Ba giai đoạn Trump muốn tái mở cửa kinh tế Mỹ
Trump nôn nóng muốn mở cửa kinh tế Mỹ giữa Covid-19 theo kế hoạch ba giai đoạn, nhưng quyền quyết định thuộc về các thống đốc.
Trong họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump phác thảo những hướng dẫn liên bang mới về việc mở cửa nền kinh tế, theo đó sẽ trao cho các thống đốc quyền quyết định cách thức tái khởi động nền kinh tế tại bang mình trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/4. Ảnh: AFP.
Những hướng dẫn mới được đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang thúc giục chính quyền tăng cường xét nghiệm nCoV và vài ngày sau khi Trump tuyên bố ông, chứ không phải các thống đốc, là người có “thẩm quyền tuyệt đối” trong việc quyết định mở cửa lại đất nước khi nào và theo cách nào.
“Nước Mỹ muốn được mở cửa, người dân Mỹ muốn được mở cửa”, Trump nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 16/4. “Nền kinh tế của chúng ta phải hoạt động và chúng ta muốn nó hoạt động trở lại thật nhanh chóng”.
Các hướng dẫn mới vạch ra quá trình mở cửa lại nước Mỹ gồm ba giai đoạn dựa trên quy mô bùng phát dịch bệnh ở từng bang. “Chúng ta sẽ không mở cửa tất cả cùng lúc mà sẽ cẩn thận đi từng bước một”, Trump nói.
Hướng dẫn không đề xuất ngày mở cửa cụ thể. Thay vào đó, kế hoạch này khuyến khích các bang tự dựa vào dữ liệu riêng để đưa ra quyết định. Kế hoạch của Nhà Trắng cho rằng các bang nên chuyển sang giai đoạn đầu mở cửa trở lại khi xuất hiện xu hướng giảm các trường hợp nhiễm nCoV mới trong hai tuần. Các bang cũng có thể chuyển sang những giai đoạn tiếp theo khi nhận thấy số ca nhiễm không tăng vọt.
Ở giai đoạn một, rạp chiếu phim, nhà hàng, các địa điểm thể thao, nơi thờ phụng, phòng tập thể hình cùng những địa điểm khác có thể mở cửa trong khi vẫn áp dụng cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt, tuy nhiên, quán bar tiếp tục phải đóng cửa. Trường học và nhà trẻ vẫn ngừng hoạt động.
Trong giai đoạn này, những cá nhân có nguy cơ cao được khuyến nghị không ra khỏi nhà, hoạt động thăm thân tại trại dưỡng lão hay bệnh viện cũng bị cấm. Một số người có thể quay trở lại công sở nhưng làm việc từ xa vẫn được khuyến khích.
Ở giai đoạn hai, trường học, các hoạt động thanh thiếu niên và di chuyển không thiết yếu có thể được nối lại, quán bar cũng được phép mở cửa nhưng đi kèm một số giới hạn nhất định.
Những cá nhân có nguy cơ cao vẫn được khuyến khích ở nhà. Viếng thăm trại dưỡng lão và bệnh viện tiếp tục bị cấm. Làm việc từ xa vẫn được khuyến khích.
Ở giai đoạn ba, sẽ không còn hạn chế về nơi làm việc và những người nguy cơ cao có thể tương tác xã hội trở lại nhưng vẫn nên cố gắng thực hiện cách biệt cộng đồng. Các chuyến viếng thăm bệnh viện và trại dưỡng lão được nối lại và quán bar có thể tăng số lượng khách đón tiếp.
Tổng thống Trump cho biết các bang với ít ca nhiễm có thể tiến hành giai đoạn đầu tiên sớm nhất vào ngày 17/4 nếu họ đáp ứng đủ các tiêu chí. Ông từ chối nêu đích danh bang nào, nhưng thêm rằng 29 bang có thể sớm bắt đầu quá trình tái mở cửa.
Tại một buổi họp trực tuyến sáng 16/4, Trump đã nói với các thống đốc rằng họ có quyền quyết định cuối cùng về việc mở cửa trở lại bang của mình. “Các bạn sẽ nêu mục tiêu của mình. Chúng tôi sẽ đứng ngay bên cạnh các bạn và chúng ta sẽ mở cửa đất nước”, Trump tuyên bố.
