Ba cuộc khủng hoảng chờ vị thủ tướng mới của Malaysia
Chiều 16/8, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã từ chức, cơ hội đang mở ra cho một số ứng cử viên tiềm năng, nhưng những cuộc khủng hoảng mà Malaysia phải đối mặt vẫn còn đó.
Thủ tướng Malaysia tới Cung Hoàng gia Muhyiddin Yassin ở Kuala Lumpur, nơi ông đệ đơn từ chức lên Quốc vương Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah, ngày 16/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Sóng gió tưởng chừng đã tạm yên sau khi Thủ tướng Muhyiddin vào yết kiến Quốc vương Malaysia trưa 4/8 và nhận được sự đồng ý về việc sẽ chứng minh ông nhận được đa số ủng hộ tại hạ viện trong kỳ họp quốc hội vào tháng 9. Lịch bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông Muhyiddin cũng đã được xây dựng, dự kiến sẽ tiến hành vào ngày 7/9, nhưng tất cả đều bất thành khi Tổ chức Dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO) công khai thư gửi Quốc vương và Tuyên ngôn pháp lý (SD) của 14 hạ nghị sỹ UMNO rút lại sự ủng hộ đối với ông Muhyiddin.
Trong nỗ lực cuối cùng, tối 13/8, ông Muhyddin đã có bài phát biểu đặc biệt trên truyền hình, đưa ra 7 kiến nghị, bao gồm thực hiện chế độ đãi ngộ công bằng giữa nghị sỹ cầm quyền và đối lập, dành cho lãnh đạo đối lập sự đãi ngộ bằng bộ trưởng cao cấp, tổ chức tổng tuyển cử chậm nhất vào cuối tháng 7/2022, thúc đẩy thông qua dự luật không cho nghị sỹ thuộc đảng này chạy sang đảng khác, vốn có thể dẫn tới nguy cơ các đảng dễ tan vỡ (còn được gọi là dự luật chống “nhảy tàu”), chính sách hạ tuổi cử tri từ 21 tuổi hiện nay xuống 18 tuổi, giới hạn thời gian cầm quyền của thủ tướng trong 2 nhiệm kỳ… Tuy nhiên, đề xuất của ông đã vấp phải sự phản đối kịch liệt không chỉ từ phía UMNO mà còn cả toàn bộ phe đối lập.
Video đang HOT
Với việc có tới 120/220 hạ nghị sỹ không ủng hộ Thủ tướng Muhyiddin tiếp tục cầm quyền, chiều 16/8, ông Muhyiddin đã vào tấn kiến Quốc vương và đệ đơn từ chức. Không quá khó để dự đoán kịch bản tổng tuyển cử sớm sẽ không diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nghiêm trọng như hiện nay. Dự kiến, sau khi đồng ý với đơn từ chức của ông Muhyiddin, Quốc vương Malaysia sẽ sớm khởi động tiến trình lựa chọn một hạ nghị sỹ mà ông cho rằng có thể nhận được đa số ủng hộ tại hạ viện để bổ nhiệm làm thủ tướng đúng như quy định của Hiến pháp. Trong thời gian đó, theo quyết định của Quốc vương, ông Muhyiddin sẽ đảm nhiệm vai trò thủ tướng tạm quyền.
Trở lại với quyết định từ chức của ông Muhyiddin, theo Tổng thư ký đảng Hành động Dân chủ (DAP) Lim Guan Eng, đó là hành động phù hợp Hiến pháp khi thủ tướng mất đa số ủng hộ tại hạ viện. Thủ lĩnh phe đối lập Anwar Ibrahim cũng hoan nghênh quyết định của ông Muhyiddin và cho rằng việc ông từ chức mang đến cơ hội cải cách đất nước. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không dễ dàng với người kế nhiệm bởi Malaysia vẫn đang đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng lớn cùng lúc.
Thứ nhất là thách thức từ đại dịch COVID-19. Malaysia có khoảng 32,7 triệu dân, nhưng tới nay đã có trên 1,4 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 4,28% và tới ngày 16/8 có gần 250.000 ca vẫn đang dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy rằng cùng với việc tăng tốc tiêm chủng, số ca bệnh nặng đã giảm, nhưng vẫn có hơn 1.000 bệnh nhân phải điều trị tích cực và hằng ngày vẫn phát hiện trên/dưới 20.000 ca nhiễm mới, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế. Hồi chuông về nguy cơ hệ thống y tế bên bờ đổ vỡ liên tục được gióng lên ngay cả khi biến thể Delta chưa xuất hiện ở Malaysia còn giờ đây, biến thể Delta đã trở thành dòng chính.
