp phải sau khi tiêm filler không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường hoặc do lựa chọn cơ sở làm đẹp không có uy tín, bác sĩ không có chuyên môn.
Dưới đây là hình ảnh một trong những ca tai biến tắc động mạch mắt dẫn đến mù mắt khi tiêm filler được Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận trong thời gian gần đây.
Cô gái mù mắt do tiêm filler (ảnh internet)
Để chia sẻ, tìm hiểu rõ hơn về phương pháp làm đẹp này, phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh – Phó trưởng Khoa công nghệ và ứng dụng tế bào gốc Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh – Phó trưởng Khoa công nghệ và ứng dụng tế bào gốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (ảnh Internet)
PV: Thưa Bác sĩ, hiện nay xu hướng làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng nhiều, đặc biệt là sử dụng các chất làm đầy, filler. Vậy bác sĩ có thể cho biết, bản chất của filler là như thế nào?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh: Thẩm mĩ xâm lấn và không xâm lấn, hay còn gọi là thẩm mĩ nội khoa được sử dụng ngày càng nhiều. Đối với thủ thuật liên quan đến chất làm đầy ở Mĩ năm 2016 có khoảng 2.6 triệu ca. Thực chất, chất làm đầy còn có tên gọi khác là filler, chất làm đầy là những chất được sử dụng để đưa vào cơ thể với vai trò làm tăng thể tích mô, bù vào những vị trí liên quan đến sự thiếu hụt của tổ chức mô ở trong da cũng như cơ thể. Ví dụ: tế bào mỡ cũng được xem là 1 loại chất làm đầy khi lấy tế bào mỡ sử dụng vào vị trí khác để cấy mô mỡ. Trong y khoa, các bác sĩ sử dụng chất làm đầy như một chất có vai trò làm tăng thể tích mô và tăng độ giữ nước cho cơ thể.
Video đang HOT
PV: Bác sĩ có thể cho biết, trong y khoa, chất làm đầy hay còn gọi là filler được sử dụng vào bộ phận nào của cơ thể con người là nhiều nhất?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh: Về mặt cơ thể thì chất làm đầy trên y khoa được sử dụng trên nhiều vị trí, bởi nó được sử dụng để điều trị những khiếm khuyết của cơ thể. Ví dụ sau một tai nạn, bệnh nhân bị mất tổ chức mô ở mặt, các bác sĩ có thể làm thủ thật chuyển dịch tế bào mỡ ở vùng khác như: vùng bụng, vùng mặt trong đùi bơm vào vị trí khuyết mỡ, một lần bơm thể tích má có thể lên đến 20-30ml. Hoặc đối với việc thiếu mỡ ở hốc mắt ở người có tuổi, có thể tiêm mỡ vào hốc mắt tránh hiện tượng mắt quá hóp, vị trí như thế có thể tiêm từ 2-4ml tế bào mỡ. Có những người mô tuyến vú bị tiêu biến, dẫn đến việc thể tích vú bị nhỏ so với thể tích cơ thể, thì một trong những thủ thuật có thể làm là lấy mỡ vùng khác bơm vào thể tích ngực, mỗi bên khoảng 200-300ml. Chưa có một thống kê nói lên việc vị trí nào sẽ sử dụng nhiều nhất, nhưng xu hướng chất làm đầy sử dụng vào cơ thể sẽ lớn hơn vùng mặt.
PV: Hiện nay trên thị trường cũng có rất nhiều loại filler mà các cơ sở thẩm mĩ viện cũng như Spa sử dụng với giá rất rẻ. Liệu rằng những chất đó có đủ tiêu chuẩn sử dụng trên cơ thể của chúng ta hay không? Việc sử dụng những filler không nguồn gốc sẽ dẫn đến những rủi ro như thế nào?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh: Đầu tiên, chúng ta phải làm rõ vấn đề, chính là những chất làm đầy hay còn gọi là filler, thực tế nó an toàn và được cấp phép hay không. Hiện nay trên thị trường có khoảng hơn 50 hãng, nhưng chỉ có 20 hãng được cấp phép, còn lại thì có thể là hàng xách tay, và rõ ràng hàng đó không có nguồn gốc xuất xứ, và cái đó thì chúng ta không thể kiểm soát được các sản phẩm.
Hiện nay Bộ Y Tế Việt Nam và các tổ chức lớn trên thế giới cũng đồng thuận cho việc sử dụng những loại filler này trên cơ thể của con người. Còn với các cơ sở thẩm mĩ viện và Spa, tôi không dám nói tất cả 100% là hoạt động chui, cái chính là tôi thấy họ sử dụng filler với rất nhiều mức giá khác nhau. Có những nơi sử dụng 1ml filler với mức giá 12-15 thậm chí 17 triệu. Nhưng có những cơ sở tuyên bố 1ml filler chỉ có giá 1-2 triệu đồng. Tôi chưa thấy đơn vị nào được cấp phép như Bộ Y Tế Việt Nam, FDA,… bán với mức giá như thế.Theo bác sĩ Minh hầu hết những ca biến chứng là do họ sử dụng filler của Trung Quốc và Hàn quốc giá rẻ.