Tổng thống Mỹ ca ngợi các hướng dẫn mới và nhấn mạnh ông muốn nhìn thấy đất nước tiếp tục hoạt động trơn tru. Trump cho rằng một số bang “đang có điều kiện tốt” để nhanh chóng mở cửa trở lại, thậm chí trước ngày 1/5 nếu họ muốn. Tuy nhiên, vài bang khác vẫn phải chờ đợi thêm.
Trump đồng thời khẳng định năng lực xét nghiệm của Mỹ hoàn toàn tuyệt vời, thêm rằng quá trình xét nghiệm đang được cải thiện từng ngày.
Video đang HOT
Theo Tổng thống Mỹ, những hướng dẫn mới đã được các cố vấn y tế công cộng của chính quyền thông qua, bao gồm Deborah Birx, điều phối viên chống nCoV, và Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci.
Với hướng dẫn từ chính quyền Trump, các thống đốc bang giờ đây hoàn toàn chịu trách nhiệm nên hay không dỡ bỏ lệnh cấm người dân ra khỏi nhà.
Một số bang đã gia hạn lệnh phong tỏa tới sau ngày 30/4. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết các doanh nghiệp không thiết yếu tại bang của ông vẫn sẽ đóng cửa đến ít nhất ngày 15/5.
Tại buổi họp báo sau cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Trump, Thống đốc Florida Ron DeSantis cho hay một nhóm chuyên trách do ông lập ra nhằm lên kế hoạch tái mở cửa bang sẽ họp lần đầu tiên vào ngày 17/4. Ông hy vọng có thể thông báo kế hoạch cụ thể trong một tuần nữa.
“Giai đoạn đầu tiên là mở cửa trở lại dần dần, sau đó nếu mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp, chúng ta sẽ mở cửa rộng hơn”, DeSantis nói.
Dỡ bỏ các giới hạn lâu nay vẫn là đề tài gây tranh cãi gay gắt cả ở trong và ngoài chính quyền Trump. Các nhà hoạch định chính sách muốn nhanh chóng tái mở cửa nhằm hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế, nhưng giới chuyên gia y tế lo ngại mở cửa quá sớm sẽ thúc đẩy đợt bùng phát dịch thứ hai.
Fauci tuần qua cho biết Mỹ hiện chưa đáp ứng được năng lực xét nghiệm cũng như khả năng theo dõi virus cần thiết để mở cửa trở lại. Một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng bày tỏ mối lo âu tương tự trong cuộc họp từ xa với Tổng thống Trump ngày 15/4.
Từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, Mỹ đã thực hiện hơn 3 triệu xét nghiệm nCoV. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng giới chức cần tăng quy mô lên hàng triệu xét nghiệm mỗi tuần trước khi nối lại hoạt động bình thường trên diện rộng.
Theo các quan chức Nhà Trắng đang theo dõi chặt chẽ nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Trump thực sự đang nóng lòng mở cửa trở lại đất nước càng sớm càng tốt. Tuần trước, thêm 5,2 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số người xin trợ cấp lên 22 triệu sau một tháng đóng cửa vì nCoV.
Vũ Hoàng
Bài học Singapore với nỗ lực mở cửa kinh tế Mỹ
Việc quốc gia kiểm soát Covid-19 hiệu quả như Singapore cuối cùng vẫn phải phong tỏa đất nước có thể là "bài học nhãn tiền" dành cho Mỹ.
Các chuyên gia thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ vừa công bố báo cáo về những tiêu chí giúp xác định thời điểm an toàn để tái mở cửa đất nước, như các bệnh viện phải đủ khả năng tiếp nhận bệnh nhân cần điều trị, các bang có thể xét nghiệm cho tất cả những người có triệu chứng, giám sát các ca nhiễm và tiếp xúc gần, cũng như số ca nhiễm phải giảm liên tục trong 14 ngày.
Mặc dù hầu hết các khu vực ở Mỹ đều chưa đạt được những điều kiện cần thiết để làm điều này, việc nới lỏng cách biệt cộng đồng vẫn được một số bang thúc đẩy sớm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Mỹ phải suy nghĩ lớn hơn cẩn thận hơn về kế hoạch mở cửa đất nước, khi nhìn vào bài học từ Singapore, quốc gia ở nửa bên kia Địa cầu.
"Đây là những thời điểm chưa từng có tiền lệ, nên chúng ta cần phải suy nghĩ trên một phạm vi mà chưa từng tưởng tượng đến trước đây", Natalie Dean, phó giáo sư về thống kê sinh học tại Đại học Florida, nhận định.
Theo biên tập viên Aaron E. Carroll của NYTimes, câu chuyện của Singapore chính là bài học tại thời điểm này.
