Bà bệnh tim nuôi cháu “mồ côi” trong căn nhà sắp sập
Căn nhà tồi tàn đến nỗi hai bà cháu không dám ở vì sợ sập. Bà Mai bị bệnh tim chẳng dám đi viện vì không tiền. Căn bệnh có thể “cướp” đi tính mạng bà Mai bất cứ lúc nào. Khổ nỗi, bà cháu lại phụ thuộc vào những buổi giặt đồ mướn của bà.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đã xuống cấp từ mấy năm nay mà bà Lưu Hoàng Mai (62 tuổi, ngụ thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cứ thấp thỏm không yên làm chúng tôi cũng lo lắng. Bởi căn nhà của bà Mai đã hư hại nặng, có lẽ chỉ cần một rung lắc nhẹ cũng đủ để làm sập căn nhà này. Cũng vì quá lo sợ mà bà Mai và cháu Khánh Ngọc (9 tuổi, cháu nội bà Mai) đã phải dọn đồ sang nhà người khác trú tạm từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Căn nhà xiêu vẹo của bà cháu bà Mai ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Thật sự, chúng tôi đã từng gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn với những căn nhà xuống cấp nhưng có lẽ căn nhà của bà cháu bà Mai làm chúng tôi chạnh lòng nhất. Bà Mai cho biết, căn nhà đã hư hỏng từ vài năm nay nhưng do quá khó khăn không tiền sửa chữa nên bà chỉ chống tạm chỗ này, nối chỗ kia để ở qua ngày, có lúc bế tắc đành bỏ mặc đó mà đánh liều tính mạng của hai bà cháu.
Bên dưới nền nhà các cột bị đứt gốc chẳng còn bám được vào đất nên toàn bộ căn nhà rất yếu.
Có tận mắt chứng kiến căn nhà, chúng tôi mới thấy được nỗi lo sợ mà bà cháu bà Mai đang đối mặt. Căn nhà đã xiêu vẹo, các cột bị gãy dưới gốc, bên trên thì chồng chéo mấy thanh gỗ để giữ tạm đoạn này, khúc kia; còn hai vách, một bên bằng lá, một bên che tạm bằng tấm cao su chỗ rách, chỗ thủng trông đến thảm sầu. Từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay, bên trong căn nhà hầu như chẳng còn gì ngoài cái giường và cái tủ vì bà cháu không dọn được ra ngoài.
“Bà cháu tui có dám ở đâu, nó hư nặng lắm rồi, chắc là sập bất cứ lúc nào nên phải dọn qua nhà người khác gần đó để mà ở tạm cho an toàn. Bà cháu khó khăn lắm, tui cũng chẳng biết khi nào sửa lại được căn nhà này nữa”, bà Mai bùi ngùi nói.
Bên trên căn nhà chỗ rách, chỗ thủng, chỗ trống trơn được chống đỡ, ghép nối bằng những cây tạm bợ có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Video đang HOT
Chỗ ở đã bi đát, cuộc sống của bà cháu bà Mai lại còn khốn khó hơn. Bà Mai kể, bà có đông con nhưng rồi lấy vợ, gả chồng ra riêng hết nhưng ai cũng nghèo khổ, có người còn đi ở trọ nên chẳng ai giúp ai được gì. Bản thân bà Mai đã nghèo lại phải “gánh” thêm đứa cháu nội. Nhìn cháu Khánh Ngọc, bà Mai xót xa: “Cha mẹ nó chia tay rồi người có vợ, người có chồng khác lúc nó mới hơn 1 tháng tuổi, để lại nó tui nuôi đến giờ. Nhà có tiền có bạc gì đâu nên 9 tuổi cháu nó mới đi học lớp 1. Chú thấy đó, 9 tuổi mà èo ọt lắm”.
