Bắc Kinh “né” tranh chấp để thực thi tham vọng Trung Đông
Với mức độ hiện diện ngày càng mạnh mẽ tại Trung Đông, Trung Quốc đang thể hiện tham vọng tạo ảnh hưởng tại khu vực bất ổn nhưng đầy tiềm năng này, tờ Diplomat của Nhật nhận định.
Quân đội và bác sĩ Trung Quốc làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Trung Đông. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Đầu tháng 6/2015, phát biểu trong Hội nghị Thượng định G7 tại Đức, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận chính quyền của ông đã không có “chiến lược toàn diện” đối với các tay súng Hồi giáo cực đoan tại Trung Đông.
Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong bài phát biểu, thông điệp về Trung Đông của Tổng thống Obama đủ cho thấy Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong cách thức đối phó với các vấn đề phức tạp ở khu vực này.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, chiến lược mới của Mỹ tại Trung Đông là cần coi Trung Quốc như một “nhân tố mới”. Sở hữu tham vọng mở rộng ảnh hưởng, có mối quan hệ kinh tế với các quốc gia khu vực ngày càng phát triển, lại không đặt nặng vấn đề tư tưởng tôn giáo, Trung Quốc được coi như đang trở thành “nhân tố mới” đáng chú ý tại Trung Đông.
Mỹ không còn là một đầu mối hiệu quả?
Tại Trung Đông, vấn đề bức xúc nhất là xung đột giữa Israel với các quốc gia Ả rập. Mỹ từ lâu luôn ủng hộ Israel. Theo quan điểm của thế giới Ả rập, Mỹ là hiện thân cho “bên kia” trong cuộc chiến Israel – Ả rập và không thể đóng vai trò cầu nối trong cuộc xung đột.
Mạng lưới quan hệ phức tạp của Washington tại Trung Đông đã khiến Mỹ mắc kẹt, trở thành một phần vấn đề tại Trung Đông. Do đó, Mỹ không còn là cầu nối hiệu quả trong các xung đột khu vực.
Tuy nhiên, Washington lại không thể cắt đứt quan hệ với Trung Đông, mà buộc phải duy trì sự có mặt tại khu vực này với 3 lý do:
Thứ nhất là nghĩa vụ giúp tái thiết Iraq sau cuộc tàn phá trong cuộc chiến do Mỹ tạo ra năm 2003.
Thứ hai là do vấn đề hạt nhân Iran.
Cuối cùng, Mỹ là đồng minh của Israel nên một khi xung đột giữa Israel và thế giới Ả rập chưa kết thúc, người Mỹ chưa thể rời đi.
Kinh tế – thuốc đặc trị cho Trung Đông
Video đang HOT
Theo quan điểm của Trung Quốc, không có “phương thuốc” nào cho xung đột kéo dài hàng thế kỷ tại Trung Đông. Đặc biệt, khi những “ mối thù truyền kiếp” này bắt nguồn từ tiền bạc, thì chỉ khi các điều kiện kinh tế được cải thiện, căng thẳng mới có thể giảm bớt.
Trong nỗ lực tạo ảnh hưởng tại Trung Đông, bằng chính sách tăng cường đầu tư vào khu vực, Trung Quốc đã khôn khéo xây dựng quan hệ bền chặt với cả hai bên đối đầu là Israel và các quốc gia Ả rập.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư lớn vào dự án “Ốc đảo Silicon” của Israel và hỗ trợ mạnh về vốn cho quốc gia này. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Israel, còn Israel là nguồn cung cấp công nghệ quân sự lớn thứ 2 của Bắc Kinh.
Tại thế giới Ả rập, các công ty Trung Quốc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, tham gia buôn bán vũ khí, khởi xướng các hoạt động khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ và khoáng sản của khu vực. Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 6,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó một nửa là từ Trung Đông.
Đứng ngoài tranh chấp
Cần khẳng định, Trung Quốc có nhiều ưu thế hơn so với Mỹ (và các cường quốc khác như Anh, Pháp, Đức, hay Nga) ở Trung Đông.
Thứ nhất, Bắc Kinh không đặt nặng các vấn đề tôn giáo, thuộc địa và lịch sử như các quốc gia khác. Bằng việc khôn khéo đứng ngoài tranh chấp Ả rập-Israel, Trung Quốc đã không sa vào bãi lầy thiên vị nhạy cảm giữa Do Thái và Hồi giáo.
