Bắc Kạn: “Chôn của để dành” ở trên rừng, ngại nói vì sợ tiếng là khoe
Với hai bàn tay trắng cùng ít đất đồi do ông cha để lại, vợ chồng ông Triệu Ứng Lai (thôn Pác Toong, xã Yên Nhuận, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã mạnh dạn trồng rừng, rồi dần tích lũy mở rộng diện tích, kết hợp sửa chữa, kinh doanh máy nông cụ, gia đình ông đã có thu nhập mà nhiều người mơ ước.
Hỏi đường đến nhà ông Triệu Ứng Lai (trú thôn Pác Toong, xã Yên Nhuận, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), người dân trong thôn, trong xã đều biết, đều tận tình chỉ cho PV Dân Việt, bởi hầu hết họ đều là khách hàng đã từng mua máy nông cụ tại cửa hàng của ông. Thì đúng rồi, cả xã cũng chỉ có cửa hàng bán nông cụ của ông Lai là lớn mà thôi.
Khi PV có mặt là lúc con trai ông Lai – anh Triệu Ứng Bền – đang cặm cụi chỉnh máy nông cụ cho khách. Rót chén trà mời PV, bà Nông Thị Tươi – vợ ông Lai bảo, ông ấy lên huyện nộp thuế và đi Hà Nội lấy hàng luôn rồi, chắc một hai hôm mới về cơ. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế của gia đình, bà Tươi dè dặt nói, tuy làm nhiều thứ thế nhưng cũng chỉ đủ ăn thôi, viết lên ngại lắm, người ta lại bảo mình khoe, có một nói mười thì chết.
Cửa hàng bán máy nông cụ của gia đình ông Triệu Ứng Lai được cả xã biết đến.
Câu chuyện giữa PV Dân Việt với gia chủ cởi mở hơn khi cậu con trai xếp xong hàng cho khách và cùng ngồi trò chuyện. Bà Tươi cho biết, gia đình đã làm rừng từ năm 1981, tuy nhiên đến năm 2000 mới tập trung trồng nhiều. Cách đây 3 năm thì trồng hết đồi, chăm sóc và khai thác.
Những cây mỡ này đã có thể khai thác.
Anh Triệu Ứng Bền dẫn ông Hoàng Tiểu Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Nhuận lên thăm vườn rừng của gia đình.
Dẫn PV Dân Việt vào khu vực chăn nuôi và trồng rừng, cách nhà khoảng 1,5km, anh Triệu Ứng Bền chỉ cho chúng tôi những cánh rừng được phủ kín bởi bạt ngàn cây mỡ đang tuổi khai thác. Anh bảo, mỡ này đã trồng gần mười năm, diện tích mỡ của gia đình anh hiện có khoảng 7ha. Nhìn rừng mỡ thẳng đứng và chắc chắn vươn lên trên những vạt đồi trước đây vốn được cho là cằn cỗi đủ để thấu hiểu công sức đã bỏ ra và sự kiên trì của gia chủ.
Anh Bền cho biết, vừa rồi gia đình anh có khai thác gần 2ha cây keo và cây bồ đề, cũng cho thu gần 300 triệu đồng. Không chỉ trồng keo, bồ đề, gia đình anh còn trồng thêm các loại cây có múi như cam, quýt và chanh. Đặc biệt cây trà hoa vàng, thứ cây được ví như “báu vật” cũng được gia đình anh trồng và đang sinh trưởng rất tốt. Anh Bền cho biết, tới đây sẽ trồng đại trà cây trà hoa vàng trên vùng đồi mà gia đình đang có.
Ngoài trồng cây mỡ, cây keo và cây bồ đề… gia đình anh Bền còn nuôi thêm ngựa bạch.
Video đang HOT
…và nuôi thử nghiệm ba ba trong ao.
Cây trà hoa vàng, thứ cây quý như báu vật cũng được anh mang từ rừng về trồng.