Khổ nổi, bà Mai lại bị bệnh tim đã 7, 8 năm nay, chẳng dám làm việc gì nặng nhọc. Để nuôi đứa cháu “mồ côi” ăn học, bà Mai đi giặt đồ mướn cho người ta, mỗi ngày kiếm được hơn chục ngàn đồng. “Mà khổ lắm chú ơi, đâu phải ngày nào cũng có đồ để giặt đâu, có bữa cả tháng chỉ giặt được vài ngày, có bữa bị bệnh hành mệt lắm nên không làm gì được. Bữa nào ở không, chẳng có tiền thì bà cháu rau cháo nuôi nhau tạm sống qua ngày”, bà Mai chạnh lòng.
Cũng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên 1, 2 năm nay bà Mai chẳng có tiền để đi bệnh viện khám bệnh. Bà nói, mấy năm về trước có tiền thì mua được cái bảo hiểm để đi khám. Còn giờ miếng ăn, cái mặc đối với bà còn khó kiếm thì lấy đâu ra tiền để đi bệnh viện, thành ra những lúc bệnh tim hành hạ, bà đành phó mặc tính mạng cho ông trời. “Ngày nào giặt đồ có tiền thì dành ra chút ít mua vài viên thuốc uống tạm cho đỡ mệt, còn bữa nào không có tiền thì nằm nhà chịu trận, chỉ cầu trời cho qua cơn mệt thôi”, bà Mai nghẹn ngào.
Nhìn đứa cháu nội chưa biết đến tình yêu thương của đấng sinh thành, chưa bao giờ gọi tiếng cha, tiếng mẹ như những đứa trẻ khác, bà Mai rất xót xa. Tâm sự với chúng tôi, bà Mai nói bà sợ lắm, sợ căn bệnh tim mỗi ngày hành hạ làm sức khỏe của bà nặng thêm, yếu đi khiến bà có thể ngã xuống bất cứ lúc nào thì đứa cháu “mồ côi” của bà sẽ ra sao.
Với căn bệnh đang mang, nghèo đến nỗi chẳng dám mơ đến được đi trị bệnh, bà Mai nói mà nghe đau như dao cắt: “Mình nghèo lại mang bệnh không tiền chữa trị thì sớm muộn gì cũng đi thôi chú à, chỉ lo là lo thằng cháu nội của tui không biết bấu víu vào ai, khổ cho nó lắm. Thôi thì tui cũng ráng, giờ nuôi được cháu nó tới đâu hay tới đó”.
Bà Mai bị bệnh tim chẳng dám đi viện vì không tiền, hàng ngày còn phải đi giặt đồ mướn để nuôi đứa cháu nội ăn học.
Chúng tôi thấy cháu Ngọc lặng thinh ngồi cạnh bà nội, chẳng biết cháu có hiểu được nỗi lo lắng của bà nội cháu hay không. Khi chúng tôi hỏi cháu có thích học không, cháu Ngọc gật đầu. Cháu Ngọc chẳng nói gì thêm nhưng với cái gật đầu của cháu chúng tôi phần nào hiểu được tương lai của cháu rồi đây sẽ là những tháng ngày vất vả hơn của bà nội cháu. Con đường đến trường của cháu Ngọc chắc sẽ lắm chông gai, trên đó có những thau đồ giặt mướn, những cái gượng cho qua cơn mệt hay có khi là đánh đổi cả những lần bà nội cháu ngất xỉu vì căn bệnh tim đang mang.
Cha mẹ mỗi người mỗi ngã, cháu Ngọc trở thành đứa trẻ “mồ côi” sống nhờ vào sự nuôi dưỡng của bà nội.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Mai cho biết, bà còn một người con trai út tên Trường nhưng cuộc sống cũng lắm khó khăn. Anh Trường đi làm thuê làm mướn vài tháng mới về một lần nhưng tiền bạc chẳng có bao nhiêu. Số tiền kiếm được từ làm thuê cũng chỉ đủ để anh Trường cơm nước qua ngày. Tháng nào con trai có dư chút đỉnh thì gửi cho bà Mai thuốc men chứ chẳng có nhiều hơn nên mọi chuyện “cơm áo gạo tiền” ở nhà của hai bà cháu đều do bà Mai tự lo cả. “Con cái ai cũng nghèo khổ, mỗi đứa lo cho mình còn chưa xong thì lấy đâu gánh thêm bà cháu tui nữa hả chú”, bà Mai nghẹn lòng.
