Ba Vì: Người dân góp công, góp của, 1 tháng đã có đường mới
Hưởng ứng phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), bà con trong xóm Gia, xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) đã cùng nhau góp công, góp của để nâng cấp đoạn đường dài hơn 200m chạy qua xóm vốn lầy lội mỗi khi mưa xuống.
Có sức dân, 1 tháng đã có đường mới
Sau 1 tháng thi công, hiện con đường bê tông rộng gần 3m, bằng phẳng ở xóm Gia đã được đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Văn Bình – người trong xóm cho biết: “Nhà tôi chẳng khá giả nhưng tôi đã tự nguyện phá dỡ 20m tường bao với chiều cao 2m để con đường được mở rộng hơn. Đường làm xong thì vào mùa thu hoạch, thóc lúa từ ngoài đồng chở thẳng vào tận sân”.
Ông Phùng Văn Định – trưởng xóm Gia đã gương mẫu phá dỡ 7m tường bao và chuồng trâu của gia đình, xây lùi lại để đoạn đường được thẳng hơn. “Thời gian thi công tuyến đường này, xóm tôi vui như có hội. Tuy phải phá tường, phá công trình phụ, mất đất nhưng nhà nào cũng vui vẻ” – ông Định tâm sự.
Tuyến đường liên xã tại Minh Quang (Ba Vì) được đầu tư mở rộng và trải nhựa phẳng lì. Ảnh: Thiên Ngân
Xóm Gia có tổng số 17 hộ dân với 165 nhân khẩu. Thu nhập của người dân dựa chủ yếu vào nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn. Để đoạn đường trong xóm rộng và thẳng hơn, 11 hộ trong xóm đã sẵn sàng phá dỡ khoảng 240m tường bao, góp hơn 300m2 đất. Bên cạnh đó, các hộ đã cử thành viên trong gia đình cùng góp công làm đường.
Chủ tịch UBND xã Đồng Thái Phùng Trần Ngọ cho biết, hiện hơn 90% đường giao thông trên địa bàn xã đã được kiên cố hóa, một phần lớn là nhờ vào sự đóng góp của người dân. Xóm Gia là một trong những xóm tiêu biểu trong phong trào chung sức cải tạo đường giao thông, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng NTM ở địa phương.
Video đang HOT
Phấn đấu 21/30 xã đạt NTM trong 2019
Ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, thực hiện Chương trình số 02-CTr/HU của Huyện ủy Ba Vì về “Phát triền kinh tế, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nhân dân” giai đoạn 2016 – 2020, đến hết năm 2017, toàn huyện có tổng số 13/30 (đạt 43,33%) xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (gồm Cổ Đô, Thuần Mỹ, Tản Hồng, Phong Vân, Châu Sơn, Phú Phương, Phú Châu, Đông Quang, Thụy An, Sơn Đà, Thái Hòa, Phú Sơn và Ba Trại).
Hiện các xã đang tiếp tục xây dựng kế hoạch củng cố, duy trì, giữ vững và hoàn thiện các tiêu chí, tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ vào sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo và phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao theo Quyết định số 4212/QĐ- UBND của UBND TP.Hà Nội. Trong đó, năm nay huyện Ba Vì đăng ký có thêm 2 xã Phú Cường và Chu Minh đạt chuẩn.
“Sang năm 2019, toàn huyện phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt NTM là 21/30 xã (70%). Các xã còn lại phấn đấu hoàn thành NTM các năm tiếp theo”- ông Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, huyện tiếp tục nhận được sự quan tâm của thành phố, chỉ đạo tích cực của Huyện ủy, HĐND huyện, sự phối hợp có hiệu quả trong tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành các tổ chức chính trị – xã hội, huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo được sự đồng thuận cao của toàn dân đối với chủ trương xây dựng NTM.
Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, huyện còn không ít khó khăn trong xây dựng NTM, nhất là ở khu vực 7 xã đồng bào dân tộc miền núi và 1 xã giữa sông. Nhu cầu cần đầu tư nâng cấp về xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã này rất lớn, chủ yếu là cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi… Đặc biệt là ở các xã miền núi, tỉ lệ hộ nghèo đang khá cao so với bình quân chung toàn huyện.
