Ba khía rang nước mắm nhĩ, thua gì so với cua ghẹ?
Có khá nhiều món ẩm thực được chế biến từ ba khía như ba khía rang me, ba khía luộc hèm, ba khía kho nghệ, ba khía hấp bia, mắm ba khía… ăn không thua gì cua, ghẹ biển nếu làm theo cách giống nhau.
Ba khía rang nước mắm nhĩ
Nếu có dịp về miền Tây, bạn hãy đến các nhà hàng chuyên bán thủy sản, hay các quán cóc bình dân, vỉa hè khi chiều xuống, để thưởng thức những món ẩm thực ngon, lạ, rẻ không phải nơi nào cũng có! Món ba khía sẽ cho du khách nhiều ấn tượng!
Ba khía là một loài sinh vật họ giáp xác. Ba khía sống ở vùng nước lợ, trong những khu rừng ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là vùng duyên hải Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Rừng U Minh Hạ, khu vực giáp biển, là “vương quốc ba khía” không đâu sánh bằng!
Ba khía có hình dạng khá giống cua đồng, nhưng càng và ngoe ba khía dẹp. Trên mai (mu) ba khía có ba vạch nên dân gian gọi nó là ba khía.
Tháng 10 Âm lịch hàng năm là mùa ba khía “hội”. Lúc này, ba khía bu đeo đen đặc các gốc cây trong rừng ngập mặn. Chỉ tuột, vuốt ba khía bằng tay vào bao.
Video đang HOT
Người ta khai thác, bắt rất nhiều ba khía trong thời điểm này nhưng chỉ được vài ba đêm mà thôi. Phải chịu khó “cơm ghe bè bạn” nằm “phục trong rừng, đón trúng ngày ba khía hội”.
Ba khía ngày nay là món ăn bình dân, phổ biến và mang đặc trưng văn hóa ẩm thực của miền sông nước Tây Nam bộ.
Ba khía rang nước mắm nhĩ là một món ẩm thực độc đáo. Để làm món ba khía rang nước mắm nhĩ thật ngon, có hương vị đậm đà phải chọn con ba khía cái, do ba khía cái có nhiều nạc, thịt mềm.
Cho ba khía vào xô, đổ nước ngập, dùng que đảo nhiều vòng cho ba khía sạch đất, bạn có thể ướp ba khía với nước đá để ba khía “bất tỉnh” không còn ngọ nguậy.
Sau đó bắt từng con ra, dùng dao nhọn chích nơi yếm cho ba khía chết, để nguyên con. Rửa ba khía trong nước lạnh cho sạch, sau đó cho vào rổ để ráo ít phút. Chuẩn bị một chén nước mắm nhĩ nguyên chất có rắc ít tiêu xay, giấm, đường, bột nêm…
Bắc chảo lên bếp, phi mỡ, tỏi thơm, đổ ba khía vào xào. Khi thấy ba khía chuyển sang màu đỏ hồng thì rưới đều chén nước mắm nhĩ lên mình ba khía sao, trộn đều đến khi thấy mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Lúc nay, ba khía đã chín, bạn lót rau răm dưới đáy dĩa và sắp ba khía lên trên.
Gắp một miếng ba khía cho vào miệng nhai chậm rãi, khoan thai, kẹp với một cọng rau răm the the, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt, béo, thơm, giòn của món ba khía rang nước mắm nhĩ thấm vào tận chân răng, đầu lưỡi. Nếu được kèm thêm một cốc rượu ngon hoặc một hớp bia đầy thì thật là tuyệt hảo!
Món ngon chẳng đâu xa, nếu bạn chịu khó “rà soát”. Ba khía là món ẩm thực dân dã nhưng đã làm hài lòng nhiều thực khách sành ăn.
ĐĂNG HOANG THAM
"Nhức nhối" ba khía miền Tây
Theo kinh nghiệm của người miền Tây, khi mua ba khía không ham con to xác mà nên chọn con nhỏ, gạch nhiều vì loại này thịt chắc, gặp được những con đang ôm trứng thì càng ngon.
Ba khía là một trong những đặc sản hấp dẫn của bạc Liêu
Ba khía miền Tây có nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu... Thoạt trông ba khía rất giống cua đồng nhưng thật ra vóc dáng nó nhỏ hơn, càng và ngoe dẹp lại có thêm ba vạch ở trên chiếc mai màu sẫm.
Ai đã từng về miền Tây chắc hẳn sẽ không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức các món đặc sản vùng sông nước này. Bên cạnh các món như: cá lóc, chuột đồng, lươn,... được chế biến một cách rất độc đáo, lạ mắt thì ba khía miền Tây lại mang âm hưởng dân dã, khiến cho thực khách một lần thưởng thức lại thêm lưu luyến vùng đất hiếu khách này.
Sống ở môi trường nước lợ, nơi các cửa sông, cửa rạch đổ ra biển, ba khía có nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu... Thoạt trông ba khía rất giống cua đồng nhưng thật ra vóc dáng nó nhỏ hơn, càng và ngoe dẹp lại có thêm ba vạch ở trên chiếc mai màu sẫm.
Mùa nắng cũng có ba khía nhưng thịt không chắc và ăn không ngon, chỉ đến khi tháng 10 về ba khía miền Tây mới vào mùa. Lúc này ba khía bu đen đặc gốc cây trong rừng ngập mặn. Người đi bắt ba khía mang theo bao tay, đèn... chèo xuồng ba lá luồn lách trong các mương xẻo, chỉ đến chừng nửa đêm xuồng đã nặng ba khía.
Theo kinh nghiệm của người miền Tây, khi mua ba khía không ham con to xác mà nên chọn con nhỏ, gạch nhiều vì loại này thịt chắc, gặp được những con đang ôm trứng thì càng ngon. Ba khía đem về có thể nấu thành rất nhiều món ăn.
Lựa những con có cặp càng to đem rang, rim mặn hoặc lột chiên bột ăn với cơm. Con cái gạch son luộc chấm muối ớt. Cầu kỳ hơn người ta còn biến ba khía thành món nhậu hấp dẫn như rang me, hấp bia, trộn gỏi... Nhưng một món khá phổ biến đó là ba khía nấu canh vừa thơm ngon vừa giải nhiệt trong ngày hè.
Ngoài ra, người ta còn đem ba khía muối trong những chiếc chum to để ăn dần. Ba khía rửa sạch, sắp vào chum. Tùy thuộc vào số lượng ba khía mà cho muối ít hay nhiều, mặn quá mất vị ngọt của thịt, lạt lại dễ bị hư. Nước muối nấu sôi, chờ nguội đổ vào rồi đậy lại.
Khoảng 5 ngày sau, mang mắm ra dầm với ớt tỏi thật nhiều, không quên nặn vài giọt chanh, thêm đường, bột ngọt. Mắm ba khía sau khi chế biến ăn với cơm, bún,... đều rất thơm ngon. Món mắm ba khía có hương vị rất đặc trưng mà hiếm có loại mắm nào có được.
Một lần về miền Tây, được thưởng thức các món từ ba khía và nghe câu chuyện về ba khía tôi mới hiểu vì sao đây lại là đặc sản quý của người dân nơi này.
Theo NLD
Mật ong và ba khía lên ngôi Nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ cùng với nghề muối ba khía của huyện Ngọc Hiển vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, không chỉ làm nức lòng người trong nghề mà còn là niềm tự hào của người dân Cà Mau Những người dân chuyên lên rừng xuống biển ở Cà Mau...