Bắc Kạn: Mang cây quý như “báu vật” từ rừng về đồi, sớm đổi đời
Biết bao đêm mất ăn mất ngủ khi chứng kiến cảnh những cội trà hoa vàng cổ thụ vô cùng quý giá cứ lần lượt hạ sơn về tay các thương lái Trung Quốc, anh Nguyễn Tiến Khang, trú tại thôn Bản Cáu, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn ( tỉnh Bắc Kạn) đã quyết định mang giống cây quý này về “cất” tại đồi nhà.
Hơn 15.000m2 đất đồi đã được anh Nguyễn Tiến Khang phủ xanh bằng những gốc trà hoa vàng đang kỳ sinh trưởng tốt. Dẫn PV Báo điện tử DANVIET.VN lên cánh rừng Thôm Đeng tại thôn Bản Cáu, xã Đông Viên (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn), anh Nguyễn Tiến Khang hồ hởi, mấy hôm nay thời tiết thuận lợi nên cây phát triển nhanh, màu sắc cũng xanh sẫm hơn dạo trời nắng gắt.
“Loại cây này chịu nắng rất kém nên tôi phải trồng xen kẽ dưới những cây có tán khác. Nhiều năm tìm tòi, tự rút kinh nghiệm, thấy rằng đất đồi ở đây khá phù hợp để trồng cây trà hoa vàng”, anh Khang chia sẻ.
Những cây trà hoa vàng bản địa được anh Khang trồng “cất giấu” ở Thôm Đeng.
Được chăm sóc thường xuyên, những cây trà hoa vàng sinh trưởng nhanh tại đồi nhà.
Nhìn cái cách anh chăm chút, lật từng chiếc lá đủ hiểu tâm huyết Khang đã dồn cả cho nơi này. Dẫn PV Báo điện tử DANVIET.VN loanh quanh một hồi trên rừng trà, Khang đưa chúng tôi về lại vườn ươm cây giống khi cơn mưa đã bắt đầu nặng hạt.
Vườn ươm CÂY TRÀ HOA VÀNG của Khang nằm ngay phía sau nhà. Vườn ươm này hiện đang có hơn 6.000 hom đã bật mầm xanh tốt sau khi được bàn tay anh chăm sóc. Khang bảo, “Tất cả đều là trà hoa vàng của vùng Chợ Đồn này đấy. Thấy người dân đào cây bán cho thương lái, mình xót lắm nên mua lại rồi nghiên cứu học hỏi cách giâm”.
Những hom tại vườn ươm này đều được lấy từ những cây trà hòa vàng bản địa.
Video đang HOT
Ngày ngày Khang tỉ mẩn với “kho báu” mà mình đã mang về từ rừng.
Rồi khang tỉ mỉ chỉ cho chúng tôi những hom vừa cấy, đặc tính của cây, giá trị dược liệu cũng như giá trị kinh tế mà cây TRÀ HOA VÀNG đem lại. Điều anh vui hơn cả là nỗi lo bị tận diệt của loại cây được ví như vàng này tại quê anh sẽ không còn nữa.
Qua nhiều năm tìm tòi, học hỏi và rút kinh nghiệm từ những thất bại, cũng như được sự hỗ trợ thêm từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn, vườn ươm cây giống của anh Khang đang có triển vọng tốt. Tỉ lệ các hom trà hoa vàng sống đã đạt khoảng 70%, tỉ lệ trồng sống trên rừng cũng vào 80-90% .
Không chỉ dừng lại với hơn 15.000m2 đã phủ bằng cây trà hoa vàng, Khang đang lên kế hoạch tuần tới sẽ tiếp tục phủ 15.000m2 cây trà hoa vàng nữa tại một cánh rừng khác. Về nguồn đầu ra đối với loại cây này theo Khang thì không phải lo, bởi 1 doanh nghiệp ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Và ghi chép theo dõi, phân loại.
“Hiện nay giá thị trường của trà hoa vàng giao động từ 12-16 triệu đồng/kg trà khô. Mình chỉ cần bán giá 5-7 triệu thôi đã thoải mái thu hồi vốn và có lãi rồi. Bởi giống cây hiện nay tôi đang trồng mua cành với bà con đem giâm chỉ với giá 10.000đ/1kg thay vì mua giống cây con ngoài tự nhiên có giá cao gấp nhiều lần thế…”, anh Khang tiết lộ với PV Báo điện tử DANVIET.VN.
