Bác Hồ đã chọn vị tướng tài của dân tộc như thế nào?
Tháng 6-1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người dìu dắt từ ngày đó. Sau chiến thắng Thu Đông 1947, ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp
bàn kế hoạch quân sự tại Sở chỉ huy Chiến dịch biên giới (năm 1950)
Ngày 22-12-1949, trong thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Quân đội, Bác Hồ viết: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta…”.
Sau chiến thắng Thu Đông 1947, ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ.
Ngày 27-5-1948, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức trọng thể lễ phong quân hàm cho vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta vào chiều 28-5-1948.
Buổi lễ được tiến hành trong nhà bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con suối lớn. Sát vách gian giữa là bàn thờ Tổ quốc. Hai bên là hai băng khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”.
Video đang HOT
Chủ tịch Hồ Chí Minh (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(bên trái) sau lễ phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và
Dân quân Tự vệ Việt Nam tại Lục Rã, chân đèo Re, ngày 27-5-1948
Đúng 13 giờ buổi lễ bắt đầu.
Trong không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, nhưng sao chẳng thấy Bác nói mà chỉ thấy Bác cầm mùi xoa lau nước mắt. Ai nấy đều vô cùng xúc động.
Bên ngoài tiếng suối vẫn réo ầm ầm như tiếng vọng từ ngàn xưa dội về.
Những giây phút im lặng thiêng liêng.
Mãi sau, Bác mới cất tiếng, giọng trầm trầm: “Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn nhưng còn phải trải qua nhiều hy sinh cố gắng. Hôm nay việc phong Tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thỏa lòng những người đã mất”.
Tiếp đó, Bác giao bản Sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến lên một bước nhận tờ Sắc lệnh trong tay Bác.
Trước đó 8 năm, tháng 6-1940, lần đầu tiên đồng chí Võ Nguyên Giáp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một con thuyền ở Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc. Kể từ đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn có vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người dìu dắt.
Trước đó 4 năm, tháng 12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và ông trở thành Đại tướng Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ Việt Nam với hàng chục vạn chiến sĩ và đã lập nên biết bao chiến công vang dội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng cầm quân tài giỏi mà còn là một nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nét nổi bật đặc sắc của nhà quân sự Võ Nguyên Giáp.
Theo TTXVN
Nỗi tiếc thương vô hạn
Từ ngã năm Chu Văn An - Tôn Thất Đàm - Chùa Một Cột trước cửa lăng Bác, dòng người cứ nhích từng chút một. Lặng lẽ, nghiêm cẩn và tiếc thương, họ tiến về ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu, nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống và làm việc suốt mấy chục năm qua. Đường Điện Biên Phủ hôm nay, ngày mai... sẽ chứng kiến dòng người như dài thêm mãi, hệt như dòng người 59 năm về trước đã theo Đại tướng lên Điện Biên đánh Pháp...
Rất nhiều thanh niên mang hoa đến tư gia của Đại tướng chia buồn. Ảnh: Phú Khánh
5h30 chiều 6-10, theo quy định của Ban tổ chức sẽ chỉ còn 30 phút nữa là hết giờ vào thăm tư gia Đại tướng, nhưng không một ai muốn về. Người dân vẫn từ khắp mọi tỉnh, thành tiếp tục đổ về đây, ai cũng mong sẽ tới lượt mình vào thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với vị anh hùng vừa ra đi mãi mãi. Họ là những em học sinh, sinh viên, sỹ quan trẻ măng; những bà con tiểu thương, cán bộ, nông dân đứng tuổi hay những cựu chiến binh, thanh niên xung phong với mái đầu bạc trắng. Phần nhiều trong số đó chưa một lần được gặp mặt vị tướng lỗi lạc, nhưng tất cả đều biết đến ông qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Với người dân, Đại tướng giống như một huyền thoại và đến nhà ông trong những giờ phút này là cơ hội cuối cùng để bày tỏ lòng kính trọng trước mất mát to lớn của đất nước.
Từ sáng sớm, dòng người ấy đã tới đây. Tấm bảng thông báo bắt đầu "Đón khách từ 14h30" trước cửa tư gia Đại tướng không những không khiến người dân vãn bớt mà ngược lại càng khiến người ta đổ về ngày càng đông hơn. Hay tin Đại tướng qua đời, bác Ngô Lê Lợi - Bí thư chi bộ số 38 phường Trung Hòa nguyên là cựu binh chống Mỹ của Sư đoàn 4, Quân khu 9 miền Tây Nam bộ đã có mặt ở đây từ sáng sớm. Ông kể từng được một lần bắt tay Đại tướng tại mặt trận chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. "Với những người lính chúng tôi, Đại tướng là cấp chỉ huy tối cao. Nay Đại tướng qua đời, tôi tự thấy mình có nghĩa vụ phải tới chào thủ trưởng lần cuối. Tôi không chắc sẽ được vào viếng Đại tướng hôm tổ chức lễ tang nên chọn cách tới tư gia của ông để bày tỏ lòng thành", vị cựu binh xúc động.
Cũng hòa trong dòng người lặng lẽ vào dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Nguyễn Đức Anh - cán bộ Công ty thiết bị điện Đông Anh còn dẫn theo vợ, cô em gái và đứa con nhỏ mới 15 tháng tuổi của mình. Từ sáng sớm anh đã tự tay kết một lẵng hoa hồng mang hình cờ đỏ sao vàng để bày tỏ tấm lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của vị tướng mà anh thần tượng. Anh Đức Anh sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc và cũng chưa một lần được thấy sự khốc liệt của 2 cuộc chiến. Nhưng anh bảo: "Cha ông tôi đều đã từng theo Đại tướng đi đánh giặc. Tôi biết đến Đại tướng qua những câu chuyện mà cha ông từng kể từ thuở ấu thơ. Sau này, khi lớn lên biết thêm nhiều câu chuyện về Đại tướng qua sách báo, tôi nghiêng mình trước đức độ, tài năng và nhân cách của ông. Có lẽ không chỉ với riêng tôi, ông mãi mãi là Đại tướng trong tâm thức những người Việt Nam yêu nước".
Cả bác Lợi, anh Đức Anh và hàng vạn người dân khác trong dòng người hôm nay có lẽ đều suy nghĩ như vậy. Họ đều nóng ruột và không thể chờ tới lúc lễ tang chính thức để tiễn biệt một trái tim vĩ đại vừa ngừng đập. Ngày mai, dòng người chắc chắn sẽ dài thêm. Và nỗi tiếc thương này chưa biết tới bao giờ mới dứt.
Theo ANTD
Thành lập Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam Sáng 29-1, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam - Bộ Tư pháp đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam. Trung tâm này có chức năng, nhiệm vụ truyền thông pháp luật, tổ chức sự kiện và công tác xã hội từ thiện; tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho...