Ba ‘chiêu thức’ chiến tranh mới của Trung Quốc
Theo một nghiên cứu do Lầu Năm Góc tài trợ thì Trung Quốc đã và đang tiến hành 3 loại hình chiến tranh mới nhằm đẩy bật quân đội Mỹ ra khỏi c hâu Á và gia tăng kiểm soát các vùng biển trong khu vực , tờ The Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 26.3 cho biết.
Một chiếc tàu sân bay của Mỹ – Ảnh: Reuters
Theo đó, 3 “ chiêu thức” mới của Trung Quốc bao gồm các chiến dịch tấn công tâm lý, truyền thông và pháp lý. Đây được xem là loại “công nghệ quân sự” bất đối xứng thay thế cho các cuộc xung đột liên quan đến vũ khí hạt nhân và quy ước.
Báo cáo nói trên do một nhà thầu quốc phòng biên soạn cho Văn phòng Lượng định tình hình thực tế (ONA) của Mỹ hồi tháng 5.2013. ONA là đơn vị cố vấn cho Lầu Năm Góc về hình thái chiến tranh tương lai
Báo cáo cũng cảnh báo chính phủ Mỹ hiện đang thiếu những công cụ hiệu quả có khả năng đối phó các phương pháp chiến tranh kiểu mới. Đồng thời lưu ý các học viện quân sự của Mỹ không đào tạo về các kỹ thuật chiến tranh độc đáo của Trung Quốc. Báo cáo kêu gọi nỗ lực nhiều hơn nữa để hiểu được các mối đe dọa cũng như áp dụng các biện pháp đối phó, theo Washington Free Beacon.
Tâm lý – Truyền thông – Pháp lý
Báo cáo xác định chiến tranh tâm lý là những nỗ lực gây ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn khả năng ra quyết định của đối phương. Tạo sự nghi ngờ và kích động chống đối lãnh đạo cũng như đánh lừa đối thủ. Các đòn tấn công bao gồm áp lực ngoại giao, thêu dệt tin đồn, tung ra những câu chuyện sai sự thật và sách nhiễu để “đe dọa, thể hiện sự không bằng lòng và khẳng định quyền bá chủ”.
Một ví dụ là việc Trung Quốc đe dọa bán các cổ phần nợ công lớn của Mỹ cũng như gây áp lực lên các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Tẩy chay hoặc hạn chế những mặt hàng xuất khẩu quan trọng như khoáng sản đất hiếm là một trong những phương tiện chiến tranh “mềm” khác của Bắc Kinh.
Về chiến tranh truyền thông, hay còn gọi là chiến tranh dư luận, người Trung Quốc liên tục tung ra các hoạt động gây ảnh hưởng đến nhận thức và thái độ. Mục tiêu là làm suy yếu ý chí chiến đấu và thay đổi nhận thức của đối phương, đồng thời hỗ trợ chiến tranh tâm lý và pháp lý.
“Tất cả các công cụ thông tin có khả năng gây ảnh hưởng dư luận đều được tận dụng, bao gồm cả phim ảnh, chương trình truyền hình, sách báo, internet, và kể cả các mạng lưới truyền thông toàn cầu, đặc biệt là Tân Hoa xã và CCTV”, báo cáo cho biết.
Video đang HOT
Ngay cả Hollywood cũng bị ảnh hưởng khi chính phủ Trung Quốc đe dọa ngăn chặn sự tiếp cận thị trường nhằm gây sức ép các hãng phim phải tránh né các chủ đề mà Bắc Kinh phản đối.
Trong khi đó, chiến tranh pháp lý khai thác các khía cạnh luật pháp để đạt được mục tiêu chính trị và thương mại. Trung Quốc hiện đang vận dụng nó để củng cố các yêu sách lãnh thổ và mở rộng kiểm soát trên biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Các công cụ “pháp lý chiến” thường được sử dụng kết hợp bao gồm pháp luật trong nước, luật pháp quốc tế, tư pháp, tuyên bố pháp lý và thực thi pháp luật, báo cáo cho biết.
