Bà Yingluck sau 1 năm trên ghế “nóng”
Sau 1 năm, người dân Thái Lan vẫn tin tưởng nữ thủ tướng đầu tiên của nước này dù không chấm điểm quá cao cho bà.
Với vẻ mặt có chút lo lắng, bà Yingluck Shinawatra bước vào hội trường quốc hội để tham gia cuộc họp thường kỳ khai mạc hồi đầu tuần. Đây là cuộc họp quan trọng bởi ngoài những vấn đề liên quan đến sửa đổi hiến pháp, trong vài ngày tới còn có phần chất vấn và đánh giá Thủ tướng qua 1 năm điều hành đất nước.
Người dân vẫn muốn bà Yingluck tiếp tục làm thủ tướng – Ảnh: Minh Quang
Trong nghị trường, phiên chất vấn chưa bắt đầu nhưng những cuộc đánh giá, khảo sát nhận định về nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan bắt đầu diễn ra sôi nổi từ tuần trước.
Theo kết quả thăm dò đăng trên báo chí Thái, hầu hết người dân cho rằng thành tựu cầm quyền của bà Yingluck kể từ khi nhậm chức vào ngày 5.8.2011 đạt mức trên trung bình nhưng chưa tạo được dấu ấn nổi bật. Thật ra, trong thời gian qua, chính phủ Thái phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan như đợt lũ lụt kinh hoàng hồi tháng 7-8.2011 và những bất ổn chính trị – xã hội, cụ thể là đối đầu giữa phe áo đỏ và phe áo vàng, mà nhiều đời thủ tướng Thái không thể giải quyết dứt điểm. Mặt khác, nhiều người, đặc biệt là phe chống đối, vẫn không tin tưởng chính phủ vì cho rằng cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck, “đứng sau giật dây”. Ông Chavanong Intarakomol Yasut, đại diện của đảng đối lập nói thẳng với Thanh Niên: “Những điều bà làm được cho Thái Lan không nhiều trong khi chỉ tập trung cho cựu Thủ tướng Thaksin và làm theo những điều ông nói”.
Thành tựu và tranh cãi
Đa số người dân đều đồng ý rằng bà Yingluck góp công lớn trong việc giữ vững ổn định chính trị – xã hội và tạo hình ảnh tốt cho đất nước về mặt đối ngoại. Thiện cảm của quốc tế dành cho Thái Lan tăng cao kể từ khi bà đảm nhận vai trò người đứng đầu chính phủ với hình ảnh duyên dáng và điềm tĩnh trong các hội nghị, các chuyến thăm. Trong 1 năm vừa qua, chính trường Thái Lan có phần bớt căng thẳng, xung đột không bị đẩy lên cao trào. Các cuộc biểu tình của những phe phái kình chống nhau vẫn xảy ra nhưng hầu như không xảy ra bạo lực nghiêm trọng như hồi năm 2010. Phe đối lập cũng thường xuyên chỉ trích đảng cầm quyền Puea Thai và khiêu khích nữ Thủ tướng nhưng bà không tạo cơ hội cho họ. Với sự khéo léo của phụ nữ, bà thường im lặng trước những lời “khiêu chiến”, tránh tranh cãi hay “đổ thêm dầu vào lửa”.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo cấp cao của phe áo đỏ Thida Thavornseth không ngớt lời khen Thủ tướng Yingluck: “Đúng là bà ấy không có kinh nghiệm chính trị nhưng lại điều hành được đất nước và làm tốt vai trò của thủ tướng. Điều này xưa nay không có mấy người như vậy”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, một số chính sách gây nhiều ý kiến trái chiều đã khiến chính phủ Thái và bản thân bà Yingluck chưa đạt điểm cao. Đề xuất dự luật ân xá và hòa giải bị phe đối lập chỉ trích gay gắt là mở đường cho ông Thaksin trở lại Thái Lan. Những chính sách như tăng lương tối thiểu cho người lao động (tăng lên 300 baht/ngày từ 120 baht/ngày), trợ cấp giá cho người trồng lúa bị coi là làm giảm khả năng cạnh tranh của Thái Lan. Phe chống đối cũng cho rằng điều hành của chính phủ dưới sự dẫn dắt của bà chưa tạo được đột phá về kinh tế. Tăng trưởng GDP của Thái Lan chỉ đạt 0,3% trong quý 1/2012 trong khi cả năm 2011 chỉ tăng 1,1%. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ là lũ lụt đã làm mất 3,7% GDP của Thái Lan trong năm ngoái.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, sau 1 năm ngồi ghế nóng, nữ Thủ tướng Yingluck được người dân chấm điểm 5,31/10. Tuy nhiên, đa số vẫn muốn bà tiếp tục giữ ghế lãnh đạo chính phủ với hy vọng sẽ có nhiều đột phá trong tương lai. Đặc biệt, hơn hai phần ba dân ở thủ đô Bangkok, vốn là thủ phủ của đảng Dân chủ, vẫn tin tưởng bà. Điều họ muốn trước mặt là bà Yingluck bỏ khẩu hiệu “Thaksin nghỉ, Puea Thai hành động” và thay bằng khẩu hiệu thể hiện dấu ấn của cá nhân bà.
Theo Thanh Niên
Đảng cầm quyền Thái thoát nạn
Tòa án hiến pháp Thái Lan ngày 13-7 đã bác đơn khiếu nại của Đảng Dân chủ đối lập cáo buộc Đảng cầm quyền Puea Thai âm mưu lật đổ hoàng gia và dọn đường cho cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin trở về.
Việc này thông qua việc sửa đổi hiến pháp.
