Bà Clinton hứng bão dư luận vì cuộc gặp riêng của chồng
Việc ông Bill Clinton gặp riêng bộ trưởng tư pháp Mỹ trước khi bà Hillary bị FBI thẩm vấn làm dấy lên nghi ngờ gia đình ông được biệt đãi.
Bà Hillary Clinton và chồng bà, Bill Clinton, tại một sự kiện ở New York hôm 7/6. Ảnh: Reuters
Khi chỉ còn ba tuần nữa là Đại hội đảng Dân chủ sẽ diễn ra, bà Hillary Clinton hôm 2/7 bị FBI thẩm vấn trong 3,5 giờ về việc sử dụng email cá nhân khi còn giữ chức ngoại trưởng.
Hôm 27/6, chồng bà, cựu tổng thống Bill Clinton, đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch trên máy bay riêng, khi cả hai có mặt tại đường băng của sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbor.
Cuộc thẩm vấn của FBI với bà Clinton là dấu hiệu cho thấy cơ quan này đang chuẩn bị kết thúc cuộc điều tra liệu bà Clinton hay trợ lý của bà có làm điều gì bất hợp pháp với việc dùng email cá nhân hay không. TheoCNN, các nguồn tin cho biết bà Clinton nhiều khả năng không bị buộc tội.
Tuy nhiên, khi kết hợp với “sơ suất” của ông Bill Clinton – gặp bà Lynch tại thời điểm vợ ông đang bị điều tra – một lần nữa làm dấy lên nghi ngại rằng gia đình Clinton hoạt động theo quy tắc khác so với phần còn lại của thế giới chính trị.
Chỉ trích
Mặc dù bà Lynch cho biết cuộc nói chuyện của hai người không hề đề cập đến vụ điều tra bà Clinton mà chỉ xoay quanh chủ đề golf và những đứa cháu, đảng Cộng hòa ngay lập tức chớp lấy cơ hội này để chỉ trích bà Clinton.
Ứng viên tranh cử tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 3/8 nói rằng không thể biện bạch cho cuộc gặp giữa ông Bill Clinton và bà Lynch. “Chỉ có kẻ ngốc mới tin rằng cuộc gặp giữa Bill Clinton và bộ trưởng tư pháp không được sắp xếp trước hoặc ‘Hillary gian trá’ không hề hay biết”.
Ông nói thêm rằng: “Hillary Clinton biết rằng chồng bà muốn gặp bộ trưởng tư pháp để dàn xếp. Hệ thống này hoàn toàn có gian lận và tham nhũng!”
Video đang HOT
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus cũng chỉ trích nhà Clinton. “Người dân Mỹ cần phải có niềm tin rằng Bộ Tư pháp của chính quyền Obama đang tiến hành một cuộc điều tra công bằng và vô tư. Thế nhưng, bộ trưởng tư pháp lại bí mật gặp Bill Clinton chỉ vài ngày trước khi cuộc thẩm vấn bà Hillary được tiến hành kín đáo vào cuối tuần, việc này làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng rằng nhà Clinton được biệt đãi”, Priebus nói.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch. Ảnh: Reuters
Cơ hội của Donald Trump
Vào thời điểm bà Clinton đang mài dũa lập luận rằng ông Trump không thích hợp cho vị trí lãnh đạo đất nước, người Mỹ một lần nữa đặt câu hỏi về tính cách và sự trung thực của bà, vào thời điểm ông Trump đang liên tục gọi cựu ngoại trưởng là “Hillary gian trá”.
Cuộc gặp ngẫu hứng được đánh giá là hành động gây ngạc nhiên của cựu tổng thống, người được coi là một trong những khối óc tư duy chính trị thông minh nhất của thế hệ mình. Cuộc gặp gây ra suy đoán rằng ông có thể đã sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình để tác động đến quan chức có thể đóng vai trò lớn trong cuộc điều tra vợ mình.
Bộ trưởng Tư pháp Lynch nói rằng bà “chắc chắn sẽ không để xảy ra sự việc tương tự một lần nữa”. Bà nhấn mạnh rằng cuộc gặp với ông Bill Clinton “không ảnh hưởng đến việc vấn đề của bà Clinton sẽ được xem xét và giải quyết như thế nào”. Bộ trưởng nói rằng bà sẽ chấp nhận các quyết định và kết luận của FBI trong cuộc điều tra việc sử dụng email cá nhân của bà Clinton. Theo CNN, các nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết FBI nhiều khả năng có kết luận trước khi Đại hội đảng Dân chủ Mỹ bắt đầu vào ngày 25/7.
Một trợ lý của ông Bill Clinton nói trong một tuyên bố hôm 2/7 rằng “cuộc trò chuyện của cựu tổng thống với bộ trưởng tư pháp không hề được lên kế hoạch từ trước và hoàn toàn là xã giao thông thường. Tuy nhiên, khi nhận ra người khác có thể hiểu cuộc gặp với ý khác, ông đồng ý với bộ trưởng tư pháp rằng ông sẽ không làm vậy lần nữa”.
Austan Goolsbee, một cựu thành viên cấp cao trong đội ngũ kinh tế của ông Obama, bình luận rằng ông Trump sẽ làm mọi điều có thể để khai thác những diễn biến mới trong bê bối email cá nhân kéo dài của bà Clinton.
