Bác sĩ ‘2 ba-lô’
Điện thoại luôn ở chế độ mở 24/24; bên người có sẵn 2 ba-lô, một đi làm, một với đồ dùng cá nhân, dụng cụ. Đặc biệt luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.
Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bình Thuận hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19
Họ chính là những y bác sĩ của đội phản ứng nhanh (PƯN) Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM.
Ứng cứu trong đêm
Chiều muộn 19/3, BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, vẫn còn nán lại để chia sẻ kinh nghiệm, dặn dò các đồng nghiệp trẻ trong đội PƯN. “Cứu chữa người bệnh nhưng cũng phải giữ an toàn cho mình khi trở về. Đây là mong muốn lớn nhất của bệnh viện” – BS Anh Thơ dặn dò với ánh mắt đầy tin tưởng.
BS Anh Thơ là một trong những y bác sĩ đầu tiên của đội PƯN Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt ở Bình Thuận, hỗ trợ y tế khi địa phương chống dịch Covid-19. Hôm ấy, ngày 11/3, khi vừa xong ca trực, đang đưa con đi nhà sách thì chị nhận được lệnh điều động đi Bình Thuận ngay trong đêm. Chỉ kịp hôn vội cô con gái vừa tròn 8 tuổi, chị xách ba – lô lên đường. BS Anh Thơ bồi hồi: “Nhiều suy nghĩ ngổn ngang trong suốt hành trình. Điều mình nghĩ đến đầu tiên là không biết bệnh nhân (BN) có bị gì không, có suy hô hấp không…? Không chỉ riêng tôi mà anh em đều có chung lo lắng cho BN nơi ấy. Một nỗi lo lớn hơn nữa là chúng tôi đoán định được dịch Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp ở TPHCM. Do đó, mọi người thống nhất làm việc nhanh nhất có thể, hiệu quả nhất và an toàn nhất để còn về hỗ trợ thành phố”.
“Người BS phải đặt mình trong trường hợp BN, hiểu và chia sẻ với họ. Lúc này vấn đề tư vấn tâm lý, trấn an tinh thần rất quan trọng. Phải giúp BN hiểu và hợp tác thì BS mới điều trị thành công”, BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy
Đội PƯN đa số chỉ có bác sĩ nam, BS Anh Thơ là phụ nữ duy nhất, và cũng không có tên trong đội. Tuy nhiên do cần một bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm điều trị cho BN nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 nên BS Anh Thơ tham gia đội mà không có chút đắn đo. Chị là một trong những người trực tiếp điều trị thành công cho 2 cha con BN người Trung Quốc dương tính Covid-19. Chị vui vẻ: “Mình không sợ, gia đình lại càng không vì đã quá quen với những chuyện thế này khi mình mới vào nghề và công tác ở khoa nhiễm”.
Video đang HOT
BS trẻ Nguyễn Trọng Phương (29 tuổi) khoa Cấp cứu nhận được lệnh, không kịp gặp vợ mà chỉ nhắn qua điện thoại rồi ngay lập tức xách ba-lô lên và đi. “19h ngày 11/3 nhận lệnh điều động, 20h lên xe, rạng sáng ngày 12/3 ê-kíp có mặt ở Bình Thuận và bắt tay ngay vào việc. Những ngày điều trị cho BN, các y bác sĩ đều làm việc quên ăn quên ngủ, rất áp lực, căng thẳng. Làm nghề gì cũng có sai sót, nhưng với nghề y, nếu có sai sót sẽ ảnh hưởng đến mạng một con người. Vì vậy, ê-kíp PƯN luôn phối hợp với nhau và với BS địa phương, tìm ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh” – BS Phương kể.
Không chỉ khám chữa tất cả các loại bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, đội PƯN còn hỗ trợ tất cả các khâu, vấn đề phân luồng bệnh ban đầu khi tiếp nhận, phân luồng nơi cấp cứu, phòng khám, quá trình vận chuyển, tiếp nhận BN ban đầu. Sau đó xem nơi cách ly của BN, nơi cách ly ca nghi ngờ; thăm khám, tư vấn BN; xem phòng bệnh, mở cửa sổ thông thoáng… Nói chung là quán xuyến tất cả mọi việc kể cả các chi tiết nhỏ nhất. BS Anh Thơ cho hay, khi biết có BS Bệnh viện Chợ Rẫy đến thăm khám, BN rất an tâm, nhờ vậy tinh thần của BN được nâng cao.