Ngoài trồng rừng, gia đình anh Bền còn nuôi cá, ba ba và ngựa bạch. Anh Bền cho biết, bởi rừng nhà anh cũng khá rộng nên ngựa cứ vậy mà thả lên rừng, chiều tối thì đi tìm về nhốt. Còn ao cá có đến 5 – 6 cái, ba ba cũng được gia đình anh nuôi thử nghiệm và đang rất khả quan.
Cùng với làm mô hình VACR, gia đình ông Triệu Ứng Lai còn sửa chữa và kinh doanh máy nông cụ. Cửa hàng ông luôn tấp nập người mua. Không chỉ vậy, gia đình ông Lai còn đầu tư máy xúc và một số xe ô tô chở đất để làm thêm. Hiện tổng thu nhập của gia đình ông ước tính cũng vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Với mô hình VACR và cửa hàng hiện có, ít ai biết khối tài sản đó đã được gia đình ông Triệu Ứng Lai xây dựng từ hai bàn tay trắng, cùng với đó là những ngày tháng trăn trở, ấp ủ ý tưởng làm giàu đến sạm da, bạc tóc. Cũng phải, không có việc gì là dễ cả, nhất là việc làm giàu.
Ông Hoàng Tiểu Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Nhuận (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương rất chú trọng và đánh giá cao mô hình của ông Lai. Thứ nhất là cá nhân ông Triệu Ứng Lai đã mạnh dạn đầu tư cho mô hình của mình và rất hiệu quả; thứ 2, tranh thủ một số hộ khác chuyển đổi, bán rừng, ông đã mua vào để mở rộng diện tích trồng rừng.
“Trong những năm qua, ông Lai đã tập trung phát triển trồng rừng rất tốt, kết hợp với chăn nuôi ngựa sinh sản, gà thả đồi cùng một số cây trồng khác, bước đầu có hiệu quả cao. Tới đây, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho các hội viên tham quan, học tập mô hình này để từ đó các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng và nhân rộng mô hình, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Hoàng Tiểu Vân.
Theo Danviet
Nông dân đi xe hơi xịn, ở biệt thự được Phó Thủ tướng thăm là ai?
Từ chỗ chạy ăn từng bữa, ông nông dân Hồ Đa Thê (thôn Hòa Lộc, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) đã trở thành tỷ phú, ở "biệt phủ", đi xe hơi. Mô hình trồng rừng kinh tế của ông Thê được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến thăm và tỏ lời khen ngợi.
Từ nghèo đói thành đại gia
Ông Thê quê ở xã miền núi Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế). Kinh tế gia đình khó khăn nên tuổi thơ của ông là những ngày tháng nhọc nhằn vì phải lao động sớm. Chính sự vất vả đó là động lực khiến ông cố gắng trong học hành để rồi trở thành một cán bộ nhà nước.
Nhưng rồi khát vọng làm giàu khiến ông sớm nghỉ việc tại cơ quan nhà nước để về làng khai hoang lập nghiệp. Thấy ông về nhà làm nông, nhiều người hết lời can ngăn. Có người bảo ông "có vấn đề" vì thích làm việc nặng nhọc. Bỏ ngoài tai những lời ra tiếng vào, hàng ngày ông cơm đùm cơm nắm lên đồi núi khai hoang trồng rừng.
Ông Hồ Đa Thê tại khu rừng trồng gỗ lớn của gia đình. Ảnh: Trần Hòe.
Ngày đó, vùng đất ông khai hoang đường sá đi lại khó khăn, nhiều chỗ đá nhiều hơn đất, chưa kể có nơi còn sót lại bom đạn thời chiến tranh. Với suy nghĩ "người phụ đất chứ đất không phụ người", ông cần mẫn khai hoang từng luống đất. Rồi ông khăn gói đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm trồng rừng hiệu quả. Chính những chuyến đi đó đã đưa lại cho ông nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu về phát triển kinh tế rừng.