Vậy thì câu hỏi đặt ra, đơn vị nào là nguồn cung cấp những loại filler đó cho họ, nguồn đó là từ đâu? có phải chính thống không hay là hàng xách tay, hàng trôi nổi, có đúng hạn sử dụng, bản chất có đúng là những chất filler an toàn và hiện nay không còn bị cấm hay không. Ví dụ như, Silicon lỏng đã bị cấm, và vẫn có hiện tượng được bán và dùng tràn lan. Do đó các đơn vị đó không phải chính thống và rõ ràng không được cấp phép.
Đối với các đơn vị được cấp phép và được sử dụng filler thì 100% các bác sĩ đều được hướng dẫn theo các tiêu chuẩn của hãng, và khi dùng filler có vấn đề này vấn đề khác còn là sự tương thích giữa cơ thể, cũng như là hoạt chất và một phần nhỏ của dị ứng và những trường hợp đó rất là ít. Nhưng điều đáng buồn hơn nữa là những chất filler không được cấp phép sử dụng lại “rơi” vào tay của người không được đào tạo, không phải bác sĩ y khoa được đào tạo. Có rất nhiều các bạn được mệnh danh là hotboy, hotgirl đi học tiêm filler. Thực tế mà nói filler là một thủ thật đưa thiết bị y tế vào cơ thể sống hoàn toàn. Vậy ai cho các bạn làm như thế khi các bạn không phải bác sĩ? Khi không đủ tiêu chuẩn về y khoa trong quá trình làm, dẫn đến nguy cơ sai sót trong thao tác kĩ thuật, ảnh hưởng đến tính mạng, sau đó dẫn đến hiện tượng bị tai biến, áp xe hoại tử, mù mắt và nặng nhất là có thể tử vong.
Trường hợp biến chứng mũi do tiêm filler (ảnh internet)
PV: Vậy từ đầu năm đến giờ, Bệnh viện da liễu trung ương đã tiếp nhận trường hợp biến chứng do tiêm filler chưa? Cụ thể là bao nhiêu trường hợp thưa bác sĩ?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh: Trong năm vừa rồi, theo thống kê của bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 20 ca biến chứng do filler tuỳ theo mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có thể tiêm xong gây sưng nề, tạo phản ứng viêm tại chỗ đó là nhẹ nhất, và nặng hơn đó chèn ép mạch máu,thiểu dưỡng vị trí đó, hoại tử vùng mô nào đó. Theo bác sĩ Minh, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận môt trường hợp bệnh nhân không rõ tiêm filler ở đâu, có khám ở khoa mắt Bệnh viện Bạch Mai và sau đó gửi sang Bệnh viện da liễu của chúng tôi. Đã phát hiện một bên mắt của bệnh nhân đã mất thị lực hoàn toàn, gây mù 1 bên mắt. Bệnh viện đã tiếp nhận các mức độ từ thấp nhất đến cao nhất của tiêm filler. Và gần như 100% nguyên nhân xuất phát từ việc tiêm filler tại các spa, những người không được cấp phép tiêm filler.
PV: Theo bác sĩ, chị em phụ nữ nên sử dụng filler hay còn gọi là chất làm đầy ở đâu, như thế nào cho hiệu quả và an toàn?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh: Nhu cầu về việc sử dụng chất làm đầy hay còn gọi là filler được coi là xu hướng, thậm chỉ không chỉ các chị em mà nam giới nhiều người cũng chuộng phương pháp thẩm mĩ này. Và tất nhiên, sẽ có những cơ sở đủ điều kiện để làm phương pháp này. Đầu tiên là cơ sở về khám chữa bệnh được cấp phép liên quan đến y khoa. Thứ hai là cơ sở phải có người được đào tạo, thông qua về danh mục sử dụng các kĩ thuật trong tiêm chất làm đầy. Yêu cầu bắt buộc của Việt Nam hiện tại cho phép chỉ có 2 nhóm được thông qua về chuyên môn trong tiêm chất làm đầy chính là bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và bác sĩ da liễu thẩm mĩ. Và 2 nhóm chuyên môn này vẫn phải được đào tạo qua việc sử dụng filler, nếu chưa được đào tạo thì vẫn không được phép thực hiện. Và đối với Bệnh viện Da liễu Trung ương, hiện tại có khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ, khoa chăm sóc da, khoa nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc,các bác sĩ đã được đào tạo trong nước và ngoài nước và được cấp chứng chỉ về vấn đề trên.
