Bà lão 70 tuổi nhặt rác nuôi con, cháu
Nhặt phế liệu cả ngày được 15.000 đồng, bà Tính (phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội) dành nửa số tiền mua gạo. Ngóng bà ở ngõ, đứa cháu ngoại 10 tuổi học lớp 1 đói lả đứng dựa vào tường. Cả ngày, cậu mới ăn một gói mỳ tôm.
Con ngách tối om rộng hơn một người đi ở khu Trại Nhãn (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) là nơi ở của gần chục hộ dân. Cuối ngõ, căn nhà rộng chừng 6m2 hôi hám, ẩm thấp, kín bưng, la liệt quần áo cũ là “tổ ấm” của bà Nguyễn Thị Tính ( 70 tuổi) cùng con trai và cháu ngoại. Nhà không có cửa nên mưa hắt vào bên trong đọng lại thành vũng, tường mốc meo vì ẩm ướt.
40 năm qua, bà cụ gầy gò này ngày ngày đi nhặt phế liệu từ sáng đến tối kiếm tiền đong từng nửa cân gạo nuôi con thần kinh, rồi sau này là nuôi thêm cháu ngoại. Nhà khó khăn nên bà thường xuyên nhường cơm cho hai cậu cháu, còn mình chỉ cạo ít cháy bám đáy nồi…
Con ngách nhỏ chưa đầy 1m dẫn vào căn nhà của bà Tính. Ảnh: Bình Minh.
Thấy có người hỏi thăm, bà Tính đang lúi húi chuẩn bị nấu cơm liền chạy ra với vẻ mặt ngạc nhiên vì “hiếm lắm nhà mới có khách”. Về nhà sau một ngày đi mót rác, bà Tính lại tất bật nấu cơm cho cậu con trai thần kinh không ổn định hơn 30 tuổi và cháu ngoại 10 tuổi. Bà bảo, “cả ngày chúng nó mới được ăn một gói mỳ”. Đôi bàn tay run run, người lả đi vì “dạ dày trong veo” từ sáng đến chiều, bà Tính lập cập nấu nhanh để có miếng cơm vào bụng.
“Tôi nấu hơn một bò gạo, hai đứa ăn được lắm. Chúng nó ăn thừa lại tôi mới ăn, còn không thì vét nồi. Mỳ cũng vậy, cậu cháu ăn hết cái, nước mình húp”, bà kể.
Cả ngày trời đi bộ khắp các con phố, có hôm lên tận Diễn, bà Tính chỉ kiếm được 15.000 đồng. Hôm nhiều nhất được 25.000 đồng, bà liều mua một lạng thịt cho gia đình cải thiện. Số thịt ấy được chia làm hai bữa, mỗi bữa con và cháu chỉ được chia mỗi người 2 miếng. Hôm nào xin được nước thịt luộc của quán cơm, bữa ăn nhà bà Tính được xem là “thịnh soạn”. Còn bình thường, mâm cơm có ít rau luộc chấm muối pha loãng đã là cả sự cố gắng của bà.
Người phụ nữ này chi sẻ, cả đời bà chưa biết đến một bữa ăn ngon có thịt cá. “May ra đến Tết được phường hỗ trợ 200.000 đồng, mới mua được 3 lạng thịt và vài cân gạo ăn dè đợi ra Giêng đi kiếm tiếp.
Hôm nào không dậy đi làm được, hôm đó ba mẹ con, bà cháu nhịn ăn. Thương con, cháu, bà lên đầu ngõ xin hàng cơm ít cháy chan canh ăn tạm. Ngày khỏe đi kiếm được, tối mẹ con, bà cháu mới có cơm, ban ngày, cả ba cùng nhịn. Có lần bị ốm vài ngày, đói quá bà Tính bảo cháu sang hàng xóm xin tạm ít cơm cháy.
“Nhiều hôm đói quá, bụng quặn thắt lại, tôi không đứng dậy nổi. Nghĩ mình không đi thì hai đứa chết đói, xin hàng xóm mãi sao được, tôi đành cố đứng dậy cầm quang gánh đi”, vừa nói, bà Tính vừa hướng ánh mắt nhìn cậu con trai tên Hùng còm nhom đang ngồi một chỗ. Ngoài vấn đề về thần kinh, anh Hùng còn bị nhiều bệnh nan y khác.
Video đang HOT
Bà Tính cùng con trai (áo vàng) và cậu cháu ngoại Đức Minh trong căn nhà 6m2. Ảnh: Bình Minh.
