“Bác không hỏi chú, Bác hỏi nhân dân”
Hôm qua (18-3), UBNDTP. Hà Nội đã chính thức có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội sau khi báo chí phản ánh về việc thay thế một số cây xanh đô thị. Công văn của UBND thành phố nêu rõ: Thời gian qua, một số báo, đài phản ánh về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, đồng thời đăng thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số VN) gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nêu một số kiến nghị về việc thay thế cây xanh trên tuyến phố.
Những cây xanh bị đốn hạ trên phố phường Hà Nội Ảnh: Hoàng Long
Theo tinh thần công văn này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phải công khai việc chặt cây.
Liên quan đến việc đốn hạ cây xanh đang tiến hành trên địa bàn thành phố, cách đây 2 ngày, phát ngôn của ông Phan Đăng Long- Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội rằng việc chặt hạ cây xanh Hà Nội không phải hỏi dân- thêm một lần nữa gây sốc dư luận. Bởi trước đó nhiều tháng, khi biết tin cùng với việc chặt hạ cây xanh phục vụ thi công hai tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông, UBND thành phố sẽ đồng thời cho chặt hạ hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố, thoạt nghe đã khiến nhiều người tiếc nuối đến ngẩn ngơ.
Và cũng không ít người nghĩ rằng kế hoạch ấy có khi đang còn phải chờ phản hồi của dư luận, chứ nhẽ nào có chuyện nói rồi làm ngay dễ thế…Vậy mà người ta làm thật, chặt hạ cây thật. Điều trớ trêu là đang ở vào thời khắc đẹp nhất của tiết xuân, cây cối đang nảy lộc đâm chồi, phong trào phát động Tết trồng cây rầm rộ vừa mới qua đi thôi, thì những hàng cây lâu năm trên các con phố Quang Trung, Lê Duẩn, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh lại bị đốn hạ, đào tận gốc, trốc tận rễ…một cách không thương tiếc. Đó chính là những cái cây thẳng tắp sung sức, mang dấu ấn của thời gian, của tình người, đâu có bị cong vẹo sâu mọt gì như là con người vu cho chúng.
Vậy chặt cái cây cũ rồi, thì họ sẽ trồng cái cây nào thay thế vào? Những con phố nào thích hợp cho việc trồng chủng loại cây gì…thì lại chưa thấy đề án đề cập một cách cụ thể. Chỉ biết rằng mùa hè đang đến rất gần, sẽ có không ít những con phố sẽ trơ trụi dưới cái nắng hè chói chang như thiêu như đốt. Hơn thế, điều mà người dân quan tâm nhất lúc này là việc trồng lại những hàng cây trên phố sẽ bắt đầu bằng việc ươm trồng những mầm cây nhỏ bé, để cây lớn lên theo năm tháng, hay người ta sẽ trồng lại vào chỗ cũ những cái cây đại thụ mới lạ đã trưởng thành được bứng về ở đâu đó…?!
Thời gian qua, chủ trương chặt hạ cây xanh của TP Hà Nội là vấn đề người dân quan tâm bàn tán trên khắp các diễn đàn, bàn tán ở mọi nơi, mọi lúc. Đa phần người ta tiếc, tiếc đến phát khóc vì có cơ man những hàng cây bị chặt oan. Nước mắt của người- mà cũng là nước mắt của cây thổn thức đến vậy. Nhưng chừng ấy cũng không thể cứu vãn được màu xanh của thành phố. Bởi như phát ngôn của người có trách nhiệm: Cái gì cũng phải hỏi ý kiến dân hay sao…Việc trồng cây không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác… Tức là chuyện cái cây chắc bị coi là việc nhỏ hay sao!?
Video đang HOT
Nhưng thực tế, chuyện những hàng cây cổ thụ trên nhiều con phố từng gắn bó với người dân Hà Nội nhiều thập kỷ qua, khi không bỗng dưng bị đốn hạ, thì hẳn không phải là chuyện nhỏ. Chuyện cái cây nhưng thực chất đó là chuyện của con người. Đời cây, mà thực chất cũng là biết mấy đời người.