Tăng cường đầu tư ở Trung Đông, Bắc Kinh không nhất thiết phải đảm bảo thành công về ngoại giao trong tương lai, do Trung Quốc không có liên quan gì tới khu vực về mặt địa lý hay nhân khẩu học.
Trong khi Washington vẫn phải hiện diện ở Trung Đông để thực hiện các cam kết an ninh, Bắc Kinh lại có điều kiện chứng tỏ vai trò nước lớn tại khu vực và quan trọng hơn là để làm kinh tế.
Một số nhà bình luận Mỹ cho rằng, để hiện thực hóa tham vọng trở thành siêu cường thế giới của mình, Bắc Kinh không thể bỏ qua “mảnh đất màu mỡ” Trung Đông.
Tuy nhiên, một số khác cho rằng Trung Quốc không thể “gây mầm” an ninh, hòa bình và ổn định tại Trung Đông nếu thiếu Mỹ (cũng như các cường quốc khác).
Song không ai có thể phủ nhận tham vọng mở rộng ảnh hưởng, khai thác tiềm năng kinh tế khu vực của Bắc Kinh, Diplomat nhấn mạnh.
Nghi Phương
Theo Diplomat
Hoàn tất cải tạo đảo, Trung Quốc vẫn khó "vẫy vùng" ở Biển Đông
Dù tuyên bố hoàn tất việc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông, tiềm lực thực sự của Hải quân Trung Quốc khó có thể theo kịp tham vọng của nước này.
Muốn lập ADIZ ở Biển Đông cũng khó
Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, tham vọng đầu tiên của Trung Quốc khi tiến hành việc cải tạo phi pháp các bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và xây các căn cứ quân sự tại đó không có gì khác ngoài việc biến khu vực đó thành của riêng mình thông qua việc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) như đã từng làm ở biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013.
Hình ảnh mà Trung Quốc công bố đã hoàn tất cải tạo một đảo ở Biển Đông (Ảnh Tân Hoa xã)
Nhận định này dù được cho là nhiều khả năng xảy ra nhất khi chính Trung Quốc cũng từng ngang nhiên tuyên bố có quyền thiết lập ADIZ ở Biển Đông và thời điểm thiết lập còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại đó.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, những tuyên bố trên của phía Trung Quốc mang nhiều tính "dọa dẫm" hơn thực tế bởi Trung Quốc không muốn "há miệng mắc quai" như vụ thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông.
Tại thời điểm đó, dù hùng hồn tuyên bố thiết lập ADIZ và đưa ra một loạt các yêu sách cho máy bay, tàu các nước đi qua khu vực mà mình thiết lập, Trung Quốc đã gần như "im lặng hoàn toàn" khi 2 pháo đài bay B-52 của Mỹ bay qua.
Đáng chú ý, loại máy bay B-52 này thuộc biên chế của Không lực Hoa Kỳ đã hơn nửa thế kỷ qua. Đây là những chiếc máy bay có tốc độ bay khá chậm so với những chiến đấu cơ hiện đại và lại rất dễ để nhận diện so với các loại máy bay tàng hình hiện nay.
Không những thế, điều duy nhất mà Trung Quốc làm được chỉ là tuyên bố đã giám sát 2 máy bay này, bất chấp việc sau vụ đó người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Steve Warren lên tiếng thách thức: "Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch bay của mình qua khu vực quần đảo Senkaku như trước đây và sẽ không cung cấp kế hoạch bay, thông báo bằng điện đàm hay đăng ký tần số chuyến bay với phía Trung Quốc".
Hơn thế nữa, cùng với Mỹ, các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã "phớt lờ" ADIZ của Trung Quốc và coi ADIZ như "chưa hề tồn tại".
Khu vực ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố đơn phương thiết lập ở Biển Hoa Đông năm 2013 (Ảnh AP)
Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, dù có muốn thiết lập ADIZ ở Biển Đông, Trung Quốc cũng phải tính toán cực kỳ kỹ lưỡng bởi Biển Đông là khu vực được coi là có tính chất chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh nhằn ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vấp phải phản ứng "mạnh mẽ hơn gấp bội" nếu dám cả gan thành lập ADIZ ở Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã "thấm" bài học ADIZ ở biển Hoa Đông và rõ ràng là không muốn một lần nữa "biến mình thành con rồng giấy" khi những tuyên bố mà mình đưa ra lại bị phớt lờ mà không thể có những hành động đáp trả xứng đáng.