Thứ hai là kinh tế khó khăn trầm trọng. Quý II/2021, kinh tế Malaysia tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với quý trước vẫn giảm 2%. Do làn sóng COVID-19 thứ ba làm gián đoạn sự phục hồi ở Malaysia đang diễn ra ở mức độ lớn hơn nhiều so với dự kiến trước đây và số ca mắc COVID-19 mới hằng ngày vẫn ở mức cao, hãng đánh giá tín dụng Fitch Solutions đã cắt giảm mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Malaysia từ 4,9% trước đó xuống còn 0%. Tiêu dùng tư nhân vốn chiếm tới 70% GDP của Malaysia, được nhìn nhận là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Malaysia, nhưng trong quý II đã suy giảm 11,5% so với quý I, cho thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mong muốn chi tiêu của người dân. Trong khi đó, dự báo của Bộ Y tế Malaysia cho hay dịch bệnh ở nước này vẫn chưa đạt đỉnh.
Thứ ba là chính trị không ổn định. Ông Muhyiddin đã đi vào lịch sử Malaysia với tư cách thủ tướng cầm quyền ngắn nhất (17 tháng), ngắn hơn cả người tiền nhiệm Mahathir Mohamad (22 tháng). Hiện nay, các đảng phái đang nỗ lực đưa ra ứng cử viên ngồi vào chiếc ghế mà ông Muhyiddin để lại Nhưng dù là ai, họ cũng không tránh khỏi thực tế là hiện nay không có một đảng chính trị nào ở Malaysia đóng vai trò chi phối, bất cứ chính phủ nào cũng phải hình thành trên cơ sở liên minh. Đặc biệt là trong khi lực lượng đối lập lớn mạnh chưa từng có, Malaysia lại chưa có luật chống “nhảy tàu”.
Dù là chính phủ Liên minh Hy vọng (PH) do ông Mahathir đứng đầu hay chính phủ Liên minh Quốc dân (PN) do ông Muhyiddin lãnh đạo đều không có đủ đa số mạnh để ổn định. Câu hỏi đặt ra là chính phủ kế nhiệm có làm được điều đó hay không trong khi ngay cả việc thống nhất ứng cử viên thay thế ông Muhyiddin cũng đang rất khó khăn. Thực tế này cho thấy bất ổn chính trị tại Malaysia khó có thể sớm được giải quyết.
Nhà Vua Malaysia chỉ định ông Muhyiddin Yassin làm Thủ tướng lâm thời
Ngày 16/8, Cung điện hoàng gia Malaysia thông báo Nhà Vua Al-Sultan Abdullah đã nhận đơn từ chức của Thủ tướng Muhyiddin Yassin và nội các, song chỉ định ông Muhyiddin làm thủ tướng lâm thời.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin (phải) trong cuộc gặp với Nhà vua Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah (trái) tại Kuala Lumpur, ngày 28/10/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong thông báo trên Facebook, cung điện cho biết Nhà Vua đã nhận thư từ chức của Thủ tướng Muhyiddin cùng toàn thể nội các và quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Tuy nhiên, Nhà Vua muốn ông Muhyiddin giữ vai trò thủ tướng tạm quyền cho đến khi thủ tướng mới được bổ nhiệm.
Nhà Vua cho rằng thời điểm này không phù hợp để tổ chức bầu cử do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tỷ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân tại Malaysia hiện ở mức cao nhất tại Đông Nam Á.
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia sau đó, ông Muhyiddin tuyên bố ông đệ đơn từ chức lên Nhà Vua do ông đã mất sự tín nhiệm của đa số nghị sĩ tại Quốc hội, đồng thời bày tỏ hy vọng chính phủ mới sẽ được thành lập sớm nhất có thể.
Khủng hoảng chính trị tại Malaysia xảy ra sau nhiều tháng bất đồng trong nội bộ Liên minh Dân tộc cầm quyền (PN) trong bối cảnh Thủ tướng Muhyiddin nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Thủ tướng Malaysia thừa nhận thất bại trong việc duy trì sự tồn tại của chính phủ Chiều 16/8, sau khi yết kiến Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Ri'ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah, Thủ tướng Muhyiddin Yassin có bài phát biểu đặc biệt về quyết định từ chức trên trên truyền hình. Trước đó, cùng ngày, thủ tướng và 29 bộ trưởng trong nội các chính phủ của Liên minh Dân tộc (PN) cầm quyền đã từ chức sau 17 tháng...