Bắc Kinh kêu gọi “hòa bình và hữu nghị” tại Biển Đông
Bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Brunei ngày 9/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi “hòa bình và hữu nghị” tại Biển Đông, nơi đang diễn ra những tranh chấp gay gắt giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc diễn ra ở Brunei ngày 9/10.
Ông Lý Khắc Cường tuyên bố: “Chúng ta cần phải đồng lòng làm việc để biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.”
Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, con đường hàng hải quan trọng cho thương mại quốc tế và có tiềm năng dầu khí lớn. Nhưng yêu sách này bị nhiều quốc gia thành viên ASEAN phản đối.
Nhằm giảm bớt những bất đồng, từ mười năm qua ASEAN đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc ký kết Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, để tránh những diễn biến xấu trong các tranh chấp lãnh thổ. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh chỉ muốn thương lượng song phương mà giới phân tích cho là nhằm dùng sức mạnh của người khổng lồ châu Á áp đảo các nước láng giềng nhỏ yếu.
Gần đây, có vẻ đã có một vài tiến triển khi phía Bắc Kinh cho rằng đã “mở cửa” hơn trong vấn đề này. Vào giữa tháng 9, Trung Quốc hứa hẹn sẽ thảo luận dần với ASEAN về hồ sơ Biển Đông. Một nhóm công tác chung được thành lập, phụ trách việc tiến hành “các tham vấn cụ thể” về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử.
Trong bài diễn văn đầu tiên đọc trước Quốc hội Indonesia tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố: “Liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ trên biển và đất liền giữa Trung Quốc và ASEAN, đôi bên cần tôn trọng nguyên tắc tham vấn hòa bình và đối thoại hữu nghị, giải quyết xung đột bằng các biện pháp êm thấm nhằm duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực.”
Video đang HOT
Trong khi đó, tờ Want China Times của Đài Loan hôm 7/10 dẫn nguồn tin của báo Nhật Mainichi Shimbun cho biết Trung Quốc đang xây dựng căn cứ tàu ngầm ở ngoài khơi đảo Hải Nam.
Theo Dantri
TQ sẽ 'chộp' nhiều diện tích Biển Đông trước khi kí COC?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/9 thông báo, nước này và ASEAN sẽ tiến hành các cuộc họp bàn về việc thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) vào cuối tuần này.
Có những cuộc tham vấn chính thức về COC
Tại cuộc họp báo định kỳ vừa diễn ra chiều 10/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cho biết cụ thể rằng, các cuộc họp về Biển Đông sắp tới là Cuộc họp Quan chức Cấp cao lần thứ 6 và cuộc họp Nhóm Làm việc Chung lần thứ 9 về việc thực thi DOC.
Trung Quốc và ASEAN đã ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông hồi năm 2001, trong đó vạch ra những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc quản lý, kiểm soát các tranh chấp ở Biển Đông.
Theo ông Hồng Lỗi, các quan chức tham dự cuộc họp cuối tuần này sẽ trao đổi sâu với nhau về quan điểm đối với việc thực thi hiệu quả và nghiêm túc DOC cũng như việc tăng cường hợp tác về hàng hải giữa các nước.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại một hội nghị với ASEAN gần đây
Theo lời ông Hồng Lỗi, các cuộc họp sắp tới cũng sẽ bao gồm "cả những cuộc tham vấn chính thức về COC trong khuôn khổ thực hiện DOC".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu, ông tin tưởng rằng cả Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN sẽ có thể bảo vệ hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông sau các cuộc họp sắp tới.
ASEAN và Trung Quốc muốn gì qua COC?
Về phía ASEAN, phải khẳng định xu thế chung của khu vực là nhất trí hình thành một COC với mục tiêu càng sớm càng tốt. Cũng vì mong muốn ấy, các nước ASEAN đã họp, đã thống nhất được các thành tố cần thiết của COC trong tương lai từ lâu.
Theo đó, ASEAN cho rằng, COC cần là Bộ Quy tắc tổng thể và mang tính ràng buộc, kế thừa các quy định quan trọng của DOC, nhưng cần phải nâng cao hơn DOC, trong đó cần phải bổ sung thêm những quy định, cơ chế nhằm ngăn ngừa xung đột, cũng như các cơ chế về bảo đảm thực hiện những cam kết trong COC, tuân thủ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, hay về xử lý các tranh chấp về áp dụng và giải thích COC.
Có thể nói, ASEAN tin tưởng nếu đạt được COC với Trung Quốc, các quốc gia này sẽ có cơ hội chung sống trong một môi trường hợp tác, ổn định với Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc thực sự đang suy tính gì với COC?
Hôm 4/9, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch chiếm bãi cạn Scarborough nhằm mở rộng lãnh thổ của mình trước khi Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC) được kí kết. Ông Rosario cũng thúc giục các nước ASEAN đẩy nhanh tốc độ đàm phán về COC.
"Kiểu hành động đó đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực. Nếu ngày hôm nay Philippines là mục tiêu, ngày mai một quốc gia khác sẽ trở thành mục tiêu. Vì thế cần coi đây là vấn đề của cả khu vực", ông del Rosario nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn: "Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhượng bộ với những gì thuộc về lợi ích cốt lõi của mình."
Đáp lại, người phát ngôn Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng Philippines "chuyện bé xé ra to" về vấn đề Scarborough, khu vực "thuộc chủ quyền không thể tách rời của Trung Quốc".
Trong nhiều tuyên bố trước đây, những nhà lãnh đạo nhà nước, tướng tá quân đội, học giả Trung Quốc đều khẳng định Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc trên con đường hiện thực hóa giấc mơ "đại Trung Hoa".
Hồi cuối tháng 8, trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ tại Lầu Năm Góc, ông Thường Vạn Toàn cũng một lần nữa nhấn mạnh: "Đừng ai mơ tưởng rằng Trung Quốc sẽ đem lợi ích cốt lõi của mình đi trao đổi và cũng đừng ai đánh giá thấp ý chí và quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải của mình"
Trong khi đó, tác giả James R. Holmes trên tờ Diplomat cảnh báo rằng ASEAN nên cẩn trọng trong vấn đề Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) bởi lẽ Trung Quốc có thể sử dụng COC để hợp thức hóa những khu vực trên Biển Đông mà nước này chiếm từ các nước khác.
Tác giả này cho rằng Ngoại trưởng Philippines del Rosario có lý khi cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đi trước COC. Trung Quốc sẽ "chộp lấy" càng nhiều diện tích trên Biển Đông càng tốt và sau đó nhất trí với một bộ quy tắc ứng xử đảm bảo tính hợp pháp cho những vùng mà nước này chiếm được.
Theo Báo Đất Việt