Chính những khó khăn như trên đã khiến những lời đe dọa "có quyền đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông" của Trung Quốc trở nên khôi hài hơn bao giờ hết.
Chỉ sở hữu 1 tàu sân bay, Trung Quốc khó vươn xa
Một tham vọng nữa của Trung Quốc mà nhiều chuyên gia cũng đã từng chỉ ra là biến các bãi đá mà Trung Quốc đã cải tạo thành các tiền đồn quân sự để từ đó làm bàn đạp vươn ra khắp Thái Bình Dương và các đại dương khác trên thế giới.
Tuy nhiên, ước vọng này cũng khó trở thành hiện thực nếu so tương quan về Hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi một nước muốn mở rộng tầm hoạt động trên đại dương thì yếu tố quan trọng hàng đầu cần tính đến chính là sức mạnh của tàu sân bay trong hạm đội hải quân của chính bản thân nước đó.
Rõ ràng, chỉ với một tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc khó có thể đối chọi với 10 tàu sân bay hiện đang hoạt động trên khắp các đại dương của Mỹ.
Được coi là "căn cứ Hải quân trên đại dương" các tàu sân bay thường giúp đảm bảo sự hiện diện thường xuyên, liên tục của Hải quân các nước trên biển. Chính vì thế, chỉ với một tàu sân bay Liêu Ninh, dù có cố đến đâu, Trung Quốc cũng khó có thể vươn quá xa ra khỏi Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc chưa thể giúp nước này vươn xa khỏi Biển Đông (Ảnh Reuters)
Điều này là bởi, Trung Quốc không hề có các căn cứ Hải quân trên bộ đặt tại các nước đồng minh như Mỹ nên tàu sân bay của Trung Quốc sẽ buộc phải rút về căn cứ Hải quân của nước này trước khi thời hạn hoạt động của tàu kết thúc. Điều này khiến cho sự hiện diện của tàu tại một khu vực nào đó sẽ bị gián đoạn đáng kể.
Hơn thế nữa, khác với các tàu sân bay đang hoạt động của Mỹ, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng chỉ là "bằng giấy" khi mà các máy bay chiến đấu của Trung Quốc không thể cất cánh hay hạ cánh trên tàu. Điều này cũng có nghĩa tính năng cơ bản nhất để đảm bảo sự cơ động của Hải quân Trung Quốc trên đại dương là hoàn toàn không có.
Như vậy, sự hiện diện của tàu sân bay Liêu Ninh chỉ nhằm phục vụ ảo tưởng về một quốc gia hùng cường đủ khả năng sở hữu tàu sân bay hơn là thực tế sử dụng tàu sân bay này.
Chính vì vậy, cũng như việc "năm lần bẩy lượt" dọa thiết lập ADIZ ở Biển Đông, việc sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh cũng có thể chính là "con dao hai lưỡi với Trung Quốc" bởi không khó để nhận ra rằng, sự phô trương ấy cũng chỉ che đậy tiềm lực Hải quân còn rất hạn chế của Trung Quốc so với Mỹ.
Có thể nói, dù đã hoàn tất việc cải tạo đảo ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn vấp phải muôn vàn khó khăn khi muốn thúc đẩy tham vọng bành trướng của mình. Tham vọng ấy vượt xa tiềm lực thực tế của Trung Quốc và khiến nước này cho đến nay vẫn chưa thể tính tiếp được "hải trình" phía trước của mình./.
Theo VOV Online
Tham vọng phi thực của Lầu Năm Góc Công nghệ trong tương lai của Lầu Năm Góc tràn đầy những tham vọng, từ các loại áo giáp "siêu nhân" đến thiết bị cấy ghép kiểm soát được rối loạn tâm thần. DARPA đang theo đuổi tham vọng lưu trữ ký ức của con người trên máy tính - Ảnh: Mind-computer.com Các dòng vi khuẩn có thể lập trình để thao túng...