Ba điều bất thường trong một bản công chứng di chúc
Sổ đỏ của căn nhà ở quận 1 đang được bà Tuyết lưu giữ tại Pháp nhưng phòng công chứng vẫn chứng nhận nó đang thế chấp ngân hàng. Sau 3 năm Tòa sơ thẩm vẫn chưa giải quyết vụ việc.
Bà Trần Thị Tuyết (Việt kiều Pháp) về nước chịu tang cha là ông Trần Văn Đạt (94 tuổi, ngụ tại 163 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) vào tháng 3/2012.
Sau ba ngày an táng, bất ngờ em trai bà Tuyết là Trần Văn Trương đưa ra bản di chúc số 88, do công chứng viên (CCV) Trần Anh Tuấn, xác nhận ngày 5/7/2007, nội dung: ông Đạt khẳng định tinh thần minh mẫn, sáng suốt, yêu cầu CCV ghi nhận: “Tôi là chủ sở hữu căn nhà 163 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số H00066 do UBND quận 1 cấp ngày 19/1/2006.
Căn nhà hiện đang thế chấp Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Nay tôi lập di chúc với ý nguyện nếu căn nhà trên vẫn thuộc sở hữu của tôi thì sau khi tôi qua đời sẽ thuộc quyền thừa kế của con trai tôi, với điều kiện ông Trương phải trả cho con gái tôi là Trần Thị Tuyết 350 triệu đồng số tiền mà tôi còn nợ”.
Việc công chứng thực hiện tại căn nhà trên và chứng nhận ông Đạt đầy đủ năng lực hành vi dân sự phù hợp với quy định pháp luật, có nhân chứng là bà Nguyễn Thị Hường, tự nguyện lập di chúc như đã nêu.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có ba điều bất thường trong việc công chứng một bản di chúc.
Thứ nhất, đó là cách CCV áp dụng Luật Công chứng để xác nhận. Trong di chúc, ông Đạt tự khai sổ đỏ đang thế chấp ở Ngân hàng ACB, công chứng không yêu cầu cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản gốc để đối chiếu, có nghĩa áp dụng trường hợp đặc biệt là ông Đạt đang bị đe dọa tính mạng, phải ghi nhận vào bản di chúc (Khoản 1 Điều 48). Thế nhưng bản di chúc không thể hiện điều này nên xét về hình thức đã vô hiệu.
Trong khi đó, CCV ghi nhận tình trạng ông Đạt sáng suốt, minh mẫn, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì phải yêu cầu cung cấp bản sao có chứng thực, bản gốc để đối chiếu với tài sản nhà nước bắt buộc phải đăng ký giao dịch (Khoản 1 Điều 35). Cụ thể, CCV phải mời phía Ngân hàng ACB đến để xác thực việc thế chấp tài sản. Thế nhưng CCV đã không làm.
Video đang HOT
Thứ hai, sổ đỏ ở bên Pháp sao lại thế chấp được ở Ngân hàng ACB? Vậy ông Đạt có thực sự thế chấp sổ đỏ ở Ngân hàng ACB để vay tiền? Theo trình bày của bà Tuyết, năm 2006 cha bà không có tiền hóa giá nhà 163 Lê Thánh Tôn, quận 1 theo Nghị định 61/CP, nên bà mượn tiền của Công đoàn Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM 350 triệu đồng để thực hiện việc này.
Sau khi có sổ đỏ, bà Tuyết đã trả số tiền trên và Công đoàn bàn giao hồ sơ, sổ đỏ căn nhà cho bà mang về Pháp cất giữ, thì ông Đạt lấy đâu ra sổ đỏ để thế chấp ngân hàng? Chưa kể, ông Đạt gần 90 tuổi mà thế chấp sổ đỏ vay tiền là điều không bình thường. Nếu CCV nghi ngờ những điều trên, từ chối công chứng để tiến hành xác minh, giám định (Khoản 2 Điều 48) thì chắc chắn bản di chúc khó ra đời.
Thứ ba, vụ việc có dấu hiệu bất thường nhưng tại kết luận giải quyết đơn tố cáo số 236 ngày 26/3/2014, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy – Trưởng phòng Công chứng số 3 – khẳng định việc CCV chứng nhận bản di chúc trên là có cơ sở pháp lý và hoàn toàn hợp pháp theo quy định, với lại hiện nay ông Trần Anh Tuấn đã nghỉ việc tại đây (!).
