“Ba anh em” – bộ phim cho tôi yêu hơn hai tiếng “gia đình”
Còn nhớ cách đây không lâu, khi bộ phim truyền hình “ Ba anh em” của Hàn Quốc phát trên VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam, cả gia đình tôi ngày nào cũng háo hức chờ đến qua 10h đêm để xem. Không phải là tín đồ của phim Hàn, nhưng tôi đã thực sự bị “Ba anh em” cuốn hút, suốt chiều dài gần 100 tập phim.
Từ những câu chuyện bình thường…
Nội dung của “Ba anh em” không có gì đặc biệt, thậm chí cũng không mới. Phim xoay quanh một gia đình có ba người con trai, mỗi người một tính cách, một suy nghĩ, một số phận khác nhau.
Ba anh em trai trong gia đình họ Kim có tính cách và số phận trái ngược nhau
Người anh cả, Kim Geun Kang (do Ahn Nae Sang thủ vai), có tính cách thụ động, tốt nghiệp đại học nhưng lại không kiếm được công việc như ý. Chuyện tình cảm của Geun Kang cũng gặp nhiều sóng gió khi trải qua 2 cuộc hôn nhân mà vẫn chưa thể ổn định.
Trái ngược với Geun Kang là Kim Hyun Chal ( Oh Dae Gyu), người anh hai sớm phải gánh vác trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ thay vị trưởng nam bất tài. Hyun Chal có đầu óc kinh doanh và giỏi quan hệ xã hội, nhưng lại không mấy thành công trong cách ứng xử với bố mẹ, vợ và các anh em trong nhà.
Cậu út Kim Yi Sang ( Lee Jun Hyuk đóng) dường như là đứa con được cưng chiều nhất, với đầy đủ bản lĩnh của người đàn ông hiện đại, thành đạt, hiếu thảo với cha mẹ, có trách nhiệm với công việc và hết mình với tình yêu.
Vẫn là một mô típ gia đình quen thuộc, vẫn khai thác những câu chuyện cũ trong mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái, câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu, chuyện “bên nội – bên ngoại”, hay con trưởng, con thứ… Những câu chuyện ấy không chỉ có ở Hàn Quốc, mà có lẽ vẫn tồn tại hàng ngày, hàng giờ trong các gia đình Việt nhiều thế hệ. Và có lẽ cũng bởi thế, mà bộ phim trở nên gần gũi với khán giả hơn.
… đến những nhân vật chẳng thể quên
Xem phim, đôi khi tôi cảm tưởng như các diễn viên không hề diễn. Là một bộ phim với dàn diễn viên đông đảo, nhưng dường như không một ai mờ nhạt. Mỗi người đều đã khắc họa thành công nhân vật của họ trong lòng khán giả. Nên ngay cả khi bộ phim đã kết thúc, tôi vẫn muốn được xem lại.
Tôi nhớ anh chàng Geun Kang bất tài trong mắt mọi người, nhưng sống đầy tình cảm và biết quan tâm tới người khác. Tôi nhớ một anh hai Hyun Chal luôn cố gắng vươn lên trong mọi công việc, để rồi nhận ra hạnh phúc gia đình mới là thứ đáng trân trọng nhất. Tôi cũng nhớ cậu ba Yi Sang vì tình yêu mà dám làm tất cả.
Tất cả các diễn viên đều đã rất thành công với vai trò của mình
Nhưng chẳng hiểu sao nhân vật mà tôi nhớ và có cảm tình nhất lại là vai diễn của Kim Hee Jung – trong nhân vật cô con dâu thứ hai Woo Mi. Hee Jung vào vai đạt đến nỗi tôi đã khóc, cười cùng nhân vật của cô ấy.
Video đang HOT
Tôi khóc khi cô ấy khóc thầm trong căn bếp, nơi cô ấy 10 năm quần quật làm việc nhà. 10 năm, Woo Mi từ bỏ ước mơ vào đại học để phục vụ chồng và gia đình chồng. 10 năm, cô không biết đến những cuộc vui tụ tập bạn bè, không biết đến việc ăn diện, trang điểm. 10 năm, Woo Mi chỉ biết đến quần áo bẩn phải giặt, nhà cửa phải quét dọn, cơm canh phải nấu, bát đũa phải rửa…
Tôi đã khóc cả khi Woo Mi lần đầu tiên học trang điểm để mong chồng để ý đến mình. Nhưng do chưa làm bao giờ nên cô biến mình thành nàng hề ngốc nghếch. Tôi cũng khóc cả những đêm Woo Mi nằm trong chăn với các con trong khi chồng cô ngủ ở một căn phòng khác, mua quà tặng cho một người phụ nữ khác…
Nữ diễn viên Kim Hee Jung trong vai cô con dâu Woo Mi
Kim Hee Jung đã không chỉ diễn tròn vai Woo Mi ở khía cạnh nội tâm, mà còn thành công cả ở ngoại hình nhân vật. Tôi vẫn nhớ cái dáng vẻ tất bật, vội vàng của Woo Mi trong phim. Cô ấy lúc nào cũng như muốn chạy đua với thời gian để hoàn thành tốt mọi trách nhiệm với gia đình.
