Bắc Kinh báo động đỏ về ô nhiễm không khí: ‘Gậy ông đập lưng ông’
Người dân Trung Quốc đang phải hứng chịu hậu quả từ chính sách tăng trưởng kinh tế bất chấp yếu tố môi trường của chính phủ nước này.
Bắc Kinh ngày 7.12 đã ban bố mức báo động đỏ về ô nhiễm không khí, mức cao nhất trong thang cảnh báo ô nhiễm của nước này – Ảnh: Reuters
Lần đầu tiên trong lịch sử, Bắc Kinh ngày 7.12 đã ban bố mức báo động đỏ về ô nhiễm không khí, mức cao nhất trong thang cảnh báo ô nhiễm của nước này. Theo đó, thủ đô của Trung Quốc sẽ chìm trong khói bụi dày đặc từ ngày 8 tới 10.12, theo Tân Hoa xã.
Với mức cảnh báo này, một số nhà máy ở Bắc Kinh sẽ phải dừng hoặc hạn chế sản xuất, hoạt động xây dựng ngoài trời sẽ bị cấm, ngoài ra các trường tiểu học và mẫu giáo được khuyến cáo cho học sinh nghỉ học. Bên cạnh đó, các loại xe cộ sẽ bị cấm hoặc hạn chế lưu thông.
Bộ phận theo dõi ô nhiễm không khí thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cho biết vào thời điểm 7 giờ sáng ngày 8.12 ở Bắc Kinh(6 giờ sáng, giờ Việt Nam), mật độ bụi PM 2,5 trong không khí là 291 microgam/mét khối, cao gấp gần 12 lần so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, theo BBC.
Trước đó, hôm 9.11 chính quyền Bắc Kinh cũng đã ra cảnh báo ở mức da cam về ô nhiễm không khí. Đã có thời điểm mật độ hạt bụi PM 2,5 đo được trong không khí ở thủ đô Trung Quốc lên đến 666 microgam/mét khối, cao gấp 25 lần so với mức độ an toàn WHO đề ra.
Trả giá bằng sức khỏe con người
Khói bụi dày đặc, người dân Trung Quốc đi ngoài đường phải mang khẩu trang – Ảnh: Reuters
Khói bụi dày đặc, biểu hiện của ô nhiễm không khí trầm trọng ở Bắc Kinh nói riêng và Trung Quốc nói chung đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Theo dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, nồng độ bụi PM 2,5 trong không khí ở mức 300 microgam/mét khối đã được coi là rất nguy hiểm. Loại bụi này có thể ăn sâu vào phổi người, dẫn đến nguy cơ các bệnh về hô hấp, thậm chí gây ung thư.
Theo ước tính của tổ chức nghiên cứu Berkeley Earth có trụ sở ở Mỹ, mỗi ngày có khoảng 4.000 người chết vì ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, và hít thở không khí ở thủ đô Bắc Kinh tương đương hút 40 điếu thuốc lá mỗi ngày, theo CNBC.
Video đang HOT
Một số thống kê khác cũng cho thấy con số đáng báo động về tác hại của ô nhiễm không khí ở Trung Quốc. Báo cáo của Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu cũng chỉ ra rằng 1,23 triệu người chết yểu ở Trung Quốc trong năm 2010 vì ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm không khí với tuổi thọ của người dân ở Trung Quốc. Theo đó, người dân ở các thành phố miền bắc Trung Quốc có tuổi thọ trung bình thấp hơn 5,5 năm so với người dân ở miền nam. Theo AP, mật độ bụi PM 2,5 trong không khí tại các thành phố ở miền bắc Trung Quốc cao hơn 55% so với ở miền nam nước này.
“Gậy ông đập lưng ông”
Một nghệ sĩ người Trung Quốc trong trang phục thiết kế bằng các ống nhựa màu da cam khi Bắc Kinh báo động cam về ô nhiễm không khí – Ảnh: Reuters
Các thống kê cho thấy Bắc Kinh và các thành phố khác của Trung Quốc đã thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí. Theo trang The Financialist, ô nhiễm ở Trung Quốc, điển hình là ô nhiễm không khí, gây thiệt hại khoảng 100 tỉ USD mỗi năm.
Theo số liệu được trường Y tế công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh cung cấp, chỉ trong năm 2012, 4 thành phố gồm Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An và Bắc Kinh đã thiệt hại kinh tế hơn 1 tỉ USD. Trước đó, một thống kê khác của Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu chỉ ra rằng Trung Quốc tổn thất 13% GDP trong năm 2010 vì những tác động của ô nhiễm không khí đối với hoạt động kinh tế.
Với các mức báo động về ô nhiễm không khí như hiện nay, nhiều nhà máy, xí nghiệp buộc phải dừng hoạt động trong nhiều ngày, gây thiệt hại về kinh tế. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành du lịch nước này.
Không chỉ thiệt hại kinh tế với những con số nói trên, khói bụi mù mịt cũng làm nhiều doanh nhân nước ngoài lo sợ, không dám tới Trung Quốc hoặc chọn cách rời khỏi nước này. Reuters dẫn kết quả khảo sát của Phòng thương mại Mỹ tại Bắc Kinh hồi năm 2014 cho biết, gần một nửa số công ty nước ngoài hoạt động tại Bắc Kinh và các thành phố miền bắc Trung Quốc không thể giữ chân các lãnh đạo và nhân sự cấp cao ở lại Trung Quốc.
Lý do chính khiến họ ra đi là tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các thành phố này. Họ lo ngại ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và cuộc sống của họ và gia đình. Trong khi đó những người mới lại từ chối tới Trung Quốc. Có tới 19% các công ty nước ngoài phản hồi rằng khói bụi mù mịt ở các thành phố Trung Quốc là vấn đề gây khó khăn đối với việc tuyển dụng nhân sự cấp cao.