Phải tắm 5-10 lần/ngày.
Tham gia đội PƯN, BS CKII Nguyễn Văn Thuận, khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Chúng tôi có lo lắng nhưng không lo sợ. Tuy nhiên, kinh nghiệm quý giá nhất, mang tính sống còn mà chúng tôi rút ra được khi chống dịch là nhân viên y tế cần bảo đảm an toàn cho bản thân. Thầy thuốc mà không an toàn thì lấy ai điều trị cho người bệnh? Thế nên, việc hình thành các kỹ năng bảo đảm an toàn cho thầy thuốc cũng như tránh lây nhiễm chéo giữa BN và người điều trị, hay giữa BN với nhau là cực kỳ quan trọng. Ngay cả những việc rất đơn giản cũng phải đưa vào quy trình, trở thành kỹ năng, như việc cởi chiếc áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở cánh cửa, rửa đôi bàn tay… Tất cả đều phải bảo đảm an toàn”.
Có tận mắt chứng kiến quy trình làm việc của y bác sĩ điều trị cho BN nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 mới thấy, ngay cả chế độ bảo vệ cho bản thân cũng phải nghiêm ngặt hơn bình thường. Khi thăm khám người nghi nhiễm phải mặc đồ chống dịch, sau đó phải thay áo quần, găng tay, mắt kính rồi mới tắm rửa và mặc đồ sạch lại. Tần suất khám không cố định, có ngày 5 lần, ngày 10 lần, thậm chí hơn. Nếu khám 5 lần thì tắm 5 lần, khám 10 lần thì tắm 10 lần. Không nhiễm bệnh thì cũng rất dễ nhiễm cảm lạnh vì tắm quá nhiều. “Bộ đồ ấy rất nặng, mặc vào cũng hơn 30 phút. Khẩu trang đeo đúng chuẩn phải thật khít mũi. Do đó vô cùng khó thở. Thăm khám xong, cởi bộ đồ là tự nhiên mình đi tìm nước uống. Nguyên nhân bộ đồ rất nóng, khiến cơ thể mất nước nhanh” – BS Anh Thơ cho biết.
BS Phương luôn phòng bệnh cho tất cả mọi người xung quanh. “Bản thân mình biết rõ nguy cơ nên rất hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Tôi chỉ gặp vợ và hầu như ở trong nhà sau khi rời bệnh viện. Mình càng hiểu rõ bệnh thì càng đề cao cảnh giác, tránh nguy cơ cho bất cứ người nào ở gần”- bác sĩ Phương kể.
Những bàn tay chai sần, bong da
Được trực tiếp tham gia buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm với các đội PƯN áo blouse của Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi cảm nhận rõ hơn tinh thần, trách nhiệm luôn sẵn sàng khi Tổ quốc cần của tập thể y bác sĩ chống dịch Covid-19 nơi đây. Thành phần của mỗi đội cơ động gồm y bác sĩ ở nhiều khoa như khoa Bệnh nhiệt đới, khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng… Tất cả đều đồng lòng, đồng sức đi đến bất cứ nơi đâu để cứu chữa, điều trị BN nhiễm Covid-19.
BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Kể từ khi Chính phủ công bố dịch Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai 2 đội PƯN sẵn sàng chờ lệnh. Các thành viên trong đội phản ứng nhanh luôn có 1 ba-lô, trong đó có đầy đủ các đồ dùng cá nhân, dụng cụ, và trong tâm thế sẵn sàng để triển khai nhiệm vụ ngay sau khi nhận lệnh”.
Nhìn bàn tay các BS, chúng tôi không khỏi xúc động lẫn cảm kích. Những đôi bàn tay ấy đang chai sần, lột da đến tứa máu. BS Anh Thơ xua tay khi tôi xin phép cầm tay chị. “Do mình phải rửa tay và dùng nước sát khuẩn liên tục, chưa kể súc họng nhiều lần nữa. Nhưng không riêng gì mình đâu, các y bác sĩ khác đều vậy. Trong cuộc chống dịch này, mỗi người đều chung tay góp sức, chỉ mong mọi người sẽ ý thức hơn trong việc tự bảo vệ sức khỏe cho mình cũng như cho cộng đồng”.
