Ba rào cản ngăn Nga sở hữu siêu tàu sân bay lớp ‘Bão táp’
Hạn chế kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm và ngân sách quốc phòng bị cắt giảm là những trở ngại với dự án siêu tàu sân bay mới của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/6 xác nhận kế hoạch đóng siêu tàu sân bay Đề án 23000E “Shtorm” (Bão táp) trị giá 9 tỷ USD để tăng cường năng lực hải quân, trực tiếp cạnh tranh với tàu sân bay lớp Nimitz và Ford của Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tham vọng sở hữu siêu tàu sân bay của Nga khó trở thành hiện thực ở thời điểm này, theo National Interest.
Siêu tàu sân bay lớp Shtorm sẽ có lượng giãn nước 100.000 tấn, dài 330 m, rộng 40 m, thủy thủ đoàn 4.000 người và có thể mang tới 90 máy bay các loại. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng Moscow đang phải đối mặt với ba vấn đề chính trong dự án này.
Hạn chế kỹ thuật
Trước đây Nga chưa bao giờ đóng tàu sân bay. Chiếc Đô đốc Kuznetsov trong biên chế hải quân Nga, cũng như mọi tàu sân bay từ thời Liên Xô, đều được đóng ở Ukraine. Một tàu sân bay đóng dở cùng lớp với Đô đốc Kuznetsov sau này bị bán cho Trung Quốc, trước khi được đại tu và biên chế với tên gọi Liêu Ninh.
Việc Liên Xô tan rã khiến ngành đóng tàu quân sự Nga bị thu hẹp, mất khả năng đóng các tàu cỡ lớn ngang tàu sân bay. Moscow vốn gặp nhiều khó khăn khi đóng mới các tàu hộ vệ hạng nặng với giãn nước dưới 6.000 tấn như Đề án 11356PM “Đô đốc Grigorovich” hay Đề án 20350 “Đô đốc Gorshkov”. Điều này khiến một tàu chiến với giãn nước 100.000 tấn như lớp Shtorm gần như nằm ngoài tầm tay của công nghiệp đóng tàu Nga.
Thiếu kinh nghiệm
Nga không có nhiều kinh nghiệm đóng tàu mặt nước chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiện nước này chỉ sở hữu một vài tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm 4 tàu tuần dương hạng nặng Đề án 1144 Orlan (lớp Kirov) và các tàu phá băng chiến lược.
Hồi năm 2007, Nga đã cân nhắc đóng tàu sân bay hạt nhân. Tuy nhiên, hệ thống động lực mới của Đề án 23000E là thứ nằm ngoài tầm tay Nga, kể cả khi họ có thể thừa hưởng thành tựu đóng tàu thời Liên Xô. Trong suốt lịch sử tồn tại, cả Liên Xô, Nga và Ukraine chưa bao giờ chế tạo tàu sân bay hạt nhân.
Video đang HOT
Liên Xô và Nga chưa từng sở hữu tàu sân bay hạt nhân. Ảnh: Sputnik.
Moscow dự tính tiếp thu kinh nghiệm tàu nổi dùng động cơ hạt nhân bằng việc đóng siêu khu trục hạm Đề án 23560 “Lider”. Tuy nhiên, chương trình liên tiếp bị chậm tiến độ. Việc đóng tàu bị hoãn đến năm 2019, trong khi chiếc đầu tiên chỉ có thể hoàn thiện sớm nhất vào năm 2025, muộn 6 năm so với kế hoạch.
Việc chậm trễ của dự án tàu Lider sẽ khiến Nga mất thêm thời gian kiểm tra, xây dựng kinh nghiệm vận hành động cơ hạt nhân cho tàu chiến. Điều đó càng làm hệ thống động cơ hạt nhân cho lớp Shtorm nằm ngoài tầm với của Moscow.
Ngân sách quốc phòng bị cắt giảm
Trong những năm gần đây, chi tiêu quốc phòng Nga liên tiếp bị cắt giảm. Moscow đang trải qua năm cắt giảm ngân sách quốc phòng thứ ba liên tiếp, với mức cắt giảm 25%. Đây là đợt cắt giảm chi phí quân sự lớn nhất tại Nga kể từ khi Liên Xô tan rã. Nếu Đề án 2300E được bố trí ngân sách, nó sẽ ngốn tới 20% trong số 49,2 tỷ USD ngân sách quốc phòng Nga năm 2017.