Mục tiêu chính là Mỹ
Theo báo cáo, Trung Quốc tung ra 3 “chiêu thức” mới nhằm chống lại năng lực biểu dương sức mạnh của Mỹ, là một trong bốn đối tượng chính mà chiến dịch này nhắm đến. Và đây cũng là một phần trong chiến lược quân sự Chống tiếp cận/Khu vực cấm (A2/AD) rộng lớn hơn của Trung Quốc trên biển Đông.
Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc đã và đang sử dụng chúng trong các tranh chấp khác nhau. Bao gồm cả cuộc đụng độ nguy hiểm giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc, vụ khủng hoảng va chạm trên không năm 2001 giữa máy bay trinh sát EP-3E của Mỹ và một máy bay phản lực Trung Quốc, và sự gia tăng gây hấn trong nhiều tranh chấp lãnh hải ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Mục tiêu của Bắc Kinh là “làm suy giảm hoặc phá vỡ mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia biển Đông, và ngăn chặn chính phủ các nước xây dựng cơ sở quân sự”. Đồng thời tạo điều kiện mở rộng hiện diện quân sự toàn cầu, và bảo đảm các tuyến đường biển vận chuyển dầu cực kỳ quan trọng từ Trung Đông.
Ngoài ra, các “chiêu thức” mới còn nhằm hạn chế các hoạt động do thám của Mỹ thông qua sách nhiễu máy bay, tàu bè, và nỗ lực ngăn chặn sự hiện diện thường xuyên của Hải quân Mỹ. Ba “chiêu thức” của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực làm gia tăng nghi ngờ về “tính hợp pháp trong sự hiện diện của Mỹ”, báo cáo cho biết thêm.
Báo cáo cũng dự đoán trong thập kỷ tới Trung Quốc sẽ sử dụng các kỹ thuật chiến tranh độc đáo trong nhiều vấn đề khác nhau, từ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông cho đến các đảo ở biển Đông. Điều này xuất phát từ quan niệm của Bắc Kinh cho rằng xung đột vũ khí hạt nhân khó có thể xảy ra trong kỷ nguyên thông tin hiện đại, còn xung đột thông thường thì quá nghiêm trọng để đạt được mục tiêu chính trị, tờ Washington Free Beacon cho biết.
Biện pháp đối phó
Báo cáo kêu gọi tăng cường biện pháp đối phó hiệu quả các “chiêu thức” mới của Bắc Kinh, bao gồm các hành động pháp lý mạnh mẽ để thách thức cái gọi là sáng kiến “pháp lý chiến” của Trung Quốc, thực thi cam kết hỗ trợ an ninh cho các nước và hỗ trợ mở rộng các diễn đàn chính trị trong khu vực.
Về mặt quân sự, Mỹ cần tiếp tục các nhiệm vụ do thám và trinh sát dưới sự yểm trợ của các loại vũ khí răn đe mạnh mẽ để ngăn chặn sự quấy rối hoặc tấn công; tăng cường tập trận hải quân và diễn tập “tự do hàng hải” trong các vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc để đối phó các yêu sách của Bắc Kinh trong các vùng biển tranh chấp; đồng thời thay đổi Quy tắc Tham chiến (ROE) để ngăn chặn lặp lại sự cố EP-3E năm 2001.
Ngoài ra, báo cáo cũng kêu gọi ủng hộ các chiến dịch “ngoại giao mở” ở châu Á, những khoản đầu tư và phát triển có mục tiêu trong khu vực, và mở rộng các cuộc đàm phán và trao đổi quân sự.
Mặc dù khác nhau về hình thái, nhưng 3 “chiêu thức” khi được tung ra đồng loạt sẽ thách thức các khái niệm chiến tranh truyền thống của Mỹ, báo cáo nhận định.
Theo báo cáo, các trường đại học quân sự của Mỹ thường tập trung vào chiến tranh động năng và đo lường sự thành công bằng số liệu tiêu hao sinh lực và phá hủy cơ sở hạ tầng. Vì thế, các kỹ thuật chiến tranh mới của Trung Quốc có thể đẩy ngành khoa học quân sự của Mỹ đến hồi kết.