Thế nhưng ngày 7/4/2015, chúng tôi có buổi làm việc với ông Phan Thanh Tùng – Chánh thanh tra Sở Tư pháp – về việc công chứng bản di chúc trên có đúng quy định pháp luật không, thì nhân viên thụ lý giải quyết việc này cho biết đã xem xét bản di chúc rồi, việc CCV không yêu cầu cung cấp đầy đủ giấy tờ chỉ áp dụng trong trường hợp người lập di chúc bị đe dọa tính mạng nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng. Trong di chúc trên, CCV không ghi rõ điều này là chưa đúng quy định.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng vụ việc đang được tòa án thụ lý nên Sở Tư pháp không tham gia, chờ kết quả từ tòa án thế nào sẽ thực hiện như vậy. Sau đó, Bà Tuyết nộp đơn yêu cầu TAND TP HCM tuyên bố bản công chứng trên vô hiệu.
Ngày 20/5/2013, thẩm phán Phan Tô Ngọc đã ra Quyết định (QĐ) 547/QĐDS-VDS đình chỉ giải quyết việc bà Tuyết yêu cầu. Bà Tuyết tiếp tục kháng cáo vụ việc lên TAND tối cao. Ngày 27/11/2013, thẩm phán Trương Vĩnh Thủy – TAND tối cao ra QĐ 364/2013/QĐPT-DS chấp nhận kháng cáo của bà Tuyết đồng thời hủy QĐ đình chỉ số 547 chuyển hồ sơ vụ việc về tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, theo bà Tuyết cho đến nay tòa cấp sơ thẩm vẫn chưa xem xét.
Theo_Zing News
Luật gia thắng kiện 55 tỷ đồng: "Lời hứa và lòng tham"!
Liên quan đến vụ việc khiếu nại căn nhà 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK), phường 5, quận 3, TP.HCM là hội sở ngân hàng ACB thuê
Sáu năm đi tìm công lý lại bị... "rút ván"
Liên quan đến vụ việc này, như đã từng nhiều lần phản ánh quá trình khiếu nại đòi nhà và những khuất tất liên quan đến cán bộ, lãnh đạo ngân hàng ACB. Cặp biệt thự song lập nêu trên nguyên thuộc sở hữu của bà Vương Thị Khanh và ông Nguyễn Đắc Kha. Năm 1980, gia đình bà Khanh sang Pháp và ủy quyền cho ông Phan Bình quản lý. Ông Phan Bình ở một phần nhỏ và cho ngân hàng ACB thuê làm hội sở. Năm 1999 UBND TP.HCM xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với căn nhà này. Khi biết UBND TP.HCM thu hồi căn nhà nói trên, bà Vương Thị Khanh và ông Phan Bình đã khiếu nại nhiều nơi nhưng không được xem xét giải quyết.
Đến năm 2007, bà Khanh và con trai là anh Quang đã nhờ ông Đặng Đình Thịnh giúp đỡ và hai bên ký kết hợp đồng hứa thưởng với mức hứa thưởng cho ông Thịnh lúc đầu là 15% trên tổng giá trị nhà và đất đòi lại được. Nội dung công việc là ông Thịnh (thay mặt bà Khanh) liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền khiếu nại, chứng minh các cơ sở pháp lý để đòi lại nhà cho gia đình bà.
Ông Thịnh đã củng cố hồ sơ pháp lý vụ việc, làm việc với các cơ quan chức năng để chứng minh căn cứ pháp lý về việc đòi lại căn nhà. Tuy nhiên, đến cuối năm 2007, UBND TP.HCM vẫn bác đơn khiếu nại.
Phiên tòa xét xử vụ hứa thưởng liên quan tới căn nhà 446 - 448 NTMK, phường 5, quận 3, TP.HCM.
