Ba con người trong ba bài phát biểu liên tiếp của Trump
Ba bài phát biểu trong vòng hai ngày với ba giọng điệu khác nhau cho thấy sự khó đoán đặc trưng ở Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong buổi mít tinh tại Trung tâm hội nghị Phoenix hôm 22/8. Ảnh: AP.
Tuần qua, chỉ trong vòng 48 giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy ba nét tính cách, ba vai trò: Tổng tư lệnh nước Mỹ, người chia rẽ và người kêu gọi đoàn kết, theo Washington Post.
Tối 21/8, tại Fort Myer, Virginia, đứng trước hàng trăm binh sĩ trong quân phục, ông thông báo chiến lược mới cho cuộc chiến ở Afghanistan bằng sự tỉnh táo và nghiêm túc. Đọc phát biểu thông qua máy nhắc chữ, Tổng thống Trump trầm ngâm, suy tư về những biến động đang bủa vây Nhà Trắng và thề sẽ giành thắng lợi trước cuộc chiến dai dẳng nhất của Mỹ trên chiến trường Afghanistan.
Ngày hôm sau, Trump bay tới Phoenix. Buổi mít tinh “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông tiếp tục đốt nóng vấn đề nhập cư vốn đã sôi sục bấy lâu. Trong 75 phút, Tổng thống Mỹ bác bỏ mọi thực tế không mong muốn đang diễn ra quanh mình. Hai đại từ nhân xưng “chúng tôi” và “họ” luân phiên được ông sử dụng trong bài phát biểu.
Với từ “chúng tôi”, Trump dường như muốn nói đến bản thân ông và số ít những người Mỹ da trắng đang nhiệt tình ủng hộ ông, cây bút Philip Rucker từ Washington Post nhận định. Với từ “họ”, Tổng thống Mỹ có lẽ ám chỉ số đông còn lại, gồm: Truyền thông “thiếu trung thực một cách tồi tệ”, phe Dân chủ “gây cản trở”, hai thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona “yếu đuối”, những người nhập cư bất hợp pháp và những người muốn dỡ bỏ các di tích đại diện cho Liên minh miền Nam. “Họ đang cố gắng lấy đi văn hóa của chúng ta. Họ đang cố gắng lấy đi lịch sử của chúng ta”, ông nhấn mạnh.
Ngày 23/8, Trump đặt chân đến thành phố Reno, bang Nevada. Lần này, ông lại truyền đi một thông điệp chan chứa tinh thần đoàn kết.
Video đang HOT
“Đã đến lúc chữa lành những vết thương gây chia rẽ chúng ta và tìm kiếm một sự đoàn kết mới dựa trên các giá trị chung”, Tổng thống Mỹ tuyên bố tại trung tâm hội nghị quốc gia American Legion. Ông tiếp tục phát biểu với trợ giúp từ máy nhắc chữ.
Tại Phoenix, không nêu đích danh nhưng ai cũng ngầm hiểu Trump công kích thượng nghị sĩ John McCain, người được coi là anh hùng thời chiến ở Mỹ. Nhưng ở Reno, Tổng thống Mỹ lại mời Donald Ballard, một anh hùng thời chiến khác, người từng nhận huân chương danh dự, lên sân khấu và dành cho ông này cái ôm đầy ấm áp.
Sự thay đổi chóng mặt trong giọng điệu ở ba bài phát biểu là minh chứng rõ nét nhất cho tình trạng hỗn loạn, khó nắm bắt đang dần trở thành nét đặc trưng cho nhiệm kỳ tổng thống của Trump, giới chuyên gia nhận xét.
Liệu Trump đang cố chữa lành vết thương khiến đất nước chia rẽ từ sau cuộc biểu tình chết chóc tại Charlottesville, Virginia, cách đây hơn một tuần? Hay ông đang khiến nó trầm trọng hơn? Đến giờ, vẫn không ai biết câu trả lời.
Liệu việc Trump chấp thuận gửi thêm hàng nghìn binh sĩ tới Afghanistan là một động thái thận trọng được đưa ra sau quá trình xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn quân sự? Hay đây chỉ là một hành động bốc đồng của người đàn ông nắm trong tay mã hạt nhân, như nhiều người chứng kiến buổi mít tinh ở Phoenix kết luận?
Đáng lo ngại
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/8 tại bãi cỏ Nhà Trắng sau khi trở về từ Reno, bang Nevada. Ảnh: Washington Post.