“Có thể chúng không phải là loại vũ khí &’thay đổi cuộc chơi’, nhưng chắc chắn có khả năng sửa đổi đáng kể các trò chơi theo những cách thức riêng”, báo cáo kết luận và đề nghị thiết lập một văn phòng tại Nhà Trắng để phối hợp các biện pháp đối phó, theo Washington Free Beacon.
Theo TNO
Tình báo Mỹ bất ngờ với kế hoạch của Nga ở Ukraine
Giới chức tình báo Mỹ đã không thể dự báo được cuộc can thiệp quân sự bất ngờ của nước Nga ở bán đảo Crimea thuộc Ukraine.
Các binh sĩ được cho là của Nga triển khai tại bán đảo Crimea - Ảnh: AFP
"Tình báo Mỹ đã không dự đoán được động thái quân sự này", một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên nói với tờ Los Angeles Times ngày 3.3.
Tuy nhiên, theo phát ngôn viên Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Shawn Turner, các cơ quan tình báo Mỹ đã "cung cấp thông tin kịp thời và có giá trị giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ tình hình hiện tại và đưa ra những quyết định phù hợp".
"Đó là sự thật chứ không phải lời biện hộ. Và bất kỳ ai cho rằng tình báo Mỹ thiếu sót thông tin liên quan đến tình hình ở Ukraine là những người không am hiểu vấn đề và bị sai lệch", ông Turner nói.
Những khó khăn mà cộng đồng tình báo Mỹ gặp phải trong việc dự đoán động thái quân sự của Nga hiện nay cũng tương tự với lỗ hổng tình báo hồi năm 2008 khi quân đội Nga ủng hộ lực lượng ly khai ở Nam Ossetia chống lại Georgia trong một cuộc chiến tranh kéo dài 5 ngày. CIA đã mất cảnh giác vào thời điểm đó, các quan chức cho biết.
Cũng yêu cầu giấu tên khi thảo luận về vấn đề nhạy cảm, một cựu sĩ quan CIA cho biết, việc cơ quan tình báo đặt trọng tâm vào chống khủng bố trong vòng 13 năm qua đã làm suy yếu khả năng tiến hành các hoạt động gián điệp chống lại những đối thủ truyền thống, bao gồm cả Nga.
"Cụm tình báo CIA ở Kiev (Ukraine) chỉ có khoảng từ 2 đến 3 sĩ quan đặc trách. Và họ hầu như không đủ nguồn tin để có thể dự đoán ý định của Nga", ông nói.
Ngoài ra, một cựu sĩ quan tình báo cao cấp có kinh nghiệm hoạt động trong khu vực cho biết, CIA không đủ nguồn lực để có thể dự báo kế hoạch của ông Putin ở Crimea. Tuy nhiên, ông cho biết, không nên xem đó như là một thất bại tình báo vì thậm chí các nhà phân tích cũng đã không lường trước được việc các đơn vị của Nga rời căn cứ, theo Los Angeles Times.
"Sự hiện diện của quân đội Nga là một sự đã rồi, vì vậy không ai quan tâm tìm hiểu những gì đang diễn ra bên trong các căn cứ đó", ông nói.
Một phát ngôn viên của CIA cũng bác bỏ quan điểm cho rằng các cơ sở hoạt động gián điệp của cơ quan đã bị teo lại, theoLos Angeles Times.
"Mặc dù không được phép nói về những nỗ lực tình báo cụ thể, nhưng có thể nói cơ quan của chúng tôi là một tổ chức hoạt động linh hoạt với quy mô toàn cầu, và phải giải quyết một loạt các mối đe dọa an ninh quốc gia xảy ra hầu như mỗi ngày, và cùng một thời điểm", phát ngôn viên Boyd nói.
Nguyên Giang
Theo TNO
Lục quân Mỹ giảm mạnh quân số Lầu Năm Góc có kế hoạch tinh giản quân số của lục quân và loại bỏ một phi đoàn phản lực cơ tấn công của Không quân, theo đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Các binh sĩ lục quân Mỹ ở Afghanistan - Ảnh: Reuters Tờ New York Times cuối tháng 2.2014 dẫn lời một số quan chức Lầu...