Bác sĩ Australia: ‘Chúng tôi không đói, chỉ cần khẩu trang’
Bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19 nói họ nhận được thư cảm ơn, pizza, nhưng điều thực sự cần lúc này là khẩu trang để thay cho thiết bị tự chế.
“Mỗi ngày chúng tôi nhận được rất nhiều thư cảm ơn, một số người mang bánh pizza cho chúng tôi. Nhưng tôi chỉ muốn bước đến đó và nói rằng chúng tôi không đói. Chúng tôi chỉ cần khẩu trang thôi”, một bác sĩ chia sẻ.
Trong khi các bác sĩ và y tá ở một số bệnh viện Australia phải xoay sở để có được khẩu trang N95, rất nhiều người đi bộ trên đường phố sở hữu loại khẩu trang này. “Nếu bạn đi một vòng, bạn sẽ thấy nhiều người đeo khẩu trang N95 trong khi chúng không có đủ dùng trong bệnh viện”, bác sĩ cấp cứu ở bang New South Wales (NSW) – nơi chiếm gần một nửa số ca nhiễm của đất nước, với hơn 5.700 ca – chia sẻ.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và kính. Ảnh: AP.
Các bác sĩ cấp cứu và đại diện công đoàn y tế cho biết họ đã được giới chức đảm bảo có kho dự trữ thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và đang nỗ lực sản xuất thêm mặt hàng này.
Tuy nhiên nhân viên tại một số bệnh viện quá tải ở bang NSW đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt trong việc sử dụng khẩu trang N95 và phải dùng những tấm chắn mặt làm từ nhựa và cao su để giữ an toàn. “Một số thậm chí đang sử dụng thiết bị lặn”, Andrew Miller – Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia tại bang Tây Australia cho biết. “Một số bác sĩ và y tá đã bị kỷ luật vì cố gắng đeo khẩu trang tại nơi làm việc. Đó là một tình huống đầy mâu thuẫn và khó hiểu”, ông nói.
Các nhân viên y tế cho biết các hướng dẫn sử dụng PPE được ban hành khi Australia chỉ có vài trường hợp Covid-19 không còn khả thi vì Covid-19 đã lan rộng khắp cộng đồng, bao gồm cả những người không có triệu chứng.
Ông Miller cho biết có rất nhiều PPE được lưu trữ trên khắp Australia nhưng hiện không được cung cấp cho các nhân viên y tế tuyến đầu. “Nhân viên y tế tuyến đầu của chúng tôi không tin tưởng rằng PPE sẽ có sẵn khi họ cần bởi họ đã thấy tình trạng này ở các quốc gia khác, nhân viên y tế chết vì thiếu PPE”, ông nói.
Sự thiếu hụt toàn cầu về khẩu trang N95 và các thiết bị bảo hộ làm dấy lên sự tức giận và phản đối của các nhân viên y tế ở Mỹ và nhiều nơi khác. Các nhân viên y tế Australia đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Scott Morrison, yêu cầu quyền tiếp cận PPE. Bản kiến nghị đã thu thập được hơn 155.000 chữ ký vào 5/4.
Nhân viên y tế đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ. Ảnh: AP.
Bộ trưởng Y tế Australia, Greg Hunt cho biết chính phủ sẽ phát hành ngay 10 triệu khẩu trang cho nhân viên y tế. “Một số lượng đáng kể găng tay, áo choàng, kính bảo hộ cũng sẽ được gửi đi”, Hunt nói với đài truyền hình Nine News .
Cơ quan y tế của NSW cho biết các bệnh viện công trên toàn tiểu bang có đủ PPE, bao gồm khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay. Giới chức bang Queensland cho biết một công ty địa phương sẽ bắt đầu sản xuất 60.000 khẩu trang N95 mỗi ngày.
Theo báo cáo của ABC, cơ quan y tế bang South Australia đang xem xét một phương pháp chưa được thử nghiệm là thu thập khẩu trang N95 đã sử dụng, khử trùng và tái sử dụng chúng.
