Ba năm bí mật điều tra dòng tiền tranh cử của Trump
Năm 2016, khi ngày bầu cử cận kề, Trump góp cho chiến dịch của ông 10 triệu USD, số tiền bị nghi liên quan đến một ngân hàng Ai Cập.
Sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, Cục Điều tra Liên bang Mỹ ( FBI) bắt đầu làm việc với các công tố viên tại Washington để điều tra về mối liên hệ này, theo một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề.
Đây được cho là một trong những nỗ lực dài hơi nhất của các điều tra viên liên bang Mỹ, kéo dài hơn ba năm, nhằm tìm hiểu mối liên hệ tài chính với nước ngoài của chiến dịch tranh cử Trump, dù quá trình này luôn nằm dưới “tấm màn bí mật”.
Tháng 5/2017, sau khi Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey, Robert Mueller được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt và tiếp quản cuộc điều tra. Nhiệm vụ chính của Mueller là điều tra cáo buộc chính phủ Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016, vốn gây chú ý từ những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Tuy nhiên, vai trò của Mueller còn cho phép ông tiến hành các cuộc điều tra hình sự liên quan, bao gồm một vụ khác về khả năng chiến dịch của Tổng thống chịu ảnh hưởng từ nước ngoài.
Theo cuốn sách mới xuất bản của Andrew Weissmann, một công tố viên cấp cao trong đội ngũ của Mueller, văn phòng công tố viên đặc biệt Mueller bao gồm ba nhóm điều tra chính. Nhóm đầu tiên tập trung vào Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, nhóm thứ hai điều tra khả năng can thiệp của Nga, nhóm thứ ba xem xét cáo buộc Tổng thống cản trở công lý.
Tuy nhiên, nguồn tin của CNN tiết lộ vẫn còn một nhóm thứ tư, chuyên trách về mối nghi ngờ chiến dịch của Trump có mối liên hệ tài chính đáng ngờ với một ngân hàng quốc doanh của Ai Cập.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tại cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters.
Theo các nguồn tin, hai người phụ trách nhóm điều tra thứ tư này là Zainab Ahmad, cựu công tố viên khủng bố quốc tế, và Brandon Van Grack, chuyên gia phản gián và an ninh quốc gia. Họ được cho là cố gắng tìm hiểu cả về khoản đóng góp 10 triệu USD của Trump cho chiến dịch của ông, lẫn quan hệ giữa chiến dịch với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Ahmad và Van Grack từ chối bình luận về công việc của họ trong đội ngũ của Mueller.
Vào những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump và Sisi gặp nhau ở New York trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa khi đó bày tỏ thiện cảm với Sisi, trong khi Tổng thống Ai Cập tin tưởng Trump sẽ trở thành một lãnh đạo mạnh mẽ.
Đây là khác biệt lớn so với chính sách dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, cũng như quan điểm của Hillary Clinton, đối thủ của Trump khi đó. Trong cuộc họp riêng với Sisi tại Liên Hợp Quốc, bà Clinton đã phản ánh quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Ai Cập. Sau khi Trump đắc cử, Sisi trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện chúc mừng ông.
Mùa hè năm 2017, văn phòng của Mueller thận trọng xử lý cuộc điều tra về Ai Cập, khi nhóm công tố viên và nhân viên FBI thường xuyên làm việc chung với nhau mà không chia sẻ toàn bộ thông tin với những nhóm khác trong văn phòng, các nguồn tin kể lại.
Video đang HOT
Theo một quan chức am hiểu vấn đề, một số điều tra viên tin rằng vụ Ai Cập sẽ trực tiếp dẫn tới việc xem xét hồ sơ tài chính của Trump. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề vô cùng nhạy cảm, đến mức Mueller cho rằng Trump có thể sa thải ông nếu Nhà Trắng phát hiện hồ sơ tài chính của Tổng thống đang bị điều tra, vượt qua cái gọi là “lằn ranh đỏ” mà Trump đặt ra ngay từ đầu.
Mặc dù vậy, việc nắm được hồ sơ tài chính của Trump rất quan trọng trong cuộc điều tra mối liên hệ với Ai Cập, đặc biệt là khoản tiền 10 triệu USD. Theo nội dung phỏng vấn nhân chứng trong cuộc điều tra và tin tức từ báo chí, các quan chức hàng đầu trong chiến dịch của Trump đã nỗ lực thuyết phục ông bơm tiền cho chiến dịch, do họ đang cạn tiền mặt giữa lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bước sang giai đoạn nước rút.
