Bắc những nhịp cầu để tránh trầm cảm
“Đừng để mình là cô dâu xa xứ “biết đâu mà về”, hãy luôn tỉnh táo giữ sự kết nối với quê hương, với bạn bè, gia đình để thấy mình không chỉ có một chỗ dựa là chồng”…
Không ít người vẫn nghĩ, lấy chồng nước ngoài khác gì… mất tích. Khi Thúy Vy (32 tuổi) thông báo sẽ cưới Việt kiều Mỹ, gạt qua mọi lời bàn lùi, cô rất tự tin. Ai mất tích, chứ cô là phóng viên giỏi giang, năng động, biết tiếng Anh, đâu dễ chìm nghỉm nơi xứ người.
Nhưng nước Mỹ luôn là giấc mơ quá lớn đối với những cô dâu Việt. Vy chia sẻ rằng, chồng cô nói vợ cứ yên tâm học tiếng Anh cho giỏi để lấy bằng về truyền thông, nhưng quả thật tham vọng làm nghề truyền thông trên đất Mỹ quá xa vời. Vy mau chóng nhận ra, việc cô tìm kiếm điều gì ở cuộc hôn nhân xa xứ này quan trọng hơn là tìm kiếm một sự nghiệp khi đã không còn trẻ. Cuối cùng, cô quyết định theo nghề nail, để không rơi vào cảm giác bị cả thế giới bỏ rơi.
Việc học và đi về tiệm nail giúp Vy hòa nhập với người Mỹ. Cô góp nhặt rất nhiều câu chuyện mình nghe, thấy, hiểu để chia sẻ trên một group của người Việt. Cô nói, sự kết nối và tương tác trên các diễn đàn mạng khiến cô thấy mình gần gũi với cộng đồng người Việt, với bạn bè người thân và vui vẻ trở lại.
Ban đầu, Thanh Sang là phiên dịch viên cho công ty của một người Nhật tại Sài Gòn. Tình yêu với ông chủ nảy sinh, họ kết hôn và cô gật đầu qua Nhật sống với gia đình chồng vì anh là con một trong nhà. Bốn năm đầu tiên là chuỗi ngày khó khăn khi cô chỉ ở nhà với bố mẹ chồng, bởi chồng cô luôn đi về giữa Việt Nam và Nhật. Gia đình chồng là những người Nhật nhân hậu, nhưng họ sống khép kín và nền nếp. Dù biết tiếng Nhật và được bố mẹ chồng tôn trọng, Sang vẫn thấy mình như cô Ô-sin vô dụng trong nhà. Quanh năm chỉ nấu nướng, dọn dẹp và chăm con, quanh quẩn chờ ngày chồng về. Cô buồn chán đến mức trầm cảm.
Từ mạng Facebook, Sang giữ liên lạc với một vài người bạn Việt Nam, chính sự trao đổi động viên của bạn bè khiến cô thấy mình không phù hợp với cuộc sống cô dâu Nhật. Cô đề nghị với chồng được làm việc trở lại cùng anh. Vợ chồng sẽ cùng đi về giữa Nhật và Việt Nam để vẫn chăm sóc được bố mẹ chồng và cô được kết nối với nhà ngoại.
Video đang HOT
Cô tìm được cho con môi trường giáo dục tốt ở Sài Gòn và dần dần, Sài Gòn đã trở thành ngôi nhà thứ nhất của hai vợ chồng. Sang nói, nếu ngày xưa cô cứ ôm con ở nhà tự bọc mình trong vỏ kén trầm cảm, có lẽ ngay cả con cô cũng không thể phát triển tốt với một người mẹ bất bình thường.
Cuộc sống ở một đất nước xa lạ không bao giờ dễ dàng. Chị Thu Hồng – chủ một group bán online hàng Mỹ – chia sẻ: “Tự tin rằng mình là người độc lập, vững vàng, nhưng tôi mất đến 4-5 tháng khóc một mình vì chỉ quanh quẩn nấu nướng, dọn dẹp, nghĩ cách tiết kiệm chi tiêu và chờ hoàn thành các loại giấy tờ”. Cái khó nhất của cô dâu xứ người là không để bản thân gục ngã, không để cảm giác vô dụng hay vỡ mộng xâm chiếm, không để sự trách móc bào mòn tình cảm vợ chồng.
