Ba vòng cách ly ở TP HCM trong thời gian giãn cách
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) sáng 9/7 cho biết trong 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, thành phố sẽ thực hiện giãn cách tương ứng với ba vòng cách ly.
Trong đó, vòng chung là giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16 cộng trên toàn thành phố, trong vòng 15 ngày.
Vòng thứ hai là vùng cách ly y tế, phong tỏa một số khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tính đến 10h ngày 5/7, thành phố đang phong tỏa 738 điểm.
Vòng thứ ba, chặt nhất, là vùng cách ly tập trung và thí điểm cách ly F1 tại nhà, nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung.
Tính đến ngày 9/7, 53.423 người đang được cách ly kiểm dịch, gồm 14.864 người cách ly tập trung và 38.559 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Hiện, TP HCM có 11 khu cách ly tập trung cấp thành phố với gần 10.400 giường; 59 cơ sở cách ly cấp quận huyện với hơn 6.800 giường; 58 khách sạn cách ly thu phí với gần 4.870 giường. Thành phố đang mở rộng khu cách ly thành phố với sức chứa đạt 50.000 giường, đồng thời tổ chức thực hiện cách ly F1 tại nhà.
HCDC cho biết thành phố có thể linh hoạt áp dụng ba vòng phong tỏa này, gắn kết hoạt động chống dịch tại các tỉnh, thành phố lân cận, để khống chế dịch bệnh. Trong thời gian này, HCDC đề nghị người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”.
Trong khi đó, ngày 8/7 UBND TP HCM đã ban hành hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho F1 . Văn bản này không đề cập thời điểm chính thức áp dụng cách ly F1 tại nhà. Đến sáng 9/7 cũng chưa ghi nhận trường hợp F1 nào được cách ly tại nhà.
Hiện trung bình mỗi ngày TP HCM ghi nhận 500-700 ca nhiễm mới, tổng số ca Covid-19 sắp chạm 10.000. Các khu cách ly tập trung của thành phố cũng như quận, huyện và TP Thủ Đức đều trong tình trạng quá tải, với số lượng F1 quá lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.
Trước đó, Sở Y tế thành phố đã đề xuất thí điểm cách ly F1 tại nhà ở 8 quận, huyện thuộc nhóm có nguy cơ gồm, 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, Nhà Bè và Cần Giờ, từ ngày 5/7. Như vậy, biện pháp cách ly các F1 tại nhà (đáp ứng đủ điều kiện) sẽ giúp thành phố chủ động phòng, chống dịch và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung.
Cụ thể, theo hướng dẫn ngày 8/7, người được áp dụng thí điểm cách ly tại nhà là người tiếp xúc gần với ca Covid-19 có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nCoV trong khi chờ thực hiện xét nghiệm PCR.
Nhóm khác được cách ly tại nhà là người tiếp xúc gần với ca Covid-19 không thường xuyên; người làm việc cùng phòng với ca nhiễm nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2 m và không có sự tiếp xúc trực tiếp; người tiếp xúc gần trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật… cần sự chăm sóc hỗ trợ.
Bên cạnh đó, thành phố áp dụng cách ly tại nhà theo “mô hình 14-14″, tức các F1 đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính nCoV cũng sẽ được cách ly tại nhà thay vì cách ly tập trung đủ 21 ngày như trước.
Việc lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách ly y tế tại nhà thực hiện ít nhất 5 lần, vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly. Người cách ly tại nhà sau khi đủ cách ly tập trung 14 ngày thì lấy mẫu ít nhất hai lần vào ngày thứ 20 và 28.
Việc cách ly F1 tại nhà phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế .
Khu vực nhà riêng của F1 đầu tiên ở Bình Dương, cách ly tại nhà ở huyện Bàu Bàng, được treo bảng cách ly y tế. Ảnh: Thái Hà
Nếu người dân không tuân thủ giãn cách, TP.HCM sẽ vỡ trận
Ủng hộ quyết định giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội mong người dân tuân thủ nghiêm giãn cách để giúp TP sớm kiểm soát dịch.
0h ngày 9/7, TP.HCM chính thức giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp ngày 8/7 với TP.HCM đã nói "việc chống dịch ở thành phố là chưa từng có tiền lệ". Lãnh đạo thành phố khi đưa ra quyết định thì chia sẻ sự khó khăn và "phải trăn trở, cân nhắc rất nhiều".
Song chính sách có hiệu quả hay không, lại phụ thuộc không nhỏ vào ý thức chấp hành của mỗi người dân.
