Bà lão 27 năm mở ‘phòng khám’ miễn phí cho người dân, ngày ngày vẫn bỏ tiền túi bắt xe ôm cứu giúp mọi người
Dù tuổi đã cao nhưng suốt 27 năm qua bà Trương Thị Hội Tố cùng nhiều thành viên khác tại phòng tư vấn sức khoẻ cho nhân dân thuộc phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) đều khám miễn phí cho người bệnh.
Bỏ tiền túi mua thuốc mở “phòng khám” miễn phí giúp dân
Cứ đều đặn sáng sớm thứ 2 hàng tuần, bà Trương Thị Hội Tố (87 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội) lại bỏ 70 nghìn tiền túi ra đi từ nhà ở đường Nguyễn Viết Xuân đến “phòng khám” miễn phí tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát (nằm trên ngõ 119 đường Giáp Bát, Hà Nội). Nơi khám miễn phí cho người dân này được bà Tố cùng những người bạn cao tuổi lập ra đến nay đã tròn 27 năm. Nơi đây đã mang lại cơ hội khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn người dân.
Câu chuyện về những bác sĩ có mái đầu bạc tận tuỵ khám bệnh, tư vấn cho người dân nơi đây được nhiều người biết đến. Đây không chỉ khám bệnh mà còn là nơi đem lại niềm vui, tiếng cười, sức khoẻ cho mọi người.
Suốt 27 năm qua đều đặn thứ 2 hàng tuần “phòng khám” được mở miễn phí cho người dân ở phường Giáp Bát.
Bà Tố cùng mọi người tại “phòng khám” đến nơi cũng là lúc nhiều người kéo đến để được đo huyết áp, lấy thuốc cảm cúm, đau lưng, sưng tấy… về uống. Căn phòng được chia thành những góc khác nhau, gọn gàng, ngăn nắp như mọi phòng khám khác. Chỉ có điều khác là các bác sĩ ở đây đều đã có tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng ai cũng vui vẻ khám, đo huyết áp miễn phí cho người bệnh.
Dù tuổi đã cao nhưng khuôn mặt bà Tố luôn nở nụ cười hiền hậu. Khi ai đó hỏi về tình trạng sức khoẻ của mình, bà Tố lại nhỏ nhẹ trả lời những câu hỏi của người bệnh. Bà bảo, nói là ‘phòng khám’ chứ thực tế đây chỉ là phòng tư vấn sức khoẻ cho nhân dân.
Bà Tố là người đầu tiên lập ra phòng khám miễn phí giúp mọi người.
Chia sẻ về ý tưởng mở ‘phòng khám’ miễn phí, bà Tố nhớ lại, xuất phát từ những lần bà đạp xe hàng chục cây số đến các vùng ngoại thành để khám chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần như vậy, bà có dịp đến gần các bệnh nhân hơn, cảm nhận được sự khốn khổ của những người khi mắc phải bệnh tật…cũng kể từ đó bà ao ước mở phòng khám từ thiện giúp đỡ những người nghèo khó với những bệnh thông thường sẽ được điều trị khỏi mà không phải đến bệnh viện.
Bà Tố kể, năm 1966 bà là Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Nam ịnh, cũng từng là bác sĩ chuyên Khoa Sản – Bệnh viện tỉnh Nam Định. Sau đó là chuyên gia y tế nhiều năm ở Cộng hòa Angola, năm 1992, bà về hưu theo chế độ và chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng gia đình.
Đồng hành cùng bà Tố là bà Sóc. Dù đã 91 tuổi nhưng bà Sóc vẫn rất minh mẩn, tinh nhanh.
Nhiều cơ sở y tế tư nhân bấy giờ mời bà cộng tác với mức lương cao, nhưng người phụ nữ có chồng là liệt sĩ đã chọn con đường thiện nguyện để gắn bó nốt phần đời còn lại. Khi ý tưởng đã có, bà may mắn gặp được y tá Lê Thị Sóc (91 tuổi), cán bộ về hưu của Bệnh viện Xanh Pôn, hai người đã cùng nhau xây dựng phòng khám, đồng thời bà cũng thuyết phục được những đồng nghiệp đã về hưu cùng tham gia.
