Bà lão què nhặt rác
Lê chiếc nạng gỗ buộc dây chun chằng chịt, bà Nguyễn Thị Pho khó nhọc lết chân đi nhặt rác ven bờ sông Tô Lịch (Hà Nội). Nhiều năm qua, bà sống lay lắt cùng đám con ‘dở dở ương ương’ trong ngôi nhà hôi hám chất đầy rác.
Bà Pho tủi thân khóc khi nhắc tới chồng con và chiếc chân què. Ảnh: B.M.
Năm nay đã 78 tuổi, bà Pho ở phường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn ngày ngày chống nạng đi nhặt giấy vụn, nylon, lon bia hay bất cứ thứ gì có thể bán được để kiếm 20.000 đồng tiền ăn cho ba mẹ con. Giữa trời đông giá lạnh, chiếc áo len nhem nhuốc bà Pho mặc bên ngoài đã hỏng khóa và được thay thế bằng ghim băng.
Nhặt nhạnh từ sáng sớm, bà Pho trở về nhà vào buổi trưa để ngả lưng trước khi bắt đầu ca chiều. Cửa khóa, bà đứng đợi cô con gái cũng đi nhặt phế liệu chưa về. Dựa lưng vào tường, bà cụ đưa bàn tay lạnh cóng lên hà hơi cho ấm.
Căn nhà tình nghĩa rộng 17 m2 hôi hám, rác chất cao tận gác xép, là nơi chui ra chui vào của mấy mẹ con bà Pho. Năm ngoái, sau khi hai đứa con trai lần lượt ra đi vì bệnh hiểm nghèo, giờ chỉ còn lại bà và hai cô con gái “không bình thường” năm nay đã hơn 50 tuổi. Cô chị đi bán hoa ngoài chợ còn cô em đi nhặt rác với mẹ. Tối đến, ba người phụ nữ bất hạnh chen chúc nằm trên đống rác.
Một góc nhà chất đầy rác của bà Pho. Tối đến, mẹ con bà chen chúc nhau trên đống rác chật chội. Ảnh: B.M.
Bà Pho sinh 8 người con, bốn trai, bốn gái, nhưng không ai được học hành tử tế. 8 người con, đứa “chập mạch”, đứa ngọng líu lô, đứa lại động kinh. Hiện tại, bốn người đã mất, bà chỉ còn lại 3 con gái và một con trai. Cô con gái được xem là tỉnh táo hơn đã lấy chồng ở Kim Liên, còn anh con trai ngọng líu đã lập gia đình và ở sát vách nhà mẹ. Không mưu sinh được ở Hà Nội, anh này lên Lạng Sơn chạy xe ôm lấy tiền thuốc men cho vợ đang bị ung thư xương. Con cái phải chạy ăn từng bữa nên không lo được cho mẹ và các chị.
Nhắc đến cuộc đời bất hạnh, bà Pho tủi thân khóc, rồi lại lau vội nước mắt bằng đôi tay nhăn nheo có những móng đen kịt và nhoẻn miệng cười. Bà kể, vốn là người Hà Nội gốc, bà lấy chồng người Tày quê mãi Tuyên Quang. Ông bà gặp nhau khi cùng làm công nhân đường sắt rồi thành vợ chồng và về sống ở phố Khâm Thiên. Hơn 50 tuổi, chồng bà qua đời vì ung thư gan, để lại bà Pho cùng đàn con nheo nhóc. Sau khi phố Khâm Thiên bị ném bom đánh phá, mẹ con bà dắt díu về sống ở Khương Trung cho tới nay.
Bà Pho chạy chợ nuôi đàn con nhỏ. Sau hai lần bị xe máy tông vỡ bánh chè, đứt gân và gãy xương đùi, chân trái của bà yếu hẳn. Không có tiền chữa trị, bà đành để chiếc chân ấy què quặt tới giờ. “Những hôm trở trời hoặc lạnh buốt, chân tôi nhức lắm. Tối ngủ, tôi phải kê chân lên đống phế liệu bên cạnh. Lúc bị xe đâm, tôi chỉ bó bột sơ sơ bên ngoài, có tiền đâu mà mổ”, vừa nói bà Pho vừa rơm rớm nước mắt.