UYÊN PHƯƠNG
Chi viện đội phản ứng nhanh cho Bình Thuận sau ca siêu lây nhiễm 34
Bộ Y tế đã cử 1 đội phản ứng nhanh hỗ trợ Bình Thuận sau khi tỉnh này ghi nhận 9 ca mắc Covid-19.
Đây là đội phản ứng nhanh từng hỗ trợ Sơn Lôi, Vĩnh Phúc dập dịch thành công, do ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh phụ trách.
Đội sẽ có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Y tế Bình Thuận hỗ trị điều trị, chăm sóc, kiểm soát lây nhiễm và tập huấn chuyên môn.
Trước đó, BV Chợ Rẫy, TP.HCM cũng đã chi viện cho Bình Thuận 1 đội phản ứng nhanh, lên đường ngay đêm 11/3.
Khu vực điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19 tại BV đa khoa tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Sở Y tế Bình Thuận
Trong 41 ca dương tính mới ghi nhận từ 6/3 đến nay, Bình Thuận là địa phương có tổng số ca mắc lớn thứ hai cả nước với 9 ca (đứng đầu là Hà Nội với 11 ca).
Điều đặc biệt ở Bình Thuận là sự xuất hiện của chùm ca bệnh, xuất phát từ bệnh nhân siêu lây nhiễm số 34. Đến nay, bệnh nhân này đã lây trực tiếp cho 8 người, 2 người lây gián tiếp do tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh từ bệnh nhân thứ 34.
Ngoài ra, bệnh nhân 34 vẫn cung cấp thông tin nhỏ giọt, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, kiểm soát dịch tễ.
Đến nay, Sở Y tế Bình Thuận cho biết, số người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân thứ 34 đã lên tới 104 người, đang được cách ly tập trung tại BV Phổi, Trung đoàn BB812 và trường Quân sự tỉnh. Trong đó có 2 trường hợp nghi ngờ nhiễm đang đợi kết quả xét nghiệm.
Số trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là 761 người.
Từ Bình Thuận, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, cả 9 bệnh nhân dương tính tại tỉnh này đang điều trị tại BV đa khoa tỉnh, các bệnh nhân đã hết sốt, ổn định hơn và đang tiếp tục được theo dõi.
Trước tình hình dịch có nguy cơ lan rộng tại Bình Thuận, trong ngày 15/3, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đã vào Bình Thuận để kiểm tra công tác phòng chống dịch tỉnh này.
Thứ trưởng cho rằng Bình Thuận có bệnh nhân số 34 rất phức tạp. Là một doanh nhân, nên bệnh nhân này có quan hệ làm ăn, giao dịch nhiều người, nhiều nơi; khả năng lây lan bệnh cho nhiều người là rất cao.
Đây là điều Bộ Y tế rất quan ngại, nên đề nghị Bình Thuận phải hết sức chú ý. Ngành y tế phải tìm hết người đã tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 để khoanh vùng và cách ly triệt để, ngăn chặn lây lan.
Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Nguyễn Văn Luân cho biết thêm, ngoài bệnh nhân số 34, các bệnh nhân số 36, 41, 42, 43 cũng có nguy cơ lây bệnh rất cao vì tiếp xúc với nhiều người. Theo ông Luân, hiện TP. Phan Thiết phát hiện thêm 6 người đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 45 (trú Q.Tân Bình, TP.HCM).
Thúy Hạnh
Theo tuoitre.vn
Nhật ký chống dịch COVID-19 của bác sĩ Việt Nam: Trong phòng cách ly đặc biệt "Khu vực cách ly đặc biệt, cấm thân nhân ra vào" - dòng chữ in hoa trên nền tấm bảng màu đỏ đủ thấy độ nghiêm trọng của những gì diễn ra phía sau nó. Điều dưỡng làm việc tại phòng cách ly đăc biêt phải mặc bộ đồ bảo hộ nặng gần 2kg, nóng hầm hập cả người với khẩu trang N95,...