Trump từng cam kết sẽ chi 100 triệu USD tiền túi cho chiến dịch, nhưng đến lúc đó, ông mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ lời hứa. Nhưng gần hai tuần trước ngày bầu cử năm 2016, Trump trao cho chiến dịch của ông tấm séc trị giá 10 triệu USD, gọi đây là một khoản cho vay. Hồ sơ tài chính của chiến dịch cho thấy đây là khoản đóng góp chính trị lớn nhất của Trump.
Tuy nhiên, dựa trên thông tin tình báo thu thập được, các quan chức hành pháp liên bang Mỹ nghi ngờ có một dòng tiền đang chảy qua ngân hàng quốc doanh Ai Cập có liên quan tới khoản đóng góp tài chính của Trump cho chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, việc lần theo mạng lưới lợi ích kinh doanh phức tạp của Trump vẫn nằm ngoài khả năng của họ.
Văn phòng của Mueller được cho là từng buộc các nhân chứng giải thích cuộc gặp giữa Trump và Sisi cuối năm 2016 diễn ra như thế nào, liên tục đặt câu hỏi về khoản tiền 10 triệu USD, đồng thời truy hỏi về Walid Phares, cố vấn chính sách đối ngoại của chiến dịch, cũng như quan hệ giữa Phares với Ai Cập, sau khi thông tin tình báo chỉ ra rằng cần lần theo dấu vết từ người này.
Hồi tháng 6, NYTimes cũng đưa tin về việc Mueller điều tra vai trò đáng ngờ của Phares trong nỗ lực gây ảnh hưởng của Ai Cập, nhưng không dẫn tới cáo buộc nào. FBI không công khai hồ sơ cho thấy đội ngũ của Mueller thẩm vấn Phares, dù cựu cố vấn này thừa nhận từng nói chuyện với các điều tra viên.
Theo nội dung các cuộc thẩm vấn từ văn phòng của Mueller, khi được hỏi về khoản tiền 10 triệu USD, Steve Bannon, giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, sau đó giữ chức cố vấn cấp cao trong chính phủ nhưng bị Trump sa thải hồi tháng 8/2019, cho biết Tổng thống ban đầu không đồng ý góp số tiền lớn như vậy.
Tuy nhiên, Steven Mnuchin, người sau này trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ, và con rể Jared Kushner của Trump đã thuyết phục được ông, Bannon cho hay. Phát ngôn viên của Mnuchin xác nhận Bộ trưởng Tài chính là người đã thuyết phục Trump, nhưng nói thêm rằng Mnuchin không biết nguồn gốc của 10 triệu USD đó.
Hồ sơ những buổi thẩm vấn do văn phòng của Mueller tiến hành, vốn đã bị kiểm duyệt nhiều thông tin, không nói rõ các điều tra viên có trực tiếp hỏi nhân chứng về mối liên hệ giữa khoản tiền 10 triệu USD này với Ai Cập hay không. Họ được cho là có thể không muốn các nhân chứng nghi ngờ, đặc biệt là những người thân cận với Trump như Bannon.
Mueller từng hỏi Trump rằng: “Trong chiến dịch tranh cử, có cá nhân hoặc tổ chức nào thông báo với ngài về bất cứ chính phủ hoặc lãnh đạo nước ngoài nào khác, ngoài Nga và Vladimir Putin, đã hỗ trợ, mong muốn hỗ trợ, hoặc đề nghị hỗ trợ rõ ràng cho chiến dịch của ngài hay không?”. Tổng thống Mỹ đáp lại bằng văn bản rằng ông “không có ký ức gì về việc nhận được thông tin như vậy trong chiến dịch tranh cử”.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tại một phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ở Tòa nhà Quốc hội, Washington, hồi tháng 3/2013. Ảnh: Reuters.
Cuộc điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch của Trump với Ai Cập dẫn đến một trong những “cuộc chiến tòa án” bí mật nhất tại Washington trong nhiều năm. Tới nay, sự việc chỉ được biết đến như cuộc chiến trát hầu tòa giữa đội ngũ của Mueller và một công ty thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, theo thông tin CNN nắm được, đội ngũ của Mueller đã nỗ lực tiếp cận hồ sơ của một ngân hàng quốc gia Ai Cập.
Tháng 7/2018, văn phòng của Mueller bí mật nộp trát đòi quyền tiếp cận hồ sơ của ngân hàng này, châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều tháng và chỉ được hé lộ dần dần trong quá trình tòa xử lý sự việc.