Video đang HOT
Bà lão ‘khoe’ đôi bàn tay nhăn nheo. Ảnh: B.M.
Lúc hai đứa con trai qua đời, không có tiền làm ma cho con, bà phải nhờ cậy tổ dân phố và bà con lối xóm. Hàng ngày, bữa cơm của ba mẹ con bà Pho trông đợi ở những hàng xóm tốt bụng. Các gia đình có cơm hay thức ăn đều gói lại mang sang biếu hoặc để ở những nơi sạch sẽ để bà tới lấy. Nhiều hôm không kiếm được phế liệu bán, chiếc bếp lò nhà bà 2 ngày mới nhóm một lần.
“3.000 đồng/viên than nên tôi không dám dùng thường xuyên. Có mỗi cái bếp than, bữa cơm của ba mẹ con nấu mất 2-3 tiếng mới xong. Bếp để ngoài trời nên trời mưa không nhóm được, tôi phải đợi tới chiều mới nấu được cơm mà ăn”, bà Pho nói.
Vỗ vào lớp áo dày cộp, bà khoe được hơn 50 kg và mỗi bữa ăn 2 lưng cơm. Nhà có gì ăn nấy, không có để ăn no cũng đành chịu. Mới đây, một quán phở gà ở đầu ngõ miễn phí cho người nghèo, bà mới có cơ hội thưởng thức món ngon. Sáng chủ nhật, bà lại lê chân què xách cặp lồng ra nhận phở mang về mấy mẹ con xì xụp với nhau.
Thấy có khách, cô con gái có u ở tay đang thiu thiu ở góc nhà vội bật tung mảnh vải bẩn thỉu rồi ôm con mèo trốn sau chiếc ri đô rách. Cô làu bàu, cáu gắt với mẹ rồi che tạm đống rác rưởi bằng những miếng vải dùng làm chăn của ba mẹ con, chạy ra bật đèn rồi mời khách vào. Suốt cuộc nói chuyện của mẹ, người đàn bà hơn 50 tuổi ấy ru rú sau tấm ri đô “chí chóe” với lũ mèo.
Trong giá lạnh, bà Pho đứng ở đầu ngõ đợi con gái về mở cửa. Ảnh:B.M.
“Nhà nghèo, ít học lại bẩn thỉu thế này ai dám lấy hả cô. Chị em nó ở vậy cho đến giờ đã 50-55 tuổi rồi. Không chồng con gì nên nó sinh ra cáu bẳn, hâm hâm thế đấy”, bà Pho nói giọng chua xót, rồi ôm mặt khóc. Như đã lâu chưa chia sẻ cùng ai, bà Pho thổn thức: “ Sao cùng sinh ra một năm mà có người sướng thế, còn tôi thì lại thế này”.
Bà Đào Thị Thanh, tổ trưởng tổ 37, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, cho hay gia đình bà Pho nghèo khổ, dân trí kém và thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm. Cả mấy mẹ con bà Pho đều không biết chữ. Bà Thanh đã đề nghị phường và quận làm cho gia đình bà Pho căn nhà xây năm 2008 và xin cho cả ba mẹ con được hưởng trợ cấp. Ngoài số tiền ấy, mẹ con bà Pho sống bằng nghề nhặt rác.
“Nhiều lần, hàng xóm trông thấy bà lão ra vại nước gạo của các nhà để vớt nhặt. Tôi phải cấm bà ấy không ăn bẩn như vậy và thường xuyên qua nhà xem mẹ con ăn uống ra sao. Có đồ ăn, tôi chỉ mang sang đủ một bữa cho ba mẹ con, không dám mang nhiều vì sợ bà ấy để lâu, ăn thức ăn hỏng lại bệnh”, bà Thanh chia sẻ.
