Bắc Giang: Diễn biến dịch căng thẳng, quyết tâm không để bệnh nhân tử vong
Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trong buổi họp khẩn tối 19/5, với Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và tiểu ban Điều trị phòng chống dịch tỉnh.
Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục căng thẳng, ngay trong tối 19/5, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ông Lê Ánh Dương chủ trì cuộc họp gấp với tiểu ban Điều trị của BCĐ phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang, giám đốc các cơ sở điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Bắc Giang và Bắc Ninh để xử lý những vấn đề cấp thiết trong điều trị, thu dung, cách ly, xét nghiệm…
Nhân lực ngành y tế huy động cho điều trị rất khan hiếm
Báo cáo tình hình về cơ sở thu dung, điều trị, ông Bùi Thế Bừng – phó GĐ Sở Y tế Bắc Giang cho biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 100 giường, Bệnh viện Phổi có 213 giường, Bệnh viện Dã chiến (ở BV Nội Tiết) 220 giường, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang 160 giường, Bệnh viện Dã chiến ở Trung tâm y tế Yên Dũng 150 giường, BV Dã chiến Trung tâm y tế huyện Lạng Giang 140, sắp tới sẽ đưa vào hoạt động thêm cơ sở mới ở Bệnh viện Y học cổ truyền 200 giường, Bệnh viện Tâm Thần 400 giường, Bệnh viện Dã chiến Quân đội dự kiến 300-500, Bệnh viện Dã chiến ở Nhà thi đấu Tỉnh 620 giường, tổng dự kiến từ 2500 – 2700 giường.
Hiện nay, đoàn cán bộ Bệnh viện Bạch Mai khảo sát lập Trung tâm ICU (khu chăm sóc bệnh nhân nặng) nằm trong 2 tầng BV Phổi, có 58 giường điều trị bệnh nhân nặng.
Về tình hình mở rộng thêm cơ sở thu dung, điều trị, ông Bừng cho biết các cơ sở sẵn có đã hết, các cơ sở y tế tại các huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế đều khó có thể khai thác thêm.
Nhân lực ngành y tế huy động cho điều trị rất khan hiếm, các tỉnh bạn hỗ trợ chỉ ở khâu truy vết, lấy mẫu, tập trung huy động khắp các Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn…, còn lực lượng nhân viên y tế tại các Bệnh viện Y học cổ truyền, hoặc Bệnh viện Tâm Thần đều cần bồi dưỡng thêm.
BV Dã chiến ở Nhà thi đấu dự kiến cần 620 cán bộ y tế, nhưng hiện tại nhân lực của tỉnh đã cạn, huy động hết trong ngành hiện chỉ được hơn 100 người, tuy vậy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có thể hỗ trợ 300, tạm thời có thể đáp ứng.
Về tình hình cụ thể tại các bệnh viện, tại buổi họp, tất cả các cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 đều cho biết hiện tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Sức khỏe của hầu hết bệnh nhân ổn định, rất nhiều trường hợp ho, sốt, nhưng may mắn chưa diễn tiến nặng. Nhân lực tạm thời có thể đảm bảo, nhưng nếu lượng bệnh nhân diễn biến nặng tăng cao thì sẽ gặp khó khăn.
Các cơ sở điều trị tại Bắc Giang cũng cần tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn vì hầu hết đều chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm.
Một khó khăn nhất là trang thiết bị, nếu bệnh nhân có diễn biến nặng hơn rất khó. Do dịch diễn tiến nhanh nên các cơ sở điều trị gặp không ít khó khăn. Hiện các cơ sở đều thiếu thốn về các thiết bị để theo dõi bệnh nhân ho, sốt, theo dõi các chỉ số, máy móc xét nghiệm, chiếu chụp…
Có thể phải huy động lực lượng ngoài tỉnh
Video đang HOT
Bệnh viện dã chiến tại tỉnh Bắc Giang.
