Ba cán bộ Điện lực Uông Bí tham ô chiếm đoạt gần 18 tỷ đồng
TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử 3 bị cáo là Giám đốc, kế toán và nhân viên Điện lực Uông Bí
Ngày 26/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Quyên và đồng phạm về các tội danh: Tham ô tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ba bị cáo Quyên, Thông và Tính trước vành móng ngựa nghe Tòa tuyên án
Theo kết luận điều tra, cáo trạng và nhận định của Tòa án: Nguyễn Thị Quyên là nhân viên kinh doanh, trực tiếp thu tiền điện khối cơ quan, doanh nghiệp nhưng lại được bố trí làm việc tại phòng tổng hợp. Do được bố trí công việc như trên, nên Quyên được quyền đối chiếu công nợ, kiểm tra việc thu ngân và công tác hành chính văn thư. Lợi dụng nhiệm vụ được giao và sơ hở trong công tác quản lý của điện lực TP Uông Bí, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 5/2012 Nguyễn Thị Quyên đã chiếm đoạt được số tiền trên 17 tỷ đồng của điện lực tỉnh Quảng Ninh.
Bị cáo Quyên đã chiếm đoạt số tài sản trên bằng các thủ đoạn: Lập lệnh chi tiền sau đó giả chữ ký của giám đốc và kế toán ra ngân hàng chuyển tiền từ tài khoản của điện lực Uông Bí ra tài khoản bên ngoài. Ngoài ra Quyên còn đi thu tiền sử dụng điện của khách hàng, sau đó nộp lại công ty một phần, còn lại một phần giữ lại chi tiêu. Để che giấu số tiền đã chiếm đoạt, hàng tháng Quyên lập danh sách khách hàng nợ tiền không đúng thực tế, đưa một số khách hàng tiêu thụ lượng điện lớn vào danh sách khách hàng nợ tiền điện, mặc dù những khách hàng này không nợ hoặc nợ ít hơn số tiền Quyên báo.
Liên quan đến hành vi phạm tội của Quyên, còn có Giám đốc điện lực Uông Bí Lê Kế Thông và kế toán Phạm Duy Tính. Bị cáo Thông là giám đốc nhưng không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kết toán, cho giữ lại số tiền mặt lớn trong tài khoản của công ty trái với quy chế của ngành; thông đồng với kế toán Tính để xác nhận sai số liệu về tiền để chuyển về công ty điện lực Quảng Ninh báo cáo, đã tạo điều kiện cho Quyên chiếm đoạt tiền nên cả hai cũng bị truy tố và đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Với các chứng cứ rõ ràng, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt bị cáo Quyên 20 năm tù về tội Tham ô tài sản, 06 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Quyên phải chấp hành 26 năm tù giam. Bị cáo Lê Kế Thông bị phạt 10 năm tù và Phạm Duy Tính 8 năm tù với tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Video đang HOT
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Quyên bị buộc phải trả lại cho công ty điện lực Quảng Ninh số tiền còn lại là trên 14 tỷ đồng./.
PV
Theo_VOV
Có bỏ án tử hình với tội tham ô, tham nhũng?
Bộ luật Hình sự sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua cuối tuần này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều ý kiến băn khoăn khi bỏ tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và không thi hành án tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về 2 nội dung trên.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Theo Điều 165 của Bộ luật Hình sự thì người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có thể phạt tù 10 - 20 năm. Vậy tại sao lại bỏ tội danh này, thưa ông?
Tôi khẳng định, Bộ luật Hình sự sửa đổi không bỏ tội danh cố ý làm trái, mà quy định cụ thể tội danh này thành 9 tội danh mới, gồm: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất.
Việc cụ thể hóa tội cố ý làm trái thành 9 tội danh khác nhau nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.
Có nghĩa là lâu nay cơ quan bảo vệ pháp luật có sự tùy tiện khi áp dụng Điều 165 của Bộ luật Hình sự?
Điều 165 hiện nay gần như là cái "túi" đựng tội phạm về kinh tế, vì rất chung chung. Nói cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng tùy tiện Điều 165 thì chưa hoàn toàn chính xác, nhưng có thực tế là khi có vụ việc liên quan đến kinh tế, đầu tư, kinh doanh xảy ra, cơ quan công an ban đầu thường khởi tố vụ án, khởi tố bị can "Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
"Thực tế thực hiện Điều 165 cho thấy, nếu muốn làm nhẹ tội, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có thể áp dụng Điều 165. Ví dụ như tội tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ bị xử phạt nặng hơn, nhưng nếu muốn giảm nhẹ tội thì vẫn có thể chuyển qua tội cố ý làm trái" - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Sau khi điều tra, có kết luận thì chuyển sang tội danh khác. Như vậy, quy định này khiến cơ quan bảo vệ pháp luật dễ lạm dụng, vì bất cứ hành vi nào mà không quy được tội khác thì cứ gán cho tội cố ý làm trái.
Thực tế thực hiện Điều 165 cho thấy, nếu muốn làm nhẹ tội, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có thể áp dụng Điều 165. Ví dụ như tội tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ bị xử phạt nặng hơn, nhưng nếu muốn giảm nhẹ tội thì vẫn có thể chuyển qua tội cố ý làm trái.
Ngược lại, bị can nào đó vi phạm tội khác có mức hình phạt nhẹ hơn, nếu muốn xử phạt nặng thì cũng có thể chuyển sang tội cố ý làm trái, thậm chí nhiều hành vi chưa đến mức phải truy tố vẫn có thể bị truy tố vì tội cố ý làm trái.
Ví dụ như hành vi vi phạm chính sách về kinh tế chẳng hạn, hàng năm có biết bao nhiêu chính sách về kinh tế từ luật, nghị định, quyết định, thông tư được ban hành mới; sửa đổi, bổ sung liên tục, bất cứ ai cũng có thể vi phạm và bị truy tố bởi tội danh cố ý làm trái do không nắm được hết.
Nhưng nếu bỏ tội danh cố ý làm trái thì sẽ có nhiều người đang thi hành án vì tội danh này sẽ được coi là vô tội?
Như tôi đã nói, khi tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam, tạm giữ các tội liên quan đến kinh tế, cơ quan bảo vệ pháp luật thường áp vào "Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế", nhưng sau quá trình điều tra, làm rõ tội danh đều truy tố bằng tội danh cụ thể khác. Vì vậy, không có chuyện dừng thi hành án.
Tham ô, tham nhũng, hối lộ đang là quốc nạn. Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định không áp dụng mức án tử hình trong một số trường hợp tham ô tài sản, nhận hối lộ, liệu có đủ sức răn đe loại tội phạm này không?
Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi bỏ hình phạt tử hình với 9 tội danh. Với tội tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ, nếu người nào chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, hoặc lập công lớn thì sẽ được giảm mức án.
Tôi cho rằng, không thi hành án tử hình với trường hợp trên là hợp lý. Vì với những tội phạm này, thiệt hại là về tiền, khi đã đền được rồi thì thiệt hại đã được khắc phục về căn bản. Không thi hành án tử hình đối với tội danh này cũng là thể hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 là "mọi người có quyền được sống".
Theo Mạnh Bôn
baodautu.vn
Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ dầu khí sắp hầu tòa Cuối tháng 11, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Đào Thành Long về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế Theo tin từ TAND TP Hà Nội, cuối tháng 11, cơ quan này sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Đào...