Bà con dân tộc “vây” Bộ trưởng Thăng “xin” cầu vượt lũ
Trước việc mỗi năm có 3-4 người chết đuối khi qua sông Phó Đáy, nay mùa mưa lũ đã về, biết được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về thôn xã làm việc, bà con dân tộc ở Móc Dòm (tỉnh Tuyên Quang) đã kéo đến “vây” Bộ trưởng Thăng “xin” một cây cầu bắc qua sông.
Bà con dân tộc đã bày tỏ những mong muốn trên với Bộ trưởng Đinh La Thăng khi ông đến thăm khu di tích lịch sử trụ sở Bộ Giao thông Công chính thời kỳ 1947-1954, tại thôn Móc Dòm, xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, hôm qua (30/7).
Sau khi Bộ trưởng Thăng và đoàn công tác dâng hương tại khu di tích này, bà con dân tộc thôn Móc Dòm từ già đến trẻ bế theo con cháu kéo nhau đến gặp Bộ trưởng GTVT và bày tỏ về những khó khăn trong việc đi lại trong vùng.
Bà con thôn Móc Dòm đề nghị Bộ trưởng Thăng cho xây cầu qua sông Phó Đáy
Theo bà con nơi đây, con sông Phó Đáy nước chảy xiết qua vùng đất nghèo này năm nào cũng cướp đi sinh mạng của 3-4 người dân, người lớn có và trẻ con chết đuối cũng nhiều. Đặc biệt, khi mùa mưa lũ đến, nước dâng cao, bà con không thể bơi qua sông, việc đi lại giữa đôi bờ gần như bị cắt đứt. Bà con nêu nguyện vọng có một cây cầu bắc qua sông Phó Đáy.
Nghe những phản ánh của bà con nhân dân, Bộ trưởng Thăng đã chia sẻ những khó khăn với bà con và trao đổi với lãnh đạo địa phương về thực tế bà con không có cầu qua sông suốt nhiều năm qua.
Trong vòng vây của bà con, tại đây Bộ trưởng Thăng đã hứa sẽ cho xây dựng một cây cầu treo. Ngay tại đây, Bộ trưởng gọi lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tại (Tedi) yêu cầu các đơn vị này phải tiến hành khảo sát, thăm dò ngay để khởi công xây cầu trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng Thăng hứa với bà con sẽ có cầu treo bắc qua sông trong thời gian sớm nhất
Báo cáo Bộ trưởng Thăng về việc này, Tổng Giám đốc Tedi cho biết tại đây đã có quy hoạch xây dựng cầu treo dân sinh của Bộ GTVT, tuy nhiên do chưa hoàn thành việc khảo sát vị trí và thiết kế nên cầu chưa được xây dựng. Nhận “lệnh” của Bộ trưởng tại địa phương, vị Tổng Giám đốc này đã hối thúc cấp dưới triển khai nhanh chóng để phục vụ việc đi lại của bà con.
Sau khi rời thôn Móc Dòm, Bộ trưởng Thăng cho hay đã ấn định ngày khởi công xây cầu treo cho bà con là 28/8 năm nay, cùng với đó là làm hơn 1km đường nối vào trong thôn nơi có khu di tích do đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, trong dịp khởi công xây cầu treo tới đây, Quỹ Xã hội – Từ thiện của Công đoàn Bộ GTVT sẽ tặng 30 con bò cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và tổ chức Tết Trung thu cho các cháu ở thôn xã này.
Phú Thọ: Tỉnh “xin” đường, dân cản trở
Video đang HOT
Chiều 30/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn qua tỉnh Phú Thọ, tại công trường thi công nút giao IC9 – nút giao với cao tốc này do UBND tỉnh Phú Thọ “xin” làm thêm nhằm mục đích kết nối giao thông địa phương với tuyến cao tốc, tuy nhiên người dân địa phương liên tục cản trở hoạt động thi công với lí do chưa được bồi thường thỏa đáng.
Nút giao IC9 trên Cao tốc Nội Bài – Lào Cai không thể thi công do người dân cản trở
Ông Mai Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, chủ đầu tư dự án – cho biết, nhân lực, máy móc và vật liệu đã được huy động đầy đủ nhưng nhân dân địa phương cản trở thi công suốt thời gian qua, vì vậy tiến độ thực hiện nút giao IC9 đến nay rất chậm.