Nhân chuyện chặt cây không cần hỏi ý kiến người dân, lại nhớ tới một mẩu chuyện về Bác Hồ – ” Bác không hỏi chú, Bác hỏi nhân dân”. Ấy là trong một lần về thăm xã Vĩnh Thành (Nghệ Tĩnh), Bác có nói chuyện với đồng bào, xã viên hợp tác xã và cán bộ trong xã. Bác khen hợp tác xã về mọi mặt đều có tiến bộ. Bác nhắc nhở bà con chú ý đẩy mạnh thủy lợi, làm cho kịp thời vụ, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, phải cải tiến nông cụ, chọn cây trồng cho lợi ích nhiều, tổ chức lao động cho hợp lý … Bác khen thành tích lao động của các cô Nguyễn Thị Túy, Nguyễn Thị Nhụy, Nguyễn Thị Đường và các anh Phan Trọng Kinh, Nguyễn Tá đã làm được nhiều công, nhiều đất thủy lợi….Rồi Bác hỏi: “Thành tích của các cô, các chú trên có đúng sự thật không?”. Đồng chí Bí thư đứng cạnh Bác, nhanh miệng thưa: “Dạ, đúng ạ!”. Bác quay lại, giơ ngón tay: “Bác không hỏi chú, Bác hỏi nhân dân kia”. Đồng bào đồng thanh trả lời để “cứu” Bí thư: “Thưa Bác, đúng đấy ạ”!
Câu chuyện nhỏ từ một ngày đầu tháng 12 năm 1961, đã hơn 50 năm trôi qua, số cán bộ và nhân dân ở địa phương vùng Nghệ Tĩnh vẫn còn kể lại cho nhau nghe, nhắc nhau để nhớ.
Trở lại với công văn mà UBND thành phố Hà Nội vừa gửi Sở Xây dựng hôm qua, yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo, rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố.
Từ tinh thần công văn nói trên, người ta đang hi vọng sẽ nhiều cây xanh không trong diện đốn hạ sẽ được giải cứu kịp thời. Ngậm ngùi cho những cái cây đã bị chặt hạ oan trước đó, người Hà Nội cũng đang hi vọng sau chỉ đạo mới nhất từ UBND thành phố, khi việc chặt cây được công khai, những đóng góp của người dân sẽ được chính quyền lắng nghe.
Theo Hương Lê
Đại Đoàn kết
Chủ tịch Hà Nội gửi thư cho ông Trần Đăng Tuấn nói về việc chặt cây
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có bức thư gửi tới ông Trần Đăng Tuấn (phòng 2302 Nhà 24 T2 đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội) để nói rõ hơn về việc rà soát, cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn Thủ đô.
Bức thư của Chủ tịch UBND TP Hà Nội gửi ông Trần Đăng Tuấn.
"Tôi đã đọc bức thư ngỏ của ông gửi Chủ tịch UBND Thành phố đăng trên một số tờ báo và trang mạng cá nhân, nêu kiến nghị về việc hạ chặt, thay thế một số cây xanh trên tuyến phố Hà Nội.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên báo chí phản ánh, tôi đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn Thành phố đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị; khi thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận của nhân dân. Đồng thời tôi cũng yêu cầu người phát ngôn của UBND Thành phố thông tin trên các báo, đài về việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn Thành phố"- bức thư viết.
"Với trách nhiệm Chủ tịch UBND Thành phố, tôi luôn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sỹ, trí thức và mọi người dân, từ đó chỉ đạo, điều hành vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển Thủ đô"- ông Thảo viết trong thư.
(Ảnh: Nguyễn Dương).
Trước đó, trong bức thư gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, ông Trần Đăng Tuấn viết: "Thông tin về việc sẽ loại bỏ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội và thực tế đang diễn ra việc chặt hạ cây xanh trên nhiều tuyến đường của Hà Nội đang gây nhiều lo lắng, băn khoăn và cả thắc mắc cho rất nhiều người dân, không chỉ ở Thủ đô mà trong cả nước.
Cần nói rằng người dân không phản đối chuyện chặt một số cây nếu việc hạ cây vì những lý do bất khả kháng như cây nguy hiểm, bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn; Cây gây hại cho sức khoẻ, cây không có tác dụng cho cuộc sống; Để đảm bảo giao thông.
Hiện Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng đã khảo sát trên các tuyến phố và lọc ra 6.700 cây thuộc dạng đó cần loại bỏ, cần thay".
Ông Trần Đăng Tuấn kiến nghị: "Nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?
Hãy thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể. Đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không. Nếu thoả đáng, người dân không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở Xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại.
Hãy để các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt.
Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào: Trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt.
Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào. Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này. Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ ?. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào ?
Đó cũng là thể hiện trách nhiệm thông tin công khai, minh bạch".
Thế Kha
Theo Dantri
"Chặt cây xanh Hà Nội không phải hỏi dân" Theo Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long, việc chặt cây để thay thế cây khác ở Hà Nội do cơ quan quản lý quyết định, không cần thiết phải hỏi ý kiến người dân. Trao đổi bên lề cuộc giao ban báo chí Thành ủy chiều 17/3, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho biết, việc chặt...