Bà Rịa-Vũng Tàu: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, 4 người tử vong
Từ đầu năm đến ngày 30/8, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 7.728 ca sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong, ngành y tế tỉnh cũng đã phát hiện, xử lý gần 1.600 ổ dịch.
Thăm khám cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại bệnh viện Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Theo bác sỹ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số người bị sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục tăng nhanh và diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.
Từ đầu năm đến ngày 30/8, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 7.728 ca sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong (1 ca tại huyện Châu Đức, 1 ca tại thành phố Vũng Tàu và 2 ca tại thị xã Phú Mỹ).
Thành phố Vũng Tàu có 2.300 ca và huyện Châu Đức 2.132 ca, đây là 2 điểm “ nóng” về sốt xuất huyết.
Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế cũng đã phát hiện, xử lý gần 1.600 ổ dịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo nhận định của ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đây là lúc không thể chủ quan, bởi sốt xuất huyết vẫn diễn biến rất phức tạp.
Video đang HOT
Số ca mắc sốt xuất huyết đang trên đà tăng nhanh trở lại, rất cần áp dụng các biện pháp kiểm soát.
Trước tình hình đó, Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện và Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn tổ chức các đợt kiểm tra về công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều gia đình sử dụng dụng cụ, bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, đồ dùng cũ còn đọng nước.
Bên cạnh đó, ý thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Một số hộ không hợp tác trong triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
Người dân còn tâm lý ỷ lại vào việc phun thuốc diệt muỗi mà không chú trọng việc diệt lăng quăng dẫn đến bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh…
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có Chỉ thị 11/CT-UBND về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành Y tế tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào các địa phương có diễn biến phức tạp.
Chỉ thị này cũng yêu cầu Sở Y tế tỉnh chỉ đạo Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe tỉnh phối hợp các đơn vị truyền thông và các địa phương tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch trên địa bàn, với các hình thức đa dạng, phù hợp và dễ hiểu; chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng giám sát chặt chẽ tình hình diễn tiến từng địa phương tới tuyến xã, phường, thôn ấp, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.
Ngành Y tế nhanh chóng củng cố các đội chống dịch cơ động, tổ chức giám sát các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng; điều tra, xác định ổ dịch và tổ chức các biện pháp xử lý triệt để; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu trong việc xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân và hỗ trợ kịp thời địa phương khi có nhu cầu.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương huy động hệ thống chính trị các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân.
Lãnh đạo các địa phương trực tiếp chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế của địa phương tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và tập trung xử lý ổ dịch triệt để, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.
Các xã, phường, thị trấn khẩn trương và thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng theo hướng dẫn của cơ quan y tế./.
Hoàng Nhị
Theo TTXVN/Vietnamplus
Sốt xuất huyết tăng đột biến ở Bà Rịa-Vũng Tàu, 3 người tử vong
Theo ngành y tế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT), tháng 7 chưa phải là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhưng đến nay số ca mắc ngày càng tăng.
Những dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.400 ca, trong đó 3 người tử vong. H.Châu Đức tăng mạnh, với hơn 1.162 ca, tăng 25 lần so với cùng kỳ năm ngoái... Đáng lưu ý, tại BR-VT có hơn 90% số ca SXH là người lớn (3 ca tử vong đều là người lớn).
Mặc dù các địa phương của tỉnh thường xuyên tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch nhưng theo đánh giá của đoàn công tác Viện Pasteur TP.HCM thì việc làm này chưa đạt hiệu quả. Tỷ lệ ổ lăng quăng trong các hộ gia đình, khu vực công cộng vẫn còn ở mức cao.
Theo phân tích của Viện Pasteur TP.HCM, nguyên nhân là chưa tìm và xác định đúng vật chứa lăng quăng để xử lý. Tại các hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng nằm trong các vật dụng phế thải, máng nước uống cho vật nuôi, chậu kiểng. Những khu vực đất trống, công viên, nghĩa trang cũng có nhiều vật dụng chứa nước làm ổ cho lăng quăng sinh trưởng.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng chưa có biện pháp thuyết phục, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh, diệt lăng quăng phù hợp, chủ yếu chỉ là phát tờ rơi tuyên truyền.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng SXH ở khu vực Đông Nam bộ nói chung và BR-VT nói riêng đang diễn biến phức tạp. Trước đây, các ổ lăng quăng chủ yếu có trong lu, chum, vại, bình hoa, chậu kiểng thì nay còn là hốc tường nhà cao tầng, vật dụng ở các công trình xây dựng, vật dụng phế thải...
Bên cạnh đó, tỷ lệ dân nhập cư vào các tỉnh, thành này khá cao, họ chưa có miễn dịch cộng đồng nên rất dễ bị SXH và làm lây lan dịch bệnh. Khí hậu ấm lên, chủng vi rút thay đổi cũng là những nguyên nhân khiến SXH gia tăng.
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, việc cần tập trung thực hiện ngay từ bây giờ là dập dịch diện rộng trên toàn tỉnh BR-VT, tổ chức diệt lăng quăng thường xuyên, đồng bộ ở tất cả các địa phương chứ không chỉ tập trung vào những điểm "nóng".
Theo Thanh niên
Bộ trưởng Bộ Y tế: Giảm số ca mắc sốt xuất huyết mới có thể hạn chế tử vong Ngày 19/7, tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019 khu vực phía Nam diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo: Các địa phương cần gấp rút có những giải pháp hiệu quả nhằm chặn đứng dịch bệnh sốt xuất huyết, giảm số...