Thuận lợi nữa là, từ năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn triển khai đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng”, họ đã hỗ trợ tiền cho toàn bộ cây giống của tôi. Mà giống trà hoa vàng ở Chợ Đồn được thương lái đánh giá có chất lượng rất tốt”, Khang nói.
Hiện tại vườn ươm này đang có hơn 6000 cây giống, đủ để Nguyễn Tiến Khang phủ nốt 15000m2 đất rừng còn lại của gia đình.
Được biết cây trà hoa vàng tại Chợ Đồn có ở một số xã như Đông Viên, Nghĩa Tá, Bình Trung… tuy nhiên, đa phần là cây tự nhiên chứ chưa có mấy người đem về gây giống rồi trồng như trường hợp của anh Nguyễn Tiến Khang tại thôn Bản Cáu này.
Việc đem loài cây quý như “báu vật”-TRÀ HOA VÀNG về cất ở đồi nhà không chỉ góp phần bảo tồn giống cây quý hiếm đang có nguy cơ mai một tại Chợ Đồn mà còn là mô hình phát triển kinh tế có triển vọng, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương và rất cần được nhân rộng.
Liên quan đến cây trà hoa vàng, ông Lục Đình Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện này cho biết, cây trà hoa vàng có ở Chợ Đồn nhưng tương đối rải rác chứ không tập trung thành những khu vài trăm đến cả nghìn mét vuông như các tỉnh khác. Hiện nay huyện Chợ Đồn mới chỉ có ông Nguyễn Tiến Khang ở xã Đông Viên trồng giống cây này.
Ngày 13/7, trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Hoàng Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện nay có huyện Ba Bể và huyện Chợ Đồn đang trồng giống trà hoa vàng theo đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng”, tuy nhiên chúng tôi chưa phân tích kiểm tra mẫu về dược tính của cây tại Bắc Kạn.
Qua tìm hiểu, PV được biết, trước đây ông Nguyễn Hoàng Hiệp, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn (nay là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi còn công tác tại tỉnh này đã từng đem mẫu trà hoa vàng bản địa đi kiểm tra và cho kết quả rất khả quan.
Theo Danviet
Mang loài cây quý về vườn, đào củ bở hơi tai, dân ở đây giàu
Từ chỗ thường xuyên vào rừng khai thác dược liệu, hai anh em người Mông ở xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã mạnh dạn đưa cây ba kích rừng về trồng trong vườn nhà. Với sự giúp đỡ của Hội Nông dân, mô hình trồng và nhân giống cây ba kích đã được mở rộng.
Dù đã ở tuổi lục tuần, nhưng ông Giàng Seo Sùng vẫn thoăn thoát đôi chân hơn nửa giờ leo dốc lên vườn rừng. Đây là khu đất sản xuất, thành quả lao động mà gia đình ông Sùng tạo dựng sau hơn 20 năm định cư ở Khuổi Đẩy, xã Bình Trung.
Những nếp nhăn trên khuôn mặt hằn sâu xuống khi ông Sùng kể về thời gian khó khăn đã đi qua. Sinh sống ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) nhưng do thiếu nước sinh hoạt nên năm 1990 gia đình ông di cư về xã Bình Trung. Lúc đó, để có lương thực, hằng ngày ông Sùng và những người Mông trong thôn vào rừng làm nương, tìm kiếm dược liệu, nhưng nguồn dược liệu cũng dần dần cạn kiệt và khan hiếm.
Ông Giàng Seo Sùng giâm hom cây ba kích
Đến năm 2010, sau nhiều suy nghĩ, ông Sùng tiến hành đào cây dược liệu từ rừng về trồng. Mảnh nương lúa hơn 1.000m2 trước đây đã thay thế bằng ba kích.
Ông Sùng cho biết: "Trồng lúa tính ra mỗi năm cho thu khoảng 3 triệu đồng, nhưng với cây ba kích, riêng năm ngoái, tôi thu tới 30 triệu đồng. Ba kích có công dụng bồi bổ thần kinh, gân cốt và chữa thấp khớp rất tốt...".