Cảnh sát Thái Lan bao vê bên ngoài tòa án hiến pháp ngay 13-7 - Ảnh: AFP
Tòa án hiến pháp tuyên rằng không có bằng chứng nào cho thấy việc sửa đổi hiến pháp là âm mưu lật đổ chế độ quân chủ lập hiến. Tuy nhiên, tòa cũng tuyên rằng một cuộc trưng cầu ý dân là cần thiết để quyết định xem chính phủ có cần tiếp tục thúc đẩy sửa đổi hiến pháp hay không. Tòa cho rằng hiến pháp năm 2007 đã được người dân thông qua bằng một cuộc trưng cầu ý dân, vì vậy nếu muốn bãi bỏ hiến pháp này thì phải thông qua một cuộc trưng cầu khác.
Giảm nhiệt căng thẳng
Phán quyết của tòa dường như đã làm dịu đi không khí căng thẳng chính trị từ nhiều ngày qua khi Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) hay phe áo đỏ ở Thái Lan dọa sẽ biểu tình toàn quốc nếu tòa tuyên án bất lợi cho Đảng Puea Thai. Những người áo đỏ tập trung tại quảng trường hoàng gia ở Bangkok ngày 13-7 đã reo hò vui sướng khi nghe phán quyết của tòa án hiến pháp.
Người phát ngôn Puea Thai là Pormpong Nopparit cho biết vào tuần tới đảng này sẽ nhóm họp để đề ra lộ trình tiếp theo. "Nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm sửa đổi hiến pháp vì đó là một "hợp đồng xã hội" với những người ủng hộ, những người bỏ phiếu cho chúng tôi với hi vọng sẽ có một hiến pháp mới" - ông Pormpong nhấn mạnh.
Cũng ngày 13-7, hàng ngàn cảnh sát đã được huy động để bảo vệ bên ngoài tòa án và giữ gìn trật tự tại các điểm mà phe áo đỏ đang tuần hành trong thành phố. Theo Bangkok Post, thậm chí có tin trực thăng cũng đã được chuẩn bị để sẵn sàng giải cứu các thẩm phán trong trường hợp xảy ra bất ổn bên ngoài tòa án.
Phán quyết cũng đã mở ra một cơ hội nữa cho Puea Thai trong việc đưa dự thảo sửa đổi hiến pháp ra thảo luận tại quốc hội sau khi bị tòa án hiến pháp ra lệnh tạm ngưng hồi tháng 6, một quyết định gây tranh cãi về thẩm quyền của tòa án hiến pháp đối với cơ quan lập pháp. Để làm lắng dịu tình hình, Puea Thai đã quyết định dời lại việc thảo luận dự thảo gây tranh cãi này.
Vừa lòng cả hai
Việc tòa án hiến pháp ra phán quyết hôm qua được dư luận theo dõi sát sao, bởi một phán quyết bất lợi cho Puea Thai hoặc quá ưu ái đảng cầm quyền có thể sẽ dẫn đến bất ổn mới ở Thái Lan.
Giáo sư Siripan Nogsuan Sawasdee thuộc khoa chính trị học của Đại học Chulalongkorn nhận định: "Đây là phán quyết giúp cân bằng giữa phe đối lập và đảng cầm quyền". Theo bà Siripan, rốt cuộc thì cuộc trưng cầu ý dân cũng sẽ mở đường cho việc sửa đổi hiến pháp vì hiện nay chính phủ đang được ủng hộ. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ đối lập cũng sẽ không quá tức giận bởi ít ra tiến trình sửa đổi hiến pháp đã không thể diễn ra nhanh chóng được.
Người phát ngôn Đảng Dân chủ Chavanond Intarakomalyasut tuyên bố họ chấp nhận phán quyết của tòa và cam kết "sẽ không tạo ra xung đột hay kích động gì".
Một nhóm các nhân vật đối lập và phe áo vàng hồi tháng 6 đã đệ đơn lên tòa án hiến pháp cáo buộc việc đưa ra dự thảo sửa đổi hiến pháp là âm mưu lật đổ hoàng gia và mở đường cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra về nước, xóa sạch mọi tội lỗi của ông này.
Ngược lại, Chính phủ Thái Lan vẫn giữ quan điểm sửa đổi hiến pháp và coi đây là một phần trong các nỗ lực đem lại hòa giải cho nước này sau bay năm căng thẳng chính trị, cũng như xóa bỏ một hiến pháp do chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn lập ra năm 2007.
Từ sau cuộc đảo chính năm 2006 đến nay, phe thân ông Thaksin đã không ít lần nếm trái đắng từ tòa án hiến pháp.
* Tháng 5-2007, tòa án hiến pháp đã đưa ra phán quyết giải thể Đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin vì gian lận bầu cử.
* Tháng 9-2008, thủ tướng Samak Sundaravej và cũng là chủ tịch Đảng Sức mạnh nhân dân do ông Thaksin hậu thuẫn bị tòa án hiến pháp phế truất vì vi hiến khi nhận thù lao tham gia chương trình nấu ăn trên truyền hình.
* Cuối năm 2008, sau hơn môt tuần phe áo vàng chiếm hai sân bay ở Bangkok để phản đối chính phủ, tòa án hiến pháp đã phán quyết giải thể Đảng Sức mạnh nhân dân vì gian lận bầu cử.
Theo Tuổi Trẻ
Ông Thaksin lên kế hoạch thâu tóm chính trường Thái Nhiều chính trị gia thuộc Đảng Pheu Thai cầm quyền cùng cựu thành viên của Đảng Thai Rak Thai và một số người trong gia đình Shinawatra đã sang Trung Quốc thăm cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin cuối tuần qua. Trong đoàn còn có phó thủ tướng đương nhiệm Chalerm Yoobamrung, chính khách lão thành Sudarat Keyuraphan và em gái ông Thaksin...