Bà 80 tuổi chăm 3 cháu mồ côi
Người ta bảo ngôi nhà bà xây đúng vào giờ kim lâu nên mới có kết cục đau đớn như thế. Nếu không bỏ nhà, bỏ đất mà đi thì đến mầm sống nhỏ nhoi nhất cũng không thể đâm chồi mà lớn được. Ngôi nhà chứa chất đầy đau thương ấy là cuộc đời của bà Hoàng Thị Huệ, xóm Miếu (Long Châu, Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội).
Sau cái chết đầy tang thương của con trai và con dâu, 3 đứa cháu nội không nơi nương tựa lại là gánh nặng trên đôi vai gầy gò của bà. Hai trong ba đứa mắc bệnh tâm thần và down bẩm sinh.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Huệ, xóm Miếu, Long Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội thì bà đang đi kiếm củi, đứa cháu út 13 tuổi, Nguyễn Ngọc Linh mới khóa trái cửa đi đâu đó.
Một lúc sau, bà Huệ về đến sân với đống củi to. Không khí oi nồng của thời tiết vùng “bán sơn địa” làm chúng tôi bức bối. Bà lão lặng lẽ đi vào nhà mang ra một ấm trà muồng muồng lạc pha sẵn. Lau vội chiếc ghế đã sắp gãy tay vịn, bà mời chúng tôi ngồi uống nước.
Ngôi nhà của bà Huệ
Bà Huệ năm nay đã hơn 80 tuổi, sống cuộc sống vợ chồng gần 30 năm, được 5 mặt con thì 2 đứa chết yểu. Nhà nghèo, con nhỏ, chồng bà lao động cực nhọc, bị lao lực mà chết, một tay bà nuôi dạy 3 người con đến tuổi dựng vợ gả chồng.
Tưởng chừng như cuộc sống bớt cơ cực hơn, vậy mà bi kịch lại bất ngờ ập đến. Anh con trai thứ hai, Nguyễn Ngọc Thiệu (49 tuổi) đang khỏe như vâm, chăm lo 4 sào lúa, đi theo công trình xây dựng khắp nơi, lúc đi đội xi măng, đội cát phụ vôi, xúc vữa… thì bỗng sức khỏe ngày càng suy kiệt. Anh đau ốm liên miên nhưng vẫn cố đi làm để có tiền nuôi con.
Nhưng, một buổi chiều cách đây 2 năm, khi đang nghỉ ốm ở nhà, anh Thiệu nói với mẹ là thèm ăn thịt chó, bà Huệ lập cập dốc hết số tiền tích cóp mua cái đùi chó cho con. Khi bà vê đến sân thì hãi hùng, hét lên thất thanh. Trên chiếc sân đá cao gần nửa mét, nhìn từ xa, bà thấy con trai đi loạng choạng rồi ngã “phủ phục” trước cửa nhà. Bà liêu xiêu chạy đến ôm con gào khóc: “Đến miếng ăn ngon cuối cùng con cũng không được ăn rồi con ơi”.
Video đang HOT
Bà mân mê chiếc xích khóa chân những đứa cháu bà
Sau cái chết của chồng, chị Vương Thị Xuyến (con dâu bà Huệ) đau đớn đến ngây dại. Nằm ở nhà được một tuần, chị lặng lẽ ôm quần áo bỏ đi.
Chẳng ai biết chị Xuyến bỏ đi đâu, mọi người tìm kiếm khắp nơi không thấy tung tích. Đến ngày thứ ba thì bà nhận được hung tin khi thằng cháu hơn 10 tuổi hớt hải chạy từ đầu làng về thông báo, mẹ nó chết ở bờ ao đầu làng, xác đã nổi lên. Từ đây, căn nhà của bà lại càng vắng lặng nhưng những đứa cháu bệnh tật, nheo nhóc vẫn cần bàn tay bà chăm sóc, bà không thể ngã ngục được.
Nỗi đau không bao giờ dứt
Sau đám tang của hai người con, cô cháu gái Nguyễn Ngọc Thúy, năm nay 25 tuổi cũng bỏ đi biệt xứ. Bà chật vật nuôi hai đứa cháu trai, một đứa bị down bẩm sinh, một đứa mới lên 10… Đôi mắt đỏ hoe, bà Huệ nhìn ra xa xăm và kể: “Cái Thúy học hết lớp 9, lên lớp 10 thì bỏ ngang ở nhà kiếm tiền phụ bố mẹ. Ai ngờ, trước khi bố nó mất 2 tháng, nó bị kẻ xấu dụ dỗ đi chơi, rồi bắt đi sang Trung Quốc”.