Rồi bà kể, ngày còn trẻ bà từ quê ở Hoài Đức (Hà Tây cũ) lên Hà Nội ở đợ. Nhờ “mai mối”, bà lấy một người bán hàng rong. Vợ nhặt phế liệu, chồng bán rong, hai người cùng “góp gạo thổi cơm chung”. Năm 1969, gia đình bà chuyển về căn nhà cho hộ nghèo rộng 6m2 ở khu Trại Nhãn. Chồng qua đời đã chục năm nay, đến giờ bà Tính vẫn tiếp tục đi nhặt giấy kiếm sống.
Bà có 4 người con, ba gái một trai. Con trai út ốm đau đã nhiều năm nay, còn con gái thứ hai vừa mất năm ngoái, để lại cho mẹ già đứa cháu nhỏ. Nhắc đến con, bà Tính lại bần thần đau xót: “Nó chết đói cô ạ. Cháu đang cầm bát cơm nguội với cà định ăn thì không may giẫm vào vũng nước cậu em làm đổ ra sàn nhà rồi trượt chân ngã đập đầu xuống đất. Vợ chồng bỏ nhau nên hai mẹ con nó về ở cùng tôi”, bà lão 70 buồn bã tâm sự.
Hai cô con gái còn lại lấy chồng đều nghèo túng nên không đỡ đần được cho mẹ. Thỉnh thoảng, các cô mới ghé qua đong vài cân gạo và biếu mẹ vài chục nghìn. Từ ngày con gái qua đời, thân già này ngày ngày lại cuốc bộ đi nhặt nhạnh để nuôi 3 miệng ăn. Thương cháu ngoại mồ côi, lúc nào bà Tính cũng sợ cháu bị bắt nạt.
Cậu bé Lê Đức Minh gày nhẳng nhưng khuôn mặt sáng sủa và nói chuyện lễ phép. Minh bảo, nhiều hôm đói mà bà chưa đi làm về, cậu đi loanh quanh qua các nhà hàng xóm và nhìn họ ăn tối. Đợi mãi không thấy bà về, cậu đứng ra tận ngõ ngóng.
Chị Thanh, hàng xóm với bà Tính cho hay, Minh ngoan ngoãn và “tự ái cao” nên dù đói nhưng khi chị Thanh hỏi cháu ăn chưa, cu cậu vẫn bảo “cháu ăn rồi”. “Nói vậy nhưng tôi biết cháu chưa có gì vào bụng. Tôi xới bát cơm đưa cho Minh, cậu bé đánh bay trong vòng ít phút”, chị Thanh chia sẻ.
Bà Tính tâm sự, cả đời chưa từng được biết đến một bữa ăn ngon có thịt, cá. Ảnh: Bình Minh.
Thích đi học, lúc nào Minh cũng đòi bà cho đến trường, nhưng nhà không có tiền đến ăn còn phải lần từng bữa nên bà cứ chần chừ. “Thấy các bạn đến lớp, cháu thích lắm. Tôi mới đi xin các chùa, xin các bác xung quanh rồi viết đơn cho cháu được đi học. Năm nay 10 tuổi, Minh mới vào lớp 1″, bà Tính cho hay.
Không có ai hướng dẫn, Minh tự học ở nhà. Cậu bé mồ côi khoe môn Mỹ thuật được 10 điểm còn môn Toán chỉ được có 6 vì “cháu viết sai một chỗ”. Không ai chơi cùng, Minh lủi thủi quanh ra quanh vào con ngách nhỏ tối tăm, chật chội. Món đồ chơi của Minh chỉ là vài miếng nhựa lắp hình rôbốt được ai đó cho.
“Cháu thích chơi trò cá sấu lên bờ. Sau này cháu muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho nhiều người”, nói rồi cậu bé nằm kềnh ra đống quần áo la liệt khắp nhà vì đói. Còn Tính khoe, có nhà hảo tâm vừa biếu tiền cùng bao gạo lớn. Vậy là tối nay, lần đầu tiên bà mới dám nấu nhiều hơn vài lạng gạo để ba người được ăn một bữa no.
“Ước mong lớn nhất của tôi bây giờ là Minh được đi học để sau này cháu có cuộc sống tốt hơn. Tôi già rồi không biết còn đi kiếm nuôi cháu được đến bao giờ”, bà Tính nghẹn ngào, ôm đứa cháu nhỏ vào lòng.