Dân trí thấp nên nhiều lần trạm y tế vào nhà bà Pho gây sức ép yêu cầu lôi đống rác chất trong nhà đi, nhưng vứt ở đâu mẹ con bà lại ra nhặt lại xếp đầy lên giường. “Môi trường sống khai thối đó ảnh hướng tới sức khỏe và tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Chúng tôi không thể thay đổi được mẹ con bà lão”, bà Thanh bất lực nói.
Theo VNE
Vạ vật ở hành lang bệnh viện giữa đêm lạnh
Nằm chật hành lang vì thiếu phòng, vạ vật với tấm chăn mỏng dưới gốc cây, sung túc hơn thì được ngủ 2 người một giường..., bệnh nhân và người nhà tại một số bệnh viện ở Hà Nội đang trải qua những đêm đông vất vả.
Hành lang tại Viện tim mạch Hà Nội. Bệnh nhân và người nhà trải chiếu, đắp chăn ngay từ 19h tối.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, liên tục các chuyến xe cứu thương đưa người bệnh đến cấp cứu trong tình trạng quấn kín chăn bông vì gió rét.
Chị Như (trái) quê ở huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đưa người nhà đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Chị và người em mang chăn ra gốc cây ngồi chờ và ngủ qua đêm luôn tại đây.
Bất cứ nơi đâu cũng có thể trở thành chỗ ngủ tạm bợ qua đêm dù Hà Nội đang giá lạnh 9 độ C.
Hành lang tại Bệnh viện K lúc 21h, bệnh nhân nằm chiếm hết lối đi lại.
Hai bệnh nhân nữ mặc nguyên cả bộ áo khoác cùng khẩu trang ngủ.
Ông Cơ (60 tuổi) và ông Thiệp (phải) đều quê ở Vĩnh Phúc ra Hà Nội điều trị. Ông Cơ đã 1 tháng, ông Thiệp gần 2 tháng nằm hành lang như thế này vào mỗi buổi tối. Thời tiết càng ngày càng lạnh, còn hai bệnh nhân già này chưa biết bao giờ mới được về nhà. "Ai chưa mổ hoặc mổ rồi đều phải nằm ngoài này hết, trong phòng nhường chỗ cho bệnh nhân nặng hơn", ông Thiệp chia sẻ.
Mọi ngóc ngách ở Bệnh viện K đều có người đắp chăn nằm qua đêm.
Tại một buồng bệnh thuộc khoa ngoại, các bệnh nhân "có điều kiện" đã chung nhau một chiếc quạt sưởi điện.
Khoa Xạ trị Bệnh viện K, những người được coi là may mắn được ở trong căn phòng khá ấm. Tuy nhiên do quá tải nên 2 người phải chung nhau một giường nằm.
Một phụ nữ quê ở Đại Yên, Hạ Long (Quảng Ninh) ở viện một mình. Chị kể chồng chị cũng đang bị bệnh nằm điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy, còn chị phải ở đây, cả hai chẳng ai chăm sóc. 22h đêm, ngồi trên giường chị bật khóc nức nở vì nhớ nhà sau khi ở đây đã 3 tháng và chưa biết bao giờ được về.
Ngoài sân Bệnh viện K, một số người nhà bệnh nhân vạ vật với tấm chăn mỏng tá túc qua đêm chờ trời sáng.
Theo VNE
Hà Nội ngày lạnh nhất từ đầu đông Quàng khăn, đội mũ, khoác áo dày, mặc áo mưa, thậm chí đốt lửa sưởi nhưng nhiều người dân ở Hà Nội vẫn rét run bởi cái lạnh 9 độ C trong buổi sáng nay. Nhiều trường đã thông báo cho trẻ nghỉ học bù. Hà Nội lần đầu tiên rét 9 độ C kể từ đầu mùa đông. Sáng sớm ra đường...