Suốt nhiều tuần qua, các chuyên gia y tế thế giới đã ca ngợi cách chống Covid-19 của quốc gia này. Giới chức Singapore kiểm tra y tế và cách ly tất cả khách nước ngoài tới đảo quốc kể từ khi Covid-19 bắt đầu. Khó có quốc gia nào có thể theo kịp Singapore về khả năng theo dõi lịch sử tiếp xúc của người nhiễm virus.
Mỗi khi xác định được một ca nhiễm nCoV, họ cam kết tìm ra nguồn lây nhiễm chỉ trong hai giờ. Họ đăng tải trên mạng thông tin về nơi làm việc, sinh sống và các hoạt động khác của người nhiễm nCoV để từ đó có thể xác định những người từng tiếp xúc. Nhóm người này sau đó được yêu cầu cách ly bắt buộc và có nguy cơ bị truy tố nếu vi phạm.
Tuy nhiên, tuần trước, Singapore vẫn phải áp lệnh phong tỏa toàn quốc, khi số ca nhiễm nCoV tăng cao trở lại. Tất cả lao động nhập cư được yêu cầu cách ly trong ký túc xá ít nhất hai tuần. Công dân có thể ra ngoài trong trường hợp mua lương thực, thuốc men hoặc tập thể dục. Bất kỳ ai vi phạm quy định, kể cả gặp gỡ người khác ngoài gia đình, có thể phải vào tù hoặc bị phạt 7.000 USD hoặc cả hai.
Cửa hàng, quán bar ở Haji Lane đóng cửa do lệnh phong tỏa của Singapore hôm 7/4. Ảnh: Bloomberg.
Những điều Singapore từng làm để đối phó Covid-19 khiến hầu hết những thứ đang được thảo luận ở Mỹ trở nên nhỏ bé. Theo bình luận viên Aaron E. Carroll của NYTimes, đây là điềm báo u ám về khả năng nước Mỹ có thể duy trì việc mở cửa trong thời gian dài.
"Chúng ta sẽ không thể nào mở cửa phần lớn nước Mỹ trong suốt năm nay. Nếu Singapore không thể làm vậy, tôi không tưởng tượng nổi chúng tôi nghĩ rằng nước Mỹ có thể. Nếu có, đó sẽ là sự xen kẽ giữa mở cửa rồi đóng cửa một phần trong thời gian dài", Ezekiel Emanuel, phó giám đốc Sáng kiến Toàn cầu tại Đại học Pennsylvania, nói.
Bình luận viên Carroll nhận định với phản ứng chậm trễ và hạn chế của chính quyền Mỹ trong ứng phó Covid-19 đến nay, ý tưởng về một "đại dự án" đầy tham vọng để mở cửa kinh tế dường như khó có thể thành hiện thực. Nhưng cái giá của việc đóng cửa tiếp trong thời gian tới lớn tới mức những ý tưởng từng được xem là phi lý trước đây cũng đáng được đưa ra xem xét.
Đầu tiên phải nhắc tới kế hoạch xét nghiệm tối đa của Paul Romer, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel và là giáo sư tại Đại học New York. Romer đề xuất khoảng 7% dân số Mỹ cần được xét nghiệm nCoV mỗi ngày. Nếu thực hiện được như vậy, tất cả dân Mỹ sẽ được luân phiên xét nghiệm hai tuần một lần.
Ông cho rằng ngay cả khi việc xét nghiệm dẫn tới nhiều kết quả âm tính giả, nếu tiến hành cách ly tất cả người dương tính với nCoV, Mỹ vẫn có thể giúp phần lớn người dân tránh được dịch bệnh và duy trì cuộc sống bình thường. Kế hoạch này đồng nghĩa Mỹ sẽ thực hiện 150 triệu xét nghiệm mỗi tuần.
Các nhà phê bình sẽ cho rằng điều này là bất khả thi, bởi Mỹ dường như không thể tiến hành một triệu xét nghiệm một ngày. Nguyên nhân được cho là thiếu vật tư y tế, thuốc thử cho các phân tích hóa học, cũng như cơ sở hạ tầng và máy móc để làm quá nhiều xét nghiệm.
Nhưng Romer không bị thuyết phục. "Tôi đã tập trung vào một ý tưởng duy nhất trong cả sự nghiệp của mình và điều gì đó khác thường không có nghĩa là không thể thực hiện", ông nói. "Dự án đường cao tốc liên bang, scan mọi cuốn sách và lên Mặt trăng đều từng là những ý tưởng được xem là kỳ quặc. Nhưng nếu chúng ta có đủ nguồn lực và dồn tâm trí cho nó, chúng ta có thể biến điều không thể thành có thể".