Theo VNE
Bà lão "trời đày" lo thất truyền bài thuốc trị mề đay, mẩn ngứa
Cuộc đời có số phận hẩm hiu khi chồng hi sinh, con qua đời, bà lão Nguyễn Thị Chuyền (77 tuổi, ngụ xóm 1, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hàng chục năm nay chỉ biết tìm nguồn vui từ những thang thuốc công hiệu chữa bệnh dị ứng, mẩn ngứa giúp người nghèo.
Bà lão Nguyễn Thị Chuyền và một số vị thuốc trong bài thuốc chữa mẩn ngứa
Những vị thuốc... với tay ra hàng rào là bắt gặp
Nguyên nhân của bệnh mẩn ngứa, theo bà lão thì có nhiều lý do như thay đổi thời tiết, dị ứng với thức ăn khi ốm chưa khỏi mà không kiêng cữ, lại ra ngoài trời gặp gió... Thường thì mọi loại bệnh mẩn ngứa rất dễ chẩn đoán, phân biệt bằng mắt thường, được chia làm hai loại: Nếu nổi những nốt đỏ như rôm sảy thì gọi là "đơn bọ nẹt" theo cách nói của người địa phương, còn nếu nổi nốt to hơn gọi là đơn hỏa (đơn mề đay).
Nếu không chữa trị kịp thời, những nốt mẩn ngứa ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ và gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt cho người mắc phải.
Bà Chuyền tự tin cho rằng mình có thể chữa khỏi 90% các loại bệnh này và không "giấu nghề" mà sẵn sàng kể tên, phương pháp kết hợp những loại cây dại trong tự nhiên để tạo thành bài thuốc. Tùy vào độ tuổi, liều lượng, bài thuốc chữa mẩn ngứa sẽ được bổ sung thêm loại cây thuốc khác nhau.
Có hai bài thuốc dành cho hai lứa tuổi: Trẻ em từ sơ sinh - 10 tuổi và người lớn từ 10 tuổi trở. Bài thuốc của trẻ em dùng những loại cây sau: Lá cúc tần, cây cam nha, sài đất, phượng vĩ, tía tô, lá rưới, rau má đề, ké đội đầu, râu ngô, sắn dây (lá hay cây đều được), tổng trọng lượng mỗi thang thuốc khoảng 100g. Bài thuốc của người lớn ngoài những loại cây trên còn có thêm cây đơn mặt xanh, kinh giới, đăng cay với trọng lượng mỗi thang thuốc là gấp đôi, khoảng 200g.
Những loại cây này đều phải được hái lúc còn tươi, sau đó rang vàng hạ thổ, theo lý giải của bà Chuyền thì bào chế theo cách này sẽ giúp thuốc phát huy hết tác dụng, đem lại hiệu quả cao nhất. Có một lưu ý là trong trường hợp người bệnh nặng, bị sưng phù, đau nhức trong đơn thuốc sẽ có thêm cây dáy, và lượng cây má đề phải nhiều lên. Nhìn chung đây là những loại cây cực kỳ dễ gặp, dễ kiếm.
Bà lão hướng dẫn người bệnh sử dụng bài thuốc kết hợp giữa xông và uống. Ngoại trừ trường hợp trẻ nhỏ mới sinh thì không được uống mà chỉ xông, lúc này người mẹ sẽ uống thay con, khi con nhỏ bú sữa mẹ thì bài thuốc cũng sẽ được đứa con hấp thụ.
Cách sử dụng như sau: Nước lá thuốc khi đun xong sẽ lấy khăn sạch hơ nóng, nhúng vào rồi lau vào những vết mẩn ngứa. Với thang thuốc dành cho người lớn, 200g thuốc được sắc thành một ấm, đổ bốn bát nước (tương đương khoảng một lít nước), đun đến sôi và sau khoảng 5 phút "sôi sùng sục" thì nhấc ra để nguội.
Khác với nhiều bài thuốc dân gian khác là có thể cho nhiều nước rồi cô đặc lại thành thuốc, bài thuốc của bà lão Chuyền lại tuân thủ nguyên tắc "cho nhiêu bát nước thì lấy bấy nhiêu bát thuốc". Bát đầu tiên để cho dễ uống, bệnh nhân có thể cho thêm đường. Còn 3 bát thuốc sau được chia đều uống trong ngày, nhưng đặc biệt lưu ý là không được để qua đêm vì thuốc sẽ hết tác dụng. Đến cuối ngày, khi đã uống hết thuốc, bệnh nhân tận dụng lá thuốc đó cho thêm nước vào đun lần nữa, lấy nước xông hơi, tắm rửa.
