Ba lý do Ấn Độ khó đoạn tuyệt Trung Quốc
Bất chấp làn sóng tẩy chay vì căng thẳng biên giới, Ấn Độ khó quay lưng với Trung Quốc vì những ràng buộc về thương mại, đầu tư và công nghệ.
Vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn – Trung tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya hôm 15/6, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, đã làm dấy lên cơn thịnh nộ tại quốc gia này. Người dân và nhiều quan chức kêu gọi tẩy chay hàng hóa, du khách Trung Quốc, tổ chức các cuộc biểu tình và đập phá đồ “made in China”.
“Lửa giận” từ công chúng khiến chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi chịu áp lực phải phản ứng mạnh mẽ với nước láng giềng, ngay cả khi chỉ huy quân đội hai bên đang đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng. Tuần trước, Ấn Độ quyết định cấm hàng chục ứng dụng trên di động của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tức giận.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định quyết tâm “đoạn tuyệt” với Bắc Kinh của New Delhi khó có thể thành công, khi mọi số liệu đều cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và công nghệ đã tăng đáng kể trong những năm qua.
Một người giơ áp phích kêu gọi tẩy chay các ứng dụng trên smartphone của Trung Quốc tại New Delhi, Ấn Độ, hôm 30/6. Ảnh: Hindustan Times.
Ấn Độ có quan hệ thương mại không cân bằng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của họ, sau Mỹ. Dữ liệu của chính phủ cho thấy từ tháng 4/2019 đến tháng 3 năm nay, Ấn Độ nhập khẩu hơn 65 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng chỉ xuất khẩu khoảng 16,6 tỷ USD sang nước láng giềng.
Do đó, New Delhi bị thâm hụt thương mại hơn 48 tỷ USD với Bắc Kinh. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch giữa hai nước so với năm tài khóa trước, kết thúc hồi tháng 3/2019, đã giảm xuống. Ấn Độ còn được cho là đang lên kế hoạch áp thêm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ấn Độ nhập khẩu cả các mặt hàng trung gian và thành phẩm từ Trung Quốc, bao gồm máy móc và thiết bị điện, hàng điện tử tiêu dùng, hóa chất, dược phẩm và linh kiện điện tử.
“Giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc là việc nói dễ hơn làm”, Kunal Kundu, nhà kinh tế học người Ấn Độ tại tập đoàn tài chính Societe Generale, nhận định. “Điều này cần tới chính sách từ trung đến dài hạn, cùng hướng dẫn cụ thể đến từng cá nhân”.
Kundu giải thích rằng Ấn Độ có thể tự sản xuất hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính phủ cần cung cấp chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi có thể sản xuất ra một phần số sản phẩm đó, bao gồm cả những công ty hoạt động trong các lĩnh vực phi chính thức, chuyên gia nêu ý kiến.
Tuy nhiên, viễn cảnh này cần nhiều thời gian để hiện thực hóa. Triển vọng kinh tế của Ấn Độ hiện nay vẫn ảm đạm, khi đất nước đang quay cuồng do hậu quả của lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt chống Covid-19. Thêm vào đó, số ca nhiễm vẫn không ngừng tăng lên, khiến nước này trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới.
Kundu nói thêm rằng sự tích hợp không đầy đủ của Ấn Độ với chuỗi cung ứng toàn cầu còn đồng nghĩa với việc các công ty đang rời khỏi Trung Quốc sẽ tìm đến những nước khác để đặt nhà máy.
“Khả năng tăng cường thu hút đầu tư của Ấn Độ nằm trong triển vọng trung và dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, họ có thể thúc đẩy những hiệp định tự do thương mại khác nhau với các nước châu Á khác, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ Latinh”, Kundu nói.
Yếu tố tiếp theo gắn kết New Delhi và Bắc Kinh là đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Ấn Độ tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây. Từ năm 2015 tới tháng trước, một công ty đầu tư Trung Quốc đã ký 42 hợp đồng, tổng trị giá 8,7 tỷ USD, với một công ty tiềm năng ở Ấn Độ, theo Mergermarket.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, theo báo cáo hồi đầu năm của viện nghiên cứu Gateway House có trụ sở ở Mumbai. Tính đến tháng 3, 18/30 công ty khởi nghiệp Ấn Độ trị giá hơn một tỷ USD đã nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo Gateway House, có ba lý do các công ty Trung Quốc chi phối những start-up công nghệ ở Ấn Độ. Đầu tiên, không có nhà đầu tư mạo hiểm lớn nào ở Ấn Độ dành cho các start-up địa phương. Trung Quốc đã sớm tận dụng kẽ hở này, khi tập đoàn Alibaba đầu tư vào Paytm hồi năm 2015.
