Bà trùm của ‘Đầu Rắn’ và đế chế buôn người trong 2 thập kỷ
Được gọi bằng cái tên giản dị “chị Bình”, người phụ nữ này là bà trùm đứng sau đường dây đưa người Trung Quốc nhập cư trái phép vào Mỹ “thành công nhất mọi thời đại”.
39 di dân được phát hiện thiệt mạng bên trong một thùng xe đông lạnh ở Anh làm gợi nhớ đến “Đầu Rắn” – tên gọi của những băng nhóm ra đời tại Phúc Kiến, Trung Quốc, chuyên đưa người nhập cư trái phép vào Mỹ và nhiều nước phương Tây.
Trong suốt 2 thập kỷ, Trịnh Thúy Bình được xem là “mẹ của các Đầu Rắn”, điều hành nhóm buôn người lớn giúp tổng cộng hàng trăm nghìn công dân Trung Quốc đến Mỹ, với số tiền kiếm được lên đến 40 triệu USD, theo New York Times.
Bà Trịnh Thúy Bình, còn gọi là “chị Bình”, từng điều hành một trong những nhóm buôn người lớn nhất từ Trung Quốc. Ảnh: Getty.
Cho đến khi qua đời vào năm 2014 khi đang thụ án tù ở Texas, người phụ nữ này vẫn là một nhân vật gây tranh cãi.
Nữ hiệp hay tội phạm?
Đối với nhà chức trách, bà Trịnh là tội phạm, là “hiện thân của ác quỷ”. Bà đã kiếm tiền nhờ vào việc đưa “khách hàng” của mình, những người mơ về một tương lai tốt đẹp”, lên những con tàu không an toàn cho hành trình vượt biên. Nhiều người chết chìm.
Đối với những người đến đích an toàn nhưng không có tiền để trả, “chị Bình” cho người đến bắt cóc, đánh đập, hãm hiếp họ cho đến khi người thân của họ ở quê nhà cam kết trả nợ.
Thế nhưng, khi tang lễ của bà diễn ra vào tháng 4/2014 tại khu người Hoa ở New York, nơi bà được biết đến với tên gọi thân mật “chị Bình”, rất đông di dân gốc Phúc Kiến đã đến viếng. Họ, gồm những người đã đến Mỹ theo sự sắp xếp của bà, hoặc biết những người khác như vậy, đã dành cho người phụ nữ này sự kính trọng như đối với một anh hùng dân gian.
Bà Trịnh sinh năm 1949 tại Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến ở vùng duyên hải miền Nam Trung Quốc. Cha của bà là thủy thủ tàu viễn dương, từng ở Mỹ làm việc trong 13 năm trước khi bị bắt và trục xuất về Trung Quốc vào năm 1977. Sau đó, ông bước chân vào lĩnh vực buôn người.
Cửa hàng của “chị Bình” tại khu người Hoa ở New York. Ảnh: Getty.
Bà cưới một người cùng làng vào năm 1969, sau đó đến Hong Kong làm ăn, rồi sang định cư tại New York vào năm 1982. Tại khu phố người Hoa, vợ chồng bà mở một cửa hàng chuyên bán các mặt hàng phục vụ những di dân Phúc Châu nhớ quê.
Video đang HOT
Cũng chính từ đây, “chị Bình” bắt đầu đưa những người cùng làng ở Trung Quốc sang Mỹ, mỗi lần vài người bằng các chuyến bay thương mại, sử dụng giấy tờ tùy thân giả. Từng bước, bà xây dựng nên mạng lưới đưa người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất từng hoạt động ở New York. Đường dây này đưa hàng trăm nghìn người Trung Quốc, phần lớn ở Phúc Kiến, đến Mỹ trong những năm 1980 và 1990.
Mạng lưới của bà cũng là một trong những đường dây buôn người sinh lời nhất, áp dụng một ma trận các nước trung gian và phương thức di chuyển. Bà lấy giá cao, lên đến 35.000 USD hoặc hơn, đối với mỗi người vượt biên, theo New York Times.
Khi xảy ra vụ Golden Venture, một tàu hàng cũ nát chở gần 300 di dân mắc cạn ngoài bờ biển Rockaways, New York, vào năm 1993, khiến 10 người chết, bà Trịnh đã trở thành biểu tượng của giới buôn người, cũng như giúp lan truyền từ “Đầu Rắn”. Bà là người đã chi tiền cho chuyến đi này của con tàu.
Tàu Golden Venture mắc cạn ngoài bờ biển New York tháng 6/1993. Ảnh: AP.
Sau sự vụ, bà rời Mỹ, rồi bị bắt tại Hong Kong rồi bị dẫn độ đến Mỹ vào năm 2000. Tại tòa án liên bang ở New York, các công tố viên chỉ ra việc một phi vụ do mạng lưới của bà tiến hành đã dẫn đến cái chết của 14 người sau khi tàu chở họ chìm ở ngoài khơi Guatemala vào năm 1998.
Bà cũng bị cáo buộc đã thuê các thành viên của Fuk Ching, nhóm tội phạm có tổ chức khét tiếng nhất khu người Hoa ở New York, để vận chuyển cũng như đe dọa các “khách hàng”, đảm bảo họ trả tiền đúng hạn.
Bà bị tuyên 35 năm tù, mức cao nhất, vào năm 2006. Khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố bà “là một trong những kẻ buôn người đầu tiên, và cuối cùng là thành công nhất, mọi thời đại”.
Bất chấp nguy hiểm
Tuy nhiên, không phải mọi di dân gốc Phúc Kiến ở khu người Hoa tại New York đều nghĩ như vậy. Khi tang lễ của bà diễn ra, có người gọi bà là “nữ hiệp độ lượng”, người khác nói bà là “một người vĩ đại đã thay đổi đời sống của người dân nông thôn Phúc Châu”.
Luật sư Lawrence Hochheiser, người biện hộ cho bà tại tòa, nói bà được nhiều di dân gốc Hoa ủng hộ vì “họ cảm thấy bà đã đưa họ ra khỏi cảnh nghèo túng và đè nén, cho họ một cơ hội để có cuộc sống tốt hơn”.
Nhiều người tại Phúc Kiến chọn cách vượt biên với hy vọng có cuộc sống tốt hơn.
Theo tác giả Patrick Radde Keefee, tác giả cuốn sách về “chị Bình” có tên Đầu Rắn: Thiên sử thi về thế giới ngầm ở khu người Hoa và giấc mơ Mỹ, bà đã trở thành “một nhân vật có một không hai ở New York”.
“Bà ấy chưa bao giờ hoàn toàn xấu như Bộ Tư pháp mô tả, cũng chưa bao giờ hoàn toàn tốt như những cư dân ở khu người Hoa ca ngợi”, ông nói.
Dù thế nào, băng “Đầu Rắn” của bà vẫn hoạt động mạnh mẽ sau khi bà qua đời trong tù, dù không rõ ai là lãnh đạo. Nhiều người Trung Quốc, nhất là ở các vùng quê nghèo, tiếp tục bị hấp dẫn bởi lời hứa hẹn về mức lương cao hơn số tiền họ có thể kiếm ở quê nhà.
Theo thời gian, các nhóm “Đầu Rắn” cũng bắt đầu sử dụng các ứng dụng mạng xã hội, bao gồm Momo – ứng dụng tương tự Tinder tại Trung Quốc, cũng như ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat, để tìm kiếm khách hàng,theo Daily Mail.
Những lời chiêu dụ như “Đi lại an toàn 100%”, “Thông quan nhanh chóng! Trả tiền khi đến nơi” lan truyền rộng rãi trên mạng.
Những người với ước mơ về tương lai tốt đẹp chấp nhận đóng trước khoản đặt cọc 5.000 nhân dân tệ (700 USD) để được đưa lên những chiếc thuyền hay container, bắt đầu một hành trình dài, tăm tối và mạo hiểm. Ví dụ để đến được Anh, họ sẽ phải bay từ Trung Quốc đến Serbia, sau đó đi đường bộ đến Hungary, Áo, Pháp, trước khi đi thuyền sang Anh từ Hà Lan hoặc Bỉ.
Hiện trường vụ 58 người chết trong xe chở cà chua ở Dover, Anh, năm 2000. Ảnh: PA.
Những kết cục như vụ 39 người chết trên xe tải ở Essex không phải chưa từng xảy ra ở Anh. Năm 2000, thi thể 58 người Trung Quốc được phát hiện trong một container đóng kín, bị bít lỗ thông gió, tại cảng Dover. Bốn năm sau, 23 người Trung Quốc chết đuối sau khi bị bỏ rơi tại vịnh Morecamble.
Cả hai vụ việc đều có ít nhất một điểm chung: nạn nhân đều là người ra đi từ tỉnh Phúc Kiến – cái nôi của những băng “Đầu Rắn” Trung Quốc, quê hương của “chị Bình”.
Theo Zing.vn
58 tử thi chồng chất trong container và hành trình kinh hoàng đến Anh "đổi đời"
58 người Trung Quốc chết ngạt trong container chở đầy cà chua khi nỗ lực nhập cư trái phép vào Anh đã từng khiến dư luận thế giới chấn động.