Đánh giá về công tác thiết lập cơ sở điều trị và tinh thần phòng chống dịch của tỉnh, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh – Phó Trưởng tiểu ban thường trực Bộ Y tế cho rằng: “Bắc Giang là một trong những nơi thiết lập BV dã chiến khẩn cấp nhanh nhất từ trước đến nay. Đó là nỗ lực hết mình của tỉnh và các đơn vị. Dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng hệ thống y tế tỉnh đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết trước mắt, dù số bệnh nhân tăng rất nhanh, chỉ trong một tuần bằng Hải Dương cả đợt dịch”.
Về vấn đề xử lý chống nhiễm khuẩn, ông Khoa cho biết đã cử cán bộ đi rà soát hết các cơ sở và đưa ra hướng dẫn cụ thể để triển khai ngay. Hiện nay, tỉnh vẫn cần thêm khoảng 400 – 500 giường, nâng tổng số giường điều trị lên khoảng 3000 giường. Tỉnh nên tìm các khu cách ly làm cơ sở dã chiến tiếp theo.
Hiện một số cơ sở ở Bắc Giang đã có xét nghiệm Citi, đông máu, có thể phát hiện sớm, can thiệp nhanh, trước mắt ưu tiên khẩn trương hoàn thiện ICU ở BV phổi.
Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh – Phó Trưởng tiểu ban thường trực Bộ Y tế.
Tư vấn cho tỉnh về nhân lực đang rất căng thẳng, ông Khoa cho rằng: “Những bác sĩ chính tại các cơ sở điều trị phải là những người chuyên ngành về truyền nhiễm mới yên tâm. Về nhân lực cho BV Dã chiến tại khu Nhà thi đấu, ít nhất cần 400 người cho 600 ca bệnh. Có thể phải huy động lực lượng ngoài tỉnh như lực lượng Phú Thọ, Hải Phòng như hỗ trợ Đà Nẵng vừa qua”.
Quyết tâm không để bệnh nào nhân tử vong
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ông Lê Ánh Dương nhấn mạnh: “Mục tiêu cao của Bắc Giang là không để bệnh nhân nào tử vong”.
Để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, ông Dương thừa nhận sự quá tải và đề nghị Sở Y tế cần huy động tất cả lực lượng hiện có, kể cả lực lượng đã về hưu, đồng thời nhanh chóng thống kê, rà soát và cần thiết trao đổi với các tỉnh bạn, và báo cáo cụ thể để UBND tỉnh đề xuất với các tỉnh lân cận. Về điều trị, trước mắt cần lập tức có trạm điều phối ngay tại các cơ sở cách ly, có đầu mối điều phối hợp lý tránh tình trạng đưa bệnh nhân đi lòng vòng các cơ sở.
Ông Lê Ánh Dương Chủ tịch tỉnh Bắc Giang.
Tiếp đến là thiếu về trang thiết bị, hầu hết là BV chuyên khoa nhỏ nên rất thiếu, cần khẩn trương mua thêm. Sở Y tế cần nhanh chóng rà soát các cơ sở điều trị để báo cáo, và mua sắm.
Cũng theo ông Dương, Bắc Giang cần chuẩn bị thêm một cơ sở điều trị nữa, Sở Y tế có thể khảo sát một nhà xưởng rất to 15.000 m2 do một doanh nghiệp tình nguyện cho mượn, đồng thời tính đến việc mượn thêm BV Dã chiến Chí Linh Hải Dương 200 giường.
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang: 'Ổ dịch tại Công ty Hosiden rất phức tạp'
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, khẳng định hai ổ dịch trên địa bàn đã được kiểm soát, riêng tại Công ty Hosiden "rất phức tạp, ca nhiễm tăng nhanh".
Báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) chiều 16/5, ông Dương cho biết từ ngày 9 đến 14/5, địa phương có hai ổ dịch. Ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) có 4 ca nhiễm, "đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng".
Ổ dịch tại Công ty SJ Tech - khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) có 105 ca nhiễm, "đến nay cơ bản đã qua đỉnh dịch, chỉ còn xuất hiện F0 trong khu cách ly tập trung và một vài trường hợp công nhân đi cùng xe, mức độ lây lan ra cộng đồng rất thấp".