“Ông ấy sẽ luôn nhắc: Bà ấy bị FBI thẩm vấn vào cuối tuần này”, ông nói.
Goolsbee nói thêm: “Cho đến khi FBI đưa ra báo cáo hoặc làm bất cứ điều gì, tôi nghĩ ông Donald Trump sẽ lặp đi lặp lại điều đó”.
Nhưng Bakari Sellers, một nhà bình luận chính trị và cũng là người ủng hộ bà Clinton, cho rằng cuộc thẩm vấn chính là điềm lành cho chiến dịch của bà Clinton, vì nó cho thấy rằng bê bối email kéo dài cũng đi đến hồi kết và sẽ không còn ảnh hưởng đến chiến dịch của bà nữa. Theo ông, thực tế rằng các luật sư của bà Clinton để FBI thẩm vấn bà trực tiếp có nghĩa là họ tin rằng bà không có sai phạm.
Tuy nhiên, Sellers cũng thừa nhận rằng cuộc gặp của cựu tổng thống với bà Lynch có ảnh hưởng xấu đến cách công chúng nhìn nhận chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Phương Vũ
Theo VNE
Wikileaks dọa công bố chứng cứ vụ email cá nhân để truy tố bà Clinton
Nhà đồng sáng lập Wikileaks, ông Julian Assange cảnh báo Wikileaks sẽ công bố thêm thông tin về vụ cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dùng email cá nhân, đủ để bà bị truy tố.
Nhà đồng sáng lập Wikileaks, ông Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh. REUTERS
Trả lời phỏng vấn đài ITV (Anh) ngày 13.6, ông Assange, đạng ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh, cho hay Wikileaks có đủ thông tin để truy tố ứng viên Tổng thống Hillary Clinton (đảng Dân chủ), nhưng điều này không thể xảy ra dưới thời Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch do chính Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm.
Ông Assange cho rằng "Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng sẽ nhượng bộ chính quyền bà Clinton" nếu bà đắc cử Tổng thống và vụ việc FBI đang điều tra cáo buộc bà sử dụng email cá nhân làm lộ thông tin mật sẽ rơi vào quên lãng.
"Chúng tôi có đủ email liên quan đến Hillary Clinton đang chờ được công bố", ông Assange tuyên bố.
Tính đến nay, Wikileaks đã công bố khoảng 32.000 email từ server cá nhân của bà Clinton, nhưng ông Assange không nói số lượng email dự kiến công bố sắp tới.
Theo ông Assange, những email cá nhân của cựu ngoại trưởng Clinton do Wikileaks thu thập được cho thấy bà lợi dụng quyền lực của mình để bác bỏ việc Lầu Năm Góc không đồng ý can thiệp quân sự vào Libya, lật đổ lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011.
Lầu Năm Góc không muốn can dự vào Libya "vì họ dự đoán được kết quả hậu chiến là tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ kiểm soát đất nước này", theo ông Assange.
Trước đó, bà Clinton từng tuyên bố sẽ nỗ lực truy tố Wikileaks, và tổ chức này gọi bà là "diều hâu".
Đài Russia Today (Nga) ngày 12.6 dẫn lại bản điều trần của các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bà Clinton "không biết sử dụng máy tính để gửi email" và bà phải dùng điện thoại Blackberry để thông tin liên lạc.
Văn phòng của bà Clinton được xem là Cơ sở Bảo mật Thông tin Nhạy cảm (SCIF), cấm sử dụng các thiết bị không dây nên bà Clinton phải rời khỏi văn phòng để sử dụng email, theo bản điều trần.
Ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton. REUTERS
Vụ bà Clinton sử dụng email cá nhân lần đầu tiên được hé lộ vào năm 2013, khi đó một tin tặc với tên Guccifer đã thâm nhập tài khoản email của Sidney Blumenthal, trợ lý của bà Clinton.
Nói về đối thủ của bà Clinton là tỉ phú Donald Trump (đảng Cộng hòa) trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Assange mô tả tỉ phú Trump là "một hiện tượng khó dự đoán", nhưng không nói rõ liệu ông có ủng hộ trùm bất động trở thành Tổng thống Mỹ hay không.
Ông Assange, công dân Úc 44 tuổi, đang đối mặt với các cáo buộc hiếp dâm ở Thụy Điển, đã ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador tại London kể từ năm 2012.Wikileaks đã rò rỉ hàng trăm ngàn tài liệu mật về chính sách ngoại giao và quân sự của Mỹ trong năm 2010.
Assange đã từ chối đến Thụy Điển để trả lời chất vấn của các công tố viên vì sợ sẽ bị dẫn độ sang Mỹ xét xử vụ rò rỉ tài liệu mật nói trên. Ecuador cho phép ông Assange tị nạn vào năm 2012, sau khi ông xin phép được tị nạn tại nước này. Chính phủ Anh từng tuyên bố sẽ bắt ông Assange nếu ông bước ra khỏi đại sứ quán Ecuador.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Bà Clinton ghi tên vào lịch sử Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã trở thành nữ ứng viên tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ lọt vào "vòng chung kết". Cựu Tổng thống Bill Clinton chúc mừng vợ sau tin vui chiến thắng. REUTERS "Cảm ơn các bạn. Chúng ta đã đạt được cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên trong lịch sử, một phụ nữ sẽ trở...