“Tôi nghĩ người dân họ ốm đau nên mới tìm đến bác sĩ, khi ra khám ở bệnh viện lại rất đông. Chúng tôi là những người có chuyên môn, ở nhà lại nhàn rỗi không làm gì, sao không làm việc có ích để giảm tải cho bênh viện. Tôi làm việc này từ tâm chứ không vì mục đích kiếm tiền”, bà Tố nói.
Vào mỗi sáng thứ 2 nơi đây luôn nhộn nhịp người đến thăm khám.
Thời gian đầu, khi chưa nhiều người biết đến, để có thuốc điều trị miễn phí cho người bệnh, bà Tố phải tự bỏ tiền lương hưu của mình ra mua. Bà mua những loại thuốc chữa các bệnh thông thường như thuốc bổ, chữa trị cảm cúm, đau lưng,… Cảm phục tấm lòng của hai bà, các bác sĩ về hưu khác cũng đến chung tay xây dựng, ‘phòng khám’ nhờ thế được nhiều người biết đến hơn.
“Nhiều người khi họ biết tôi rồi họ mang thuốc đến biếu, có người họ chữa khỏi còn dư thuốc thì họ cũng dồn lại mang ra tặng. Khi có thuốc chúng tôi phân loại ra từng loại cất gọn gàng, phân loại cả những thuốc đã cận hoặc hết hạn sử dụng bỏ đi. Với những người có biểu hiện bệnh nặng chúng tôi đêu khuyên đến bệnh viện, chúng tôi chỉ tư vấn lấy thuốc cho những người mắc bệnh thông thường”, bà Tố bộc bạch.
Video đang HOT
Ông Đức cũng đã gắn bó với phòng khám đến nay được 4 năm.
Tủ thuốc được xếp ngăn nắp từng loại.
Sau 7 lần đổi dời, giờ đây các bác sĩ, y tá mới có một ‘phòng khám’ khang trang làm nơi tiếp đón bệnh nhân. Những lớp thế hệ bác sĩ, y tá cùng nhau làm nên ‘ngôi nhà chung’ ngày ấy, bây giờ người còn, người mất, chỉ còn lại bác sĩ Tố và y tá Sóc. Có thời điểm, phòng khám thiếu người trầm trọng, bà Tố chợt nhớ ra bác sĩ Nguyễn Văn ức, đồng nghiệp cũ của bà từng công tác tại Nam ịnh. Sau nhiều ngày hỏi han, tìm kiếm, biết ông ức đã lên Hà Nội sinh sống ở phường Giáp Bát, bà liền mời ông ức cùng tham gia.
Mong có nhiều người tiếp bước duy trì “phòng khám” giúp người bệnh
Tính đến nay phòng khám đã hoạt động 28 năm. Hiện giờ, phòng khám còn 2 bác sĩ, 2 y tá và 1 dược sĩ duy trì công việc. Thế nhưng do tuổi cao, các các ông bà đều ở độ tuổi U80, U90 chỉ có thể khám vào sáng thứ 2 hàng tuần.
Tuổi đã cao nhưng cứ đến ngày dù mưa hay nắng bà Tố đều đi xe ôm từ nhà sang phòng khám. Bà biết ở phòng khám sẽ có nhiều người đến đợi mình. Người xe ôm cũng vui vẻ chờ đến khi bà lão xong việc thì chở về nhà, cứ đều đặn từ năm này qua năm khác.
Khi được cho thuốc mọi người phân loại từng nhóm thuốc, xem kỹ hạn sử dụng.
