Bà Yingluck lánh nạn khỏi tòa nhà chính phủ
Ngày 1.12, bạo động dữ dội xảy ra trước tòa nhà chính phủ Thái Lan khiến Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải rời đi lánh nạn.
Người biểu tình kiên quyết bao vây khu vực hành chính ở thủ đô Bangkok – Ảnh: Minh Quang
Từ sáng sớm qua, hàng chục ngàn người tiếp tục bao vây, đột nhập, chiếm giữ trái phép và đập phá tài sản ở một số cơ quan nhà nước như các bộ Nội vụ, Lao động, Giáo dục, Tổng cục Cảnh sát quốc gia và Cảnh sát Bangkok cũng như 6 đài truyền hình hàng đầu ở nước này. Đài Thai PBS bị người biểu tình khống chế, không cho phát sóng tin tức thời sự thường ngày mà thay bằng chương trình của những người biểu tình. Nhiều người còn ra tay đập phá tài sản.
Nghiêm trọng nhất là tình trạng bạo động trước tòa nhà chính phủ, được xem là khu vực tổng hành dinh của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Hàng ngàn người xông thẳng vào tòa nhà, cố vượt qua hàng rào an ninh dày đặc. Họ ném đá, bom tự chế vào cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải đáp trả bằng hơi cay và vòi rồng. Nhiều người ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Ban đầu, Thủ tướng Yingluck có mặt tại tổng hành dinh để theo dõi tình hình nhưng các chuyển biến phức tạp buộc bà phải di chuyển đến một địa điểm khác không được công bố để lánh nạn.
Trong ngày 1.12 cũng đã có ít nhất 3 người chết và hàng chục người bị thương do xung đột giữa phe biểu tình và phe áo đỏ ủng hộ chính phủ gần sân vận động Rajamangala, theo thông báo của Phó thủ tướng Pracha Promnok. Các nạn nhân gồm 2 người áo đỏ và 1 sinh viên thuộc Mạng lưới sinh viên chống chính phủ. Cuộc đụng độ căng thẳng đến mức lãnh đạo của phe áo đỏ phải tuyên bố giải tán biểu tình ở sân Rajamangala, nơi họ tụ tập từ nhiều ngày qua. Theo một số nguồn tin không chính thức, còn có thêm 1 người chết trong 1 chiếc xe buýt bị thiêu cháy gần khu vực trên.
Video đang HOT
Khói và hơi cay mịt mù trước tòa nhà chính phủ Thái Lan – Ảnh: Minh Quang
Bất chấp căng thẳng ngày càng dâng cao, Phó thủ tướng Pracha cho biết công chức, nhân viên nhà nước vẫn sẽ đến cơ quan làm việc bình thường. Tuy nhiên, ông kêu gọi người dân không ra đường bắt đầu từ 10 giờ tối 1.12 đến 5 giờ sáng nay để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ “giấu mặt”. Ông còn tuyên bố những hành động của phe biểu tình là vi phạm pháp luật, cố ý gây bất ổn và tổn hại đến hình ảnh của Thái Lan.
Đáp lại, lãnh đạo phe biểu tình là cựu Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban lên truyền hình tuyên bố “nhiệm vụ của nhân dân” đã thành công và bắt đầu từ hôm nay 2.12, “chế độ Thaksin sẽ không còn tồn tại ở Thái Lan”, hàm ý rằng các cơ quan chính phủ sẽ không thể hoạt động được vì đã bị người biểu tình chiếm giữ. Lãnh đạo phe biểu tình cũng tiết lộ ông đã có buổi gặp với bà Yingluck vào hôm qua theo đề nghị trung gian của Tổng tham mưu trưởng Quân đội hoàng gia Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Tuy nhiên, theo ông Suthep thì hai bên không đạt được thỏa thuận gì.
Phát biểu với Thanh Niên hôm qua, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập là cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tuyên bố đảng của ông đang hướng đến việc kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới để thay thế chính phủ của bà Yingluck. “Tuy nhiên chính phủ hiện nay có sớm thực hiện điều đó hay không là do ở họ”, ông Abhisit nói với Thanh Niên. Trong một động thái bất ngờ, cựu Thủ tướng lên tiếng cảm ơn quân đội và chính quyền đã không dùng vũ lực trấn áp mạnh tay người biểu tình.
Theo TNO
Thủ tướng Thái Lan vẫn được Hạ viện tín nhiệm
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của các nghị sĩ hạ viện đối với vai trò điều hành chính phủ của bà.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra
Sáng nay 28.11, lúc 10 giờ 5 phút, Hạ viện Thái Lan chỉ có 134 phiếu bất tín nhiệm trong khi có 297 phiếu tín nhiệm trong tổng số 439 nghị sĩ tham dự buổi bỏ phiếu.
Như vậy số phiếu bất tín nhiệm không vượt quá một nửa số nghị sĩ tham dự. Bà Yingluck tiếp tục làm thủ tướng Thái Lan cho đến hết nhiệm kỳ, tức gần 2 năm nữa.
Cùng với Thủ tướng Yingluck, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng vượt qua đợt bỏ phiếu này khi số phiếu bất tín nhiệm không vượt quá nửa số phiếu cần thiết.
Buổi bỏ phiếu bất tín nhiệm được truyền hình trực tiếp cho người dân cả nước theo dõi.
Buổi bỏ phiếu không chỉ được người dân Thái mà cả thế giới quan tâm trước tình hình căng thẳng về chính trị ở nước này trong mấy ngày qua.
Cả trăm ngàn người xuống đường chống đối chính phủ và đòi thủ tướng từ chức.
Tình hình đường phố Bangkok sáng nay chưa có dấu hiệu xuống đường của những người chống đối, đặc biệt là sau khi Hạ viện kết thúc cuộc bỏ phiếu chỉ kéo dài chưa đến 10 phút.
Theo TNO
Biểu tình lan rộng ở Thái Lan Biểu tình ở Thái Lan có dấu hiệu leo thang bất chấp lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh bắt thủ lĩnh phong trào biểu tình. Người biểu tình bao vây trụ sở Cơ quan Điều tra đặc biệt ở Thái Lan - Ảnh: Minh Quang Hôm qua, hàng ngàn người chống đối chính phủ tiếp tục kéo đến trụ sở...