Ba phương án đối phó S-400 Nga tại Syria của Mỹ
Sử dụng UAV, máy bay tác chiến điện tử hay diệt cường kích Syria tại căn cứ là ba giải pháp giúp Mỹ tránh leo thang căng thẳng với Nga.
Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler. Ảnh: Military.
Sau khi chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ cường kích Su-22 tại Syria ngày 18/6, Nga lên tiếng cảnh báo sẽ coi mọi vật thể bay, bao gồm cả máy bay không người lái của liên quân do Mỹ dẫn đầu, ở phía tây sông Euphrates là các mục tiêu được phép bắn hạ.
Theo chuyên gia David Hambling của Popular Mechanics, quân đội Mỹ cần phải cẩn trọng trước lời cảnh báo của Nga bởi Moscow gần đây đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại tới Syria, trong đó có S-400 và S-300.
S-400 được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất trên thế giới, là đối thủ của tổ hợp đánh chặn Patriot của Mỹ. Với tầm bắn lên đến 400 km, S-400 có thể kiểm soát khu vực rộng lớn ở Syria, kể cả căn cứ không quân Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đóng quân của nhiều máy bay Mỹ.
Theo chuyên gia Hambling, để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa phòng không Nga, Mỹ cần phải thực hiện ba giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các máy bay của liên quân hoạt động trên không phận Syria mà không làm gia tăng căng thẳng với Nga.
Giải pháp đầu tiên là hạn chế sử dụng máy bay có người lái, tăng cường sử dụng pháo binh, tên lửa, bộ binh và máy bay không người lái (UAV) vũ trang để yểm trợ hỏa lực cho lực lượng nổi dậy.
Giải pháp này loại bỏ nguy cơ máy bay chiến đấu bị bắn hạ, đồng thời có thể giúp tình hình bớt căng thẳng. Tuy nhiên, nó cũng làm suy giảm đáng kể sức mạnh tác chiến của liên quân, thậm chí còn có thể bị coi là động thái phản bội lại những cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ.
Giải pháp thứ hai rủi ro hơn là lựa chọn các phương tiện phi sát thương như máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler để chống lại các hệ thống phòng không Nga.
Video đang HOT
Với khả năng ngụy trang và tạo ra những mục tiêu giả trên màn hình radar địch, EA-18G Growler kết hợp với máy bay không người lái ADM-160 có thể giúp liên quân làm rối loạn hệ thống phòng không Nga và đảm bảo những mục tiêu thật không bị bắn hạ.
Giải pháp thứ ba là tiêu diệt máy bay quân sự Syria ngay tại căn cứ. Cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình hồi tháng 4 của Mỹ đã vô hiệu hóa khoảng 20% máy bay chiến đấu của Syria, nên các cuộc tấn công tiếp theo có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng chiến đấu của không quân Damascus.
Hambling nhận định dù Mỹ và liên quân chọn giải pháp nào thì Nga chắc chắn sẽ có những phản ứng đối phó như thực hiện tấn công mạng hoặc một hành động cực đoan không chính thống khác để truyền tải thông điệp tới Mỹ.
Hambling cho rằng nếu mọi việc diễn biến sai lầm, tình hình tại Syria có thể nhanh chóng biến thành chiến tranh thế giới. “Mỹ hiện không còn giải pháp tốt mà chỉ còn giải pháp tồi hoặc ít tồi tệ hơn mà thôi. Lịch sử cho thấy chiến tranh luôn dễ dàng, hóa giải nó mới là điều đáng bàn, nên Mỹ cần cân nhắc cẩn trọng trước khi hành động”, chuyên gia này phân tích.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Bên trong nhà máy sản xuất 'rồng lửa' S-400 Nga
Nhà máy Avangard là nơi chế tạo các loại đạn tên lửa tầm xa cho tổ hợp S-400 và S-500 hiện đại của Nga.
Nhà máy Avangard trực thuộc tập đoàn tên lửa Almaz-Antey là nơi chịu trách nhiệm sản xuất và bảo quản các tên lửa thuộc tổ hợp phòng không S-300, S-400 Triumf và S-500 của Nga, theo Livejournal.
Avangard được thành lập từ năm 1942, hiện nay nhà máy đặt tại phía bắc thủ đô Moscow với diện tích khoảng 185.000 m2.
Avangard bắt đầu sản xuất tên lửa phòng không từ thập niên 1950, khởi đầu là đạn V-300 của tổ hợp S-25 Berkut (NATO định danh: SA-1 Guild). Từ năm 1954, đây là nhà máy chủ lực trong việc chế tạo các loại tên lửa cho hệ thống S-75 (NATO định danh: SA-2 Guideline).
Công đoạn chế tạo mạch điện trên các đạn tên lửa phòng không hiện đại được giao cho phụ nữ nhờ sự tỉ mỉ và kiên trì trong quá trình làm việc.
Các ống thép có vai trò bảo quản đạn, đồng thời là bệ phóng cho tên lửa thuộc họ S-300. Chúng được xử lý hóa học, sau đó sơn màu và chuyển vào khu vực lắp ráp.
Một quả đạn 48N6DM của tổ hợp S-400 đã hoàn thành việc lắp ráp, sẵn sàng đưa vào trong ống phóng. Mỗi tên lửa có giá từ 1,5 đến hơn 2 triệu USD.
Chuyên viên nạp dữ liệu của tên lửa vào ống phóng trước khi lắp ráp. Các thông tin này có thể hỗ trợ kỹ thuật viên trong quá trình vận hành và bảo quản tên lửa tại đơn vị.
Đạn tên lửa sẽ được nạp vào từ phần đuôi, các cánh lái đều được gập lại để tiết kiệm không gian. Sau khi khai hỏa, quả đạn sẽ được động cơ phụ đẩy ra khỏi ống phóng, sau đó động cơ chính mới khởi động để đẩy tên lửa tới mục tiêu.
Sau khi lắp ráp, ống phóng sẽ được nạp đầy khí trơ và hàn kín để chống lại các tác động từ môi trường. Một quả đạn tên lửa có thể nằm trong ống phóng 3 năm mà không cần kiểm tra. Sau 10 năm, hệ thống này phải trải qua một lần kiểm tra lớn để nạp lại khí trơ, điều chỉnh môi trường bên trong và đánh giá tình trạng vận hành của tên lửa.
Các ống phóng đều được dán nhãn và số series. Thông tin trên ống phóng cho thấy đây là tên lửa 48N6DM của tổ hợp S-400, có tầm bắn 250 km, tốc độ 7.285 km/h, khối lượng 1,8 tấn và trang bị đầu đạn nổ mảnh nặng 180 kg.
Toàn cảnh khu vực lắp ráp tên lửa trong nhà máy Avangard.
Nhà máy này có thể cho ra đời hàng trăm tên lửa mỗi năm, bảo đảm nguồn cung cho quân đội Nga và các khách hàng trên thế giới.
Tử Quỳnh
Ảnh: Livejournal
Theo VNE
Khả năng kiểm soát Biển Đen của dàn S-400 Nga ở Crimea Với tầm bắn tối đa 400 km, tổ hợp S-400 được Nga triển khai tại Crimea sẽ giúp nước này tăng cường khả năng kiểm soát vùng trời Biển Đen. Nga vừa biên chế tổ hợp phòng không tầm xa S-400 Triumf cho Trung đoàn Tên lửa phòng không Cận vệ số 18, đóng quân tại thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea,...