Hiện nay, ông Sùng có 3.000 cây ba kích. Ông chọn những cây cho củ tốt để nhân giống bằng cách giâm hom. Thân bánh tẻ của khóm ba kích trên 4 năm tuổi được chọn làm hom cắm bầu. Để có nước phục vụ cho việc giâm hom cây giống, ông Sùng đào hố, lót bạt hứng nước mưa.
Ông cũng căng bạt che nắng, giữ ẩm bầu đất, làm cho hom ba kích nhanh nảy chồi, tạo rễ. Khi hom ba kích ra chồi, có 3 lá trở lên thì ông mang đi trồng. Ba kích trồng trên đồi nên ít bị sâu bệnh. Khi thấy cây bị héo ngọn thì lấy tro bếp rắc vào gốc, phòng trừ rệp gây hại. Hiện nay ông Sùng đang trồng ba kích ở vạt đồi ngay đối diện nhà ở để thuận tiện hơn cho việc đi lại chăm sóc, bảo vệ, tránh bị đào trộm củ.
Thấy hiệu quả từ những cây ba kích rừng đưa về trồng tại vườn nhà, năm 2013, em ruột ông Sùng là ông Giàng Seo Sính ở thôn Vằng Doọc, xã Bình Trung đã đi Vĩnh Phúc mua hơn 1.000 hom cây giống và học hỏi kinh nghiệm nhân giống ba kích.
Thuận lợi hơn, năm 2015, ông Sính được tham gia thực hiện mô hình trồng ba kích do Hội Làm vườn huyện Chợ Đồn và Hội Nông dân xã Bình Trung phối hợp triển khai. Với kinh nghiệm trồng ba kích sẵn có, lại được tập huấn kỹ thuật trồng ba kích hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, nên ông Sính đã nhân giống thành công hàng chục nghìn hom ba kích, vừa bán, vừa phục vụ cho việc mở rộng thêm diện tích trồng của gia đình.
Theo ông Sính, cây ba kích dễ trồng và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Trung. Ông Sính trồng ba kích ngay quanh nhà, trên đất cát, lại được phủ bạt dưới gốc nên hạn chế cỏ mọc, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, vườn ba kích của ông Sính bắt đầu cho thu hoạch củ, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác.
Vườn ba kích đến tuổi thu hoạch của ông Giàng Seo Sính
Ông Bàn Văn Đức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung cho biết, hiện nay hai anh em ông Sùng đều là những hội viên nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Thu nhập từ việc trồng ba kích và các cây dược liệu khác đã giúp ông Sính xây được nhà kiên cố, ông Sùng còn hỗ trợ được con trai mua xe tắc-tơ làm phương tiện phục vụ sản xuất.
Nhằm khuyến khích phong trào trồng cây dược liệu, Hội Nông dân xã Bình Trung sưu tầm, cung cấp tài liệu, hướng dẫn bà con mở rộng diện tích. Năm 2018, Hội Nông dân đã tổ chức cho 29 hội viên đi thăm quan học tập mô hình trồng ba kích trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Một số hộ gia đình đã lựa chọn ba kích làm cây trồng để phát triển kinh tế, nâng tổng diện tích trồng ba kích của xã lên hơn 2 ha. Hiện nay, Hội Nông dân xã Bình Trung đang vận động, hướng dẫn ông Giàng Seo Sính thành lập Tổ hợp tác trồng dược liệu, trong đó có cây ba kích.
Thực tế cho thấy, ba kích là một trong những loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát triển loại dược liệu quý này, chính quyền và người dân địa phương cần chủ động, tích cực hơn trong việc mở rộng diện tích, chú trọng đến chất lượng và xây dựng thương hiệu./.
Theo Danviet
Bắc Kạn: Đất sụt thành hố sâu hoắm, "nuốt chửng" ao cá, ruộng lúa Những hố sụt lún tiếp tục lan rộng ra khu vực Khuổi Ngoài, thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Xuất hiện ngày càng dày đặc Khoảng 8 giờ sáng 14.4, tại khu vực Khuổi Ngoài, thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn ao cá của gia đình bà Bàn Thị...