Sau những năm tháng miệt mài, ông sở hữu 25ha rừng kinh tế và trở thành một trong những "vua rừng" ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Từ chỗ chạy ăn từng bữa, gia đình ông có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Năm 2004, gia đình ông chuyển từ xã Dương Hòa về xã Lộc Bổn tái định cư để nhường đất cho dự án hồ thủy lợi Tả Trạch. Tại nơi ở mới, ông xây dựng ngôi nhà khang trang rộng hàng trăm m2 chẳng khác nào "biệt phủ" với kinh phí lên tới tiền tỷ. Tiếp đó, ông còn sắm ô tô để tiện đi thăm rừng cũng như phục vụ cho gia đình.
Công trình nhà máy cưa xẻ, sơ chế gỗ nguyên liệu của HTX Hòa Lộc đang được xây dựng. Ảnh: Trần Hòe.
"Từ năm 2012, tôi chuyển từ trồng rừng theo theo kiểu truyền thống sang trồng rừng có chứng chỉ (FSC) nên hiệu quả kinh tế tăng lên rất cao. Nhờ vậy, những năm qua, mỗi năm gia đình tôi lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng từ kinh tế rừng"- ông Thê kể.
Mô hình được Phó Thủ tướng Thường trực khen ngợi
Ngoài là một tỷ phú nông dân, từ năm 2018 đến nay, ông Thê còn được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (HTX Hòa Lộc) do chính ông sáng lập.
Năm 2016, khi Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên - Huế (FOSDA) ra đời, ông Thê đứng ra thành lập Chi hội Chủ rừng phát triển bễn vững Hòa Lộc trực thuộc FOSDA, quy tụ 25 thành viên để tham gia thực hiện chứng chỉ rừng. Trên cơ sở Chi hội Chủ rừng phát triển bễn vững Hòa Lộc, vào tháng 4/2018, ông thành lập HTX Hòa Lộc.
Khi mới thành lập, HTX có 30 thành viên, ông Thê được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX. Ngành nghề kinh doanh của HTX gồm gieo ươm cây giống chất lượng cao thân thiện môi trường, trồng và chăm sóc rừng, chế biến và mua bán gỗ rừng.
"Với thông điệp tất cả vì lợi ích của thành viên, HĐQTvà Ban Giám đốc HTX cam kết trong thời gian 1 năm đầu làm việc không hưởng thù lao và lương để tạo niềm tin cho thành viên. Ban Giám đốc chỉ nhận lương sau 1 năm và chỉ khi kinh doanh có lãi thì mới nhận lương"- ông Thê kể.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với HTX Hòa Lộc về mô hình HTX lâm nghiệp bền vững. Ảnh: Công Bằng.
HTX Hòa Lộc là doanh nghiệp theo chuỗi giá trị rừng gỗ lớn, theo nguyên tắc quản lý bền vững có chứng chỉ rừng. Công ty TNHH 1 thành viên Vũ Minh vừa là doanh nghiệp thành viên, vừa là đối tác đứng ra lo đầu vào (cây giống thân thiện môi trường, không sử dụng túi bầu nilon). Doanh nghiệp đối tác khác lo đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho HTX là Công ty Scancia Pacipic.
Hiện các thành viên HTX và Chi hội có 804 ha rừng trồng, trong đó 540ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Chỉ sau một năm, HTX đã thành lập vườn ươm cây giống keo thân thiện môi trường với túi bầu hữu cơ tự hủy, quy mô khoảng 1 triệu cây/năm. HTX cũng đã đầu tư dây chuyền thiết bị bóc ván để bao tiêu sản phẩm gỗ của thành viên với kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Nhằm phát triển bền vững rừng trồng và đưa lại hiệu quả kinh tế cao, HTX hướng dẫn quy trình trồng, chắm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC, đẩy mạnh công tác tỉa thưa chuyển đổi từ rừng trồng gỗ dăm sang gỗ lớn và cam kết rừng trồng ít nhất 7 năm tuổi mới khai thác. Nhờ vậy, rừng cho sản lượng 200m3/ha, có giá trị 250-300 triệu đồng/ha, đặc biệt có lô rừng đạt giá trị đến 380 triệu đồng/ha.
"Trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC chỉ kéo dài thời gian thêm 2 năm nhưng lợi nhuận cao hơn từ 150-200 triệu đồng/ha so với trồng rừng gỗ nhỏ. Bình quân lợi nhuận từ trồng rừng gỗ lớn đạt từ 230-280 triệu đồng/ha"- ông Thê phấn khởi.
Là nông dân nhưng ông Hồ Đa Thê sở hữu căn biệt thự sang trọng như "biệt phủ" và xe hơi đắt tiền. Ảnh: Trần Hòe.
Vào cuối tháng 8/2019, HTX Hòa Lộc vinh dự được tiếp đón Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến thăm. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã biểu dương và đánh giá cao mô hình làm kinh tế của HTX Hòa Lộc.
Theo Phó Thủ tướng, đây là mô hình không chỉ đưa lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc giữ rừng, trồng và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên- Huế cần hỗ trợ tích cực hơn nữa để HTX Hòa Lộc phát triển bền vững. Dịp này, HTX còn được Phó Thủ tướng trao tặng 1 bộ máy vi tính.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, ông Thê còn giúp đỡ nhiều người dân khác cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ông thường xuyên đứng ra vận động giúp đỡ các hộ dân nghèo trong xã cũng như các địa phương lân cận phát triển kinh tế. Hàng tháng, ông dành nhiều thời gian phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế rừng cho người dân. Sự hỗ trợ của ông đã giúp nhiều hộ phát triển hiệu quả kinh tế rừng và trở nên giàu có.
Hiện mô hình HTX của ông Thê giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng. "Trong thời gian tới, khi HTX đưa vào sử dụng nhà máy cưa xẻ, sơ chế gỗ nguyên liệu, số lao động được giải quyết việc làm thường xuyên dự kiến sẽ tăng lên khoảng hơn 100 người"- ông cho biết.
Ông Hồ Đa Thê nhận được hàng loạt bằng khen, giấy khen ủa các bộ ngành trung ương và các cơ quan ban ngành ở tỉnh về thành tích làm kinh tế giỏi. Ảnh: Trần Hòe.
Làm kinh tế giỏi và luôn hết mình vì cộng đồng nên 13 năm qua ông Thê được người dân bầu giữ chức trưởng thôn. Hiện thôn Hòa Lộc có 156 hộ, trong đó số hộ khá giả chiếm đến 80%, hơn 10 hộ là tỷ phú.
Những năm qua, ông và HTX Hòa Lộc nhận được hàng loạt Bằng khen, giấy khen của các bộ ngành trung ương và các cơ quan ban ngành ở tỉnh Thừa Thiên Huế về thành tích làm kinh tế giỏi. Ông là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
"Nếu chỉ biết làm giàu cho riêng mình thì sự giàu ấy không có nhiều ý nghĩa. Tui luôn coi việc giúp đỡ người khác vươn lên vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của mình"- ông Thê bộc bạch.
Từ khi thành lập đến nay, mô hình HTX Hòa Lộc tiếp đón hàng trăm nông dân, doanh nhân, chuyên gia liên quan đến lâm nghiệp đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Thê còn được các tổ chức mời đi nhiều nơi để dạy cách trồng rừng bền vững.
Theo Danviet
Vượt qua bão tố cuộc đời, nuôi đàn "thủy quái" to nặng ở miền Tây Từ một người phụ nữ chỉ lo công việc nội trợ, nhưng chị Trương Ánh Nguyệt - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi, đã tự lực cánh sinh, quyết tâm nối nghiệp chồng để trở thành "đầu tàu" của một HTX chuyên sản xuất, kinh doanh ba ba, cua đinh giống nức tiếng miền Tây. Nhiều người...