Tâm sự thêm với chúng tôi, bà Mai nói mong muốn của bà giờ chỉ làm sao có tiền để sửa lại căn nhà cho chắc chắn để bà cháu quay về ở cho an toàn. “Mình có nhà mà chẳng dám ở thì có khổ nào hơn hả chú. Có nhà lành lặn để chẳng phải lo canh cánh ngủ mà sợ sập chết hai bà cháu nữa, tui cũng sẽ an tâm kiếm tiền nuôi cháu nội của mình”- lời mong mỏi của bà Mai nghe đến xót xa. Nhưng với tình cảnh tiền không, bệnh hành thì mong muốn đó của bà cháu bà Mai biết khi nào mới có được.
Để giúp bà cháu bà Mai qua cơn khốn khó, rất mong sự sẻ chia của các tấm lòng hảo tâm.
Bà Ong Thị Huệ- Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ thị trấn Gành Hào- cho biết, hoàn cảnh của bà Mai thật sự đang rất khó khăn. Bản thân bà Mai mang bệnh mà chẳng dám đi bệnh viện vì không có tiền. Bà còn phải cố gắng đi làm kiếm tiền để nuôi cháu nội ăn học. Trong khi đó căn nhà của bà đã hư hỏng nặng sẽ sập bất cứ lúc nào.
“Trước tình cảnh này, để bà cháu bà Mai vượt qua khó khăn, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm gần xa cùng chia sẻ, giúp đỡ để bà Mai có điều kiện sửa lại căn nhà và trị bệnh, có sức khỏe lo cho cháu nội của mình”, bà Huệ bày tỏ.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1727: Bà Lưu Hoàng Mai, Ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. ĐT: 0942 444 252 (bà Huệ- Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Thị trấn Gành Hào) 2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học & Dân trí – Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thành Công – Hà Nội. * Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359 Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh – Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002 Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK – MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Huỳnh Hải
Theo Dantri
Người đàn ông "xén" bánh của cháu để nuôi chim trời
"Đến giờ tôi vẫn không sao quên được hình ảnh một con chim câu chết trước mặt mình do bị một thanh niên dùng ná thun bắn. Cả tuần sau, đàn chim câu mới chịu trở lại..." - anh Nguyễn Văn Chương, người đàn ông "xén" bánh bò của cháu để nuôi đàn chim trời, chia sẻ.
Từ nhiều tháng nay, cứ vào tầm 6 - 7 giờ sáng và 14 -15 giờ hàng ngày, người dân lưu thông trên đại lộ Hòa Bình (TP Cần Thơ) lại bắt gặp hình ảnh một người đàn ông khoảng 40 tuổi rải thóc cho đàn chim câu và chim sẻ ăn trên hè đường. Người đàn ông đó là anh Nguyễn Văn Chương - hành nghề bán kiểng lá dạo, cư ngụ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Anh nuôi đàn chim câu, chim sẻ hơn một năm qua bằng... bánh bò và mè của đứa cháu mình.
Anh Chương kể: "Khoảng đầu tháng 2 năm ngoái, tôi đang coi xe bánh bò cho đứa cháu thì thấy khoảng 30 con chim sẻ kéo đến. Thấy vậy tôi lấy mè có sẵn trên xe bánh bò của đứa cháu rải xuống đất cho đàn chim sẻ ăn. Cứ vậy, một ngày, hai ngày, ba ngày... đàn chim sẻ kéo tới mỗi lúc một đông, có thời điểm cả 100 con chim sẻ. Khi tôi nuôi đàn chim sẻ khoảng 1 tháng, bỗng nhiên có thêm 10 con chim câu cũng đến "nhập tịch" và từ đó tôi nuôi luôn cả đàn chim câu".