Người cách ly với người, các gia đình "cửa đóng then cài"
Dẫn thực tế hơn một tháng qua, TP.HCM đã giãn cách theo Chỉ thị 15, một số nơi áp dụng Chỉ thị 16, nhưng người dân chưa thực hiện nghiêm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng đó là một phần nguyên nhân khiến dịch ở TP.HCM kéo dài, ngày càng phức tạp.
Khi làm việc với một số quận, huyện của TP.HCM trước khi chuẩn bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc lại hiện tượng tập trung đông người ở điểm tiêm vaccine và lấy mẫu xét nghiệm. Theo ông, nếu không tuân thủ đầy đủ quy định giãn cách, vẫn để tập trung đông người thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
"Cả thành phố không thể an toàn nếu chỉ một chỗ sơ suất", Phó thủ tướng lưu ý.
Nêu nguyên tắc "người cách ly với người", các gia đình phải "cửa đóng then cài", PGS.TS Trần Đắc Phu góp ý TP.HCM cần giải pháp quyết liệt hơn để người dân thực hiện nghiêm quy định giãn cách.
Rút kinh nghiệm từ thực tế giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 một tháng qua ở TP.HCM, các chuyên gia góp ý thành phố cần giải pháp mạnh để người dân thực hiện nghiêm quy định giãn cách. Ảnh: Quỳnh Danh.
Dưới góc độ chuyên môn, ông phân tích mục tiêu của giãn cách xã hội là cắt đứt chuỗi lây nhiễm thông qua việc hạn chế tiếp xúc giữa người với người. Vì vậy, nếu giãn cách hiệu quả, các chuỗi lây nhiễm sớm được cắt đứt, sự lây lan của dịch giảm dần.
Có thể hỗ trợ cụ thể bằng cách phát đồ ăn cho người dân 2 lần/tuần để đảm bảo tối thiểu rằng không ai bị đói Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh
Chia sẻ về việc cách ly xã hội toàn thành phố là điều không ai mong muốn, ông Phu khuyến cáo 15 ngày là khoảng thời gian "quý" để TP.HCM dập dịch. Vì vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình cần thực hiện nghiêm quy định này, hạn chế tập trung đông người ngay từ phạm vi gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia), nhắc lại theo tinh thần của Chỉ thị 16, người dân nên ở nhà và chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động).
Người dân TP.HCM thì cần chuẩn bị, mua đủ nhu yếu phẩm dùng trong 15 ngày để giảm mật độ đi lại.
Về phía chính quyền, thành phố cần có kế hoạch cụ thể hỗ trợ kinh tế cho người dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cách ly xã hội. Có thể hỗ trợ cụ thể bằng cách phát đồ ăn cho người dân 2 lần/tuần để đảm bảo tối thiểu rằng không ai bị đói.
"Nếu chính quyền không đảm bảo được những hỗ trợ tối thiểu thì không thể bắt người dân chịu đói nghe theo mình, cũng không thể xử lý được đợt dịch này", nữ tiến sĩ chia sẻ.
Hỗ trợ tận tay những người khó khăn
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng tình hình dịch bệnh của cả nước, đặc biệt là TP.HCM, đang diễn biến rất phức tạp. Mỗi ngày có rất nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Trong khi đó, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, nếu bị giãn cách sẽ ảnh hưởng tới cả nước, nhất là ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân thành phố.
"Nhưng thời điểm này, bối cảnh này bắt buộc TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đó là giải pháp hữu hiệu, hợp lý để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lây nhiễm và phát triển các ổ dịch trên địa bàn", ông Hòa nêu quan điểm.
TP.HCM đông dân nhất cả nước với một nền kinh tế động và mở, ý thức của người dân sẽ đóng góp một phần rất quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.
Ông Hòa hy vọng người dân TP.HCM sẽ thông cảm, hiểu cho hoàn cảnh khó khăn, phức tạp hiện tại. Bởi với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe người dân, lãnh đạo TP.HCM đã phải rất khó khăn khi ban hành quy định ngặt nghèo này, mong muốn người dân sẽ cùng chính quyền chung tay chống dịch.
Nếu người dân chủ quan, không tuân thủ giãn cách, TP.HCM sẽ "vỡ trận" Đại biểu Phạm Văn Hòa
Vị đại biểu cảnh báo nếu người dân chủ quan, không tuân thủ giãn cách, TP.HCM sẽ "vỡ trận". Vì đây là thành phố đông dân nhất cả nước với một nền kinh tế động và mở, ý thức của người dân sẽ đóng góp một phần rất quan trọng.
