Bà Clinton phản đối TPP: Bước lùi sách lược
Ở thời điểm hiện tại, ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ có nhiều triển vọng đắc cử nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Và để lấy lòng giới công đoàn, bà lên tiếng chống hiệp định TPP.
Bà Clinton tại Đại học Stanford, bang California ngày 23.3.2016 – Ảnh: Reuters
Một trong những quan điểm tranh cử của bà được dư luận trong lẫn ngoài nước quan tâm nhiều nhất là phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được Tổng thống Mỹ Barack Obama coi là một trong những dự án trọng điểm hàng đầu của cả 2 nhiệm kỳ cầm quyền và là biện pháp chiến lược để thực hiện chủ trương chuyển hướng sang châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện TPP chưa được quốc hội Mỹ phê chuẩn do vấp phải sự phản đối quyết liệt của đảng Cộng hòa. Khi còn giữ chức ngoại trưởng, bà Clinton thuộc diện đồng tác giả và cổ súy mạnh mẽ nhất cho cả sự điều chỉnh chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương lẫn TPP. Bây giờ thì bà đang cài số lùi.
Nhưng thực chất đó chỉ là bước lùi nhất thời mang tính sách lược. Hơn ai hết, bà Clinton thừa hiểu cả chính sách “xoay trục” nói chung và TPP nói riêng quan trọng như thế nào đối với mọi lợi ích chiến lược cơ bản và lâu dài của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, vấn đề và lợi ích thiết thực hiện tại đặt ra cho bà Clinton là vận động tranh cử và bà cần sự hậu thuẫn của các tổ chức công đoàn và bộ phận cử tri thiên tả. Để có được lá phiếu của họ, không có khẩu hiệu tranh cử nào đắc dụng hơn là tạo việc làm mới và bảo vệ việc làm cũ. Vì thế, TPP không thích hợp. Sau khi đắc cử thì lại ủng hộ. Thủ thuật kiểu này rất thông dụng ở Mỹ và đã được vận dụng nhiều lần.
La Phù
Theo Thanhnien
Tính toán của Obama trong hội nghị với lãnh đạo ASEAN
Hội nghị thượng đỉnh với ASEAN là cơ hội để Mỹ thắt chặt quan hệ với khu vực có ý nghĩa địa chính trị quan trọng, đồng thời cạnh tranh ảnh hưởng trước Trung Quốc.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo Đông Nam Á tại cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị ASEAN tháng 11/2015 tại Malaysia. Ảnh: AFP
Ngày 15/2, Tổng thống Mỹ Obama chủ trì hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo ASEAN tại California, sự kiện khẳng định tầm quan trọng của khu vực trong chính sách đối ngoại của Washington.
Kể từ khi chính quyền Obama khởi động chiến lược "xoay trục sang châu Á" năm 2011, Mỹ đã luôn cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về sức mạnh kinh tế tại Đông Nam Á, và đi đôi với nó là ảnh hưởng chính trị cùng những thỏa thuận an ninh, tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia nhận định.
"Có thể gọi tên nó bằng một thuật ngữ nào đó hay hơn 'Chiến tranh Lạnh', nhưng sự cạnh tranh về kinh tế là rất lớn", Stuart Dean, cựu lãnh đạo tập đoàn General Electric, người từng có 24 năm làm việc tại Đông Nam Á, nhận xét. "Đó thực sự là một đấu trường Olympic về thương mại".
Một điểm đáng chú ý là cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) được tổ chức tại Sunnylands, California, nơi ông Obama từng có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ba năm trước.
Trong hội nghị, ông Obama sẽ phát biểu trước các nhà lãnh đạo đại diện cho một khu vực với hơn 620 triệu dân, có quy mô kinh tế lên tới 2.400 tỷ USD - lớn thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Với vị trí địa lý nằm bên những tuyến hàng hải chiến lược và sôi động nhất thế giới, khu vực này chính là điểm tựa trong chính sách tái cân bằng sang châu Á của ông Obama.
NYTimes nhận xét rằng các nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và hoạt động chống khủng bố.
Ngoài ra, một phần không nhỏ trong chương trình nghị sự sẽ được dành cho các vấn đề kinh tế, bao gồm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng, các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, cũng như xác định cách thức để khuyến khích hơn nữa hoạt động thương mại và đầu tư, thông qua đổi mới và khởi nghiệp.
Trước ngày khai mạc, giới chức Mỹ tại Washington hôm 10/2 cho biết cuộc họp sẽ không nhất thiết bám sát chương trình nghị sự đã chuẩn bị sẵn.
"Sẽ không có những cuộc đàm phán vất vả, chặt chẽ, theo thứ tự định sẵn", Daniel R. Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết. "Đó sẽ là một cuộc thảo luận mở giữa các nhà lãnh đạo".
Cạnh tranh với Trung Quốc
Cho dù giới chức Mỹ khẳng định cuộc họp không nhằm "chỉ trích Trung Quốc", Washington rõ ràng đang cố gắng thể hiện vai trò dẫn dắt tại Đông Nam Á thông qua đầu tư, các nhà phân tích đánh giá.
Các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông "đi ngược lại tuyên bố về sự trỗi dậy hòa bình và khơi dậy những hoài nghi mới về ý định địa chính trị cùng kinh tế của họ trong khu vực", Kevin G. Nealer, một chuyên gia về Trung Quốc, thành viên cơ quan nghiên cứu Scowcroft Group tại Washington, nhận xét.
"Những mối quan hệ khó khăn nhất của Mỹ tại khu vực này vẫn còn mạnh mẽ và hiệu quả hơn các quan hệ tốt nhất của Trung Quốc. Hoạt động đầu tư sâu sắc và ổn định của Mỹ tại đây đã tạo ra thói quen hợp tác và hướng tới những mục tiêu chung, mà nếu như chỉ có hoạt động thương mại không thôi sẽ không thể có được".