“Dù thế nào tôi cũng phải đến đây vì không thể để mấy chục người ốm đau chờ mình được. Họ nghèo nên ốm nặng mới tìm đến bác sĩ. Mình không đến thì họ dựa vào đâu? Ra đây tôi thấy vui, khoẻ và có ích lắm, lúc nào không ra là thấy nhớ”, bà Tố tâm sự.
Trước đây bà và bà Sóc là người trực tiếp thăm khám, tuy nhiên tuổi đã cao, tai nghe không được rõ cho nên các bà lùi về sau để những người nhanh nhẹn hỗ trợ người bệnh. Ngồi kế bên bà Tố, bà Lê Thị Sóc (91 tuổi) dù hơi lãng tai nhưng còn rất tinh nhanh. Bà Sóc tham gia công việc này đều được các con cháu ủng hộ nhiệt tình. Bà thấy vui khi ai đó thấy khoẻ mạnh lên.
‘Trước đây bà Tố ở phường Tương Mai, tôi ở phường Giáp Bát, cùng tham gia trong Hội Chữ thập đỏ. Nghe bà Tố tâm sự về ý tưởng mở phòng khám từ thiện, tôi ủng hộ ngay. Tôi nghĩ mình cũng là y tá đã về hưu, mình có kiến thức tại sao không giúp mọi người. Chúng tôi khám giúp người dân nhưng tất cả đều bỏ tiền túi của mình ra vì cái tâm với mọi người. Ở đây tôi là người cao tuổi nhất, khi người dân đến khám, với kiến thức đã có chúng tôi sẵn sàng tư vấn hết mình”, bà Sóc nói.
Từ bác sĩ đến những bệnh nhân khi bước vào phòng khám luôn đầy ắp tiếng cười. Hình ảnh những mái đầu bạc trắng khám bệnh, kê đơn, trò chuyện với người bệnh để lại ấn tượng sâu cho bất kỳ ai đã đến với phòng khám.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó chủ tịch UBND phường Giáp Bát tặng hoa chúc mừng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam tới các bà.
Là một bác sĩ, vợ một liệt sĩ, bà Tố luôn tâm huyết với các hoạt động xã hội. Bên cạnh việc duy trì hoạt động của phòng khám miễn phí tại phường Giáp Bát, bà luôn nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương. Hằng năm, bà đều trích lương hưu ủng hộ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với những đóng góp của mình, bà Tố đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2018.
“Tôi và các đồng nghiệp ở đây lo rằng, một ngày kia, tất cả đều không cưỡng lại được số mệnh, phòng khám chưa có người kế cận, sợ sẽ phải đóng cửa. Lúc đó lấy ai giúp đỡ bệnh nhân nghèo? Thực sự rất day dứt. Chúng tôi chỉ mong muốn những bác sĩ về hưu rồi hãy ra đây tiếp bước chúng tôi để duy trì phòng khám”, bà Tố trăn trở.
Bà bảo, bà chỉ mong sức khỏe để tiếp tục được làm việc có ích cho xã hội, để được trò chuyện vui tuổi già cùng các bệnh nhân khi tới đây. Dù chỉ là đo huyết áp, hay tư vấn hỏi han về thuốc uống bà cũng cảm thấy vui và mãn nguyện.
Bà Minh vui vẻ khi được cấp thuốc miễn phí giúp bà đỡ bệnh và không mất mua thuốc.
Trước đó bà Minh cũng đi khám ở bệnh viện.
Nhìn những hành động, cử chỉ, nụ cười thân thiện của các bác sĩ tuổi gần 90 dành cho mỗi bệnh nhân, tôi mới thực sự cảm nhận hết tấm lòng y đức cao cả tại nơi này. Họ là những người đang gạn chắt chút sức lực còn lại trở thành điểm tựa tinh thần cho từng bệnh nhân, gia đình mỗi khi tìm đến đây.
Bà Lê Thị Hồng Minh – một người dân đến khám vui vẻ cho biết, bà cao huyết áp, nhịp tim nhanh, mỡ máu… tuần nào bà cũng đến đây đo huyết áp, mang đơn thuốc khám trước đó để được tư vấn, cấp thêm thuốc.