Ngân hàng này ngay sau đó tranh luận rằng họ sẽ không nộp hồ sơ cho Mueller vì nó có liên quan mật thiết tới chính phủ nước ngoài đang sở hữu ngân hàng. Tuy nhiên, tòa án Mỹ vẫn kết luận họ không thể được miễn trừ đối với trát đòi từ văn phòng của Mueller.
Tại thời điểm đó, tòa án và đội ngũ của Mueller hành động hết sức thận trọng nhằm giữ bí mật cuộc điều tra. Beryl Howell, thẩm phán tòa án liên bang ở Washington, gọi đây là một trường hợp “xử lý sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cùng khả năng các công dân Mỹ thông đồng với những nỗ lực này”. Tên của các luật sư liên quan cũng chỉ được tiết lộ sau nhiều tháng.
Khi tòa án ở Washington nghe điều trần từ các bên vào tháng 12/2018, lực lượng an ninh đã giải tán phóng viên và phong tỏa hoàn toàn một tầng của trụ sở tòa án, giúp đội ngũ công tố viên liên quan ra vào tòa nhà và phòng xử một cách bí mật. Cuộc chiến pháp lý thậm chí được đưa lên tới Tòa án Tối cao vào đầu năm ngoái, và Tòa án Tối cao cũng ra phán quyết bác bỏ yêu cầu không nộp hồ sơ của ngân hàng trên.
Mặc dù vậy, cuộc đối đầu giữa các công tố viên Mỹ và ngân hàng Ai Cập vẫn kết thúc trong bế tắc. Ngân hàng đã nộp gần 1.000 trang tài liệu được dịch sang tiếng Anh, theo hồ sơ tòa án được công bố sau khi cuộc điều tra của Mueller khép lại.
Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ đáp ứng yêu cầu của các công tố viên ở Washington lẫn văn phòng của Mueller, nhưng họ không thể thu được thêm gì từ ngân hàng này. Cuộc điều tra về khoản đóng góp 10 triệu USD dường như rơi vào ngõ cụt.
Việc tìm hiểu mối liên hệ giữa chiến dịch của Trump với Ai Cập cũng đối mặt ngã rẽ vào đầu năm 2019, khi Mueller phải hoàn thiện báo cáo điều tra. Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein và William Barr, người sau đó đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tư pháp, đã giám sát quá trình kết thúc cuộc điều tra của Mueller và được báo cáo về những việc còn dang dở. Tuy nhiên, họ để đội ngũ của Mueller và FBI tự quyết định vấn đề nào nên gửi đến những văn phòng công tố khác để tiếp tục giải quyết, sau khi văn phòng của Mueller đóng cửa, các nguồn tin tiết lộ.
Cuối tháng 3/2019, sau khi văn phòng của Mueller đóng cửa, David Goodhand thuộc văn phòng công tố Mỹ ở Washington cho biết quá trình điều tra “đang tiếp tục một cách mạnh mẽ”. Bộ Tư pháp Mỹ tháng trước xác nhận Mueller đã chuyển “một cuộc điều tra về khoản đóng góp từ nước ngoài cho chiến dịch tranh cử” đến các công tố viên ở Washington. Một số nguồn tin cho hay đây chính là cuộc điều tra về Ai Cập.
Theo một công tố viên giấu tên khác thuộc văn phòng công tố ở Washington, ngay cả sau khi nhiệm vụ của Mueller kết thúc, cuộc điều tra vẫn là “một vấn đề vô cùng thực tế, đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, thời gian và sự chú ý của chính quyền”.
Tuy nhiên, một năm rưỡi qua, vấn đề thậm chí bị giấu kín hơn khi Barr lên làm Bộ trưởng Tư pháp. Ở hậu trường, cuộc điều tra được cho là đang xoay quanh việc liệu các công tố viên, dưới sự bất hợp tác của chính phủ Ai Cập, có đủ bằng chứng để đòi hỏi thêm thông tin liên quan đến hồ sơ tài chính của Trump hay không.
Theo nguồn tin, các công tố viên từng có thời điểm muốn nộp trát đòi hồ sơ ngân hàng của Tổng thống Mỹ. Quyết định phê chuẩn trát đòi này thuộc về công tố viên liên bang Jessie Liu ở Washington. Sau nhiều tuần xem xét hồ sơ điều tra, Liu từ chối yêu cầu bởi cho rằng đội ngũ công tố viên chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết. Cuộc điều tra tiếp tục đi vào ngõ cụt, dù Liu không ra quyết định đóng hồ sơ.