“Nếu bạn đã từng là cô gái văn phòng là lượt kiêu hãnh, qua Mỹ bạn vẫn có thể tận dụng khả năng biết chọn hàng hóa tốt để “bán hàng xuyên lục địa”. Nhờ vậy mà thiết lập những cộng tác viên, tạo nhịp cầu với bạn bè, bà con ở Việt Nam, vừa độc lập tài chính lại có thời gian đi học.
Cũng như Thu Hồng, cô dâu nước Bỉ tên Thanh Midori chọn kênh online trong cộng đồng người Việt ở Bỉ để thể hiện tài nấu nướng. Kết nối với mọi người trong thành phố, cô rao những món ăn Việt Nam đơn giản dễ làm và hẹn giao hàng vào cuối tuần. Công việc nấu nướng này giúp cô bớt buồn tẻ và thêm thu nhập.
“Đừng để mình là cô dâu xa xứ “biết đâu mà về”, hãy luôn tỉnh táo giữ sự kết nối với quê hương, với bạn bè, gia đình để thấy mình không chỉ có một chỗ dựa là chồng” là cách để vượt qua những tháng ngày cô độc trên đất khách – chị Hồng liên tục nhắc cô em gái đang khăn gói chuẩn bị xuất cảnh theo anh chồng Đài Loan…
Đinh Nga
Theo phunuonline.com.vn
Cô dâu gốc Việt và tình yêu cổ tích xúc động triệu con tim người Mỹ
Trong lễ cưới tại giáo đường, Nguyễn Ngọc Vy - cô dâu trẻ gốc Việt chỉ có thể nói thì thào và người chồng đã chuẩn bị sẵn những bình dưỡng khí cho Vy.
Lúc đó Vy, cùng chồng và các thân nhân đều biết mạng sống của cô chỉ còn tính theo từng ngày.
Vy Nguyễn hạnh phúc ngập tràn bên chồng trong lễ cưới được miêu tả là màu nhiệm.
Đám cưới bằng tình yêu đẹp như cổ tích của Vy và Andrew đã từng lay động nhiều con tim khi báo chí Mỹ đăng tải câu chuyện của cô. Trong lễ cưới tại giáo đường Do Thái Giáo, Andrew đã kéo theo những bình dưỡng khí cho Vy. Lúc đó Vy, Andrew và người thân của họ đều biết mạng sống của cô chỉ còn tính theo từng ngày. Để Vy có thể bước đi giữa hai dãy ghế trong giáo đường vào ngày cưới với Andrew là một điều mầu nhiệm.
Trong tháng 6 trước đó, cô đã cải đạo sang Do Thái Giáo.Bảy năm trước đó, Vy được chẩn đoán mắc một dạng ung thư hiếm có. Đầu năm 2018, Vy phải trải qua một cuộc giải phẫu soi mở khí quản để giúp cho cô thở. Tuy chỉ có thể nói thì thầm, Vy vẫn dự hôn lễ tại giáo đường Congregation Chevra Thilim bằng cách ghi âm trước những lời thề nguyện và những lời phát biểu. Xung quanh Vy đã có sẵn 14 bình dưỡng khí và một cái máy để bơm đầy lại những bình dưỡng khí. Thêm vào đó, cứ mỗi giờ mọi sinh hoạt phải tạm ngưng, để cô được hút phổi bằng một ống thông. Đám cưới của họ đã khiến rất nhiều người rơi lệ vì xúc động và ngưỡng mộ tình yêu cao cả của Vy và Andrew.
Và đây là hình ảnh xúc động khi chú rể phải kéo bình dưỡng khí cho cô dâu trong suốt đoạn đường đi vào hành lễ.
