Ba giai đoạn cứu chữa cụ Rùa
Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa hoàn thành phương án cụ thể để cứu chữa cụ Rùa. Theo đó, tiến trình này sẽ được chia làm 3 giai đoạn và kéo dài đến hết tháng 6.
Giai đoạn một, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành cải thiện môi trường hồ Gươm, chế tạo dụng cụ bẫy rùa và bể nổi giữ rùa. Việc cải thiện môi trường hồ Gươm gồm hai đầu việc chính là thu dọn vật cứng và bổ cập nước. Thu dọn vật cứng dự kiến kéo dài ba ngày và đã được bắt đầu từ ngày 26/2. Bổ cập nước kéo dài 20 ngày.
Có hai lựa chọn chế tạo bể nổi giữ rùa. Nếu dùng bể bơi sẵn có kiểu như bể thông minh, toàn bộ công việc giai đoạn một (không kể hoạt động cải thiện môi trường hồ Gươm) dự kiến kéo dài 10 ngày. Còn nếu dùng bể nhân tạo tại hồ, diện tích 250 m2, tổng thời gian giai đoạn một có thể lên đến 30 ngày, do phát sinh các việc mới như chế tạo, vận chuyển, hạ thủy xuống hồ,…
Giai đoạn hai, tổ chức bắt và đưa lên chữa trị. Thời gian bắt liên quan đến loại lưới và cách bắt. Nếu dùng lưới vét, giai đoạn này dự kiến kéo dài 5 ngày. Nếu dùng bẫy thụ động, tức chờ rùa bò vào, giai đoạn này có thể kéo dài 15 ngày.
Giai đoạn ba, chữa trị và đánh giá kết quả. Quá trình chữa trị gồm có chữa sơ bộ, lấy mẫu, phân tích bệnh, hội chẩn, phác đồ điều trị triệt để. Toàn bộ giai đoạn ba dự kiến kéo dài khoảng 90 ngày.
Trước đó, ngày 28/2, TP Hà Nội đã quyết định thành lập Hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm gồm 13 thành viên và do bác sĩ thú y Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội làm chủ tịch.
Video đang HOT
Hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đưa cụ Rùa về chân Tháp Rùa và bể lưu giữ để chữa trị; trực tiếp thực hiện các công việc khám, lấy mẫu, xét nghiệm, chẩn đoán, chữa trị những thương tổn của cụ Rùa; đảm bảo các điều kiện về an toàn, môi trường và chăm sóc sức khỏe cụ Rùa trong quá trình chữa trị.
Nếu cần thiết, hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm sẽ mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm để tham gia khám, chữa trị, chăm sóc cho cụ Rùa.
VGT(Theo VTC News)
Bắt đầu bẫy rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm
Lưới mắt nhỏ đã được chuẩn bị để đưa cụ Rùa lên bờ chữa bệnh. Quá trình điều trị dự kiến kéo dài trên 3 tháng. Quá trình đặt bẫy rùa tai đỏ hồ Hoàn Kiếm đã được thực hiện đồng thời với công tác nạo vét, cải tạo môi trường.
Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa hồ Hoàn Kiếm cho biết, cùng với hàng loạt công tác được triển khai nhằm làm sạch môi trường hồ Hoàn Kiếm, tổ công tác chuyên trách cứu thương cụ Rùa cũng đã bắt đầu lắp đặt một số hạng mục của bể bơi thông minh làm "bệnh viện" cho cụ. Dự kiến đến 10/3 bể bơi này sẽ hoàn thành.
Để đưa được cụ Rùa vào khu vực chữa bệnh sẽ dùng hai phương án. Phương án một là chờ cụ lên phơi nắng ở khu vực chân tháp rùa rồi giữ lại. Trước đó khu vực chân tháp đã được dọn dẹp các dầm bê tông sắc nhọn rồi trải cát tạo điều kiện dễ dàng để cụ bò lên. Tuy nhiên phương án một có nhược điểm sẽ kéo dài về thời gian và không chắc chắn.
Phương án thứ hai được đánh giá khả thi hơn, đó là dùng thiết bị "cưỡng chế" cụ lên bờ, thăm khám, bôi thuốc rồi giữ lại trong bể bơi thông minh, để dễ tiếp cận những ngày điều trị sau đó. Theo phương án này, loại lưới mắt nhỏ đã được tổ công tác chuẩn bị và đưa xuống đáy hồ, khu vực cụ Rùa thường xuyên nổi lên. Đây là loại lưới đặc chủng không làm ảnh hưởng đến những vết thương ở cổ và mai cụ.
Hội đồng chữa trị cho cụ Rùa dự kiến, quá trình chữa bệnh sẽ được chia thành 3 giai đoạn, kéo dài khoảng 100 ngày.
Sau khi việc bẫy rùa tai đỏ thí điểm tại hồ Văn Quán và Mỗ lao có kết quả, Sở Khoa học- Công nghệ cũng đã chính thức triển khai tại hồ Hoàn Kiếm. 5 bẫy rùa tai đỏ được lắp đặt ở khu vực gần Đền Ngọc Sơn - khu vực rùa tai đỏ thường tụ tập nhiều nhất. Cán bộ Sở cho biết, kết quả kiểm tra sáng nay (1/3) ghi nhận, 3/5 chiếc bẫy đã bắt được rùa tai đỏ.
Quá trình bổ cập nước cho hồ Hoàn Kiếm cũng đã được thực hiện xong. Cùng đó, công tác nạo vét bùn tại hồ cũng đang được thực hiện khẩn trương. Lãnh đạo công ty thoát nước Hà Nội cho biết, công tác tháo dỡ các vật cản dưới lòng hồ như các đường ống thoát nước gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của cụ Rùa đã được hoàn thành.
Việc nạo vét bùn, đất, đá hộc dưới lòng hồ cũng được làm thủ công theo kiểu cuốn chiếu từng đoạn, mỗi đoạn dài khoảng 100m. Trước đó, công ty này đã tiến hành đóng cọc quây kín khu vực được nạo vét bằng lớp lưới và vải dứa để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Theo kế hoạch, bùn hút từ hồ lên sẽ được xe chuyên dụng chở đến bãi xử lý Yên Sở.
Dưới đây là những hình ảnh về công tác bẫy rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm mà Dân trí ghi nhận sáng 1/3:
Những chiếc bẫy được bố trí quanh khu vực Đền Ngọc Sơn. (Ảnh: Việt Hưng).
Cán bộ Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội đi kiểm tra sau khi đặt bẫy 1 ngày. (Ảnh: Việt Hưng).
Người dân cầu phúc lành cho cụ Rùa trong Đền Ngọc Sơn. (Ảnh: Việt Hưng).
Hồ Hoàn Kiếm xanh bất thường do thời tiết. (Ảnh: Việt Hưng).
Theo Dân Trí
'Cụ' rùa sẽ được chữa ngay tại tháp Rùa Tại cuộc họp sáng 25/2 bàn về phương án cứu chữa cụ Rùa Hồ Gươm, UBND TP Hà Nội, Sở KH&CN Hà Nội và các nhà khoa học đã thống nhất phương án sẽ đưa cụ Rùa lên bờ để chữa trị vết thương. Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Giám đốc sở KH&CN Hà Nội cho biết cụ Rùa sẽ được đưa lên...