Liu mất ghế công tố viên liên bang hồi tháng 2, sau khi các nghị sĩ Cộng hòa được cho là nhắm vào bà vì quá trình xử lý những trường hợp khác. Michael Sherwin, quyền công tố viên liên bang tại Washington hiện nay, đảm nhiệm công việc từ hồi tháng 5 và đã xem xét cuộc điều tra liên quan đến Ai Cập.
Các nguồn tin cho hay Sherwin đã gặp đội ngũ điều tra viên FBI và công tố viên phản gián, trước khi quyết định đóng hồ sơ cuộc điều tra vào tháng 7. Báo cáo của Mueller cũng không đề cập gì đến cuộc điều tra về mối nghi ngờ liên quan tới ngân hàng Ai Cập.
Phát ngôn viên của Tổng thống Ai Cập Sisi từ chối bình luận về sự việc. Trong khi đó, Jason Miller, cố vấn cấp cao trong chiến dịch tái tranh cử của Trump năm nay, khẳng định “Tổng thống chưa bao giờ nhận một xu nào từ Ai Cập”.
Phát hiện 7 phiếu bầu cho Trump bị loại bỏ
Một số phiếu của binh sĩ bầu cho Trump bị hủy ở bang Pennsylvania, khiến Nhà Trắng nghi ngờ độ tin cậy của bỏ phiếu qua thư.
"Công tố viên hạt Luzerne Stefanie Salavantis hồi đầu tuần yêu cầu Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở cuộc điều tra việc loại bỏ các lá phiếu sau thông tin về vấn đề tiềm ẩn đối với một số lượng nhỏ phiếu gửi qua thư ở Hội đồng Bầu cử hạt Luzerne", Bộ Tư pháp Mỹ ra thông cáo cho biết hôm 24/9.
"Tại thời điểm này, chúng tôi có thể xác nhận một số lượng nhỏ phiếu bầu của quân đội đã bị loại bỏ. Một số phiếu trong đó có thể xác định thuộc cử tri cụ thể, trong khi số khác không thể xác định", thông cáo có đoạn viết.
Trump vận động tranh cử ở bang Bắc Carolina hôm 24/9. Ảnh: AFP.
Bộ Tư pháp Mỹ ban đầu cho biết các lá phiếu bị loại bỏ gồm 9 phiếu cho Trump, song thông cáo sửa đổi sau đó cho hay 7 phiếu cho Trump và hai phiếu cho hai người không xác định. Trump đã giành chiến thắng tại hạt Luzerne với cách biệt 20 điểm phần trăm trong cuộc bầu cử năm 2016.
Pennsylvania không nằm trong số các bang tự động gửi đơn đăng ký bỏ phiếu qua thư đến tất cả cử tri đã đăng ký.
Nhiều bang của Mỹ cho phép cử tri bỏ phiếu sớm bằng cách trực tiếp tới điểm bỏ phiếu hoặc gửi qua thư, ngay từ tháng 9, dù ngày bầu cử tổng thống năm nay được ấn định vào 3/11. Năm 2016, hơn 40 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, số người bỏ phiếu sớm trực tiếp hoặc qua thư được dự đoán sẽ tăng đáng kể.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói rằng Trump muốn loại bỏ tình trạng bỏ phiếu qua thư hàng loạt. "Tổng thống nói rõ ràng rằng có thể thực hiện theo cả hai cách (bỏ phiếu trực tiếp và qua thư). Cơ hội của một trong hai ứng viên có thể bị hủy hoại vì đây là hệ thống có thể gian lận", McEnany cho hay.
Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng trích dẫn một trường hợp ở bang Wisconsin, nơi ba hòm thư được tìm thấy bên dưới một con mương.
Trump nhiều lần công khai nghi ngờ về tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử qua thư, cho rằng hình thức này ủng hộ đảng Dân chủ và có thể dẫn đến gian lận diện rộng, dù các quan chức và chuyên gia bầu cử nói không có bằng chứng nào về việc này.
Người gửi thư chứa chất độc racin cho Trump là ai? Ferrier, người phụ nữ Canada bị truy tố vì gửi thư chứa ricin cho Trump, dường như đăng Twitter ủng hộ giết Tổng thống Mỹ cách đây hai tuần. Pascale Ferrier, 53 tuổi, sinh ra tại Pháp nhưng nhập tịch Canada từ năm 2015. Một số nguồn tin cho biết bà này vẫn giữ hai quốc tịch Pháp - Canada và sống ở...