Bà ngoại cô đơn
Thằng Hà, con tôi bảo cả nhà, chỉ có bà ngoại là hàng độc, bị mẹ cho mấy roi vào mông. Đánh để dạy con giữ lễ, không được đùa ngoại như thế, nhưng ngẫm ra, nó nói cũng không phải không có lý.
Bà ngoại và em (tranh của Minh Phương, học sinh khoa Mỹ thuật Cung Thiếu nhi Hà Nội) – Ảnh mang tính minh họa
So với năm thành viên trong nhà, kỹ sư tin học có, nhà báo phát thanh truyền hình có, chỉ bà ngoại là đắt khách mời. Khách của bà không đâu xa, là vợ chồng anh bạn với nhà này. Tuần nào vợ chồng bạn cũng đến nhà vật nài xin mượn bà ngoại tôi một vài ngày, sang bên nhà chơi với cụ bà bên ấy, ở qua đêm càng hay, nếu không thì sớm đón đi, tối đưa về, bằng taxi, cơm bưng nước rót.
Cái sự cắc cớ tuần nào vợ chồng bạn cũng phải đon đả đi mượn bà ngoại tôi về cho vui nhà diễn ra từ hồi đầu tháng giêng năm ngoái, ngay sau khi đồng ruộng làng Khánh ven quốc lộ 5 trở thành đất dự án của khu công nghiệp liên doanh với Hàn Quốc. Đồng làng thành khu công nghiệp, không còn ruộng để cấy hái nữa, vợ chồng cậu em vợ dạt ra ven đường buôn bán vặt. Không thể để bà ngoại ở quán ồn ào, bụi bặm, vợ chồng bạn tôi đón bà ra phố.
Video đang HOT
Nhà tập thể, 50 mét vuông, tầng hai, không rộng, nhưng khéo co thì vẫn ấm, bà có phòng riêng, cửa mở ra ban công, thoáng mát. Cái ban công vô cùng thuận tiện, buổi trưa, nếu các con bận việc không về, thì bà chỉ cần dong sợi dây xuống đúng chỗ cô ngồi bán bún phở, cô sẽ buộc vào một túm đồ ăn, bà chỉ kéo lên là có bữa tuỳ ý. Một vài ngày đầu bà thấy lên phố sống với các con cũng chả đến nỗi nào, ngày ở trông nhà, không xem ti vi thì ngồi chơi, nghỉ ngơi, muốn ăn cơm, ăn cháo, ăn phở, cứ nói, cô bán quán sẽ lo chu đáo.
Nhưng cũng chỉ dăm bữa, nửa tháng bị các con khoá trái cửa, một mình quanh quẩn trong nhà cả ngày, bà thấy chân tay thừa thãi, ê ẩm không chịu nổi, nên đòi về quê. Không thể bỏ việc cơ quan ở nhà chăm sóc bà ngoại. Cũng không bắt con thôi học bán trú để buổi trưa, buổi chiều ở nhà cho bà ngoại vui. Mà đưa bà về ở ven đường với cậu em thì không nên. Tính đi tính lại, vợ chồng anh bạn tìm ra cái kế mượn bà ngoại tôi sang chơi để hai bà vui chuyện.
Quả tình, mượn được bà ngoại tôi, bà bên nhà vui hẳn. Cả khu tập thể toàn viên chức nhà nước, tuổi sồn sồn, nhà nào cũng đóng cửa cả ngày, đi đứng như có người đuổi, gặp nhau chào hỏi một câu cũng vội, không ai chịu dùng dằng nán lại nói chuyện, nay có bà bạn cùng ăn trầu, cùng ưa chuyện cấy hái, ruộng vườn thì quả thực việc mượn được bà tôi là một thắng lợi tinh thần cho ngoại bên đó. Hai bà quanh quẩn chuyện trò có hôm quên cả bữa.
Ngoại tôi được vợ chồng bạn chiều chuộng, đưa đón, chăm sóc như mẹ mình. Nhưng cũng chỉ được một dạo, ngoại tôi cứ thấy ngại thế nào đó, kiếm cớ sợ mấy đứa dưới quê lên thăm lại không gặp, tội thân, nên kiếu lỗi, không sang bên nhà. Đến một lần thì ngoại tôi kêu ốm, không đi chơi nữa. Con gọi điện báo bà ốm làm tôi sốt ruột bỏ công việc lao về. Đến nhà, thấy bà ngồi ngẩn ngơ ở ban công nhìn xuống đường phố tôi đã mừng. Tôi hỏi chuyện ốm đau, ngoại bảo, mẹ không ốm, nhưng không đi chơi nữa. Tôi gặng hỏi mãi, thì ra ngoại giận thằng con trai tôi.
