Bà Giám đốc từ chức, người bước xuống từ lưng cọp
Những nghịch lý cơ hội chủ nghĩa, vốn là sản phẩm của văn hóa đạo đức suy đồi, nay bỗng được không ít người thản nhiên công nhận, được “tôn vinh” như triết lý sống hợp thời.
Câu chuyện còn nóng hổi của bà Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu khích lệ mọi người “tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Mới làm Giám đốc Sở chưa tròn năm, phát hiện bốn dự án “có vấn đề”, chưa kịp xử lý, đột nhiên bà Lê Thị Công nhận được quyết định về làm Phó Ban tổ chức tỉnh ủy.
Chúng ta chưa biết rõ nội tình, cũng không biết trong vụ điều động này có chuyện mưu mẹo đối phó tiêu cực hay không, nhưng từ vị trí và trải nghiệm của mình, bà Giám đốc đã có một hành động dũng cảm. Bà quyết định khước từ chức vụ mới, xin nghỉ việc, và đồng thời kiến nghị thanh tra bốn dự án bà cho là sai phạm lớn.
Thực chất đó là một tuyên bố từ chức vì bất lực do khách quan, không thể hoàn thành nhiệm vụ kèm theo một kiến nghị tố cáo yêu cầu thanh tra tham nhũng và sai phạm. Hành động này làm chúng ta nhớ lại Chu Văn An. Vị đại sư biểu họ Chu đã dâng sớ đòi chém đầu 7 gian thần và sau khi kiến nghị của mình bị triều đình khước từ, ông đã treo ấn từ quan về làng dạy học.
Với nhân cách sáng ngời, với lòng dũng cảm không biết sợ, Chu Văn An đã để lại hậu thế một tấm gương văn hóa từ chức. Nghĩa là, nếu vì chủ quan hay khách quan, khi thấy mình không thể làm tròn phận sự được giao phó thì từ chức cho người khác có thể có khả năng hơn mình. Từ chức còn là biểu thị một thái độ, một quan điểm phản biện quyết liệt, mong vấn đề được giải quyết tích cực hơn. Tất nhiên, khi đã từ chức thì cái ghế, cái vị trí lương cao bổng hậu chẳng có “gờ ram” nào trong tính toán của người có tâm huyết vì dân vì nước.
Bà Lê Thị Công- nguyên Giám đốc Sở TNMT Bà Rịa- Vũng Tàu.
Có những điều phi lý, phi đạo lý tưởng như không thể xẩy ra, không thể chấp nhận nổi, vậy mà cứ được coi như lẽ tất nhiên, “chuyện thường ngày ở huyện”. Ví như, “là người tốt thật khó sống”, như “làm quan khác gì cưỡi cọp, muốn xuống cũng không xong”, đại loại là những nghịch lý cơ hội chủ nghĩa, vốn là sản phẩm của văn hóa đạo đức suy đồi, nay bỗng được không ít người thản nhiên công nhận, được “tôn vinh” như triết lý sống hợp thời.
Video đang HOT
Có thật là người tốt khó sống? Có thật làm quan khó xuống, buộc phải “hy sinh”, phục vụ suốt đời?Có thể “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, quan chức đang sống theo cái nhân sinh quan khôn lỏi, cơ hội “mọi người vì mình” còn mình cũng “vì mình” nốt! Chính vì thế mà ta thấy đạo đức và quan trí của một bộ phận cán bộ xuống dốc, tất nhiên kéo theo nhiều thứ của xã hội xuống cấp theo.
Nhiều ông bao biện: “Tôi chỉ là một cái mắt xích trong sợi xích. Được tín nhiệm, đề cử, đề bạt, tôi cũng biết mình phải làm sao cho xứng đáng niềm tin gửi vào mình. Nhưng sợi xích nó cuộn mình đi, có cựa quậy cũng chẳng làm được gì!”. Có ông huỵch toẹt: “Chầy vẩy, tróc da, vét hết vốn liếng mới xí được cái chỗ ngồi với tay hái quả, chẳng nhẽ uống nước lã cầm hơi à?”.
Thực ra, cũng chẳng cần đến thông kim bác cổ hay viện dẫn đạo đức xưa nay mới phản biện, bẻ gẫy mấy thứ triết lý sống, triết lý làm quan cơ hội, trục lợi của mấy ông muốn “lợi dụng chức vụ đến mức tối đa” này. Ai cũng chỉ là một mắt xích trong sợi xích. Mắt xích nào cũng nằm im thì muôn đời sợi xích cũng chẳng thể thay đổi mảy may. Và hậu quả của thói nước chảy bèo trôi, thản nhiên và khiêm tốn (đa số là giả vờ) làm một mắt xích lại đổ lên đầu chính những người luôn sống trong nghịch lý kể trên, thực ra đa số là phi đạo lý
.Phải hành động như thế nào để “nhảy xuống từ lưng cọp” mà không bị vồ, đúng hơn, lối thoát nào cho người tốt được dễ dàng sống tốt, cho người muốn đưa lại lợi ích cho dân chứ không phải bản thân mà không phải ân hận vì chịu thiệt.