“Thứ hai, Trung Quốc cung cấp nguồn vốn dài hạn cần thiết để hỗ trợ các start-up Ấn Độ đang thua lỗ. Đây là sự đánh đổi đáng giá, giúp đem lại thị phần. Thứ ba, đối với Trung Quốc, thị trường rộng lớn của Ấn Độ sở hữu cả giá trị bán lẻ và chiến lược”, báo cáo của Gateway viết.
Trước vụ đụng độ ở biên giới, Ấn Độ đã đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Trung Quốc. Điều này có khả năng gây trở ngại cho những công ty khởi nghiệp Ấn Độ trong thời gian tới, bởi họ sẽ phải tìm tài trợ từ nơi khác.
New Delhi còn phụ thuộc vào Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ. Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu thụ kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới. Ngày càng nhiều người dân tại nước này lên mạng mỗi ngày, biến nơi đây thành thị trưởng béo bở cho các hãng công nghệ. Những công ty Trung Quốc, như Alibaba, Tencent và chủ sở hữu TikTok ByteDance, thường xuyên cạnh tranh với các đối thủ Facebook, Amazon và Google để tiếp cận người dùng Ấn Độ.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng là một trong những thị trường smartphone lớn nhất thế giới. 4/5 hãng smartphone chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ là của Trung Quốc, tương đương 80%, trong khi thương hiệu trong nước chỉ chiếm 1% thị trường, theo nhóm phân tích Counterpoint Research.
“Vị trí của smartphone Trung Quốc rất khó thay thế, khi không có nhiều lựa chọn tại Ấn Độ”, các nhà phân tích của Counterpoint Research cho hay, nói thêm rằng những hãng sản xuất smartphone Ấn Độ sẽ phải đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển để tạo dấu ấn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định Ấn Độ có thể “chặn đường” Trung Quốc trong những mảng khác như viễn thông, bởi có sẵn lựa chọn thay thế. Điều đó đồng nghĩa với việc New Delhi có thể viện dẫn những lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư để ngăn Huawei hay ZTE tham gia vào mạng viễn thông của đất nước. Một số nguồn tin tiết lộ Huawei có thể bị cấm tham gia buổi giới thiệu mạng 5G ở Ấn Độ.
“Động thái như vậy từ phía Ấn Độ sẽ là đòn giáng lớn, bởi các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 thị trường của họ”, Counterpoint Research nhận định, nói thêm rằng hầu hết các nhà mạng viễn thông Ấn Độ đều sử dụng thiết bị từ Huawei và ZTE.
Tuy nhiên, Gateway House cho rằng Trung Quốc đã sớm nhìn thấy cơ hội khác ở Ấn Độ, có khả năng sẽ chuyển sang mảng phương tiện chạy điện. Ấn Độ có những mục tiêu đầy tham vọng trong ngành này. Tuy nhiên, Trung Quốc vốn đã chiếm lĩnh thị trường và chuỗi cung ứng, đồng thời sản xuất cả những linh kiện chủ chốt.
Do đó, các nhà phân tích cho rằng bất cứ động thái leo thang nào từ phía New Delhi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh trong ngắn hạn cũng có thể gây gián đoạn quá trình cung ứng, khiến chi phí đầu vào cao hơn, tạo áp lực lên nền kinh tế.
Trong khi làn sóng đòi tẩy chay hàng Trung Quốc vẫn sục sôi ở Ấn Độ, Ajit Doval, cố vấn an ninh quốc gia nước này, đã điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và hai bên nhất trí “rút quân khỏi khu vực tranh chấp càng sớm càng tốt”. Đây được coi là động thái sẽ làm hạ nhiệt đáng kể tình hình căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Á.
Binh sĩ đấu tay đôi, rơi xuống núi tử nạn trong vụ đụng độ Ấn - Trung
Cuộc đụng độ tay đôi kéo dài hàng giờ, trên địa hình dốc, lởm chởm, với những thanh sắt, đá và nắm đấm. Không bên nào mang súng.
Hầu hết lính thiệt mạng trong cuộc đụng độ tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong gần 60 năm này, do trượt chân hoặc bị đánh bật khỏi sườn núi hẹp của dãy Himalaya, rơi xuống và tử nạn, truyền thông Ấn Độ tiết lộ hôm 17/6.