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho tài xế ở Staten Island, New York hồi tháng 3. Ảnh: Không quân Vệ binh quốc gia Mỹ.
Kế hoạch của ông ít phụ thuộc vào việc theo dõi lịch sử tiếp xúc và cách ly, bởi tất cả mọi người sẽ được xét nghiệm thường xuyên. Điều đó có thể khiến việc kiểm soát dịch trở nên dễ dàng hơn ở nhiều khu vực của Mỹ. Romer cho rằng việc truy vết lịch sử tiếp xúc đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng tốt và khó thực hiện hơn.
"Chúng tôi chi khoảng 700 tỷ USD mỗi năm để bảo vệ mình trước những mối đe dọa quân sự. Nhưng lúc này, chúng tôi phải đối mặt với mối đe dọa sinh học lớn hơn bất kỳ nguy cơ quân sự nào. Chúng ta đáng lẽ nên chi ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm, không chỉ để bảo vệ mình trước nCoV mà còn là bất kỳ loại virus mới có thể đe dọa chúng ta trong tương lai", ông nói.
Một ý tưởng đầy tham vọng khác là kế hoạch theo dõi lịch sử di chuyển qua điện thoại của tiến sĩ Emanuel và đồng nghiệp tại Trung tâm Vì Tiến bộ Mỹ. Hệ thống giám sát bằng công nghệ thông tin khổng lồ là một phần của đề xuất này.
Nó yêu cầu người dân Mỹ tải ứng dụng về điện thoại để có thể theo dõi tất cả những nơi họ từng đến, người họ từng đứng gần, nhờ vậy cho phép việc theo dõi lịch sử tiếp xúc được tiến hành ngay lập tức. Mỗi người có thể đăng ký điện tử trước khi sử dụng phương tiện công cộng, đi vào các tòa nhà lớn, trường học hoặc xuất hiện ở đám đông. Họ thậm chí cũng được yêu cầu tải ứng dụng để nhận kết quả xét nghiệm. Trong một tình huống lý tưởng, ứng dụng vẫn có thể hoạt động bất kể người dùng có đăng nhập hay không.
"Nếu chúng ta có thể theo dõi lịch sử tiếp xúc theo thời gian thực dựa trên điện thoại và định vị GPS của một người, cảnh báo mọi người rằng họ đã tiếp xúc với người nhiễm nCoV, điều đó sẽ giúp chiến lược kiểm soát dịch trở nên dễ dàng hơn", Emanuel cho biết.
Tuy nhiên, một hệ thống như vậy sẽ được xem là vi phạm quyền riêng tư và không chắc có thể khả thi về mặt chính trị hay luật pháp ở Mỹ. Hơn nữa, không phải người Mỹ nào cũng có điện thoại thông minh.
Ý tưởng thứ ba tập trung vào việc giám sát theo cộng đồng. Meredith Matone, giám đốc khoa học của PolicyLab và là phó giáo sư về nhi khoa tại Trường Y thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết Mỹ có thể sử dụng những cách tiếp cận cơ bản hơn là xét nghiệm trên diện rộng. "Việc giám sát, theo dõi các cộng đồng thay vì từng cá nhân là cách tiếp cận hữu ích và thực tế hơn", Matone nhận định.
Ý tưởng giám sát cộng đồng giúp giảm nhu cầu xét nghiệm, bởi nó sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các hệ thống thụ động, trong đó có hồ sơ y tế điện tử hoặc giám sát bệnh truyền nhiễm để phát hiện những dấu hiệu dịch bùng phát, như số lần tới khám bác sĩ hoặc tới phòng cấp cứu vì các bệnh hô hấp tăng.
Hệ thống này cũng có thể yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm trước khi tới phòng khám, hoặc thông báo các triệu chứng trên một nền tảng theo dõi trực tuyến, hay thường xuyên đo thân nhiệt tại nhà. Nhiệt kế sẽ được đặt ở mọi nơi và thậm chí có thể được kết nối Internet để nhắc nhở mọi người và báo cáo kết quả.
Matone cho rằng nếu những hệ thống này hoạt động hiệu quả, giới chức Mỹ không cần phải tìm tới từng người dân để kiểm tra họ có nhiễm bệnh hay không, đồng thời có thể phát hiện những điểm nóng của dịch và biết nên tập trung xét nghiệm ở khu vực nào.
Khi phải xét nghiệm, họ có thể trộn chung các mẫu sinh phẩm của những người ở một khu vực nhất định để phân tích một lần, nhờ vậy có thể giúp tiết kiệm tài nguyên. Nếu mẫu chung này âm tính, mọi người đều sẽ an toàn. Nhưng mẫu chung là dương tính, tiến trình xét nghiệm trọng điểm hơn sẽ được thực hiện với các cá nhân trong khu vực đó.
PolicyLab cũng nhấn mạnh những lợi ích của việc cải thiện an toàn nơi làm việc, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao như nhà trẻ, trường học và các cơ sở y tế, để đảm bảo kiểm soát dịch hiệu quả hơn và việc giám sát dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, bình luận viên Carroll cho rằng không phải ai cũng nghĩ cần đặt những mục tiêu cao như thế. Singapore, nước đã kiểm soát mức độ lây nhiễm trong nhiều tháng và chỉ ghi nhận 100-200 ca nhiễm mỗi ngày, cách tiếp cận dựa trên từng ca nhiễm vẫn là giải pháp tốt nhất.
Là một đảo quốc có dân số 5,7 triệu người, tương đương quy mô thành phố Indianapolis, thủ phủ bang Indiana của Mỹ, Singapore đã huy động 140 người phụ trách theo dõi lịch sử tiếp xúc và hợp tác cùng cảnh sát. Một tháng trước, quốc gia này có thể xét nghiệm 2.000 người mỗi ngày, tỷ lệ tương đương với xét nghiệm 115.000 người ở Mỹ.
"Chúng tôi chưa xét nghiệm được 1/10 số lượng đó", Carroll nhận định.
Nhân viên đo thân nhiệt cho khách tại một cửa hàng tạp hóa ở Singapore. Ảnh: NYTimes
Singapore xét nghiệm và điều trị miễn phí cho tất cả công dân và mới đây còn phân phát khẩu trang sử dụng nhiều lần cho người dân. Giới chức Singapore cũng tỏ ra rất thận trọng. Trong khi cửa hàng và nhà hàng được mở cửa, mọi người được yêu cầu giữ khoảng cách an toàn với người khác và cấm tụ tập quá 10 người.
Tất cả điều này cho thấy người dân ở Singapore đang thực hiện các biện pháp an toàn giống điều mà Mỹ đang kỳ vọng có được khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Singapore hiện vẫn phong tỏa.
Carroll lo lắng không biết người dân Mỹ có thể tiếp tục tuân thủ một lần đóng cửa đất nước nữa hay không. Nếu họ không tuân theo, nó sẽ dẫn tới một thảm họa.
"Tôi thấy không có hy vọng với tình hình hiện tại của chúng tôi. Cách biệt cộng đồng chỉ được thực hiện một cách chắp vá ở Mỹ. Giai đoạn tiếp theo cần có sự huy động cả quốc gia ở quy mô lớn chưa từng thấy kể từ Thế chiến II, với việc tăng cường sản xuất các bộ xét nghiệm virus và kháng thể của nó, cũng như những vật tư y tế khác, từ que lấy mẫu cho tới bộ chiết xuất RNA, hay đồ bảo hộ. Chúng tôi cũng cần đội ngũ nhân viên xét nghiệm lớn, được đào tạo và triển khai trên khắp cả nước. Và đó chỉ là bước đầu tiên", Gregg Gonsalves, giáo sư về dịch tễ học và luật tại Đại học Yale, cho hay.
Bình luận viên Carroll cho rằng tất cả những biện pháp này nghe có vẻ tốn kém nhưng cần phải cân nhắc tới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD nếu phải đóng cửa nền kinh tế. "Chúng tôi rõ ràng không muốn điều đó xảy ra lần nữa. Như Romer đã nói, nếu có thể tránh được điều đó bằng cách bỏ ra vài trăm tỷ USD, đó có thể vẫn là cái giá tương đối dễ chịu", Carroll nhận định.
Thanh Tâm
Bắc Kinh chỉ trích điều khoản chống doanh nghiệp Trung Quốc trong đạo luật của Mỹ Trung Quốc đã phản đối các điều khoản trong Đạo luật chi tiêu quốc phòng Mỹ 2020 (NDAA) vừa được Tổng thống Mỹ ký ban hành liên quan các lệnh cấm mua một số mặt hàng hóa của Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Ảnh: IRNA/TTXVN Trong...