Bà mẹ Trung Quốc vào xưởng ôtô sinh con trong 30 giây rồi bỏ đi
Một phụ nữ Trung Quốc đột nhiên đi vào xưởng sửa chữa ôtô rồi ngồi xuống sinh con trong 30 giây rồi bỏ đi, sau đó tìm đến nhận lại con.
Người mẹ vào xưởng sinh con trong chưa đầy 30 giây. Ảnh: SCMP
Nhân viên xưởng sửa chữa ôtô ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, phát hiện một bé trai trên sàn nhà vào 8h hôm 1/3, SCMP hôm nay đưa tin.
“Khi tôi phát hiện, môi đứa trẻ đã tím tái. Cậu bé không khóc. Tôi rất lo vì thấy máu trên sàn. Tôi biết đó là một đứa trẻ sơ sinh vì vẫn còn dây rốn”, Xiao Song cho biết.
Anh và đồng nghiệp lấy chăn quấn đứa trẻ lại và gọi xe cấp cứu, báo cảnh sát. Camera an ninh cho thấy trước đó, một phụ nữ lạ mặt mặc áo khoác vàng, bước đi nặng nề vào xưởng ôtô. Cô này cởi quần ngồi xuống và đứng lên trong chưa đầy 30 giây rồi bỏ đi, để lại túi xách có ví tiền và chứng minh thư.
Theo bệnh viện Hàng Châu, đứa trẻ chỉ bị cảm lạnh, sức khỏe đã ổn định. Cảnh sát thành phố cho biết người phụ nữ đã quay lại nhận con.
Người mẹ nói rằng lúc đó đã gần sinh và không có lựa chọn nào khác ngoài việc vào gara sinh con. Cô bỏ đi vì không biết phải làm thế nào nhưng khi quay lại, đứa con đã biến mất. Cảnh sát không tiết lộ người mẹ đã đi trong bao lâu.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Video đang HOT
Mộng sinh con trên đất Mỹ của các bà mẹ Trung Quốc
Dù Washington đã cố gắng kiểm soát chặt chẽ hơn, họ vẫn không thể ngăn các bà mẹ Trung Quốc đến Mỹ sinh con với mục tiêu cho thế hệ sau tương lai tốt hơn.
Hành khách từ chuyến bay Air China Flight CA987 hạ cánh xuống Mỹ. Ảnh: LA Times
Vào 10h một buổi sáng lạnh tháng 4 tại Trung tâm y tế Whittier ở California, Sophia, một bé gái khỏe mạnh nặng 3kg chào đời.
Mẹ cô bé, Tracy, từ Thượng Hải đến Mỹ sinh con để cho Sophia cơ hội hưởng nền giáo dục tốt nhất thế giới, một tuổi thơ an toàn và được chăm sóc y tế tốt mà không cần phải xếp hàng dài, theo LA Times. "Tôi đến đây sinh để cho con lựa chọn tốt hơn", Tracy nói.
Mỹ hiện là một trong số ít các quốc gia phát triển trao quyền công dân cho mọi trẻ em sinh ra trên đất của họ. Ngay cả khi thu nhập của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã tăng nhanh và 96% người dân Trung Quốc trong một cuộc thăm dò của Pew Research nói rằng cuộc sống của họ tốt hơn so với bố mẹ, những "du khách sinh con" như Tracy vẫn đều đều vượt đại dương để con mình được sinh ra ở Mỹ.
Ngành "du lịch sinh con" phát triển mạnh tại nơi có nhiều người gốc Hoa sinh sống ở Mỹ, với nhiều hộ sinh, lái xe và bác sĩ, cộng với "các khách sạn thai sản" - căn hộ hoặc nhà phục vụ như khách sạn cho các bà mẹ trong quá trình mang thai.
Các trang web Trung Quốc cho thấy có hàng trăm khách sạn thai sản ở nam California, mặc dù không rõ bao nhiêu trong danh sách đó đang hoạt động.
Bất cứ ai nói dối về mục đích của chuyến đi đến Mỹ có thể bị buộc tội gian lận visa, nhưng du lịch sinh con không phải là vi phạm pháp luật. "Luật không quy định việc phụ nữ mang thai vào Mỹ là bất hợp pháp", Virginia Kice, một phát ngôn viên của Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là cách không công bằng để nhập tịch cho trẻ em. Các quan chức Mỹ đang tìm cách dẹp bỏ các khách sạn thai sản.
Dù vậy, hoạt động này vẫn tiếp diễn. "Trung Quốc đã phát triển rất nhanh", Kelly, bà mẹ đến Mỹ sinh con tại Riverside, cho biết. "Nhưng người Trung Quốc luôn nghĩ rằng Mỹ là mảnh đất hứa - rộng lớn hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn".
Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp 2.270.000 visa cho khách du lịch Trung Quốc vào năm 2015, không rõ bao nhiêu trong số đó được cấp cho du khách sinh con. Sinh sản là lý do chính đáng để sang Mỹ và miễn là công dân Trung Quốc có giấy tờ hợp lệ và bằng chứng cho thấy họ có thể trả chi phí y tế, họ sẽ được cấp visa, các quan chức Mỹ cho biết.
Nhưng các quan chức liên bang đang xử lý vấn đề theo một hướng khác, với nghi ngờ rằng hoạt động này có liên quan đến việc gian lận visa quy mô lớn. Các quan chức kiểm soát tại các cửa khẩu lớn như sân bay quốc tế Los Angeles đã thắt chặt an ninh với phụ nữ mang thai Trung Quốc và đôi khi ngăn họ vào nước.
