Ba “hổ tướng” của Donald Trump
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly và Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford đã nhanh chóng hình thành một liên minh ổn định trong một nội các mà ngay từ những ngày nắm quyền đầu tiên đã xuất hiện nhiều bất ổn, AP đánh giá.
Tại các bữa trưa, các cuộc gặp với tổng thống, ba vị tướng đương nhiệm hay đã rời ngũ này luôn cố gắng định hình quan điểm cho nhà lãnh đạo mới, vốn là người có ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Họ ngày một thể hiện rõ là đại diện cho ông Donald Trump trên toàn thế giới, xóa bỏ những quan ngại về tân tổng thống Mỹ cũng như sự thiếu kinh nghiệm của ông về đối ngoại.
Dấu ấn của họ thể hiện ngày một rõ trong những bước đi đầu tiên của tổng thống Trump về an ninh quốc gia, từ hài hòa lại sắc lệnh cấm nhập cư gây tranh cãi cho tới giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng trong tuyên bố cho mở “chiến dịch quân sự” để trục xuất người nhập cư của ông chủ Nhà Trắng. Cả ba người đều độc lập với ông Trump vì không ai có quan hệ trước đó với tân tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, họ lại có lịch sử gắn bó cùng nhau. Khi con trai của ông Kelly thiệt mạng ở Afghanistan năm 2010, chính Dunford là người mặc bộ quân phục đến nhà riêng của ông để báo tin. Cả ông Mattis và ông Kelly đều đề cử lẫn nhau cho cương vị Bộ trưởng Quốc phòng trong thời kỳ chuyển giao quyền lực. Cả ông Kelly, Mattis và Dunford đều có thời gian tham chiến cùng nhau trên chiến trường Iraq.
Tại Washington và các thủ đô khác, dư luận đều đánh giá cao mối quan hệ giữa ba người, xem đó là phần bù đắp cho chính quyền được dẫn dắt bởi một tổng thống và nhiều cố vấn có ít kinh nghiệm trong chính phủ. Christine Wormuth, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bình luận:”Việc ba nhân vật này xuất hiện bên cạnh ông Trump và cùng tạo dựng ảnh hưởng đã trấn an dư luận rất nhiều”.
Quyền lực gia tăng của các tướng Mattis, Kelly và Dundord cũng giúp xóa đi những lo ngại của những người Cộng hòa rằng các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia đang ngày càng bị chi phối bởi Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Jared Kushner, con rể của ông Trump, cùng nhiều cố vấn cấp cao khác đã can dự sâu vào các cuộc thảo luận với giới chức nước ngoài. Cố vấn trưởng Steve Bannon, giám đốc điều hành hãng tin Breibart và bị cho là không có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, được bổ nhiệm vào cương vị cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
Trong ba vị tướng kể trên, tướng thủy quân lục chiến Mattis là nhân vật có sức nặng trong quỹ đạo của ông Trump. Ông được nhiều người ở NSC nể trọng khi phong tỏa một sắc lệnh hành pháp cho phép CIA mở lại các “địa điểm đen” – hệ thống các nhà tù bí mật chuyên áp dụng các hình thức khắc nghiệt như trấn nước. Trong chuyến thăm tới Baghdad mới đây, chính ông Mattis đã không ngại “chỉnh” lại tuyên bố của ông Trump rằng Mỹ có thể có cơ hội thứ hai để lấy dầu từ Iraq và coi đây là phần đền bù cho nỗ lực của Mỹ tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Phát biểu trước báo giới, ông Mattis tuyên bố: “Chúng tôi không tới Iraq để lấy dầu”.
Tương tự như ông Mattis, ông Kelly cũng cố trung hòa một số quan điểm cứng rắn của tổng thống. Chỉ ít giờ sau khi ông Trump nói rằng việc trục xuất những người định cư trái phép ở Mỹ sẽ được tiến hành như “một chiến dịch quân sự”, ông Kelly bày tỏ với phía Mexico rằng Mỹ sẽ không để quân đội thực thi các luật về nhập cư. Cả ông Mattis và ông Kelly đều được cho là không vừa ý với quyết định cấm người nhập cư của tổng thống, và hai ông đều chứng tỏ không liên quan đến việc soạn thảo sắc lệnh này.
Một nguồn tin am tường các diễn biến tại Nhà Trắng tiết lộ, trong những tuần đầu tiên sau khi ông Trump lên nhậm chức, ông Mattis và ông Kelly đã thống nhất với nhau rằng một trong hai người sẽ luôn phải có mặt ở Mỹ để dõi theo các sắc lệnh được phát đi bất ngờ từ Nhà Trắng. Dù lo ngại lệnh cấm của ông Trump, song không một ai trong số họ lên tiếng phản đối công khai.
Trong khi đề cử hai ông Mattis và Kelly vào các vị trí trong nội các, ông Trump cũng đánh giá cao tướng Dunford, người sẽ thôi giữ chức Tham mưu trưởng Liên quân vào cuối năm nay. Dù đã có trong tay rất nhiều tướng lĩnh trong đội hình hoạch định chính sách an ninh quốc gia, song ông Trump vẫn coi ông Dunford là “tướng của các vị tướng” – một nguồn tin thân cận với chính quyền Donald Trump tiết lộ.
Mới đây, ông Trump đã bổ nhiệm tướng McMaster làm Cố vấn An ninh Quốc gia thay tướng Michael Flynn do những lùm xùm liên quan đến các cuộc tiếp xúc với phía Nga. Cả ông Mattis, Kelly và Dunford đều đồng loạt ca ngợi quyết định này. Loren Schulman, chuyên gia về quốc phòng an ninh tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), cho rằng cả ba vị tướng trên “cùng có chung quan điểm khi đánh giá các nguy cơ, lựa chọn biện pháp quân sự khả dĩ hoặc khi đề cập đến các mối quan hệ với nước ngoài. Đó là những điểm tốt mà họ mang đến Nhà Trắng”.
Điểm xấu, theo Schulman, chính là việc quân nhân không phải là những người phù hợp nhất cho việc hoạch định chính sách ngoại giao. Cho đến nay, giới lãnh đạo quân sự dường như lấn át Ngoại trưởng Tillerson – người trong những tuần đầu tiên không thể hiện được nhiều về bản thân, khiến một số nhà ngoại giao cho rằng ông không phải là nhân vật then chốt trong đội ngũ về an ninh quốc gia của tổng thống Trump.
(Theo Viettimes)