Và những bức thông điệp
Với tôi, “Ba anh em” là một bộ phim “không thể quên”, không chỉ bởi nó mang lại cho tôi những tiếng cười cũng như những giọt nước mắt cảm động, mà bởi đằng sau câu chuyện rất bình thường, bộ phim còn gửi gắm một thông điệp sâu hơn về tình yêu, về ý nghĩa của hai tiếng “mái ấm” trong cuộc đời mỗi con người.
Tôi học được cách yêu thương và quan tâm tới người khác hơn khi chứng kiến cảnh ông bố ( Park In Hwan) kiếm bằng được chiếc bút của người đỗ thủ khoa trong cuộc thi thăng cấp của ngành cảnh sát để đem tặng cô con dâu đang đi học đại học. Người bố chồng cũng là người đầu tiên đồng ý cho con dâu bỏ công việc nhà để đi học tiếp, bởi ông biết đó là ước mơ cả đời của cô. Và hơn ai hết, ông là người thấu hiểu tất cả những nỗi tủi khổ và thiệt thòi mà cô phải chịu đựng trong suốt 10 năm vì gia đình nhà chồng.
Tôi cũng học được cách phải biết nói lời yêu thương và tha thứ cho những người thân yêu khi xem cảnh Geun Kang dẫn mẹ mình đến… nhà tang lễ để bà chứng kiến cảnh những người vợ mất chồng, để bà hiểu rằng chồng bà không còn nhiều thời gian ở bên cạnh bà, và bà nên yêu thương, quan tâm và chia sẻ với chồng hơn là suốt ngày nhiếc móc ông về chuyện kiếm tiền.
Tôi cũng học được cách sống vì mọi người, khi chứng kiến những thành viên trong gia đình họ Kim hy sinh vì nhau, quan tâm đến nhau, người này yêu thương người khác còn hơn cả bản thân mình…
Và điều cuối cùng tôi học được từ bộ phim này, đó là ý nghĩa của hai tiếng thân thương “gia đình” trong cuộc đời mỗi con người. Dẫu ta có mắc bao nhiêu sai lầm, có trải qua bao lần sa ngã, thì gia đình vẫn luôn ở đó, là tổ ấm yêu thương, che chở và luôn rộng cửa để đón ta trở về.
Theo TTVN
Drama Hàn Quốc: Siêu phẩm hay siêu... sạn?
Để đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng tăng cao của khán giả cũng như cạnh tranh với các đối thủ "không đội trời chung", hầu hết những đơn vị chế tác phim ảnh Hàn Quốc đều áp dụng phương pháp sản xuất cuốn chiếu, tức là vừa quay vừa phát sóng.
Nhưng điều này đã vô tình làm giảm chất lượng của từng tác phẩm. Điển hình là sự xuất hiện của hàng loạt kiểu "sạn" lớn nhỏ có đủ. Thậm chí, trong các bộ phim "hàng khủng" cũng không hề thiếu bóng dáng của những chi tiết lỗi. Hãy cùng chúng tớ thử điểm qua các "siêu phẩm" đồng thời cũng là "siêu sạn" của truyền hình xứ kim chi nhé.
1. City Hunter
Trước hết phải kể đến "cơn bão mùa hè 2011" - City Hunter. Sở hữu dàn diễn viên toàn trai xinh gái đẹp cộng thêm nội dung hấp dẫn với những pha hành động gay cấn "thót tim", đáng ra bộ phim đã là hoàn hảo nếu không có những sơ sót ngớ ngẩn.
"Hạt sạn" đầu tiên của "siêu phẩm" này là màn điều tra cực kì tài tình của công tố viên Kim Young Joo (Lee Jun Hyuk). Số là sau bao nhiêu khó nhọc, anh đã phát hiện ra địa chỉ IP 192.168.1.123 của Nhà Xanh - nơi Lee Yoon Sung (Lee Min Ho) làm việc có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, theo một số người hiểu biết thì IP dạng 192.168.1.xxx là địa chỉ mạng nội bộ, không thể kết nối được với Internet. Vì thế, việc theo dõi máy tính có IP này là chuyện bất khả thi.