Chính quyền Trung Quốc đã và đang làm gì?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris mới đây rằng giải quyết biến đổi khí hậu “không được làm giảm khả năng phát triển đất nước” – Ảnh: Reuters
Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng cao ở Trung Quốc hiện nay xuất phát từ việc công nghiệp hóa và đô thị hóa ồ ạt mà không quan tâm tới vấn đề môi trường. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 2.12 cũng đã hối thúc chính quyền nước này phải hành động để giảm tình trạng khói bụi độc hại như hiện nay. Tờ báo mạnh mẽ khẳng định: “Sức khỏe con người cần được quan tâm hơn nhiều so với chỉ số GDP”.
Báo giới Trung Quốc cũng cho rằng nước này đang từng bước có những biện pháp để đối phó ô nhiễm không khí, bao gồm việc tăng mức báo động, cấm các tác nhân gây ô nhiễm không khí như đình chỉ sản xuất một số nhà máy, xí nghiệp, cấm lưu thông các phương tiện giao thông thải khí quá mức qui định.
Bản thân chính quyền trung ương Trung Quốc cũng đã nhiều lần khẳng định đối phó với ô nhiễm môi trường là ưu tiên hàng đầu. Hồi cuối tháng 8, Trung Quốc đã thông qua dự luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường, theo đó hạn chế các nguồn gây ô nhiễm môi trường, áp tiêu chuẩn mới cho chất lượng xăng dầu…
Tuy vậy, quốc gia có lượng phát thải lớn nhất thế giới này lại dè chừng khi cộng đồng quốc tế cần những cam kết và động thái mạnh tay để đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris rằng giải quyết biến đổi khí hậu “không được làm giảm khả năng phát triển đất nước”. Phát biểu này được một số nhà phân tích đánh giá là sự biện minh cho chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Trong một thỏa thuận đạt được hồi tháng 11.2014 trong cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh cũng chỉ đặt ra mốc đến năm 2030 sẽ chạm mốc cao nhất về lượng khí thải chứ không nêu rõ biện pháp hay việc cắt giảm.
Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với việc phát triển kinh tế bất chấp tác hại đối với môi trường, đó chính là sự phát triển không bền vững.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Khói bụi gây xáo trộn nhiều nước Đông Nam Á
Lần đầu tiên trong nhiều năm, Singapore đóng cửa trường học còn Malaysia phải hủy nhiều chuyến bay vì khói bụi từ Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) thị sát công tác dập lửa tại một khu rừng bị đốt trên đảo Borneo - Ảnh: AFP
Tập quán đốt rừng diện rộng để trồng cây công nghiệp ở Indonesia năm nào cũng tạo ra khói bụi ảnh hưởng nặng đến các nước láng giềng, nhất là Singapore và Malaysia.
Tại Singapore năm nay, chỉ số ô nhiễm không khí PSI đã từ ngưỡng "lành mạnh" 100 trong ngày 10.9 lên tới 317 (rất không lành mạnh) vào tối 24.9, khiến chính phủ ra lệnh đóng cửa toàn bộ các trường từ cấp trung học cơ sở trở xuống trong ngày 25.9.
Đây là lần đầu tiên Singapore phải đóng cửa trường học kể từ khi bị đại dịch SARS tấn công năm 2003. Hồi tuần trước, có tin nói rằng Singapore đã âm thầm làm mưa nhân tạo để xua khói bụi, nhằm giúp cuộc đua xe Thể thức 1 (từ 18 - 20.9) diễn ra như kế hoạch, nhưng chính phủ Singapore đã bác bỏ thông tin này.
Trong khi đó, theo báo The Star, miền nam Malaysia cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chỉ số ô nhiễm API vào 9 giờ sáng 25.9 ở bang Johor tới 201, chạm mức "rất không lành mạnh", tầm nhìn chỉ từ 50 - 300 m, khiến 21 chuyến bay nội địa và quốc tế từ sân bay Senai bị hủy.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 25.9, Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên Singapore Vivian Balakrishnan đã không giấu được sự bực dọc khi nói rằng nạn khói bụi do con người tạo ra này đã diễn ra quá lâu. "Không thể chịu đựng được. Nó ảnh hưởng cả nền kinh tế", ông nói.
Ông Balakrishnan cũng cho biết Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore đã gửi khuyến cáo về các biện pháp ngăn ngừa đến 4 công ty của Indonesia mà phía Singapore nghi là khởi sự đốt rừng. Tập đoàn sản xuất giấy Asia Pulp and Paper của Indonesia có văn phòng ở Singapore cũng bị gửi văn bản này.
Hồi tháng 6.2013, khói bụi từ Indonesia cũng bao phủ Singapore, Malaysia ở mức "độc hại" và trở thành một chủ đề nóng tại cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN sau đó. Trong những ngày qua, Singapore cho hay Indonesia liên tục từ chối đề nghị hỗ trợ của nước này và tình trạng ô nhiễm dự đoán còn kéo dài đến tháng 11.
Thục Minh
(VP Singapore)
Theo Thanhnien
Bắc Kinh ban hành mức báo động ô nhiễm không khí cao nhất Giới chức thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 7.12 nâng tình trạng báo động ô nhiễm không khí từ cam sang đỏ, mức nghiêm trọng nhất. Bắc Kinh chìm trong khói mù ô nhiễm vào sáng 7.12 - Ảnh: Reuters Tình trạng báo động trên kéo dài từ 7 giờ sáng 8.12 đến 12 giờ trưa 10.12 (giờ địa phương), theo Tân...