Thằng bé hư quá, thấy vợ chồng bạn sang đon đả đón ngoại, nó bảo, cô chú cho cháu cặp vé xem phim Xác ướp Ai Cập thì cháu giơ cả hai tay ủng hộ ngoại đi chơi cả ngày. Không ngờ chuyện đến tai ngoại. Thế là ngoại cáo ốm, không đi. Nói với tôi, giọng ngoại vẫn hờn, ra thằng quý tử của anh chị nó coi tôi là món hời chắc, mà ép người ta phải cho vé đi xem, mới cho tôi đi chơi. Người già hay giận hờn như trẻ con. Vợ chồng tôi mắng thằng bé, bắt xin lỗi cô chú, ngoại mới nguôi ngoai, bảo vợ chồng bạn, từ mai, cô chú đưa bà sang đây chơi với tôi. Tôi ngồi một mình trong nhà cũng nhớ bà bên ấy lắm.
Nhưng ngày mai vợ chồng bạn tôi không còn ngoại nữa. Là cái đêm hôm đó, nhân lúc vợ chồng con đi vắng, có cháu ở nhà, bà nhớ quê quá, lén ra cửa nhờ bác xe ôm chở về Hải Dương. Gần nửa đêm bà mới về đến nhà, đi đứng, cười nói chuyện trên phố cứ như trẻ lại đến mấy tuổi. Hôm sau, bà mới chịu liệt giường vì cảm lạnh ủ từ đêm hôm trước. Thuốc thang và tình yêu của các con cũng không giữ được bà ra đi. Từ hôm biết chuyện buồn nhà bên ấy, suốt ngày ngoại tôi ngồi bên ban công như cái bóng. Tôi biết, lúc này, con cháu khó có thể khoả lấp được sự thiếu vắng bạn già của ngoại tôi. Nỗi cô đơn của người già ai chăm lo?
Nhà văn HÀ ĐÌNH CẨN
Theo baovanhoa.vn
Chồng nói lời gây tổn thương khi tôi ốm
Khi tôi sốt cao, chồng chẳng đoái hoài gì tới vợ. Sau đó, anh ta bồi thêm câu: 'Cô ốm sắp chết chưa?'
Tuần trước, tôi bị sốt tới 39, 40 độ và phải nghỉ làm nửa ngày. Về tới nhà, tôi nhắn tin bảo chồng về sớm nhưng chẳng thấy mặt anh đâu. Vì thế, tôi vẫn phải tranh thủ nấu cơm, chăm con. Tới tầm 21h, anh ta mới về nhà.
Biết vợ ốm nhưng anh ta chẳng hỏi thăm, chỉ hỏi con trai chúng tôi đâu. Tôi nhờ chồng đi mua cam để uống cho mau lại sức nhưng anh ta cáu bẳn. Một lúc sau anh ta mới mua đồ cho tôi, quẳng túi cam xuống bàn ăn rồi ngồi chơi điện thoại. Vì quá mệt nên tôi nhờ anh bổ cam giúp mình. Anh ta cắt cam xong liền đặt mạnh xuống đầu giường rồi bảo tôi ăn. Đến hơn 23h, tôi có dấu hiệu sốt cao trở lại, nhờ anh đi mua thuốc thì anh liền nói: "Cô ốm sắp chết chưa? Có chân, có tay, tự đi ra mua thuốc mà uống". Anh ta khác hoàn toàn so với lúc mới yêu tôi, khi đó anh ta cư xử khéo léo chứ chưa từng có thái độ như vậy. Nước mắt của tôi lã chã rơi, tôi trách mình tại sao tới giờ mới nhận ra bản chất thật của anh ta.
Đến đầu tuần này, anh ta bị ốm. Dù định làm ngơ nhưng tôi không thể. Tôi vắt một ly nước cam cho anh ta uống, còn cơm thì anh ta đòi tôi phải xúc mới ăn. Sau đó, anh ta nói có khi phải nhờ tôi dìu đi truyền nước. Đến lúc ấy, tôi hết chịu nổi, bỏ ra ngoài. Tôi chưa đủ can đảm ly hôn vì khó nuôi con một mình. Tôi nên làm gì với cuộc hôn nhân này đây?
Tâm Thảo
Theo Ngôi sao
Chỉ có đàn ông chưa trưởng thành mới sống vô tâm Đàn ông vô tâm mãi mãi là "những đứa trẻ to xác". Bởi, đàn ông trưởng thành là khi hiểu được rằng gia đình, tình thân mới chính là điều quý giá nhất trong cuộc đời mỗi người. Có một thực tế rằng đàn ông vô tâm thường cho rằng bản thân mình đã sống tốt, đã hoàn thành đầy đủ trách nhiệm...