Trung Quốc từ năm 2009 đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 366 tỷ USD, theo số liệu thương mại của ASEAN. Mỹ xếp ở vị trí thứ tư, sau EU và Nhật. Đông Nam Á cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ năm 2014.
Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ vẫn tập trung vào đầu tư trực tiếp, lĩnh vực họ có ưu thế vượt trội so với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Mỹ trong giai đoạn 2012-2014 đã rót 32,3 tỷ USD vào Đông Nam Á, so với mức 21,3 tỷ USD từ Trung Quốc.
Năm 2000-2014, Mỹ đầu tư tổng cộng 226 tỷ USD vào Đông Nam Á, Cơ quan Phân tích Kinh tế của Mỹ cho biết. Con số này nhiều hơn cả đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc, Nhật và Ấn Độ cộng lại.
Mục tiêu của Mỹ là duy trì thế thượng phong về đầu tư, trong khi giành vị trí dẫn dắt về thương mại, các nhà phân tích nhận định. Và TPP chính là vũ khí chủ lực phục vụ mục tiêu đó. 4/10 quốc gia thành viên ASEAN đã gia nhập hiệp định này, trong khi ba quốc gia khác là Indonesia, Philippines và Thái Lan hoặc đã tuyên bố ý định gia nhập, hoặc đang cân nhắc làm vậy.
Chiến lược dài hạn
Alexander C. Feldman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hội đồng Kinh tế Mỹ - ASEAN, khẳng định cuộc họp sắp tới chính là đỉnh cao trong chiến lược kinh tế của Mỹ trong khu vực, được ươm mầm từ những tuần đầu tiên ông Obama đắc cử.
Đầu năm 2009, bà Hillary Clinton, khi đó là ngoại trưởng Mỹ, đã tới Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Đây là quốc gia được xem như "anh cả" không chính thức tại ASEAN, xét về quy mô kinh tế.
"Tôi cho rằng chiến lược của chính quyền Obama mang tính lâu dài, phản ánh một tầm nhìn tổng thể về châu Á. Họ nhận ra rằng ASEAN chính là miếng ghép thiết yếu của bức tranh mà các chính phủ tiền nhiệm thường không xem trọng", ông Feldman nói. "Ngay từ ngày đầu tiên họ đã chú trọng vào khu vực này và hiểu được rằng đó chính là chiến trường thực sự cho tương lai của châu Á".
Quan hệ thương mại của khu vực này với Trung Quốc luôn mạnh mẽ. Đông Nam Á là nguồn cung cấp khổng lồ nguyên liệu thô và hàng hóa cho cỗ máy kinh tế của Trung Quốc, cũng như tầng lớp người tiêu dùng đang ngày một lớn của họ. Indonesia và Malaysia cung cấp các sản phẩm như khoáng sản và dầu cọ, Singapore, Malaysia và Thái Lan thì cung cấp thiết bị điện tử, Murray Hiebert, chuyên gia Đông Nam Á tại Trung tâm Quốc tế và Chiến lược (CSIS), cho biết.
"Trung Quốc cũng là một nhà tài trợ lớn, đặc biệt trong các dự án hạ tầng, lĩnh vực mà các công ty Mỹ vẫn gặp khó khăn khi cạnh tranh, bởi chính phủ các quốc gia Đông Nam Á không đưa ra nhiều dự án hấp dẫn để các ngân hàng Mỹ sẵn lòng tài trợ", chuyên gia này nhận định.
Khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, sự lệ thuộc của ASEAN vào Bắc Kinh với tư cách đối tác thương mại cũng giảm dần. Dù gần 12% hàng hóa xuất khẩu của ASEAN trong năm 2014 là sang Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ thị trường nào khác, kim ngạch xuất khẩu đã giảm do giá các mặt hàng sụt mạnh, và dự kiến còn tiếp tục trượt dốc trong năm nay do kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực, trong đó có Indonesia, đang cảm nhận rõ sự sụt giảm này. "Sự nhạy cảm của Indonesia với diễn biến kinh tế Trung Quốc là rất lớn, và ASEAN cũng vậy", Destry Damayanti, nhà kinh tế học kiêm lãnh đạo Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Indonesia, cho biết.
Mỹ sẽ hưởng lợi ra sao từ việc gia tăng hoạt động thương mại với ASEAN trong lúc Trung Quốc giảm tốc vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nhưng lợi thế của Mỹ trong đầu tư trực tiếp có thể đem về lợi ích lớn trong dài hạn, ông Dean, cựu lãnh đạo General Electric, nhận định.
"Những tiến triển trong kinh doanh cũng như các thương vụ lớn của chúng ta được thúc đẩy nhờ hoạt động đầu tư", ông Dean cho biết. "Nó giúp đảm bảo sự hiện diện trong dài hạn, xây dựng những mối quan hệ lâu dài và khiến chúng ta trở nên giống như công ty bản địa tại mọi quốc gia chúng ta đầu tư".
"Thương mại chỉ mang tính ngắn hạn và có thể ra đi nhanh hơn đầu tư. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ luôn có lợi thế cạnh tranh bởi sự gần gũi về mặt địa lý", ông bình luận.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
TPP đã chính thức được ký tại New Zealand Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng đã chính thức được ký tại New Zealand ngày 4.2. Thủ tướng New Zealand và đại diện 12 nước ký kết HIệp định TPP tại Auckland ngày 4.2 - Ảnh: AFP Thủ tướng New Zealand, ông John Key và đại diện cơ quan thương mại Mỹ Mike Froman chủ trì...