Thảm kịch nơi "miền đất hứa"
Đêm 18/6/2000, cảnh sát Anh phát hiện 58 thi thể chồng chất lên nhau bên trong một container đóng kín tại cảng Dover, vùng Kent, miền Nam nước này. Hai người may mắn sống sót sau đó cũng ở trong tình trạng nguy kịch khi được tìm thấy.
Container chở cà chua, nơi tìm thấy 58 thi thể người Trung Quốc vào tháng 6/2000
Khám nghiệm tử thi cho thấy, các nạn nhân tử vong vì suy hô hấp, nguyên nhân do ngạt khí. Chiếc quạt thông gió duy nhất của container không hề hoạt động, cắt đứt nguồn dưỡng khí cho 60 người bên trong.
Theo kết quả điều tra, 56 đàn ông và 4 phụ nữ đều đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Hệ thống làm lạnh của chiếc xe bị tắt khiến nó không khác gì một "chiếc lò thiêu di động", khi nhiệt độ ngoài trời lúc đó lên tới 32 độ C.
Các bằng chứng cho thấy họ đã "điên cuồng đập vào container" trong những phút cuối đời. Hai người sống sót là những người cuối cùng bước vào xe. Họ có thêm oxy khi những người khác chết đi và dừng hô hấp.
Hành trình "định mệnh"
Kết quả điều tra cho thấy những người này đã phải trải qua hành trình gian khổ kéo dài nhiều tuần trước khi bước lên chuyến đi định mệnh vào "miền đất hứa". Mỗi người trả cho một băng đảng tội phạm 20.000 bảng (gần 600 triệu đồng) để được đưa từ Trung Quốc sang Anh.
Hành trình của 60 người xuất phát từ thủ đô Bắc Kinh, nơi họ lên chuyến bay tới Belgrade (thủ đô Nam Tư cũ). Nhóm người di chuyển hợp pháp bằng hộ chiếu Trung Quốc trên chặng đường này sau khi nhận được giấy phép xuất cảnh. Suốt chuyến đi, nhóm tội phạm buộc họ phải mặc quần đen và áo phông xám, đồng thời cấp mã số để họ không bị các băng đảng đối thủ bắt.
Lái xe Perry Wacker bị tuyên án 14 năm tù
Sau khi tới Belgrade, họ được đưa đến những ngôi nhà an toàn và cấp hộ chiếu đánh cắp từ các công dân châu Á. Từ thành phố này, họ tiếp tục di chuyển bằng ôtô theo những nhóm nhỏ để vượt biên vào Hungary.
Nhóm người di cư trốn trong thùng các xe van khi đi qua Áo để vào Pháp, sau đó bắt một chuyến tàu ở Pháp để đến Hà Lan, nơi họ được bàn giao cho nhánh châu Âu của mạng lưới buôn người tại thành phố Rotterdam.
Trước khi xe đi qua phà ở Zeebrugge (Bỉ), lỗ thông gió bị đóng lại để tránh bị các quan chức ở cảng phát hiện, vì vậy nguồn oxy đã bị chặn đứng khiến 58 người tử vong.
Trong phiên toà diễn ra vào tháng 4/2001, Perry Wacker, người đàn ông Hà Lan 33 tuổi cũng là lái xe container luôn nói rằng mình không biết những người Trung Quốc ở trên xe và rằng ông ta không đóng quạt thông gió. Wacker nói là mượn chiếc xe này của một người bạn để chở hàng kiếm tiền. Tuy nhiên theo điều tra, người này đã nhận tiền từ một nhóm tội phạm để giúp đưa lậu nhóm người Trung Quốc vào Anh.
Thẩm phán Alan Moses tuyên bố: "Anh đã không hề quan tâm đến số phận của những người nhập cư trong chiếc buồng tắt quạt thông gió đó. Khi quạt thông gió dừng, sự sống cũng chấm dứt".
Perry Wacker bị tuyên án 14 năm tù với tội danh giết người. Ying Guo, phiên dịch viên tiếng Trung Quốc cũng chịu án 6 năm tù vì âm mưu đưa người trái phép vào Anh. Ngoài ra, một nhóm 7 người khác liên quan đến thảm kịch cũng bị tuyên án hình sự.
Theo danviet
"Cái nôi" của nạn buôn người sang Anh ở Trung Quốc Tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc - nơi phần lớn người dân làm lao động phổ thông, được gọi là "cái nôi" của nạn buôn người. Những người dân ở các làng chài nghèo khó bắt đầu rời khỏi quê hương tìm kiếm cuộc sống mới ở nước ngoài bằng thuyền vào đầu thế kỷ XV. Nhiều người trong số này đến từ Đông...