Theo ông Thịnh, nhiều lúc ông đã muốn bỏ cuộc vì nản công việc càng ngày càng khó khăn, phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ... Biết rõ công việc rất phức tạp, khó khăn, gia đình bà Khanh đã động viên ông Thịnh rất nhiều. Lúc đó, bà Khanh và con trai tự nguyện tăng mức hứa thưởng lên là 35% trên tổng giá trị nhà đất đòi lại được.
Sau nhiều năm khiếu nại, cuối cùng vụ việc cũng có kết quả. Cân nhắc xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý của vụ việc, Chính phủ và các bộ, ngành đã thống nhất trả lại nhà cho bà Vương Thị Khanh do ông Đặng Đình Thịnh đại diện. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước trả lại nhà thì bà Khanh và anh Quang lại... "quên" cam kết "hứa thưởng" trước đó. Thậm chí, họ còn tìm đủ mọi cách thoái thác trách nhiệm và tẩu tán số tài sản nói trên.
Anh Quang còn lợi dụng các văn bản ủy quyền của bà Khanh và các quyết định của Nhà nước về việc trả nhà để khai di sản gian dối, mua bán bất hợp pháp căn nhà trên với bà Đặng Thu Hà, cán bộ ngân hàng ACB nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả thưởng cho ông Thịnh.
Cực chẳng đã, ông Thịnh buộc phải khởi kiện ra tòa. Sau khi xem xét, HĐXX nhận định: Yêu cầu của ông Thịnh không những "không vi phạm pháp luật hay trái với đạo đức xã hội" mà có căn cứ pháp lý và được chấp nhận, buộc ông Quang và bà Khanh phải trả số tiền gần 55 tỉ đồng, tương đương 35% tổng giá trị tài sản tại số 446 - 448 theo định giá Nhà nước (trên 156 tỉ đồng).
Luật gia Diệu Vân - người bảo vệ quyền lợi cho ông Thịnh cho biết: "Bản án cơ bản đã bảo vệ được sự công bằng nhưng chúng tôi vẫn sẽ xem xét việc kháng cáo vì giá trị nhà đất theo định giá khá thấp so với giá trị thật, không đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự và quan hệ hứa thưởng cần phải được tách ra giải quyết ở cấp phúc thẩm để đảm bảo đúng pháp luật".
Lãnh đạo ngân hàng ACB bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Cũng liên quan tới vụ việc này, vào năm 2010, anh Quang, đại diện ủy quyền của bà Khanh, đã ký hợp đồng cam kết bán căn nhà này cho ông Vũ Huy Hoàng (ngụ Q.3) và nhận tiền cọc trên 21 tỉ đồng. Khi đã có quyết định trả nhà, anh Quang trốn tránh và không thực hiện theo hợp đồng như đã ký với ông Hoàng. Tiếp đó, ngày 13/10/2011, anh Quang ký một hợp đồng viết tay (không có công chứng) cho ACB, do ông Đỗ Minh Toàn làm đại diện (hiện là Tổng Giám đốc ngân hàng ACB) thuê với thời hạn 50 năm. Tòa án cũng nhận định đây là hợp đồng không có căn cứ pháp lý và buộc ngân hàng ACB phải trả ngay nhà cho gia đình bà Khanh.
Một ngày sau, anh Quang lại tiếp tục ký hợp đồng mua bán nhà (viết tay) với bà Đặng Thu Hà (hiện là Giám đốc Kinh doanh vàng và ngoại hối, một cổ đông lớn của ACB và dì ruột của Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB Trần Hùng Huy) với giá 250 tỉ đồng. Điều đáng nói căn nhà này đang tranh chấp bởi nhiều bên có mối quan hệ và quyền lợi xung đột lẫn nhau và khi đó, TAND TP.HCM đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều đáng nói là khi anh Quang ký hợp đồng mua bán với bà Hà, căn nhà này chưa được hợp thức hóa. Trước đó, bà Khanh và các đồng thừa kế khác cũng đã gửi thông báo hủy ủy quyền đối với anh Quang.