Gerard Hayes – Chủ tịch Health Service Union – cho biết các nhà chức trách cần phải minh bạch về số lượng PPE có sẵn và liệu nó có đủ dùng nếu nhu cầu tăng cao hơn. “Khi nhu cầu và áp lực đối với các dịch vụ y tế tăng lên, sẽ rất tốt nếu nắm được rõ ràng về kho dự trữ và cách thức phân phối. Điều đó sẽ mang lại niềm tin cho các nhân viên của chúng tôi. Hiện họ chưa có sự tin tưởng đó”, Hayes nói.
Huyền Anh
Nhật ký Vũ Hán: 'Ông được nằm giường bệnh ba giờ trước khi chết'
Trước khi chính quyền tỉnh Hồ Bắc thay đổi cách xác định người nhiễm bệnh, nhiều bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus corona đã bị bỏ rơi và không nhận được sự điều trị mà họ cần.
Nhiều tuần sau khi các báo cáo về loại virus mới bí ẩn xuất hiện ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, chính quyền địa phương đột ngột thay đổi cách xác định người nhiễm bệnh.
Điều đó đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về số lượng - chỉ vì các bác sĩ đang đếm những bệnh nhân được chẩn đoán trong phòng khám chứ không chỉ những người đã làm xét nghiệm.
Nhưng trong những ngày đầu, sự lây lan nhanh chóng của virus qua thành phố Vũ Hán, kết hợp với việc thiếu giường bệnh, dẫn đến một số người không nhận được sự điều trị mà họ cần.
Hai cư dân Vũ Hán nói với BBC về trải nghiệm khó khăn của họ khi cố gắng chăm sóc người thân trong thành phố tràn ngập bệnh tật.
"Ông nội yên nghỉ" - Xiao Huang
Huang được ông bà nuôi dưỡng sau khi bố mẹ anh qua đời khi anh còn nhỏ. Tất cả những gì anh muốn là chu cấp cho ông bà của mình, cả hai đều ở độ tuổi 80, để họ có thể được nghỉ hưu trong hạnh phúc.
Nhưng chỉ trong hai tuần, ông của anh đã bị virus corona giết chết và giờ bà của anh đang trong tình trạng nguy kịch.
Ông bà của Huang bắt đầu có triệu chứng hô hấp vào ngày 20/1. Họ không thể đến bệnh viện cho đến ngày 26/1 vì đi lại khó khăn sau khi Vũ Hán bị phong tỏa vào ngày 23/1, với giao thông công cộng bị đình chỉ.
Họ được chẩn đoán mắc virus corona mới vào ngày 29/1 nhưng chỉ được đưa vào bệnh viện ba ngày sau đó.
Nhưng bệnh viện quá đông đến nỗi không có giường trống. Ông bà của anh bị sốt cao và khó thở nhưng chỉ được mời ngồi ở hành lang. Anh cầu xin nhân viên bệnh viện và tìm được một chiếc ghế dài và một chiếc giường gấp.
"Không có bác sĩ hay y tá nào ở gần. Bệnh viện không có bác sĩ giống như một nghĩa địa", Huang viết trong nhật ký của mình.
Đêm trước khi ông nội qua đời, Huang đã ở với ông bà ngoài hành lang. Anh tiếp tục trò chuyện với bà của mình để bà không biết rằng ông đang bị mê sảng.
Một chiếc giường cuối cùng đã được đưa tới ba giờ trước khi ông của anh qua đời. Huang đã ở cạnh giường của ông cho đến phút cuối cùng.
Anh viết trên Weibo, nền tảng giống Twitter của Trung Quốc: "Ông ơi, xin hãy yên nghỉ. Không có đau đớn trên thiên đường".
"Nhiều bệnh nhân đã chết mà không có các thành viên trong gia đình và thậm chí không thể được nhìn nhau lần cuối".
Bà của anh đang chiến đấu để giành sự sống trong bệnh viện. Anh dành thời gian ở cạnh bà nhiều nhất có thể.
"Không có thuốc điều trị. Các bác sĩ bảo tôi đừng giữ hy vọng, bà chỉ có thể tự mình vượt qua", anh nói. "Chúng tôi chỉ có thể để số phận định đoạt".