“Mọi người ở đây vui vẻ lắm, tôi hay đến đây khám rồi nói chuyện, giảm căng thẳng tuổi già. Phòng khám như thế này rất cần thiết cho mọi người nhất là những người cao tuổi như chúng tôi, được tư vấn, cấp thuốc miễn phí”, bà Minh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó chủ tịch UBND phường Giáp Bát cho biết, đây là việc làm rất có ích của các bà đã giúp đỡ miễn phí cho mọi người.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó chủ tịch UBND phường Giáp Bát, cho hay, phòng tư vấn cho nhân dân của bà Tố và những đồng nghiệp của bà được chuyển về phường này từ năm 2004, hoạt động duy trì đều đặn. Từ ngày có phòng tư vấn trên địa bàn đã giúp được cho rất nhiều người. Những người dân đến đây đều được tư vấn, đặc biệt phù hợp với những người cao tuổi.
“Chính quyền và người dân rất trân trọng các bác làm công việc này vì hoàn toàn tự nguyện. Các bác cũng đều là y bác sĩ có tay nghề lâu năm tại các bệnh viện. Khi nói ra phòng tư vấn ở phường, các cụ cảm thấy hoàn toàn tin tưởng, nhiều người về thực hiện theo, ai cũng rất yên tâm”, bà Hoa nói.
Theo saostar
Ba Năm của những mảnh đời kém may mắn
Ba Năm, đó là cách gọi thân thương, trìu mến từ tận đáy lòng của hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ đã được ông Năm cưu mang.
Tôi hỏi sao gọi là "ba Năm", những đứa trẻ ngày ấy giờ đã là người thành đạt như anh Khang nói: Không biết tự lúc nào mà sâu thẳm trong tận đáy lòng của chúng tôi đã thốt lên tiếng gọi thân thương ấy!
Có lẽ, tấm chân tình của một người đàn ông hào sảng, tấm lòng chân ái đã lay động đến sự cảm mến của chúng tôi. Vậy là tiếng gọi "ba Năm" không chút sượng sùng đã được thốt lên.
Ấp ủ một hoài bão lớn
Người dân trong tỉnh Bến Tre đã truyền tai với nhau về vị nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Huỳnh Văn Cam, người sống mẫu mực, giàu lòng nhân ái, nhiệt huyết và rất có trách nhiệm với xã hội.
Chúng tôi chạy xe máy một mạch về Bến Tre, dẫu đoạn đường từ trung tâm của TP Cần Thơ đến đó không hề gần. Cứ nghĩ sẽ rất dễ tìm nhà ông, nhưng không phải vậy. Ông sống trong căn nhà cấp 4, đường vào là một con hẻm nhỏ nằm trên đại lộ Đồng Khởi, TP Bến Tre. Chúng tôi hỏi tên của ông nhưng chẳng ai chỉ đúng. Đến khi hỏi nhà của ba Năm, hay Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Hội), thì rất nhiều người biết. Có người hướng dẫn chúng tôi tỉ mỉ: đi thẳng gần cuối hẻm, nhìn bên tay phải có hàng rào trồng rất nhiều bông giấy là nhà của ba Năm".
Ông Huỳnh Văn Cam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, còn được biết đến với bút danh Lê Huỳnh (là tác giả của vở cải lương nổi tiếng Cây dừa đỏ)
Ông Năm từ trong nhà đi ra, dáng người cao, bước từng bước chân chậm chạp, đôi tay run run. Ông tiếp chuyện chúng tôi bằng giọng trầm ấm: "Mấy nay trong người không khỏe nên ở nhà chứ không là đến Hội".
Hiện có đoàn bác sĩ Thụy Điển đang khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo trong tỉnh tại Phòng khám Nhân Thiện (thuộc Hội) mà ông là người tổ chức, kết nối.