Theo Danviet
Sản xuất theo chuỗi, thực phẩm an toàn hơn
Với sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP.Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương phải quyết liệt hơn.
Sự vào cuộc đồng bộ
Sau 1 năm triển khai Kế hoạch 119 ngày 1.6.2017 của UBND TP.Hà Nội về khắc phục hạn chế yếu kém, đổi mới, nâng cao hiệu quả ATTP trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đã tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "Quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành".
Hà Nội đã xây dựng được 80 chuỗi liên kết sản xuất, trong đó có gà đồi Ba Vì. Ảnh: Thu Hà
"Quản lý ATTP quan trọng nhất là thay đổi tư duy người tiêu dùng. Cùng với đó là công tác phối hợp, do đó cần xây dựng các kế hoạch cụ thể. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương".
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội
Hiện tại, UBND các quận đã cấp biển nhận diện cho 712/712 cửa hàng đạt yêu cầu của đề án, chiếm 85,7% tổng số cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận. Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực phẩm đưa vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng, Hà Nội đang có 48 chuỗi tiêu thụ rau an toàn theo liên kết dọc.
Sở NNPTNT Hà Nội đã triển khai xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, qua đó hình thành 80 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến thụ sản phẩm. Xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể (gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Tây Sơn, vịt Vân Đình, trứng Liên Châu), và 13 nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có 1 nhãn hiệu được chứng nhận. Thực tế cho thấy, việc sản xuất theo chuỗi là một giải pháp quản lý ATTP hiệu quả, đảm bảo chất lượng nông sản cũng như quyền lợi của các bên.
Trên lĩnh vực y tế, Sở Y tế đã kiểm tra ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể với 961 lượt, phát hiện 162 cơ sở vi phạm. Xét nghiệm nhanh trên 5 xe kiểm nghiệm ATTP chuyên dùng, lưu động trong các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành với 1.624 mẫu/1.709 mẫu xét nghiệm (95%). Về công tác giám sát, xét nghiệm, cảnh báo nguy cơ về ATTP, Sở Y tế đã lấy 1.258 mẫu thực phẩm làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại Labo xét nghiệm, đạt 1.090 mẫu (86,6%)...
Đánh giá kết quả sau 1 năm triển khai, ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho hay: "Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý về ATTP, cùng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm đã tạo sự chuyển biến tích cực".
Nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Trần Ngọc Tụ cho hay, công tác ATTP trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do một số văn bản chưa đồng nhất, việc triển khai thực hiện ký cam kết ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tuyến xã quản lý gặp nhiều khó khăn do đa số chưa đáp ứng được các tiêu chí ATTP. Còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm...
Liên quan đến vấn để kiểm tra, xử lý ATTP, ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, đối với lực lượng quản lý thị trường, văn bản chỉ đạo là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện còn những bất cập gây khó khăn trong việc thực thi. Cụ thể, trong Nghị định 185/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng) có đưa ra hình thức xử lý là tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, tại Nghị định 119/2017 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa) cũng có phần xử lý hàng hóa hết hạn sử dụng, nhưng lại không quy định về tịch thu, tiêu hủy.
Một vấn đề nữa được ông Lộc đề cập là số lượng xe kiểm nghiệm nhanh có 5 xe, trong đó lực lượng quản lý thị trường có 2 xe, đây là con số quá ít vì kiểm tra ATTP là công việc hàng ngày. Do đó, ông Lộc cũng kiến nghị cần tăng cường xe kiểm nghiệm nhanh để có thể kịp thời đáp ứng công việc kiểm tra xử lý, nâng cao trong công tác quản lý và kiểm tra ATTP.
Vấn đề ATTP có mặt tất cả mọi ngõ ngách, đáng chú ý, 50-60% thực phẩm được bày bán ở các chợ dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất nguy cơ ATTP rất cao. Do đó, theo các chuyên gia, sự vào cuộc của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng.
Theo Danviet
5 năm tái cơ cấu nông nghiệp Hà Nội: Nhiều mô hình thu nhập tiền tỷ Sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu (2013 - 2017), ngành nông nghiệp của Hà Nội liên tục đạt mức tăng trưởng khá; giá trị gia tăng bình quân 2,23% cho cả giai đoạn. TP.Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm. Vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã...