Bà Trần Ngọc Bích: Tôi đang phải chứng minh những thứ không liên quan đến tôi!
Sáng 24/8, đại án Ngân hàng Xây dựng tiếp tục với phần trình bày của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cụ thể ở đây là nhóm khách hàng Trần Ngọc Bích.
Mở đầu phiên xử buổi sang là phần trình bày của bà Trần Ngọc Bích, bà cho biết những căn cứ pháp lý và phân tích nội dung sự việc, luật sư của của bà sẽ nêu chi tiết.
Bà chỉ muốn nói một số suy nghĩ của mình với Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát có nội dung như sau:
“Dựa trên lòng tin của bản thân vào tương lai của Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Đảng và Nhà nước, vào môi trường đầu tư, và xu hướng hội nhập phát triển của đất nước, tôi và gia đình cùng một số cộng sự đã, đang triển khai đầu tư xây dựng thêm các cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất tại Hà Nam, Quảng Nam và Hậu Giang, với quy mô bước đầu tạo công ăn việc làm tổng cộng trên 3.000 lao động trực tiếp, và hơn 10.000 lao động gián tiếp, với tổng ngân sách đầu tư đến năm 2020 là 12.000 tỷ đồng.
Đây là khát khao và nguyện vọng đóng góp cho sự phát triển và phồn vinh của Việt Nam của bản thân tôi, gia đình tôi và các cá nhân đã sát cánh với tôi.
Tất cả các khoản tiền dự kiến đầu tư đều có nguồn gốc hợp pháp từ quá trình tích lũy chính đáng, từ những nỗ lực lao động, một ngày không dưới 16 tiếng, 365 ngày và suốt hơn 20 năm đầy mồ hôi và nước mắt của tôi, gia đình và các cộng sự của tôi qua nhiều năm liền hoạt động kinh doanh.
Bà Trần Ngọc Bích
Toàn bộ số tiền trên 5.881 tỷ đồng chuẩn bị đầu tư cho các dự án được tôi và các cá nhân gửi tại Ngân hàng Xây Dựng thông qua 124 sổ tiết kiệm là tài sản hợp pháp của chúng tôi. Trên cơ sở người thật, tiền thật được gửi vào Ngân hàng, và được Ngân hàng phát hành các sổ tiết kiệm để minh chứng cho quyền sở hữu hợp pháp tiền gửi của chúng tôi.
Việc gửi tiền, sau đó có nhu cầu vay lại bằng việc cầm cố các sổ tiết kiệm của chúng tôi, hoàn hoàn là các giao dịch độc lập, nhằm linh hoạt trong thanh khoản, khi cần tiền đầu tư không phải rút trước hạn.
Nếu có nhu cầu nhưng chưa sử dụng, thì gửi theo hợp đồng có kỳ hạn để chuẩn bị sẵn sàng khi nào cần thì có ngay sử dụng, và tránh được tình huống ngân hàng không cho vay nữa do hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Nếu gửi tiền không kỳ hạn, thì mức lãi suất thấp, nhưng với cách gửi tiền có kỳ hạn và vay lại khi cần thiết thì mức lãi suất thực mà chúng tôi được hưởng sẽ cao hơn so mức lãi suất không kỳ hạn.
Đây là các hoạt động hợp lý, hợp tình, hợp pháp và hết sức bình thường trên thị trường nhằm tối ưu hóa dòng tiền.
Trên thực tế việc gửi tiền, vay tiền là hài hòa quyền lợi của cả khách hàng và ngân hàng. Với cách này, ngân hàng huy động được tiền gửi có kỳ hạn thay vì chỉ huy động được tiền gửi không kỳ hạn. Dù không cần thiết phải giải thích về những hành động thuộc quyền hợp pháp của mình, nhưng với sự tôn trọng dành cho Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát và những người tham gia phiên tòa, tôi thấy cần nói rõ nội dung này.
Vào ngày 21 và 26/8/2013, tài khoản tiền gửi của tôi tại Ngân hàng Xây Dựng đã có 5.190 tỷ đồng. Đây là số tiền mà chúng tôi được Ngân hàng Xây Dựng cho vay bằng việc nhận cầm cố 118 sổ tiết kiệm của chúng tôi, để chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động các dự án. Toàn bộ số tiền 5.190 tỷ đồng này, đã được tôi thỏa thuận với Ngân hàng Xây Dựng chuyển thành số dư tiền gửi có kỳ hạn.
Như vậy, hiện nay chúng tôi có 5.881 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm trong 124 sổ tiết kiệm của 17 người (trong đó bao gồm 6 sổ tiết kiệm không cầm cố cho bất kỳ khoản vay nào), và 5.190 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi của tôi tại Ngân hàng Xây Dựng, và tổng số tiền vay là 5.190 tỷ đồng.
Video đang HOT
Là người hoạt động đầu tư kinh doanh, quan hệ với nhiều khách hàng và đối tác, trong đó có các ngân hàng, tôi đã luôn nghĩ rằng, gửi tiền vào ngân hàng là rất an toàn. Vì tin tưởng vào sự an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam, tôi đã gửi tiền vào Ngân hàng Xây Dựng, cũng như nhiều ngân hàng khác.
Tôi hiểu và tôi tin tưởng rằng, không có gì chắc chắn và an toàn hơn việc gửi tiền trong ngân hàng, khi người gửi tiền không chuyển tiền đi, thì dù có chuyện gì xảy ra, tiền vẫn luôn nằm trong tài khoản khách hàng gửi tiền, dưới sự quản lý của ngân hàng.
Chính vì vậy, tôi vẫn không tin được, tại sao Ngân hàng Xây Dựng có thể bình thản và đơn giản nói rằng, tài khoản của tôi không còn số tiền 5.190 tỷ đồng, rằng 6 sổ tiết kiệm của 3 người trong chúng tôi lại bị Ngân hàng cầm cố cho các khoản vay mà họ hoàn toàn không vay.
Điều tôi hoang mang, lo ngại và không thể hiểu được, là đáng ra, tôi phải là người yêu cầu Ngân hàng Xây Dựng giải thích, tại sao tài khoản của tôi không còn số tiền 5.190 tỷ đồng, rằng 6 sổ tiết kiệm của 3 người trong chúng tôi lại bị Ngân hàng cầm cố cho các khoản vay mà họ hoàn toàn không vay.
Đáng ra, ngân hàng chịu trách nhiệm về những chuyện này và phải trả tiền, trả sổ tiết kiệm cho tôi. Thì ngược lại, chính người gửi tiền chúng tôi lại bị cáo buộc, bị quy trách nhiệm, bị đặt vấn đề là có đồng phạm với ông Phạm Công Danh hay không, Ngân hàng có cho tôi nợ chứng từ hay không, có cho Danh vay tiền và cho vay nặng lãi hay không, hưởng lãi ngoài hay không…
Mặc dù không phải là nghĩa vụ của tôi, nhưng tôi sẵn sàng giải thích, chứng minh, để bảo vệ cho sự chính đáng và trong sạch của mình. Tôi và các luật sư của tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm điều đó.
Như những người dân đang tin tưởng và đang gửi tiền tại ngân hàng, tôi luôn băn khoăn và trăn trở:
Thứ 1: Là trách nhiệm của Ngân hàng Xây Dựng ra sao?
Thứ 2: Quyền lợi của những người dân gửi tiền như chúng tôi sẽ được pháp luật bảo vệ như thế nào?
Ở đây tôi đang là nạn nhân, nhưng lại bị quy chụp và suy diễn là thủ phạm.
Tôi có tiền trong tài khoản, đã bị mất. Nay đi đòi tiền, thì tôi lại phải chứng minh hàng loat điều là tôi không cho người ta vay, tôi phải chứng minh tôi không nhận lãi ngoài, tôi phải chứng minh tôi không biết tiền bị chuyển đi.v.v
Chính Ngân hàng Xây Dựng, chính các cá nhân lãnh đạo ngân hàng làm sai lại đưa ra các yêu cầu với tôi.
Tiền của tôi, tài sản của tôi, tôi không cho ai vay, tôi không chuyển cho bất kỳ ai, thì tôi không có nghĩa vụ phải chứng minh bất cứ điều gì. Tôi không cho vay là không cho vay, không chuyển tiền là không chuyển tiền. Đã là sự thật thì không cần phải chứng minh gì nữa.
Tất cả ý kiến cho rằng tôi nhận lãi ngoài, rằng tôi cho ông Danh vay, hoặc tôi biết, tôi đồng thuận chuyển tiền đều là lời khai một phía, nhưng những lời khai này lại được sử dụng để quy chụp cho tôi, làm cho tôi rất mệt mỏi trong suốt những ngày qua.
Nhưng, điều làm cho tôi cảm thấy hoang mang hơn nguy cơ mất tiền, là toàn bộ sự thật đã bị đảo lộn và che khuất.
Một số bị cáo và luật sư cho rằng, tôi nhận lãi ngoài hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ trong khi chính tôi không biết, không hiểu được tại sao lại có các con số này. Mỗi người, ai cũng có quyền có ý kiến của mình. Phần tôi, tôi chỉ mong Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát xác định rõ các lời khai, các quan điểm đó và các con số đó được tính trên cơ sở nào, chứng cứ nào, tiền của ai, trả cho ai, cho giao dịch nào.
Tại sao lại có ý kiến đề nghị thu hồi tiền sở hữu của chúng tôi chỉ dựa vào những lời khai không có căn cứ và chung chung như vậy.
Ngoài ra, một số bị cáo và luật sư cũng cho rằng, tôi cho ông Danh vay số tiền 5.490 tỷ đồng. Như tôi đã khẳng định nhiều lần, tôi chưa bao giờ cho ông Danh vay. Về vấn đề này, Luật sư của tôi sẽ có các ý kiến phân tích rõ ràng và cụ thể.
Ngân hàng Xây Dựng không có quyền, không được tự ý ghi nhận chi tiền trên tài khoản của tôi khi tôi không yêu cầu, không đồng thuận Ngân hàng thực hiện.
Ngân hàng Xây Dựng cũng không thể tự ý cầm cố 6 sổ tiết kiệm của ông Trần Hoài Phục, bà Ngô Bích Thùy Trang và bà Nguyễn Thị Mỹ Dung khi họ không vay.
Bằng việc dẫn dắt về những giao dịch không có thật, không xảy ra giữa tôi và ông Phạm Công Danh, phải chăng mọi việc đang bị đẩy đưa để đi theo hướng che lấp trách nhiệm của Ngân hàng Xây Dựng đối với khách hàng gửi tiền?
Tôi xin khẳng định rằng, là một khách hàng của Ngân hàng Xây Dựng, tôi đã thực hiện tất cả các giao dịch gửi tiền, vay tiền, thanh toán đúng hướng dẫn và yêu cầu của Ngân hàng. Tôi không có quan hệ gì với ông Phạm Công Danh. Tôi không có lý do gì để đồng phạm với ông Phạm Công Danh. Tất cả các suy diễn, quy chụp cho tôi đều không đúng…
Phạm Công Danh.
Trước khi đưa ra kiến nghị, tôi mong muốn được làm rõ các câu hỏi sau đây:
Thứ nhất, tại sao Ngân hàng Xây Dựng lại tự động hạch toán số tiền 5.190 tỷ đồng trở thành “không có” trên tài khoản của tôi, khi không có bất kỳ yêu cầu và không có sự đồng ý của tôi.
Thứ hai, tại sao từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Xây Dựng luôn tìm cách trì hoãn trả tiền cho người dân gửi tiền chúng tôi, bất chấp việc gửi và vay tiền của chúng tôi là hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ.
Thứ ba, chúng tôi hiểu rằng, Ngân hàng Xây Dựng hiện tại đang hoạt động rất tốt, vì được sở hữu và quản lý bởi Ngân hàng nhà nước, nhưng tại sao đến nay, tiền gửi của chúng tôi tại Ngân hàng Xây Dựng vẫn chưa được trả.
Với tất cả những gì đã trải qua, đã học được, tôi hiểu rằng, dù sự việc có như thế nào, thì tiền gửi của khách hàng trong ngân hàng phải do ngân hàng cất giữ và quản lý cho khách hàng gửi tiền. Ngân hàng Xây dựng không thể né tránh trách nhiệm với số tiền gửi 5.190 tỷ đồng của tôi gửi tại ngân hàng, do chính Ngân hàng làm thất thoát bởi chính các sai phạm của ngân hàng.
Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử:
Thứ nhất, Buộc Ngân hàng Xây Dựng phải hoàn trả lại số tiền 5.190 tỷ đồng vào tài khoản của tôi, do Ngân hàng Xây Dựng đã chuyển trái ý chí của tôi.
Thứ hai, Yêu cầu Ngân hàng Xây Dựng phải trả tiền lãi có kỳ hạn đối với số tiền 5.190 tỷ đồng mà tôi đã gửi tại Ngân hàng Xây Dựng từ ngày 21 và ngày 26/8/2013 cho đến nay.
Thứ ba, Yêu cầu Ngân hàng Xây Dựng dùng số tiền 5.190 tỷ đồng mà Ngân hàng Xây Dựng phải có trách nhiệm hoàn trả này, để tất toán toàn bộ các khoản vay ngày 21 và 26/8/2013 cho 14 người chúng tôi. Đồng thời, phải trả lại 118 sổ tiết kiệm thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chúng tôi đang được Ngân hàng Xây Dựng nhận cầm cố sau khi tất toán các khoản vay này.
Thứ tư, Buộc Ngân hàng Xây Dựng phải trả lại 6 sổ tiết kiệm cho bà Ngô Bích Thùy Trang, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung và ông Trần Hoài Phục.