Chúng ta không so sánh bà Giám đốc ở Bà Rịa – Vũng Tàu với trường hợp Chu Văn An. Hành động xin nghỉ việc của bà kèm kiến nghị sẽ được công luận đánh giá. Nhưng bất luận thế nào, đây là một trường hợp người lãnh đạo đã tìm ra được một lối thoát khi biết từ bỏ quyền lợi cá nhân để bảo vệ chân lý, lợi ích chung và hơn tất cả, tự bảo vệ được quyền làm người tốt, cách nhảy xuống từ lưng cọp. Một lối thoát không xoàng và có tính khai phá!
Bức tường nào cũng có thể đục ra một cái cửa, một lối thoát, ngay khi tình thế tưởng như tuyệt vọng.
Theo Danviet
"Chúng ta phải giã từ lời xin lỗi đi, mà hãy nhận lỗi và sửa chữa là chính"
Nhà sử học - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, hành động xin lỗi người dân của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là ứng xử đẹp, đáng khuyến khích nhưng người dân sẽ chờ đợi những thông điệp chính xác về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay như thế nào.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Thế Kha)
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 4/4, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá những lời xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát là minh bạch và sẽ được người dân chia sẻ, cảm thông. Tuy nhiên minh bạch phải dựa trên cơ sở khoa học chứ không thể cảm tính. Chính vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát phải đưa ra thông điệp chính xác nhất về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang ở mức độ như thế nào.
Nhìn rộng hơn về trách nhiệm của các tư lệnh ngành khi làm sai, điều hành lĩnh vực gây ra bức xúc trong dư luận nhân dân, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: "Làm sai mà xin lỗi là cách ứng xử đáng khuyến khích. Nhưng đáng khuyến khích hơn như tôi đã phát biểu cách đây 3 năm là chúng ta phải giã từ lời xin lỗi đi, mà hãy nhận lỗi và sửa chữa là chính. Điều đó mới đáng làm. Như nhiều đại biểu Quốc hội vừa rồi đã phát biểu, chúng ta thiếu trách nhiệm cá nhân, nếu có trách nhiệm cá nhân thì chúng ta xử lý được ngay thôi. Và đằng sau trách nhiệm cá nhân chính là lòng tự trọng của các vị đó. Rồi còn cả câu chuyện "văn hóa từ chức" nữa, tự đánh giá, tự xử mình là quan trọng nhất".
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá, mặt bằng chung của chúng ta hiện nay không có trách nhiệm cá nhân, "cái gì cũng trách nhiệm tập thể".
"Tư lệnh ngành là khái niệm tôi cho là không chính xác, mà phải phối hợp với nhau trong bộ máy. Có một cái tưởng là kỹ thuật thôi, nhưng tôi đã nói rồi, ở Quốc hội không nên chất vấn từng Bộ trưởng, nếu có chất vấn thì chỉ chất vấn ở những phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề cụ thể thôi. Còn chất vấn ở Quốc hội phải là Thủ tướng hoặc các Phó Thủ tướng và đứng đằng sau là các Bộ trưởng liên quan. Cũng như câu chuyện thực phẩm vừa rồi, có phải chuyện riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đâu, nó còn liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Y tế kia mà. Đó là chưa tính tới bộ máy chính quyền địa phương - nơi thực thi pháp luật"- ông Quốc phân tích.
Ông Quốc ủng hộ quan điểm được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đưa ra tại hội trường Quốc hội mới đây, khi cho rằng nếu nhiệm kỳ qua Thủ tướng mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế Bộ trưởng, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ thì tình hình có thể sẽ khác.
"Đây là chân lý rõ ràng, chẳng có gì phải bàn thêm cả, nhưng cơ chế của mình vẫn là xin - cho, chia sẻ quyền lợi nhiều hơn là vì sự phát triển"- ông Quốc đánh giá.
Như Dân trí đã phản ánh, giải trình trước Quốc hội ngày 1/4, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong 5 tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy gần 6.000 mẫu phân tích và kết quả cho thấy số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. "Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn"- ông Phát nói.
Ngay lập tức phát biểu này gặp phải phản ứng dữ dội trong dư luận. Tới ngày , Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chính thức gửi lời xin lỗi tới người dân: "Tôi cảm thấy rất băn khoăn và ăn năn là tại diễn đàn Quốc hội mình đã không diễn đạt rõ ràng để người dân hiểu rõ ý nghĩ của mình".
Người đứng đầu ngành nông nghiệp phân trần: "Trong lời phát biểu của mình thì thời điểm đó tôi muốn nói một ý rằng chúng ta đúng là có thực phẩm vi phạm, cũng có nhiều thực phẩm thực sự an toàn nhưng nhân dân không có thông tin hay không có khả năng phân biệt giữa thực phẩm an toàn hay không an toàn",
Cùng với việc nỗ lực ngăn chặn việc sản xuất thực phẩm kém an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng nhân dân xây dựng các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn có uy tín để thông tin cho nhân dân biết.
"Gia đình chúng tôi cũng ăn cơm bệnh viện, ăn uống, đi chợ như một người dân bình thường. Gia đình tôi cũng có người bị ung thư nên tôi rất thấm thía nỗi lo của người dân, chia sẻ nỗi đau người thân bị ung thư. Cá nhân tôi luôn luôn mong muốn đóng góp để chấn chỉnh tình hình. Như tôi đã nói tại Quốc hội, chúng tôi cam kết, còn làm việc 1 ngày, tôi luôn coi đây là mục tiêu số 1"- ông Phát nói.
Thế Kha
Theo Dantri