Tuy nhiên, từ ngày 14/5, địa phương phát hiện thêm ổ dịch tại Công ty Hosiden Việt Nam trong khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên. Ô dịch này có tốc độ lây lan nhanh do làm việc trong phòng lạnh, khép kín. Qua test nhanh, tối 14/5 12 F0 cùng phân xưởng số 4 được phát hiện. Đến nay, tổng số F0 ở Công ty Hosiden Việt Nam là 159.
Những ngày qua, Bắc Giang đã xét nghiệm toàn bộ công nhận 4 khu công nghiệp nguy cơ cao và sàng lọc diện rộng khu vực nhiều nhà trọ công nhân. Lãnh đạo tỉnh đề nghị các đơn vị tiếp tục hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm nhanh; lực lượng lấy mẫu, truy vết, theo dấu hoạt động di chuyển của F0, nhằm "không bỏ sót F1 ngoài cộng đồng".
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: MOH
Báo cáo từ đầu cầu Bắc Giang, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, nhận định tình hình dịch ở đây vẫn "rất phức tạp, khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly". "Hiện tỉnh mới bắt đầu tầm soát rộng trong cộng đồng. Các cơ sở y tế số lượng giường bệnh còn ít, gánh nặng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 còn rất lớn", Thứ trưởng Sơn nói.
Ông Sơn cũng nhận định xét nghiệm "là vấn đề khó" với Bắc Giang, dù đã rất cố gắng huy động nhiều đơn vị vào cuộc. Địa phương chưa làm đầy đủ hết xét nghiệm, đặc biệt là đang thiếu test nhanh.
"Chúng tôi đã liên hệ với đơn vị có công suất sản xuất test nhanh kháng nguyên 50.000 mẫu mỗi ngày. Với nhu cầu của tỉnh báo cáo, chỉ vài ngày là các nhà máy đáp ứng được. Nhưng Sở Y tế Bắc Giang phải thống kê cần bao nhiêu, để tỉnh tổ chức mua", Thứ trưởng Sơn nêu vấn đề.
Ông nhấn mạnh test nhanh kháng nguyên là công cụ xét nghiệm sàng lọc rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. "Với công tác truy vết nếu chỉ chờ xét nghiệm khẳng định (Realtime RT-PCR) thì mất nhiều thời gian", ông nói.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn báo cáo về tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang, chiều 16/5. Ảnh: Phạm Thắng
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo nhận định tiến độ kiểm soát dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang có thể chậm hơn dự kiến , bởi biến thể virus mới lây lan nhanh trong khu công nghiệp. "Bắc Ninh, Bắc Giang phải tập trung rất cao độ để kiểm soát bằng được các ổ dịch này", Ban chỉ đạo yêu cầu.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định các khu công nghiệp là nơi nhạy cảm, đông người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất cả nước, nên "chúng ta phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong khu công nghiệp ở hai địa phương nêu trên, không để lây lan ra nơi khác".
Ông đề nghị Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn điều phối tất cả lực lượng chi viện cho Bắc Giang chống dịch, "coi đây như một đợt thực chiến, đúc rút kinh nghiệm để phổ biến cho các khu công nghiệp khác".
Bộ Y tế, Quân y (Bộ Quốc phòng), y tế công an sẵn sàng lực lượng dự phòng, có xe xét nghiệm lưu động để chi viện cho các địa phương khi cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn. "Địa bàn nào cần hỗ trợ, nhất là các khu công nghiệp, lực lượng này có thể lên đường chi viện ngay", Ban chỉ đạo nêu.
Bộ Y tế sẽ lập nhóm chuyên gia tư vấn cho các địa phương kết hợp các phương pháp xét nghiệm trong từng tình huống khác nhau.
Bộ Y tế đã lập đoàn các chuyên gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ Bắc Giang chống dịch. 250 sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã lên đường. Đại học Y Hà Nội đã lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang. Nếu cần thiết, Bộ Y tế điều động thêm Đại học Y tế cộng đồng, các bệnh viện, CDC các tỉnh.
Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.140 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng, ở 26 tỉnh, thành, trong đó Bắc Giang nhiều nhất với 314 ca; Bắc Ninh 214.