Trao đổi với PV, ông Hoàng chia sẻ: "Tại thời điểm ký hợp đồng, bà Hà là cán bộ ngân hàng ACB (bên đang thuê) hiển nhiên biết căn nhà đang bị phong tỏa để giải quyết vụ án giữa ông Thịnh và bà Khanh nhưng vẫn cố tình cấu kết với anh Quang ký các hợp đồng giả tạo để chiếm đoạt tài sản của tôi. Tại sao một cán bộ ngân hàng lại ký thỏa thuận mua bán viết tay, đặt cọc trước 210 tỉ đồng (hơn 80% giá mua nhà) khi căn nhà đang bị tranh chấp và chưa đầy đủ tính pháp lý? Bà Hà là người có nhận thức pháp luật cao, có chức vụ và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, tại sao lại cố ý tiếp tay làm trái pháp luật? Âm mưu của họ là gì? Việc giao nhận 210 tỉ đồng phải chăng chỉ là sự ngụy tạo để âm mưu chiếm đoạt tài sản của tôi?".
Theo dõi sát sao vụ việc này, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng, việc ông Thịnh thay mặt gia đình bà Khanh đi khiếu nại đòi nhà và được bà Khanh hứa thưởng là hoàn toàn chính đáng, không vi phạm pháp luật hay trái với đạo đức xã hội và được pháp luật bảo vệ. Việc trả thưởng cho ông Thịnh cần phải được ưu tiên thực hiện theo thỏa thuận giữa hai bên. Theo luật sư Hậu, giao dịch mua bán căn nhà số 446- 448 giữa bà Hà và anh Quang trong thời gian TAND TP.HCM đang áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên là giao dịch trái pháp luật. Chính vì vậy, căn cứ theo Điều 127, Điều 122 Bộ luật Dân sự 2005, giao dịch mua bán nhà giữa bà Hà và anh Quang là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Bên cạnh đó, anh Quang cũng không đủ tư cách pháp lý để ký kết hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên vì anh này chỉ là một đồng sở hữu của căn nhà. Hơn nữa, tại thời điểm ký kết, anh Quang cũng không được bà Khanh ủy quyền bán nhà cho bà Hà vì nhà chưa được hợp thức hóa. Trong trường hợp này, căn cứ theo Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005 thì giao dịch dân sự đó là vô hiệu, nếu có chuyện bà Hà giao tiền cho anh Quang thì anh Quang phải có trách nhiệm hoàn trả lại khoản tiền này cho bà Hà, gia đình bà Khanh không phải chịu trách nhiệm. Do vậy, việc tòa án nhận định các giao dịch trên là vô hiệu do vượt quá ủy quyền là đúng nhưng lại buộc bà Vương Thị Khanh liên đới hoàn trả tiền cho bà Hà là không có cơ sở!
Chia sẻ thêm với PV, ông Hoàng cho rằng: "Đằng sau những giao dịch bằng giấy viết tay của anh Quang với bà Hà cũng như ký hợp đồng cho thuê nhà dài hạn với ông Toàn chắc chắn phải có điều khuất tất. Vì vậy, tôi mong các Cơ quan điều tra hãy vào cuộc làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Quang cũng như ông Toàn và bà Hà là những người cấu kết, tiếp tay. Qua đó, làm sáng tỏ vụ việc, trả lại công bằng cho tôi". Đây cũng là nội dung đơn tố cáo của ông Hoàng được gửi ngay tại phiên tòa.
Cần tách riêng quan hệ tranh chấp để giải quyết đúng pháp luật Phát biểu chính thức tại phiên tòa, kiểm sát viên Hoàng Anh Nga, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng: Quan hệ hứa thưởng đã được tòa thụ lý từ lâu và hoàn tất mọi thủ tục tố tụng nên cần được tách ra giải quyết bằng một vụ án độc lập nhằm bảo đảm đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn. Theo quý viện, các tranh chấp về giao dịch mua bán nhà, thuê nhà... cần được tòa tách ra thành một vụ án riêng và triệu tập đầy đủ các đồng thừa kế là con của bà Khanh để giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật.
Theo NTD
Một luật gia thắng kiện gần 55 tỉ đồng Sau khi lập hợp đồng "hứa thưởng" 35% giá trị căn nhà, một "đại gia" đã lật kèo không chịu chung thưởng, khiến một luật gia đâm đơn khởi kiện. Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, chiều 3-2, TAND TP HCM đã tuyên buộc bà Vương Thị Khanh (chủ sở hữu căn nhà 446-448, Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) và...