Để bài thuốc thêm hiệu quả, bà lang khuyên người bệnh phải kiêng ra gió tuyệt đối không được tắm nước lã mà phải dùng nước đun sôi để nguội. Bên cạnh đó cần kiêng cứ: Không ăn thịt gà, cá gáy, cua đồng, mắm tôm, thịt ếch, trứng vịt, trứng gà. Tùy theo biểu hiện bệnh và thể chất người bệnh thời gian có thể khỏi lâu hay chậm, thông thường theo bà thì chỉ cần uống từ 2 - 3 thang là bệnh mẩn ngứa biến mất.
Nỗi lo thất truyền
Khách mới đến ngôi nhà cấp 4 đã ngả màu thời gian của bà lão, thường phải cất tiếng gọi bà lão chữa bệnh mẩn ngứa vài câu thì mới thấy tiếng đáp vọng từ phía sau nhà. Những khi rảnh rỗi, bà lão lại cặm cụi cuốc đất trồng thêm những cây thuốc mới mang từ rừng. "Trước đây còn trẻ khỏe thì còn lên rừng kiếm những cây thuôc gắp ít gặp, nhưng giờ già rồi nên mang cây về vườn gây giống. Nhưng đấy chưa phải là nỗi lo lớn nhất của tôi, sợ nhất vẫn là sau khi tôi mất đi bài thuốc sẽ bị thất truyền", bà lão chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em có người mẹ từng nức danh chữa bệnh bằng thuốc Nam trong vùng, các anh chị em của bà đều thành đạt và chọn con đường riêng mà không theo nghề của mẹ. Năm 16 tuổi cô thiếu nữ Chuyên lấy chồng, thời gian sau có bầu được khoảng 3 tháng thì niềm vui làm mẹ vuột mất vì sảy thai.
Không lâu sau đó chồng bà đi bộ đội và hi sinh ở chiến trường miền Nam, góa phụ chuyển về ở với mẹ, theo học nghề bốc thuốc chữa bệnh, đặc biệt là bài thuốc chữa bệnh mẩn ngứa. Bà sống cô độc từ ngày mẹ qua đời, lấy niềm vui là bài thuốc giúp người nghèo.
Gần 80 tuổi nhưng không con cháu, không chịu nghỉ ngơi khi về già, bà lão "cứ như trời đày" như lời dân làng nhận xét, cứ thấy bệnh nhân đến là lại tất tả đi hái thuốc, cặm cụi chế biến. Lấy công việc là nguồn vui chứ không phải vì tiền nên thuốc của bà không có giá, ai có lòng đưa bao nhiêu bà cũng không chê ít nhiều.
Người dân ở đây đa số là những người làm nghề nông nghiệp, người có tiền thì biếu bà 5 - 10 ngàn, "kỷ lục" là 20 ngàn đồng cho mỗi lần bốc thuốc, nhiều người vì hoàn cảnh nghèo quá mà không có tiền thì bà biếu không.
Riêng những người nghèo trong làng thì thậm chí bà còn lọ mọ tìm đến tận nhà chữa giúp vì bệnh nhân kiêng không được ra gió. Một người dân trong xóm xác nhận: "Trong làng cứ ai bị bệnh mẩn ngứa là lại đến bà Chuyền. Bà lão nhiệt tình khám chữa bệnh còn không lấy tiền, thường nói "của nhà trồng được", giúp được ai thì giúp".
Vài năm trở lại đây, người anh trai của bà lão là ông Nguyễn Xuân Lưu (80 tuổi) sau hàng chục năm công tác, định cư ở một tỉnh phía Nam trở về sống cùng em gái. Tuy nhiên, do tuổi đã cao nên người anh từ năm ngoái người anh đã không còn bốc thuốc giúp em, hiện chỉ còn mình bà theo nghề gia truyền mẹ để lại.
Tuổi đã cao, lại không có con nối nghề, nỗi niềm bà lão nhiều năm nay lúc nào cũng canh cánh nỗi lo thất truyền: "Góp một phần sức mình giúp người bệnh là tôi cảm thấy vui, chỉ tiếc là tôi già rồi lại không có người kế nghiệp bài thuốc".
Theo VNN
Ông lão đội mưa tình nguyện gác tàu Hơn 10 năm nay, ông Lợi sống côi cút một mình với nghề nhặt rác và tình nguyện đứng gác đường tàu. Nhờ việc làm nghĩa hiệp của ông mà nhiều người đã được cứu khỏi "lưỡi hái tử thần". Một ngày của ông Đặng Văn Lợi (56 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bắt đầu từ 5h sáng....