Chuyên gia quân sự Zachary Keck khẳng định siêu tàu sân bay Shtorm đứng đầu trong các chương trình quân sự buộc phải cắt giảm. Nga là cường quốc trên đất liền, nên họ sẽ không có nhu cầu duy trì một siêu tàu sân bay và biên đội hộ tống, vốn tiêu tốn khoản tiền rất lớn để vận hành.
Shtorm có thể đứng đầu các dự án bị cắt giảm của Nga. Ảnh: Sputnik.
Nhiệm vụ cụ thể của siêu tàu sân bay lớp Shtorm vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, nhu cầu triển khai sức mạnh hải quân toàn cầu của Moscow vẫn nhỏ hơn nhiều so với Washington. Điều này càng làm tương lai của Đề án 23000E trở nên mờ mịt hơn nhiều.
Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, nhiều khả năng Nga sẽ tập trung chế tạo máy bay và tên lửa tầm xa để bảo vệ lợi ích quốc gia. Tham vọng sở hữu siêu tàu sân bay lớp Shtorm vẫn khó thành hiện thực trong tương lai gần, ông Keck nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Siêu tàu sân bay 13 tỉ USD ra khơi
Sau thời gian dài chờ đợi và chi phí tăng vọt, thậm chí bị nghi ngờ về năng lực hoạt động, siêu tàu sân bay thế hệ mới của Mỹ là USS Gerald R.Ford đã rẽ sóng ra khơi lần đầu tiên.
Chuyến đi biển đầu tiên của siêu tàu sân bay USS Gerald R.Ford
Con tàu đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ - hàng không mẫu hạm khổng lồ USS Gerald R.Ford vào cuối tuần qua đã thẳng tiến ra biển, mang theo sứ mệnh then chốt có thể quyết định cho sự tồn tại của nó, trước khi hải quân Mỹ xem xét có tiếp nhận con tàu hay không, theo trang Navy Times.
Kỳ vọng của hải quân Mỹ
Với lượng choán nước vào khoảng 100.000 tấn, tàu sân bay được mong đợi lâu nay của Lầu Năm Góc đã mang theo hơn 1.000 thủy thủ, hàng trăm quan chức và công nhân đến từ bộ phận các lò phản ứng hạt nhân hải quân, cơ quan chỉ huy các hệ thống biển của hải quân và Hãng đóng tàu Newport News Shipbuilding, lần đầu tiên tiến ra biển thử nghiệm dài ngày. Con tàu là đại diện đầu tiên của lớp hàng không mẫu hạm mới của Mỹ, được cải tiến và thay đổi so với thiết kế của lớp tàu Nimitz trước đây. Trong đó, đáng kể nhất là boong tàu được tổ chức lại, cải thiện hệ thống phóng và đáp máy bay, được trang bị lò phản ứng hạt nhân mới với năng lực vượt trội, cũng như hướng đến tích hợp những công nghệ tương lai như súng điện từ và vũ khí laser.
Trong những ngày tới, đội ngũ thủy thủ, kỹ sư trên tàu sẽ phối hợp thử nghiệm nhiều hệ thống chủ chốt và công nghệ của con tàu, cụ thể là thân tàu, hệ thống cơ khí và điều hành máy móc. Ở giai đoạn gọi nôm na là chủ thầu thử tàu, các quan chức chính phủ, bên đóng tàu và chủ nhân sắp tới của con tàu (hải quân Mỹ) cùng tập trung để thu thập dữ liệu về hoạt động của con tàu trên đại dương, trước khi các quan chức có thể quyết định liệu con tàu đáp ứng những yêu cầu ban đầu của phía người mua hay không. Và lẽ dĩ nhiên điều mà hải quân Mỹ yêu cầu không hề nhỏ.