Giới chức trách Ấn Độ phản ứng với sự sửng sốt và cẩn trọng về vụ đụng độ tại thung lũng Galwan ở dãy Himalaya hôm 15/6 khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng. Bắc Kinh cũng đưa ra rất ít thông tin về sự việc.
Trong phản ứng công khai đầu tiên về vụ đụng độ, Thủ tướng Narendra Modi đã chủ trì hai phút mặc niệm cho những binh sĩ tử nạn và nói rằng Ấn Độ sẽ bảo vệ từng viên đá, từng tấc đất trong lãnh thổ của mình.
"Cả nước đang hướng về gia đình của những người đã hy sinh mạng sống của họ cho đất nước. Ấn Độ sẽ bảo vệ từng viên đá trên mỗi tấc đất lãnh thổ của mình", ông Modi nói.
"Tôi muốn đảm bảo với người dân cả nước rằng sự hy sinh của những binh sĩ này sẽ không vô ích. Đối với chúng tôi, sự thống nhất và chủ quyền của đất nước là quan trọng nhất", ông Modi nói.
Các binh sĩ của lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ đứng gác tại một trạm kiểm soát dọc theo đường cao tốc dẫn đến Ladakh ở quận Ganderbal của Kashmir ngày 17/6. Ảnh: Reuters.
Vụ đụng độ xảy ra khi một đội tuần tra của lính Ấn Độ bất ngờ chạm trán quân đội Trung Quốc ở khu vực dốc của vùng núi. Họ nghĩ rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã rút lui theo thỏa thuận ngày 6/6, các nguồn tin ở Delhi cho biết.
Không có nổ súng trong vụ đụng độ. Hai bên đã giao tranh trực diện với đá, gậy và các vũ khí tạm khác. Sau đó, một sĩ quan chỉ huy Ấn Độ bị đẩy, rơi xuống từ sườn núi hẹp và tử nạn trong hẻm núi bên dưới, theo Guardian.
Tiếp viện từ phía Ấn Độ được điều đến từ một đồn cách đó khoảng 4 km. Khoảng 600 người đã chiến đấu với đá, gậy sắt và vũ khí tạm thời khác trong bóng tối gần sáu giờ, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết. Hầu hết trường hợp tử vong của hai bên là những người lính bị rơi xuống dưới núi.
Người dân Ấn Độ đã trông chờ phản ứng của Thủ tướng Narendra Modi trước vụ việc này. Ông Modi đã gặp các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao và các chỉ huy quân sự vào cuối ngày 16/6.
"Không thể bình tĩnh nữa với vụ đụng độ ở thung lũng Galwan. Trung Quốc đã đẩy vụ việc đi quá xa", Times of India viết trong một bài xã luận. "Ấn Độ phải phản ứng".
"Bắc Kinh không thể sát hại lính của chúng ta ở biên giới và vẫn trông đợi vào thị trường lớn của chúng ta", tờ này viết và ủng hộ việc trừng phạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về cuộc xung đột.
Bắc Kinh đã từ chối xác nhận thương vong ở phía mình nhưng cáo buộc Ấn Độ đã vượt qua biên giới hai lần, "khiêu khích và tấn công quân nhân Trung Quốc".
Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đang thắc mắc liệu có phải sự cố tình báo đã dẫn đến việc lính tuần tra Ấn Độ đụng đọ lính Trung Quốc.
"Đáng lẽ phải có cảnh báo trước", ông Shiv Aroor, biên tập viên India Today cho biết. "Đây là tình huống sinh tử và bạn phải cực kỳ chủ động".
Cả hai bên đã cố gắng giảm căng thẳng trong những tuần gần đây nhưng thiệt hại về sinh mạng đã khiến tình hình thậm chí còn phức tạp và bấp bênh hơn.
Số thương vong tăng mạnh trong đụng độ Ấn - Trung ở biên giới
Sự căng thẳng của vụ tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang leo thang khi đã có ít nhất 20 binh sĩ tử nạn. Cả 2 nước đều cho rằng đối phương đang vi phạm thỏa thuận.
Nước dâng cao ở vùng tranh chấp biên giới Ấn Độ, binh sĩ Trung Quốc gặp nguy Binh sĩ Trung Quốc tập trung với số lượng lớn ở phạm vi 5km từ vùng tranh chấp tại thung lũng Galwan đang gặp nguy hiểm khi nước dâng cao ở bờ sông Galwan gây ngập lụt, nguồn tin quân đội Ấn Độ cho biết trên tờ Hindustan Times. Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã nhiều lần ẩu đả ở vùng...