Họ đã đột kích vào khách sạn thai sản ở Riverside, Rowland Heights và Irvine tại California vào năm 2015, cáo buộc các chủ kinh doanh vi phạm luật thuế và gian lận bằng cách giúp du khách sinh con được cấp visa với lý do giả.
"Những người cung cấp thông tin sai sự thật để được nhập cảnh vào Mỹ đặt ra một lỗ hổng bảo mật tiềm tàng", Kice nói.
Trong thung lũng San Gabriel, nơi các khách sạn thai sản là bí mật mở, lãnh đạo địa phương đã nhận được nhiều khiếu nạn từ người dân bản địa. Tại Chino Hills, một nhóm cư dân đã phản đối sự hiện diện của chúng và cảnh sát Arcadia thậm chí điều một thám tử để điều tra các cơ sở này.
Hạt Los Angeles đã thành lập một tổ đặc biệt để đối phó vấn đề này trong năm 2013. Họ đã xác định được 34 khách sạn kinh doanh trên đất dân dụng. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định chống lại việc cung cấp dịch vụ khách sạn cho người nước ngoài đến Mỹ với mục đích sinh con.
Lực lượng quản lý nhập cư nhìn vào một căn hộ tại Rowland Heights trong đợt điều tra các trung tâm du lịch sinh con năm 2015. Ảnh: LATimes
Điểm đến mơ ước
An toàn thực phẩm, ô nhiễm và bất bình đẳng thu nhập là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người Trung Quốc, theo Pew Research. Chỉ 6% các cá nhân thu nhập cao ở Trung Quốc nói họ có dự tính ở lại Trung Quốc mãi mãi, theo một cuộc thăm dò của Hurun Report năm 2015. Mỹ là điểm đến hàng đầu của người Trung Quốc.
Giới chức nói rằng gần như không thể biết có bao nhiêu bà mẹ Trung Quốc đến Mỹ sinh con mỗi năm. Trung tâm Nghiên cứu Di trú ước tính gần 36.000 người Trung Quốc làm vậy, nhưng "đó chỉ là một phỏng đoán", Jessica Vaughan, giám đốc điều hành của trung tâm, nói.
Các bà mẹ đến Mỹ sinh con đang sử dụng quốc tịch Mỹ như một cái lưới an toàn, Vaughan nói. Họ không trả thuế cho Mỹ nhưng lại có thể sử dụng quyền lợi y tế và phúc lợi. Vaughan nghĩ rằng Washington cần đặt ra quy định khắt khe hơn, chẳng hạn em bé sinh ra ở Mỹ phải sống ít nhất 5 năm đầu đời tại nước này thì mới được giữ lại quốc tịch Mỹ.
Trong khi đó, Karin Wang, phó chủ tịch một tổ chức hỗ trợ người Mỹ gốc Á, cho biết cô lo ngại thái độ phản đối với du lịch sinh con phản ánh tinh thần bài ngoại và chống Á. Cô cho rằng du lịch sinh con là tác dụng phụ của hệ thống nhập cư yếu kém.
"Nếu hệ thống nhập cư hiệu quả hơn thì những con đường vòng mà người ta đi để có quốc tịch Mỹ sẽ giảm hoặc biến mất", Wang nói.
Rowland Heights, cùng với Arcadia và Irvine, từ lâu đã bị đồn là có "làng tình nhân" - tiếng lóng ở Trung Quốc để mô tả nơi những người đàn ông Trung Quốc giàu có nuôi nhân tình. Tin đồn này chưa được kiểm chứng nhưng nhiều người cho biết phụ nữ độc thân Trung Quốc chiếm một phần quan trọng trong ngành du lịch sinh con.
Zhu chưa kết hôn và không chắc cô có muốn ở lại Mỹ hay không, nhưng cô đã bay từ Quảng Đông đến Los Angeles để sinh con vì không có lựa chọn nào khác. Cô muốn né quy định kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc khiến cho bà mẹ đơn thân gặp rắc rối khi xin cấp giấy phép sinh sản.
Trong khi đó, nhiều bà mẹ như Tracy thì xem xét việc ở lại hẳn Mỹ. Tracy nói rằng tại Thượng Hải có các tòa nhà cao tầng và hiện đại nhưng tiền thuê nhà rất đắt. Đường chân trời rất đẹp, nhưng không khí không sạch và thực phẩm không an toàn. Sân bay có kiến trúc ấn tượng nhưng bất tiện. Người dân thì luôn bình phẩm và so sánh, đánh giá những bộ quần áo cô mặc, ngôi nhà và khu phố cô ở hay trường con cô học. Cuộc sống ở Mỹ sẽ giải thoát cô khỏi những chuyện đó.
"Ở đây mọi người không cạnh tranh như vậy, không phải cố gắng mặc quần áo tốt hơn và sử dụng những thứ tốt hơn người khác", Tracy nói. "Tôi thậm chí còn không phải trang điểm".
Phương Vũ
Theo VNE
Lãnh đạo thế giới mua gì khi đến Trung Quốc dự G20 Các lãnh đạo thế giới tận dụng thời gian đến Trung Quốc dự hội nghị G20 để mua sắm quần áo, đồ chơi và dùng bữa ở trung tâm thành phố Hàng Châu. Đệ nhất phu nhân Canada Sophie Grégoire-Trudeau và con gái mua sắm ở Hàng Châu. Ảnh: SCMP Phái đoàn Nga dành gần 4 giờ để mua sắm trong tháp Hàng...