Kể từ ngày 7/2, Xiao Huang cảm thấy không khỏe và đã bị cách ly hai tuần trong một khách sạn.
"Bà ấy bắt đầu ho ra máu" - Da Chun
Đầu tháng 1, mẹ của Da Chun bị sốt. Gia đình không đặc biệt hoảng hốt, nghĩ rằng đó chỉ là cảm lạnh. Họ nghe nói rất ít về căn bệnh bí ẩn đang âm thầm lây lan ở thành phố 11 triệu người.
Nhưng cơn sốt của bà không giảm trong một tuần, mặc dù bà đã được tiêm từ một phòng khám cộng đồng. Vào ngày 20/1, cùng ngày nhà chức trách Trung Quốc thừa nhận virus corona có thể lây truyền giữa người với người, anh đã đưa mẹ đến một phòng khám ngoại trú được chỉ định cho những người bị sốt.
Sau khi xem xét ảnh chụp và kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ nói với họ rằng mẹ anh đã bị nhiễm virus corona mới.
"Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn không tin", Da Chun nói.
Nhưng ngày càng nhiều tin xấu đến. Bác sĩ cho biết mẹ anh, 53 tuổi, không thể nhập viện vì họ không có bộ dụng cụ xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán. Các bộ dụng cụ xét nghiệm chỉ có sẵn tại tám bệnh viện được chỉ định vào cuối tháng một.
"Bác sĩ của một bệnh viện được chỉ định nói với tôi rằng họ không có quyền nhập viện cho mẹ tôi. Ủy ban y tế địa phương phân bổ giường cho các trường hợp được xác nhận", chàng trai 22 tuổi nói.
"Vì vậy, các bác sĩ không thể làm [xét nghiệm] virus corona để xác nhận mẹ tôi là [một] trường hợp bị nhiễm bệnh và không thể cho bà ấy giường".
Da Chun nói rằng mẹ anh không phải là trường hợp cá biệt. Trong nhóm chat với hơn 200 thành viên trên ứng dụng nhắn tin WeChat dành cho các gia đình bệnh nhân, mọi người chia sẻ những câu chuyện tương tự.
Anh trai của anh đã xếp hàng tại các bệnh viện để kiểm tra nếu có sẵn giường. Anh đi khám với mẹ để chăm sóc bà. Nhưng trong những chuyến thăm này, họ thấy bệnh nhân qua đời trong phòng theo dõi trước khi được xét nghiệm hoặc nhập viện.
"Các xác chết được các nhân viên bọc và đưa đi. Tôi không biết liệu họ có được tính là tử vong do virus corona mới hay không", anh nói.
Tình trạng của mẹ anh tiếp tục xấu đi. Bà bắt đầu ho ra máu và có máu trong nước tiểu.
Vào ngày 29/1, mẹ anh cuối cùng đã được đưa vào bệnh viện nhưng anh nói rằng bà không được điều trị và bệnh viện không có đủ thiết bị trong những ngày đầu tiên khi bà nhập viện.
Nhưng anh không từ bỏ hy vọng rằng mẹ anh sẽ hồi phục.
Những bệnh nhân được chữa khỏi virus corona chia sẻ trải nghiệm
Hơn 6.700 bệnh nhân ở Trung Quốc đã được chữa khỏi Covid-19. Một số người chia sẻ rằng họ cảm thấy dịch bệnh không quá đáng sợ. Họ được đội ngũ y bác sĩ chăm sóc rất nhiệt tình.
Theo news.zing.vn
Chân dung nữ bác sĩ làm cả thế giới kinh ngạc được Google Doodle tôn vinh Google Doodle hôm nay 15/2 tôn vinh nữ bác sĩ Nise da Silveira nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của bà - người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho y học. Nữ bác sĩ Nise da Silveira Nữ bác sĩ Nise da Silveira (15/2/1905-30/10/1999) sinh ra tại thành phố Maceío phía đông bắc Brazil. Bà tốt nghiệp ngành y khoa...