Ba người chết vì ăn nấm độc
Ba trong 4 người là cha con, họ hàng đã tử vong sau một tuần ăn nấm hái trên đỉnh núi.
Chiều 19/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cho biết, trong 4 bệnh nhân ở huyện miền núi biên giới Nghệ An cấp cứu vì ngộ độc nấm đã có 3 người tử vong. Người còn lại được gia đình xin chuyển về nhà trong cơn nguy kịch, khó qua khỏi.
Ông Kỷ lúc gia đình chuẩn bị đưa về. Ảnh: Doãn Thái
Bác sĩ Vũ Ngọc Lân – Trưởng khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa Nghệ An – cho biết, một tuần trước khoa tiếp nhận 4 nạn nhân gồm Vừ Bá Kỷ (43 tuổi), Vừ Bá Sở (39 tuổi), Vừ Bá Bì (42 tuổi) và Vừ Bá Trung (20 tuổi, con trai ông Bì) đều trú tại xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, trong tình trạng suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, kiệt sức. Các bác sĩ xác định họ bị ngộ độc do ăn nấm.
Các bệnh nhân được thay huyết tương, lọc máu, chạy thận… nhưng không có kết quả. Ngày 18/5, anh Trung tử vong tại bệnh viện. Ông Sở và Bì cũng được gia đình xin về nhà và qua đời sau đó.
Video đang HOT
Người thân các nạn nhân cho hay, ngày 12/5, anh Trung và nhóm anh em lên đỉnh núi hái nấm về chấm muối ăn với cơm. Đêm đó cả 4 người có triệu chứng đau bụng, nôn, choáng… nên được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện rồi được chuyển lên tỉnh. Ngoài hai cha con ruột Vừ Bá Trung và Vừ Bá Bì, hai người còn lại cũng là anh em họ hàng.
Theo VNE
'Ôxy tinh khiết rất khó cháy nổ'
Công an xác định, vụ nổ xe khách ở Nghệ An khiến 2 người tử vong là do nổ bình khí ôxy. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khẳng định, ôxy rất khó tự gây nổ mà phải do nhiều tác nhân khác.
Ngày 18/2, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Diễn Châu đã khám nghiệm ôtô mất lái đấu đầu xe tải chiều 17/2 khiến 2 người tử vong, hơn 10 người bị thương. Nhà chức trách ghi nhận, toàn bộ kính, ghế ngồi, thiết bị trong xe bị phá hủy, khung xe bị móp, vết máu loang lổ khắp nơi.
Một công an cho biết, vụ nổ do bình ôxy đặt trên xe nhưng hiện chưa thể xác định được trọng lượng, nguồn gốc và chủ nhân của chiếc bình. Trong số những mảnh kim loạn vỡ vụn, nhà chức trách thu giữ một mảnh có dòng chữ "phòng khám".
Sau một ngày điều trị tại khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, tài xế kiêm chủ xe Nguyễn Văn Thuận (42 tuổi, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu) đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn lúc mê, lúc tỉnh. Còn phụ xe Phạm Đình Nam được chuyển ra Hà Nội cấp cứu, do bị thương nặng.
Bình ôxy được cho là nguyên nhân gây ra vụ nổ, khiến tài xế mất lái dẫn đến tai nạn thương tâm. Ảnh: Trịnh Thành.
Trao đổi với VnExpress, PGS TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, giám định dân sự (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) khẳng định, nếu đó là bình chứa ôxy tinh khiết thì sẽ rất khó cháy nổ.
Theo ông Hùng, có thể trước khi cho ôxy vào bình, người sử dụng từng đựng chất khác dễ gây cháy như acetylen, hay hydro nên cháy nổ sẽ xảy ra khi có phản ứng hóa học giữa ôxy và các chất này.
Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển xe bị rung lắc, bình ôxy bị đổ, nằm ngang, ma sát lớn có thể gây ra nguồn nhiệt - tác nhân gây cháy nổ. "Đây chính là lý do các bình đựng chất dễ cháy nổ thường được chở bằng xe chuyên dụng, dựng đứng và thắt chặt lại", ông Hùng nói thêm.
Tiến sĩ Hùng cho biết, để bình cháy nổ phải có hai điều kiện là ngoài ôxy còn có chất khí hay hợp chất khác bên trong; cùng nguồn nhiệt tạo ra do ma sát; tức là ngay cả trường hợp phát lửa bên trong bình chứa mà không có chất khác thì lửa sẽ tắt và không có phản ứng cháy nổ.
Tuy nhiên, ông Hùng cho hay, trường hợp này rất khó xác định vụ nổ có phải do khí ôxy gây ra, vì thế nhà chức trách cần xem trên thành bình hay trong bình có vết muội đen không. Nếu có muội đen chứng tỏ bình đựng ôxy có khí khác lẫn vào.
Nhà chức trách khám nghiệm xe khách bị nổ. Ảnh: Văn Hải
Đồng quan điểm, tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho hay, ôxy cần có tác nhân là nhiệt và chất hay hợp chất khác thì mới cháy nổ. Do đó, không loại trừ khả năng bình đựng ôxy không đảm bảo chất lượng nên khi vận chuyển, đặt ở cửa lên xuống, va đập mạnh, gây rò rỉ khí. Đồng thời, ma sát mạnh giữa các kim loại vô tình tạo ra tia lửa điện kết hợp với khí ôxy khiến bình phát nổ.
"Quá trình di chuyển, nội năng của khí ôxy tăng lên làm tăng áp suất trong bình, dẫn đến tăng áp lực lên thành bình. Khi thành bình không chịu nổi áp lực thì sẽ gây nổ", một chuyên gia lý giải khả năng nổ bình ôxy theo nguyên tắc Vật lý.
Giới chuyên gia đề nghị cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên vận chuyển chất dễ gây cháy lên xe khách. Quá trình vận chuyển, bình đựng thường được dựng đứng, có dây xích giữ để không bị đổ. Bên cạnh đó, bình chứa sản phẩm phải có vòng cao su hoặc xếp giữa các bình phải có lớp đệm êm, lớp dưới cùng phải chèn chặt, tránh xô lăn. Không xếp bình quá thành xe, xếp cân đối giữa xe và đầu van bình cùng chiều. Khoá thành xe chuyên chở phải chắc chắn, quá trình chuyên chở phải nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh.
Hương Thu - Văn Hải
Theo VNE
Vụ xe khách phát nổ đâm xe tải: Những người sống sót chưa hết bàng hoàng Những người may mắn sống sót sau vụ tai nạn do nổ bình ô xy trên xe khách vào chiều 17/2 ở Nghệ An vẫn còn ám ảnh, bàng hoàng. Anh Hồ Viết Châu, nạn nhân bị thương, vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn Đến tối ngày 17/2, các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn này đang được...