Theo Navy Times, một trong số đó là hai lò phản ứng hạt nhân, mà theo Newport News Shipbuilding cam đoan đây là "một trong những thứ phức tạp nhất mà nhân loại từng chế tạo". Boong tàu và hệ thống phóng máy bay bằng điện từ phải đáp ứng 160 lần phóng/ngày. Bên cạnh đó, các vũ khí của con tàu bao gồm hệ thống tên lửa Chim sẻ biển cải tiến (ESSM), các thiết bị radar và tìm kiếm, hệ thống phóng máy bay điện từ (thay cho hệ thống phóng bằng hơi nước), máy nâng vũ khí, phần mềm cũng đóng vai trò quan trọng hơn trong nỗ lực giảm số lượng thủy thủ cần thiết để vận hành con tàu, ước giảm từ 500 - 900 thủy thủ so với lớp tàu Nimitz.
Tuy nhiên trong chuyến đi biển đầu tiên, USS Gerald R.Ford sẽ được thử nghiệm những chức năng cơ bản nhất, như hoạt động đi lại trên biển và liên lạc, chạy thử lò phản ứng hạt nhân. Các tính năng tối tân của con tàu, như hệ thống phóng máy bay bằng điện từ tạm thời chưa vội tính đến.
Liên tục bị trì hoãn
USS Gerald R.Ford đã được lên kế hoạch và trải qua công đoạn đóng mới suốt hơn 10 năm, bắt đầu với hợp đồng đầu tiên được ký vào tháng 5.2004, được cắt thép vào tháng 8.2005 và lễ đặt ky tàu diễn ra vào tháng 11.2009 tại xưởng đóng tàu ở Newport News. Tàu được hạ thủy vào tháng 10.2013 và con gái của Tổng thống Gerald R.Ford là bà Susan Ford tham gia lễ đặt tên vào ngày 9.11.2013. Lẽ ra tàu sân bay này đã gia nhập hải quân theo dự kiến vào năm 2014, nhưng bị hoãn lại do một loạt vấn đề, với nhiều trục trặc bao gồm lò phản ứng hạt nhân thiết kế mới và việc tồn trữ điện năng với công suất hơn hẳn lớp tàu Nimitz. Thời điểm bàn giao tàu đã phải gia hạn vài lần; và hồi năm ngoái, các tua bin chính của con tàu bị phát hiện gặp vấn đề về cơ khí, một lần nữa càng làm trì hoãn thời gian.
Hơn 900 thủy thủ đã được biên chế lên tàu USS Gerald R.Ford vào tháng 8.2015 để bắt đầu hoạt động huấn luyện đưa tàu ra biển, lúc đó dự kiến là vào đầu năm 2016. Số thủy thủ này vẫn ở trên tàu cho đến nay. Gần đây nhất, ông Sean Stackley, giờ là quyền Bộ trưởng Hải quân, vào tháng 1.2017 thông báo chuyến đi biển đầu tiên của tàu sân bay mới sẽ diễn ra vào tháng 3 với các cuộc thử nghiệm kế tiếp và chính thức bàn giao vào tháng 4. Và có thể thấy là thời hạn này lại bị trì hoãn, nhưng phía giới chức hải quân vẫn hy vọng sớm nhận được tàu vào cuối tháng 4, và làm lễ tiếp nhận USS Gerald R.Ford sau vài tháng nữa.
Bên cạnh đó, dư luận cũng chỉ trích về chi phí quá cao của con tàu. Theo Daily Press, USS Gerald R.Ford đã ngốn 12,9 tỉ USD, chưa tính 4,7 tỉ USD chi phí nghiên cứu và phát triển, so với dự kiến là 10,5 tỉ USD vào năm 2015. Chiếc thứ hai của lớp hàng không mẫu hạm mới là USS John F.Kennedy đang tượng hình ở Newport News, kể từ khi lễ đặt ky diễn ra vào tháng 8.2015 với thời điểm bàn giao dự kiến vào năm 2023. Con tàu thứ ba mang tên USS Enterprise đang trong giai đoạn thi công ban đầu.
(Theo Thanh Niên)
5 cách Nga-Trung có thể đánh chìm siêu tàu sân bay Mỹ Đối thủ đáng gờm nhất đối với các siêu tàu sân bay Mỹ chính là các loại vũ khí tầm xa hiện đại mà Nga, Trung Quốc đang nghiên cứu, có thể hủy diệt tàu sân bay trong tích tắc. Nga, Trung Quốc sở hữu vũ khí hiện đại có thể diệt tàu sân bay Mỹ trong chớp nhoáng. Chuyên gia Robert Farley,...