Nhưng niềm hạnh phúc của Vy không kéo dài được bao lâu khi gia đình báo tin buồn rằng Vy đã từ trần vào ngày 5.2.2019, đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán vừa qua, khi cô chỉ mới 33 tuổi. Andrew Koller, 34 tuổi, gặp Vy năm 2005 khi đến thăm một người bạn tại trường đại học UC Santa Barbara. Vy lớn lên tại thành phố Union City ở East Bay trong vùng San Francisco. Hai người đã tâm đầu ý hợp ngay từ lúc đó và giữ liên lạc với nhau.
Họ bắt đầu hẹn hò vào năm 2009, liên lạc bằng điện thoại, và sau đó đến với nhau năm 2012 khi Andrew, một người từ tiểu bang Tennessee, quyết định tới San Francisco để được gần Vy. Sau một thời gian sống ở San Francisco, họ đã sống tại nhà của cha mẹ của Vy tại Hayward, vì cô cần được chăm sóc liên tục. Hayward là nơi Vy đã chào đời vào ngày 22.12, 1985Năm 2011 khi tốt nghiệp ở Philadelphia, Vy được chẩn đoán mắc bệnh synovial sarcoma, một loại ung thư mô mềm thường bắt đầu ở chân hoặc cánh tay, nhưng có thể xuất hiện trong bất cứ bộ phận nào của cơ thể.
Còn anh Andrew làm việc cho Healthline.com trong ban quản trị sản phẩm. Vì bệnh đến khi mối quan hệ của họ vẫn còn khá mới, nên vấn đề hôn nhân chưa được thảo luận.
Trong bảy năm, Vy Nguyễn trải qua nhiều ca mổ, quá nhiều đến nỗi cặp vợ chồng không thể nhớ hết. Bệnh ung thư tái phát năm lần, và phổi của cô bị suy sụp vì trị liệu hóa học.
Mặc dù vậy, hai người đã có một số chuyến phiêu lưu phi thường trong những năm đầu họ sống với nhau, chẳng hạn như leo núi Shasta, đi bộ dã ngoại tại Half Dome ở Yosemite, và thăm thủ đô Paris. Từ lâu Vy rất thích phiêu lưu, tận hưởng những lần đi cắm trại với anh em trong gia đình. Cô rất thích đi bộ dã ngoại và thường viếng những công viên quốc gia khắp nước Mỹ. Tuần báo JWeekly cho biết cô đã sưu tầm hơn 50 con tem lưu niệm từ các công viên quốc gia. Vy cũng leo lên tới tận đỉnh mấy ngọn núi, kể cả Shasta và Half Dome tại California. Vy cũng từng đi du lịch qua 7 quốc gia, và đặc biệt là cô rất thích hai nước Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi đã học được cách sống với tình trạng khẩn cấp cực độ và vẫn còn hy vọng," anh Andrew Koller từng nói. Andrew luôn ở bên cạnh Vy. Ngay cả khi anh được cô cho phép rời khỏi mối quan hệ để đến với một phụ nữ khác trong những năm đầu, anh vẫn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời xa Vy.
Nhưng cuối cùng, Vy cũng pải rời xa Andrew mãi mãi, thứ cô để lại cho chồng là tình yêu đẹp như cổ tích và hai con chuột bạch được hai vợ chồng nuôi đặt tên là Tank and Nitro. Hai tên gọi này lấy ra từ bình khí nitro mà Vy cần mang theo bên mình trong những tháng cuối đời.
Theo Danviet
Áo dài cưới thêu hoa trên lụa Bảo Lộc do Ngọc Hân thiết kế Các tà áo dài mang phom dáng truyền thống được Ngọc Hân lấy cảm hứng từ hoa cỏ mùa xuân, tôn vinh nét đẹp cô dâu Việt. Những tà áo dài trong bộ sưu tập mới dành cho cô dâu của Ngọc Hân được làm trên nền chất liệu lụa đến từ Bảo Lộc - nơi được coi 'thủ phủ' của ngành tơ...