Mù mắt do biến chứng tiêm filler nâng mũi (ảnh internet)
PV: Cuối cùng, bác sĩ có lời khuyên nào cho chị em muốn làm đẹp bằng filler?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh: Chất làm đầy có hiệu năng rất tốt, nhưng để hiểu rõ hơn trước khi tiêm chất làm đầy vào cơ thể, các chị em cần đến cơ sở y tế để được nghe tư vấn. Trước tiên là trao đổi về nhu cầu, tiếp đó là cân nhắc về hiệu quả, hơn hết là vấn đề an toàn. Filler là chất khi sử dụng sai sẽ đem lại những hiệu quả nghiêm trọng và nó chỉ phát huy tác dụng trong giới hạn nhất định, trong thời gian nhất định. Từ đó nhiều chị em có suy nghĩ sử dụng những thứ rẻ tiền, không quan tâm tới sự an toàn và tính mạng của mình, muốn giữ được lâu mà không quan tâm đến hậu quả của nó, đó là một sai lầm.
Chúng tôi không từ chối bệnh nhân, nhưng chúng tôi luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu. Không thể vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đánh mất đi giá trị làm nghề của mình.
Mỵ Châu – Vân Anh
Theo phapluatplus
Phát hiện ung thư da sau kỳ nghỉ lễ dài ngày ở biển
Thấy da mặt xuất hiện những vùng màu hồng, ráp, nốt ruồi sưng to, chảy dịch bất thường, người phụ nữ 38 tuổi đi khám thì được chẩn đoán ung thư da đã di căn.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết ung thư da đang có xu hướng gia tăng, nhất là sau những đợt nắng nóng gay gắt. Trong số bệnh nhân mắc ung thư da, thể tế bào hắc tố là ác tính nhất. Ban đầu bệnh khởi phát chỉ là những nốt mụn nhỏ, nốt ruồi, nếu không được điều trị, bệnh phát triển nhanh, di căn, gây ung thư thứ phát ở gan, xương, phổi, não, hệ thống hạch.
Khi những nốt ruồi thay đổi màu sắc, hình dạng cần nghĩ tới ung thư - Ảnh minh họa
Gần đây, các bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật khối ung thư da cho 1 nữ bệnh nhân 38 tuổi. Bệnh nhân này cho biết công việc của chị vốn phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cách đây hơn 1 tháng, sau đợt nghỉ lễ dài ngày ở biển, khi trở về, trên mặt và tay chị xuất hiện những vùng màu hồng, một số chỗ chấm đỏ, nốt ruồi trên mặt sưng to, chảy dịch. Nghĩ rằng bị "cháy nắng" nên chị bôi hồ nước, kem dưỡng để làm mát da. Chỉ đến khi vùng da mặt mẩn đỏ, nốt ruồi chảy dịch nhiều, sưng tấy, chị mới đến bệnh viện khám thì được phát hiện ung thư da di căn và được chỉ định phẫu thuật ngay.
Cũng theo bác sĩ Minh, có khá nhiều bệnh nhân ung thư da khởi phát từ những nốt ruồi. Có bệnh nhân đan đầu chỉ bị 1 nốt ruồi liền đến một spa để tẩy nốt ruồi bằng laser. Thế nhưng dưới tác dụng của laser đã khiến tế bào ung thư kích thích và phát triển rất nhanh. Khi đến khám, vùng da bị tổn thương, kèm theo di căn hạch bẹn.
Khi có những dấu hiệu khác thường trên bề mặt da cần thăm khám ở bệnh viện chuyên khoa
PGS-TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cảnh báo thói quen thích tắm nắng, hoặc làm việc quá nhiều dưới ánh nắng mặt trời có thể phá hủy tế bào da và tăng nguy cơ ung thư da do tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời.
Để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, bác sĩ da liễu khuyến cáo cần bôi kem chống nắng thường xuyên 2-3 giờ/lần. Hạn chế ra nắng vào giờ cao điểm nắng gay gắt. Nếu ra nắng phải đeo kính râm, đội nón, mũ rộng vành và mặc quần áo dài để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng.
D.Thu
Theo nguoilaodong
Không ngửi thấy mùi gì - dấu hiệu bất ngờ cho thấy sắp chết? Trong 10 năm tới, các nhà nghiên cứu cảnh báo những người cao tuổi có tình trạng khứu giác kém sẽ đối diện với nguy cơ tử vong khá cao. 50% là con số được các nhà nghiên cứu cảnh báo và khuyến cáo việc kiểm tra khứu giác của những người già nên trở thành một phần thường xuyên của các chuyến...