Ban đầu anh Chương dùng bánh bò của cháu để nuôi đàn chim câu, chim sẻ
Về thức ăn nuôi chim, anh Chương cho biết, ban đầu thấy chúng ít nên anh dùng mè nhưng sau đó đàn chim mỗi lúc mỗi đông, anh lo không nổi nên đành chuyển sang cho ăn bánh bò. Rồi khi đàn chim câu đã lên 20 con, chim sẻ cũng cả trăm con, anh Chương quyết định "chuyển món" cho chim ăn đậu nành, bánh mì... Cuối cùng tiền kiếm được chả đủ nuôi chim trời, anh chuyển qua mua lúa cho chim ăn.
Ban đầu vào mỗi buổi, đàn chim ăn hết khoảng 1kg lúa (khoảng 20.000 đồng). Sau đó công việc buôn bán kiểng ế ẩm, anh đành giảm lượng lúa xuống. Đôi lúc thấy chim còn đói, anh lại "xén" bánh bò của đứa cháu để cho đàn chim ăn.
Vừa rải lúa cho đàn chim ăn, anh Chương vừa chia sẻ: "Có lẽ nuôi lâu nên "mến tay mến chân" với chúng. Do vậy đi đâu 2 -3 ngày là tôi nhớ chúng lắm, nên bây giờ tôi ít đi giao du với bạn bè, khi nào có việc cần đi lắm tôi mới đi. Khi đi vắng tôi cũng gửi lúa lại cho đứa cháu bán bánh bò cho ăn giúp".
Gắn bó với đàn chim đã lâu, anh Chương hiểu sở thích của chúng. Với chim sẻ, món khoái khẩu nhất là lúa và bánh mì. Còn chim câu có thể ăn được nhiều thứ nhưng nơi ăn phải sạch sẽ.
Cả khi anh Chương không cho ăn, đàn chim cũng ríu rít vây quanh.
Anh Chương kể: "Những ngày tôi ra đây trễ, đàn chim câu đến sớm nhưng chúng không bao giờ đến đây. Chúng dạo vòng quanh trước hành lang trụ sở HĐND thành phố hoặc "treo mình" trên cây sao. Chỉ khi nào tôi dùng chổi quét sạch chỗ cho chúng ăn hàng ngày, khi đó chúng mới bay đến".
Hỏi vì sao anh cất công nuôi đàn chim trời, trong khi có nhiều người chỉ thích giết chim để làm món nhậu, anh Chương cười nhẹ: "Tôi nghĩ mình đến chùa, phóng sanh... đó là điều tốt nhưng nếu mình có điều kiện bảo vệ đàn chim sẽ tốt hơn những việc làm hình thức khác. Tôi xem chim như những người bạn, hôm nào đàn chim câu, chim sẻ không về đông đủ hoặc con nào bỏ ăn... tôi thấy lo lắm!".
Rồi giọng anh trầm buồn: "Đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được hình ảnh một con chim câu bị một thanh niên dùng ná thun bắn chết ngay trước mặt mình. Lúc đó tôi giận lắm nhưng chẳng biết làm gì ngoài việc lau vết máu, mang xác bồ câu đi chôn. Dù vậy, cả tuần sau, đàn chim câu mới chịu về đây, nhưng chúng chẳng vui vẻ như trước nữa".
Nguyễn Hành
Theo Dantri
Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng: Chưa có kết luận chính thức về mức kỷ luật Sáng 13/3, cuộc hội đồng kỷ luật vụ nữ sinh bị đánh hội đồng xảy ra tại Trường THCS Lý Tự Trọng diễn ra tại Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Trà Vinh nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức về mức kỷ luật đối với nhóm học sinh. Sáng 13/3, đông đảo phóng viên đến Sở Giáo dục và Đào...