Ngoài ra, City Hunter còn lãnh một "điểm trừ" to tướng về việc Park Min Young sử dụng thế thân. Mặc dù đóng thế là chuyện vô cùng phổ biến nhưng điều đáng nói ở đây là trước đó không lâu, nhà đài đã mạnh miệng tuyên bố, Park Min Young sẽ đích thân thể hiện những pha hành động trong phim. Thế nên khi mọi chuyện vỡ lẽ, đông đảo khán giả đã vô cùng tức giận.
2. The Moon Embracing The Sun
Nhắc đến những "siêu phẩm" đồng thời là "siêu sạn" mà bỏ qua "bom tấn cổ trang" The Moon Embracing The Sun thì quả là một thiếu sót lớn. Với tỷ suất bạn xem đài cao ngất ngưởng, "con cưng nhà MBC" hoàn toàn xứng đáng là "ông hoàng" của bảng xếp hạng rating. Thế nhưng, ngoài danh hiệu mỹ miều này, dự án cũng giật luôn giải không-ai-muốn: Phim truyền hình lắm sạn nhất.
Với sự cẩu thả trong khâu biên tập, The Moon Embracing The Sun đã bị bắt "giò" ngay từ những tập phim đầu tiên. Chuỗi "sạn" mở màn bằng sự xuất hiện của 2 "kẻ phá đám": thứ nhất là những "vị khách không mời" trong cảnh Thái tử Lee Hwon (Kim Soo Hyun) đá bóng và thứ hai là chiếc áo khoác "lỗi thời" của Yeom (Im Si Wan).
Chưa dừng lại đó, đoàn phim tiếp tục lao đao khi dân tình đột nhiên nhận ra mái tóc "lộn màu" của Yang Myung (Jung Il Woo). Mang tiếng là Hoàng tử dưới triều đại Chosun mà tóc của anh chàng lại nhuộm nâu. Điều này quả là không bình thường chút nào.
Tưởng chừng sau 3 lần bị "muối mặt", toàn bộ ê-kíp sẽ cẩn thận hơn nhưng thực tế thì không phải vậy. Trong phần cuối của bộ phim, đông đảo khán giả đã "té ngửa" vì phát hiện The Moon Embracing The Sun... chuộng hàng Trung Quốc. Bằng chứng là những sản phẩm "hàng nhập" dán mác "Made in China" có mặt ở khắp mọi nơi.
3. Rooftop Prince
Tác phẩm cuối cùng mà chúng tớ muốn đề cập đến là Rooftop Prince - một trong những bộ phim Hàn Quốc "hút khách" nhất hiện nay. Xét về mặt rating, tác phẩm có phần "lép vế" so với những "đàn anh" kể trên. Nhưng nếu xét về số lượng "sạn" thì "con át chủ bài" mới của SBS không hề thua kém.
Ngay tập 5, những khán giả tinh mắt đã tình cờ trông thấy 2 số máy "lạ" trong điện thoại của nhân vật Tae Mu do Lee Tae Sung thủ diễn. Một số thuộc về chính... Lee Tae Sung và số còn lại là của nữ diễn viên Jung Yoo Mi (vai Hong Se Na). Một số người xem liền băn khoăn, liệu có phải điện thoại của Tae Mulà "đồ mượn" hay không?
Ít lâu sau đó, người hâm mộ của "Hoàng tử gác mái" lại tiếp tục được một phen xôn xao vì sự kiện thẻ VIP "dỏm" của Thái tử Lee Gak (Park Yoo Chun). Mặc dù anh chàng Lee Gak luôn sử dụng nó như là một thẻ tín dụng không giới hạn nhưng thực tế, đó chỉ là... thẻ quà tặng có giá trị vào khoảng 100 ngàn won (chưa đến 2 triệu đồng) mà thôi.
Kết:
Xét theo khía cạnh xấu, trong những lỗi trên có không ít chi tiết thể hiện sự cẩu thả của ê-kíp làm phim. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực hơn thì không thể phủ nhận rằng phim càng nổi, cấp độ "bị xoi mói" càng gia tăng. Đôi khi, những trò "bắt lỗi" của người xem xứ Hàn cũng hơi "kĩ quá"!
Dù sao thì chúng ta vẫn có quyền được mong đợi thưởng thức món ăn "sạch" trên truyền hình. Hy vọng các nhà làm phim xứ Hàn sẽ thận trọng hơn trong những dự án sắp tới của mình.
Theo TTVN
Moon Chae Won rơi vào cảnh túng quẫn Từ một gia đình giàu có Moon Chae Won bị đẩy vào cảnh "tan cửa nát nhà" khi bố cô lâm trọng bệnh. Tuy nhiên đó chỉ là một vai diễn mới mà ngôi sao sinh năm 1986 sẽ đảm nhận trong bộ phim Không sao con gái yêu của bố. Không sao con gái yêu của bố xoay quanh câu chuyện gia...