Tại đây, Bộ trưởng Thăng thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, đây là vấn đề của địa phương nên địa phương phải giải quyết. Vị Bộ trưởng này cũng ra điều kiện, nếu như tỉnh Phú Thọ không nhanh chóng giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng và không có phương án bảo vệ thi công tốt hơn thì sẽ cho rút quân về, không xây dựng nút giao theo đề nghị của tỉnh Phú Thọ nữa.
Ngay trên công trường, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cam kết huy động lực lượng bảo vệ thi công công trình và đề nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam giúp địa phương chỉ đạo các đơn vị triển khai thi công ngay trong chiều 30/7.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ với mô tô từ 1/1/2016
Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương vừa chính thức trình văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô, thời gian áp dụng từ 1/1/2016.
Qua số liệu thu phí thực tế, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô có thể thấy rõ công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả rất thấp. Năm 2013 và 2014, số thu chỉ đạt khoảng hơn 21% kế hoạch thu. Sang năm 2015, số thu 6 tháng đầu năm 2015 giảm rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước và mới chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm.
Mô tô, xe máy sẽ không phải nộp phí bảo trì đường bộ từ ngày 1/1/2016
Số thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô thời gian qua như sau:
Diễn giải
Số tiền (đồng)
Tỷ lệ đạt (%) (So với kế hoạch tại đề án xây dựng Qũy BTĐB là 2.600tỷ/năm)
Tổng số thu từ 1/1/2013 đến 30/6/2015
1.279.696.392.466
16,41%
Trong đó :
Thu năm 2013
552.875.801.233
21,26%
Thu năm 2014
552.333.699.833
21,24%
Thu năm 2015 (đến 30/6/2015)
174.486.891.400
6,71%
Theo Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, nguyên nhân khiến số thu phí đối với xe mô tô thấp được đánh giá là do việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe mô tô trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách.
Cùng với đó, chế tài xử phạt được quy định tại Điều 11, Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra Sở chuyên ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện. Do vậy, sau 1 năm đầu tiên thực hiện đóng phí nhiều chủ phương tiện không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo.
Một nguyên nhân khác được Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương nêu ra là do công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghĩa vụ còn hạn chế, chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thu phí. Hiện nay, việc thu phí phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân, tuy nhiên ý thức của một bộ phận người dân trong việc chấp hành nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ chưa cao, việc triển khai thu phí tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.
Ngoài ra, có sự di chuyển của một bộ phận lớn người dân làm việc và học tập ngoài tỉnh, mang theo xe máy nên có sự chênh lệch giữa kê khai thực tế và số liệu đăng ký trên địa bàn, dẫn đến khâu lập kế hoạch thu chưa chính xác.
Trên cơ sở các đánh giá nêu trên, mặc dù một số địa phương có báo cáo vẫn đề nghị tiếp tục thu phí, tuy nhiên Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương nhận thấy số thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với môtô còn rất thấp, biện pháp tổ chức thu không hiệu quả, chế tài xử phạt khó thực hiện nên việc kiểm soát phương tiện chấp hành đóng phí chưa nghiêm, nên việc thu phí mang lại hiệu quả thấp, người dân chưa tự giác đóng phí mặc dù mức thu rất thấp (trung bình 70.000đ/xe/năm).
Bên cạnh đó, có địa phương thực hiện thu, nhưng cũng có địa phương lại chưa thu hoặc dừng thu (như TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa...) tạo nên sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội. Do đó, trong khi chờ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương kính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô từ ngày 1/1/2016.
Quỹ này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015.
Châu Như Quỳnh
Theo dantri
Người cựu chiến binh gom góp 300 triệu xây cầu cho dân đi Đau đáu trước việc đi lại trắc trở, thi thoảng giật mình nghe tiếng kêu cứu của trẻ nhỏ từ dưới suối, người cựu chiến binh già đã bỏ gần 300 triệu đồng tiền ông tích góp cả cuộc đời và vay mượn của người thân xây một chiếc cầu vững chãi cho dân đi. Người có tấm lòng thơm thảo, được bà...