"Đã giãn cách phải giãn cách thật nghiêm" cũng là tinh thần được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt tới lãnh đạo TP.HCM sau khi ông đồng ý cho TP áp dụng Chỉ thị 16. Theo người đứng đầu Chính phủ, TP.HCM cần triển khai Chỉ thị 16 quyết liệt, hiệu quả hơn.
"Chỉ cần người dân tuân thủ giãn cách, chấp nhận khó khăn để ở nhà 15 ngày, TP.HCM sẽ sớm kiểm soát, ngăn chặn được dịch và ổn định tình hình", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Chia sẻ với tâm tư của người dân khi bị hạn chế các hoạt động, song đại biểu Hòa nhấn mạnh nếu không chấp nhận hy sinh trong thời gian ngắn thì sẽ phải chịu thiệt hại, khó khăn kéo dài.
Với Chỉ thị 16, ông cho rằng rất nhiều hoạt động bị ngưng trệ, nhiều người rất khó khăn để duy trì, xoay xở trong nửa tháng nên chính quyền TP cần quan tâm tới cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, đại biểu tỉnh Đồng Tháp góp ý phải cắt bỏ tối đa thủ tục, rào cản để làm sao chuyển tới tay người dân, doanh nghiệp nhanh nhất, đặc biệt là với người nghèo, người mất việc, không có thu nhập hay những doanh nghiệp không thể sản xuất được...
Vấn đề này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu tâm. Ông yêu cầu TP.HCM dành sự quan tâm tới người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn; không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu tối thiểu...
"Dành tất cả những gì tốt nhất cho TPHCM chống dịch", Thủ tướng nói trong cuộc họp ngày 8/7 với lãnh đạo TP.HCM.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị cung ứng hàng hóa phải chuyển đổi biện pháp để giúp người dân đảm bảo sinh hoạt tối thiểu khi giãn cách. Ảnh: Phạm Ngôn.
Cũng trong ngày 8/7, một ngày trước khi Chỉ thị 16 được áp dụng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã nhấn mạnh đây không phải "liều thuốc tiên" để đẩy lùi ngay Covid-19. Việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt mới mang lại kết quả. Ông mong từng người dân, gia đình đồng tình, thực hiện nghiêm giải pháp này.
Dành tất cả những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch Thủ tướng Phạm Minh Chính
Chia sẻ với lãnh đạo TP.HCM, Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhận định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là biện pháp mạnh, song không phải "chiếc đũa thần" có giá trị tuyệt đối. Theo ông, người dân cần hy sinh một số lợi ích, thậm chí chấp nhận thiệt thòi để ở nhà trong thời gian giãn cách. Chỉ khi tất cả thực hiện nghiêm, giải pháp này mới có hiệu quả.
Không chỉ vậy, theo ông Nhưỡng, giãn cách theo Chỉ thị 16 sẽ còn ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế. Với định hướng thực hiện mục tiêu kép, ông cho rằng doanh nghiệp nào còn năng lực và khả năng sản xuất phải cố gắng giữ nhịp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Muốn vậy, cách tốt nhất là nên tổ chức cho công nhân, người lao động làm việc và sinh hoạt tại chỗ, chấp nhận thiệt thòi không được đi lại tự do, thoải mái.
"Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp phải tự chủ, đặt trong bối cảnh như thời chiến, tận dụng mọi tiềm năng, năng lực và cơ hội để tiếp tục sản xuất", ông Nhưỡng nói.
Để giúp người dân yên tâm giãn cách, ông Nhưỡng nhấn mạnh các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị cung ứng hàng hóa phải chuyển đổi biện pháp để giúp người dân đảm bảo sinh hoạt tối thiểu, không gặp khó khăn hay thiếu thốn hàng hóa, lương thực, thực phẩm.
Những giải pháp chống dịch chính quyền thành phố đưa ra cần được kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý thật nghiêm các vi phạm.
Chủ tịch TP.HCM: Chấp nhận hy sinh ngắn hạn vì sức khỏe người dân
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết cần xem Covid-19 là cuộc chiến và phải thực hiện những biện pháp mạnh hơn. Toàn TP.HCM sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7.
Hình ảnh ngày đầu tiên TPHCM thực hiện giãn cách toàn xã hội Trái với dự đoán thành phố sẽ vắng vẻ, nhiều tuyến đường ở Sài Gòn nhộn nhịp xe cộ trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Sáng 9/7, ngày đầu tiên TPHCM áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 để đảm bảo phòng chống dịch,...