“Đáng sợ và đáng lo ngại” là lời mà James R. Clapper Jr., cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, trung tướng không quân về hưu, tổng kết về chính quyền Trump.
Ông Clapper từng trao đổi công việc với ông Trump trong quãng thời gian chuyển giao quyền lực với tư cách quan chức tình báo hàng đầu dưới thời Barack Obama. Đánh giá của ông về chính quyền Trump ngày một xấu đi kể từ thời điểm đó đến nay. Hôm 22/8, nó dường như chạm mức đáy mới.
“Tôi thực sự hoài nghi khả năng cũng như sự phù hợp của ông ấy trên cương vị tổng thống”, Clapper nói với kênh truyền hình CNN. “Nước Mỹ còn phải chịu đựng cơn ác mộng này đến bao giờ nữa?”.
Trump giờ đây đang phải chịu rất nhiều “vết thương”, chủ yếu đều do ông tự gây nên. Hàng loạt giám đốc điều hành doanh nghiệp, vì không muốn dính líu tới Tổng thống sau khi ông đưa ra bình luận chia rẽ về Charlottesville, đã rút khỏi các hội đồng cố vấn cho Nhà Trắng. Những quỹ từ thiện đã hủy các buổi tiệc tại Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Palm Beach, Florida, do gia đình Trump sở hữu, với lý do tương tự. Một số thành viên Cộng hòa từng hết lòng ủng hộ Tổng thống Trump giờ đây cũng quay sang nghi ngờ năng lực của ông.
“Tổng thống rõ ràng vẫn chưa cho thấy được sự ổn định cũng như những năng lực cần thiết để thành công”, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Tennessee Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện Mỹ, nhận xét.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Mỹ bắt nghi phạm định đánh bom tượng Liên minh miền Nam
Một nam thanh niên vừa bị bắt với cáo buộc âm mưu cho nổ tung một bức tượng ở thành phố Houston, bang Texas.
Người đàn ông ở Houston bị bắt với cáo buộc cố gài bom tại tượng lính Liên minh miền Nam. Ảnh: AP.
Andrew Schneck, 25 tuổi, bị bắt hôm 19/8 khi đang mang chất hóa học được sử dụng để chế bom gần bức tượng người lính Liên minh miền Nam, giới chức hôm 22/8 thông báo. Một thẩm phán ra lệnh tạm giam người này, chờ phiên xét xử, dự kiến vào ngày 24/8, theo Telegraph.
Vụ bắt giữ diễn ra khi người dân Mỹ đang chia rẽ sâu sắc về việc giữ hay dỡ bỏ những bức tượng Liên minh miền Nam. Một số người coi chúng là vật chứng đáng xấu hổ, gợi nhắc đến quá khứ về chế độ nô lệ ở Mỹ, trong khi những người khác khẳng định chúng thể hiện di sản mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử của các bang thuộc địa ban đầu ở miền nam.
Đại học Texas tối 20/8 cũng dỡ một số bức tượng Liên minh miền Nam tại khuôn viên trường ở thành phố Austin, thủ phủ bang. Giới chức hy vọng tránh các cuộc biểu tình và đụng độ bạo lực ở những nơi có tượng, sau vụ ở thành phố Charlottesville, bang Virginia.
Những cuộc biểu tình giữa người ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và những người phản đối phân biệt chủng tộc tuần trước ở thành phố Charlottesville dẫn đến cái chết của một phụ nữ 32 tuổi. Một kẻ tự nhận là theo chủ nghĩa phát xít mới lái xe, đâm vào đám đông người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc, làm nhiều người bị thương.
Nhiều hành động đập phá nhắm vào những tượng đài Liên minh miền Nam xảy ra ở các bang Ohio, North Carolina và Maryland. Tuy nhiên, một số bang, như North Carolina, có luật ngăn chính quyền địa phương di dời các tượng đài nếu không có sự đồng thuận cao.
Trọng Giáp
Theo VNE
Trump gọi việc dỡ các tượng Liên minh miền Nam là 'ngu ngốc' Tổng thống Mỹ phản đối việc dỡ bỏ các bức tượng gợi nhớ Liên minh miền Nam thời nội chiến Mỹ vào thế kỷ 19. Bức tượng đại tướng Robert E. Lee ở Charlottesville, Virginia. Ảnh: US News. Tổng thống Donald Trump hôm nay tuyên bố lịch sử và văn hóa Mỹ đang bị "xé nát" với việc dỡ bỏ các bức tượng...