Đây là vụ án được các cơ quan tư pháp coi là một trong những vụ án trọng điểm, dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm, như minh chứng về một môi trường đầu tư kinh doanh, trong sạch và lành mạnh. Chúng tôi xin đặt trọn niềm tin của chúng tôi vào sự đánh giá toàn diện của Đại diện Viện kiểm sát, sự phán xét công bằng và khách quan, được dựa trên những chứng cứ trực tiếp của Hội đồng xét xử, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp vốn luôn được pháp luật bảo vệ, và không thể tranh cãi của chúng tôi.”
Phần trình bày của bà Trần Ngọc Bích kết thúc lúc 9h sáng ngày 24/8 và nhường lời cho luật sư của bà cùng đại diện những người có liên quan khác.
Theo Petrotimes
Đại án tại VNCB: Đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự Trang "Phố núi"
Bà Phạm Thị Trang (Trang "Phố núi") và ông Trần Việt Hà (Giám đốc Quỹ Lộc Việt) đã bị đại diện VKS đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự vì có những hành vi giúp sức Phạm Công Danh gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Sau nhiều ngày xét hỏi, sáng nay (16.8), phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về các hành vi gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng chuyển sang phần luận tội của đại diện VKS.
Tại phiên tòa, VKS đã đề nghị truy tố Trang "Phố núi" do có liên quan đến một số hành vi phạm tội của Phạm Công Danh (trước khi vụ án này bị khởi tố, Trang "Phố núi" đã đi nước ngoài - PV).
VKS cũng yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Việt Hà (Giám đốc Quỹ Lộc Việt). Tại phiên tòa, ông Hà không có mặt vì lý do sức khỏe, nhưng căn cứ vào chứng cứ cũng như lời khai một số bị cáo, VKS cho rằng ông Hà liên quan trực tiếp đến việc giúp Phạm Công Danh rút 903 tỷ đồng từ VNCB thông qua Quỹ Lộc Việt.
Các bị cáo nghe luận tội.
Còn về bà Trần Ngọc Bích, đại diện VKS cho rằng không chứng minh được việc hợp tác bàn bạc giữa bà Bích và Phạm Công Danh. Suốt phiên tòa bà Bích luôn cho rằng không quen biết Phạm Công Danh, chỉ làm việc với Trang "Phố núi". Do đó chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự bà Bích với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh.
Riêng về số tiền 5.190 tỷ đồng đã bị chuyển khỏi tài khoản của Trần Ngọc Bích tại VNCB (không có chữ ký của chủ tài khoản), đại diện VKS cho rằng số tiền này phải hoàn trả lại. VNCB cần quản lý 124 sổ tài khoản của nhóm Trần Ngọc Bích để thu hồi số tiền này.
Trước đó, đại diện VKS cho rằng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát cho VNCB hơn 9000 tỷ đồng là vụ án kinh tế lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ trong thời gian ngắn, thực trạng tài chính của VNCB từ chỗ lỗ hơn 2.800 tỷ đồng thì đến cuối năm 2012 đã tăng mạnh và đến thời điểm khởi tố vụ án thì vốn chủ sở hữu âm hơn 18.000 tỷ đồng. Dưới sự điều hành của Phạm Công Danh và các thuộc cấp, VNCB không những không tốt hơn mà còn tồi tệ hơn buộc Ngân hàng Nhà nước phải đưa vào diện giám sát đặc biệt. Sau đó tình hình thanh khoản ngân hàng không được cải thiện mà vốn sở hữu âm, lỗ lũy kế ngày càng tăng khiến Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng/cổ phần.
Do đó, theo đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa, việc đưa ra xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm là kịp thời, việc Phạm Công Danh cùng các bị cáo trong vụ án này là đúng người, đúng tội, nhất là đối với những người nguyên là cán bộ ngân hàng VNCB như Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương, Lê Công Thảo... Riêng đối với các bị cáo là giám đốc đứng tên các công ty (do Phạm Công Danh lập ra), tại tòa các bị cáo khai nhận hầu hết là nhân viên bảo vệ, lái xe của Thiên Thanh, tất cả đều thành khẩn khai báo nên VKS cho rằng cần xem xét các hành vi phạm tội các bị cáo khi định tội.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần luận tội của VKS.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng.
Theo Danviet
Đại án tại VNCB: Chăm sóc khách hàng "đè chết" Phạm Công Danh Áp lực "chăm sóc khách hàng" nhằm duy trì và bảo đảm khả năng thanh khoản của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là nguyên nhân dẫn đến sai phạm "chết người" của Phạm Công Danh... Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa. Theo lơi khai cua ông Phan Thanh Mai (Tổng Giám đốc VNCB), đã được xác nhận tại phần thẩm vấn của...