Dù nay đã ở tuổi 80, nhưng ông Năm sẽ không vui khi những "đứa con bất đắc dĩ" đang ở nơi nào đó chưa được đưa đi mổ tim giành lại sự sống, hay có được nụ cười rạng rỡ sau khi phẫu thuật hở môi - hàm ếch, hoặc trẻ mồ côi sống lang thang cơ nhỡ, người tàn tật chưa được đưa về tổ ấm của Hội.
"Tôi xuất thân từ gia đình nghèo, ba của tôi bị giặc giết, còn mẹ già bệnh qua đời trong gia cảnh khó khăn. Từ đó, tôi có sự đồng cảm đặc biệt với những người nghèo, kém may mắn cần sự giúp đỡ của xã hội. Từ lúc tham gia kháng chiến, hoạt động trong đoàn văn công của tỉnh cho đến khi kinh qua nhiều vị trí trong chính quyền tỉnh, tôi luôn ấp ủ một hoài bão là cố gắng làm thế nào giải quyết đời sống của bà con nghèo, người kém may mắn được tốt hơn". Vì lẽ đó, đến khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm công tác thiện nguyện.
Kết nối xuyên châu lục
Kể chúng tôi nghe những ký ức chưa trọn vẹn, nhưng qua những ký ức ấy, chúng tôi thấy đâu đó cái duyên của một tấm lòng thiện nguyện xuyên châu lục.
Những ngày ông Năm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã xuất hiện mối "lương duyên" giữa ông với bà Akemi Bando, Tổng Thư ký của Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam của Nhật Bản.
Trong một lần về Bến Tre, bà Bando cùng ông Năm đến những vùng quê hẻo lánh của tỉnh. Bà Bando đã vô cùng xúc động khi chứng kiến trong số 9.000 người bị khuyết tật, có đến hơn 2.000 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.
Hình ảnh này tương tự quê hương của bà, nơi cũng gánh chịu một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bà thốt lên trước khi lên máy bay về nước: "Tôi không có tiền, nhưng tôi sẽ trở lại giúp ông".
Một thời gian sau, bà Bando đã vận động được 9.000USD (một số tiền khá lớn vào những năm 1990). Kể từ đó, Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật đi vào hoạt động. Đây là mái nhà ấm áp của trẻ bại liệt, khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển và trẻ mồ côi lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước đây.
"Từ đó những lớp trẻ em kém may mắn được học tập trong ngôi trường này đã đỗ đạt, thành tài, như thằng Khang, con Thủy... giờ đã là giáo viên, thạc sĩ, tiến sĩ của những ngôi trường danh giá nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", ông Năm nhớ như in.
Rồi sau những chuyến công tác tại Nhật Bản, ông Năm gặp được ông Nagato Natsume, giáo sư, tiến sĩ y khoa của Nhật Bản (thuộc Hội Hở môi - hàm ếch Nhật Bản). Trái tim nhân ái của 2 người đàn ông đã mở đầu cho một chương trình mổ hở môi - hàm ếch, mang lại nụ cười rạng rỡ cho hàng ngàn trẻ em.
Ông Năm không thể nhớ hết những chương trình thiện nguyện biến ước mơ thành hiện thực mà ông đã làm. Ngập ngừng thật lâu, ông kể, những năm tỉnh còn nhiều hộ nghèo, ông đã vận động xây dựng phòng khám bệnh và chữa bệnh cho trẻ em nghèo, sau này là Phòng khám đa khoa Nhân Thiện (đối diện Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, TP Bến Tre).
Ông đệ đơn xin thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre. Hội được thành lập với 10 hội viên là những y, bác sĩ giỏi, có thâm niên, đã nghỉ hưu. Lòng nhân nghĩa của ông Năm đã thôi thúc họ tự nguyện sát cánh cùng ông giúp đỡ những người kém may mắn.
