Bà Le Pen sẽ phải hầu tòa vì đăng hình ảnh bạo lực của IS lên Twitter
Vụ bê bối xảy ra từ tháng 12/2015, ít tuần sau khi các tay súng thánh chiến IS thực hiện các vụ tấn công tại Paris, sát hại hơn 130 người.
Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của Pháp Marine Le Pen. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của Pháp Marine Le Pen sẽ phải ra hầu tòa vì hành vi chia sẻ các hình ảnh bạo lực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên mạng xã hội Twitter.
Vụ bê bối xảy ra từ tháng 12/2015, ít tuần sau khi các tay súng thánh chiến IS thực hiện các vụ tấn công tại Paris, sát hại hơn 130 người.
Hãng tin AFP của Pháp ngày 12/6 dẫn một nguồn tin tòa án cho biết một thẩm phán tại vùng ngoại ô phía Tây Paris đã phát lệnh triệu tập bà Le Pen hầu tòa với tội danh tuyên truyền thông tin bạo lực, cổ súy chủ nghĩa khủng bố hoặc khiêu dâm hoặc làm tổn hại nghiêm trọng giá trị con người.
Theo luật pháp của Pháp, người bị kết án với tội danh này có thể phải ngồi tù tối đa 3 năm cùng khoản tiền phạt 75.000 euro (85.000 USD).
Video đang HOT
Từ năm ngoái, một thẩm phán đã kêu gọi bà Le Pen tiến hành kiểm tra sức khỏe tâm thần của mình sau khi nữ chính khách này có nhiều dòng trạng thái gây tranh cãi liên quan tới IS.
Tháng 3/2017, Nghị viện châu Âu đã nhất trí tước tư cách thành viên đối với bà Le Pen vì hành vi chia sẻ các hình ảnh bạo lực nói trên.
Tuy nhiên, cho đến nay, bà Le Pen bác bỏ các cáo buộc, cho rằng đây là sự vi phạm quyền tự do ngôn luận của bà.
Đây được xem là vụ pháp lý mới nhất của bà Le Pen.
Trước đó, hồi tháng 12/2016, Nghị viện châu Âu (EP) đã kết luận bà Le Pen đã tạo “việc làm giả” tại EP để nhận khống số tiền 298.500 euro trong suốt 5 năm.
Ngày 23/5 mới đây, Tòa án Công lý châu Âu đã tán thành phán quyết của tòa án cấp thấp về việc yêu cầu bà Le Pen phải hoàn trả số tiên trên cho EP./.
Theo Lan Phương (TTXVN/Vietnam )
Gánh nặng của EU sau bầu cử Nghị viện châu Âu
Nghị viện châu Âu (EP) sẽ vẫn không đồng nhất hơn so với trước và do vậy, việc tìm kiếm đa số và đạt được thỏa hiệp sẽ là một thách thức nghiêm trọng.
Một cuộc họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nhận định của tác giả Bernd Riegert trong bài viết đăng trên tờ DW, trước khi diễn ra các cuộc bỏ phiếu, các đảng phái lớn và trung dung ở châu Âu đã tuyên bố cuộc bầu cử EP hôm 26/5 có ý nghĩa quan trọng như một bước ngoặt then chốt. Và đến giờ, sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc, chúng ta có thể thấy rõ rằng 2/3 cử tri tham gia bỏ phiếu đã lựa chọn các đảng thân châu Âu.
Việc các đảng phái theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu lên nắm quyền mà Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini từng cam kết trước đó đã không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, mặc dù mô hình dân chủ tự do của khối đã rất kiên trì, song hiện vẫn còn vài phần của châu Âu đang thể hiện những xu hướng đáng lo ngại.
Cụ thể, lần thứ hai liên tiếp, những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu của Pháp đã giành chiến thắng tại cuộc bầu cử EP. Trong khi đó, tại Italy, đảng cực hữu Liên đoàn của Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini đã nổi lên trở thành chính đảng lớn nhất sau khi giành được nhiều phiếu nhất, vượt xa so với đối tác trong liên minh cầm quyền là đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S).
Tại Hungary, những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu đã lên nắm quyền và một lần nữa giành được hơn 50% số phiếu bầu. Tại Ba Lan, đảng bảo thủ cầm quyền cũng giành được thắng lợi. Tuy nhiên, tại một số nước như Đức, Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha, các đảng dân túy cực hữu lại chỉ nhận được số phiếu ít hơn so với dự đoán. Và do đó, những đảng này sẽ không thể thành lập được một nhóm chặt chẽ, thống nhất mà chỉ có thể làm chậm chứ không thể cản trở hoạt động của Nghị viện.
Cuộc bầu cử EP vừa qua là một bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Một "làn sóng Xanh" đã thực sự quét qua nhiều phần của châu Âu với việc các đảng môi trường làm tốt hơn nhiều so với dự kiến. Nhiều khả năng, những đảng này sẽ cùng nhau tạo ra một nhóm trong EP, lớn hơn cả nhóm của những người theo chủ nghĩa cực hữu. Đây cũng có thể được coi là một thành tựu lớn.
Rõ ràng, các cuộc biểu tình về chống biến đổi khí hậu trong nhiều tháng qua đã góp phần giúp những người trẻ tuổi tìm được mục tiêu cho lá phiếu của mình, đó là bỏ phiếu cho đảng Xanh. Tuy nhiên, đảng này chỉ mạnh ở một số khu vực thuộc Tây Âu, chủ yếu ở Đức, Pháp, Luxembourg và Phần Lan, trong khi tại khu vực Nam Âu và Đông Âu, đảng Xanh lại hầu như không có tầm ảnh hưởng.
Trong khi đó, các đảng trung dung lớn ở châu Âu lại vừa phải chịu tổn thất đáng kể từ cuộc bầu cử này. Khối các nhóm đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Xã hội đã để mất một tỷ lệ phiếu bầu đáng kể vào tay các đảng Xanh và đảng Tự do. Điều này đồng nghĩa với việc các đảng lớn ở châu Âu hiện nay sẽ phải dựa vào các đảng nhỏ hơn như đảng Tự do và thậm chí có thể cả đảng Xanh để thành lập đa số trong EP.
Nó sẽ được chứng minh cụ thể và rõ ràng tại Hội nghị bất thường của Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/5, nơi các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về việc chỉ định các vị trí lãnh đạo chủ chốt khác nhau, đặc biệt là tìm người kế nhiệm ông Junker trong nhiệm kỳ tới, bởi không phải tất cả lãnh đạo các nước EU đều ủng hộ việc đưa chỉ một trong những ứng cử viên hàng đầu của các đảng mới có thể trở thành chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
Dựa trên nguyên tắc cũ trước đây, việc người đứng đầu của nhóm lớn nhất tại Nghị viện, cụ thể là Khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đương nhiên trở thành chủ tịch EC đã không còn là lựa chọn khả thi và điều này sẽ thực sự bất lợi cho ứng viên Manfred Weber.
Kết quả của cuộc bầu cử EP quan trọng này thể hiện rõ hai vấn đề. Thứ nhất khẳng định EU sẽ vẫn tiếp tục tồn tại nhưng với một sự phân tán cao trong EP. Thứ hai, số cử tri quan tâm đi bỏ phiếu nhiều hơn so với dự kiến. Mặc dù với tỷ lệ 50% không phải là nhiều, song đây là mức cao nhất trong hơn 20 năm trở lại đây.
Cụ thể, các nước như Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan có số lượng cử tri đi bỏ phiếu tăng cao nhất. Trong khi đó, nước Anh cũng chứng kiến nhiều người đi bỏ phiếu hơn trước đây, giữa lúc cuộc bỏ phiếu này về cơ bản không có ý nghĩa nhiều do vấn đề nước Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Mặc dù hầu hết các cử tri đã lựa chọn đảng Brexit, song cũng có một lượng đáng kể cử tri bỏ phiếu cho đảng Dân chủ Tự do thân châu Âu.
Có thể nói, qua cuộc bầu cử EP lần này, EU vẫn không có sự thay đổi và bứt phá đáng kể, nó luôn là một khối không đồng nhất đòi hỏi những người tham gia trong đó liên tục phải tìm kiếm sự thỏa hiệp. Đây thực sự là định mệnh và cũng là gánh nặng của EU./.
Theo Anh Đức (TTXVN tại Berlin)
Làn sóng Xanh Theo như kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa kết thúc hôm 26-5, sự xuất hiện của các đảng Xanh đã vượt xa con số 69 ghế cần có trong Nghị viện châu Âu tương lai. Mục tiêu sinh thái, được xác nhận bằng sự gia tăng 40% đại diện của đảng Xanh trong EP, chính...