Ông Vũ Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực của Hội, mô tả lại hình ảnh ông Năm sau chuyến đi thực tế tại các vùng quê của tỉnh: "Anh Năm bàng hoàng, đau xót lắm khi có tới hàng trăm trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật kịp thời.
Anh Năm kể cho tôi một trường hợp làm anh ray rứt cho đến tận hôm nay. Đó là cháu Nguyễn Lê Yến Nhi, sinh năm 2003, bị tim bẩm sinh rất nặng vào lúc mới 9 tháng tuổi. Mẹ cháu bế cháu đến Hội kêu cứu, nhưng lúc đó Hội không có tiền. Thế là mẹ con về nhà nằm chờ, rồi khi Hội vận động được tiền để mổ tim thì cháu đã qua đời".
Những năm 1990 đến những năm đầu của thế kỷ 21, Hội đã giúp cho hơn 18.000 người thoát cảnh mù, mờ mắt, phẫu thuật cứu sống 750 người bệnh tim, cấp học bổng cho trên 8.000 sinh viên, học sinh khuyết tật, mồ côi có hoàn cảnh khó khăn... Tổng số tiền lúc đó là hơn 200 tỷ đồng. Ông Năm là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Itoga của Nhật Bản, vào năm 2002.
Tre già măng mọc
Những gì ông Năm làm đã tác động sâu sắc đến nhận thức của những mảnh đời kém may mắn ngày đó. Anh Đỗ Tấn Khang (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là một trong những nhân vật đặc biệt được ông Năm cưu mang, đã vượt lên số phận và đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại Nhật Bản vào năm 2017. Hiện anh Tấn Khang đang là Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học và phân tử, Trường Đại học Cần Thơ.
Anh kể, lúc 3 tuổi anh bị bệnh sốt bại liệt, một chân đã mất chức năng sinh hoạt. Sự mặc cảm và bao nhiêu hy vọng như vụt tắt. Tuy nhiên, sau khi vào học tại Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật "ba Năm đã xoa dịu những mặc cảm tự ti và khiếm khuyết của những đứa trẻ bất hạnh như tôi. Ba Năm thật sự như người cha ruột thứ hai sinh ra tôi".
Thành đạt, anh Tấn Khang luôn đóng góp một phần sức mình cho Hội bằng cách vận động quỹ học bổng cho sinh viên, trao học bổng cho những sinh viên là người Bến Tre có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP Cần Thơ.
Chị Trần Thị Thủy cũng là lứa học sinh đầu tiên của Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Giáo dục đặc biệt, chị Thủy về giảng dạy tại Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh Bến Tre, tiếp tục đóng góp sức mình cho những mảnh đời kém may mắn như chị.
Trong thâm tâm của chị, ba Năm là ân nhân, là người cha, người thầy đã dạy dỗ chị ăn học nên người. Nếu có phép màu, điều ước đầu tiên chị ước là "cầu mong ba Năm được khỏe mạnh, để chúng con được báo hiếu cho ba sau những tháng ngày vất vả vì chúng con".
Ông Huỳnh Văn Cam (ảnh), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, còn được biết đến với bút danh Lê Huỳnh (là tác giả của vở cải lương nổi tiếng Cây dừa đỏ). Ông sinh năm 1940, tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông từng tham gia hoạt động cách mạng, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Ông nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2001, đến năm 2003, ông đệ đơn thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre. Ngày 7-1-2013, ông Huỳnh Văn Cam được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
TÍN HUY
Theo sggp
Tổ chức khám bệnh miễn phí cho sinh viên Lào, Campuchia tại TPHCM Sáng 7/12, Ký túc xá sinh viên Lào - Thành đoàn TPHCM phối hợp với Bệnh viện Quận 2 tổ chức khám bệnh tầm soát miễn phí cho sinh viên hai nước bạn Lào - Campuchia đang theo học tại TPHCM. Chương trình dự kiến khám sức khỏe cho 100 sinh viên Lào, Campuchia đang theo học tại TPHCM. Các sinh viên được...