Sau 5 tháng mất tích, Thúy trốn được về nhà với tấm thân như bị ma làm. Căn bệnh tâm thần tiềm ẩn trong người Thúy giờ đây mới bộc phát. Bà Huệ nhăn nhó kể lại: “Ngày trở về, tôi không nhận ra nó, gầy đi nhiều và đen sạm, tóc cắt kiểu người Trung Quốc, thi thoảng lại xì xồ nói vài câu tiếng bên đấy”.
Thúy điên, cứ nhìn thấy đàn ông con trai là lại lên cơn. Cô la hét, cầm đất đá, gậy gộc đuổi không cho họ đến gần mình. Sau những lần lên cơn như vậy, Thúy lại bỏ đi đâu không rõ, khi ổn định tinh thần, cô lại lếch thếch về nhà. Một bà già lọm khọm không thể trông nom được đứa cháu tâm thần, bà Huệ quyết định xích Thúy vào chân giường.
Ước mong duy nhất của bà là đứa cháu út lên người
Đứa cháu thứ hai của bà Nguyễn Ngọc Trung đã 20 tuổi mà vẫn như một đứa trẻ, không nói được cũng chẳng nhận biết được mọi thứ. Trung bị bệnh down bẩm sinh. Con dâu bà Huệ mang thai Trung khi bị bệnh, thấy người mệt, chị đi cắt thuốc uống. Ai ngờ, Trung lớn dần lên trong bụng nhưng chỉ có da và xương, đẻ ra thì tròn như quả bóng, chân tay co quắp, đầu óc cũng không phát triển được. Đến năm 10 tuổi, Trung vẫn không thể nói được một câu hoàn chỉnh, suốt ngày ú a ú ớ trong miệng. Muốn cái gì lại phải ra hiệu bằng chân tay, không vừa lòng phải ý là Trung khùng lên đập phá đồ đạc và bỏ đi, dỗi cơm mấy ngày liền.
Bà Huệ ngấn nước mắt khi kể về Trung: “Nó không nói được, nghe người ta mách, tôi cứ đi chợ thấy ai ăn cái bánh, trái cây là tôi rình. Khi họ bắt đầu đưa lên miệng là tôi chạy đến cướp, rồi chạy về nhà dỗ dành cho cháu ăn. Mãi rồi người ta cũng quen với việc đó nên không ai trách mắng cả, đứa cháu của tôi cũng bập bẹ được vài từ: bà ơi, mẹ ơi…” .
Trong căn nhà ọp ẹp, bà Huệ đành phải xích hai đứa cháu mỗi đứa một góc. Đêm ngày, chúng la hét đòi đi.
Được sự hỗ trợ của địa phương, Thúy được chữa trị tại trung tâm bảo trợ xã hội ở Ba Vì, còn Trung thì ở trung tâm bảo trợ xã hội huyện Ứng Hòa. Hiện nay căn nhà trống hoác của bà chỉ còn hai bà cháu.
Cặm cụi kéo từng xô nước đổ vào chum, bà Huệ chuẩn bị bữa tối cho đứa cháu út. Linh đi chơi vẫn chưa về. Bà lại lủi thủi một mình. Linh là mầm sống cuối cùng của gia đình bà, là chỗ dựa cho bà về tuổi già.
Mân mê chiếc xích sắt bên đầu giường, bà Huệ nói: “Mong sao cho đứa út nên người, chứ không bà chẳng trông cậy được vào ai. Sau này bà mất đi thì hai đứa bệnh cũng còn người nương tựa”.
Theo 24h
Chọn 'cửa' nào nếu trượt đại học?
Đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH,CĐ đã công bố điểm thi. Bên cạnh niềm vui nhưng không ít thí sinh phải đối mặt với áp lực khi thi trượt.
Ngay sau khi biết điểm thi một số thí sinh biết có khả năng không đỗ ĐH đã có những hành động rất tiêu cực như tự sát, bỏ nhà hoặc rơi vào chứng bệnh tự kỷ...
Sụp đổ khi trượt đại học
Thành Nam (thi trường ĐH Kinh doanh và công nghệ, Hà Nội) đã có những biểu hiện lạ như căng thẳng, ngẩn ngơ chỉ vì biết điểm thi không đủ xét tuyển vào trường CĐ như dự tính. Cả nhà "tá hỏa" khi thấy Nam tự giam mình trong phòng, nếu có ra ngoài thì tâm trạng lúc nào cũng bần thần hoặc thẫn thờ. Thấy Nam như vậy gia đình liền tổ chức một chuyến đi nghỉ mát vào Đà Nẵng. Sau đó, tìm cách khuyên bảo, động viên Nam.
Thí sinh cần dũng cảm để vượt qua áp lực thi cử (Ảnh: Kim Anh)
Không dễ nguôi ngoai như Nam, Thu Phượng (thi trường ĐH Khoa học tự nhiên, Hà Nội) là một học sinh giỏi suốt 12 năm học nên việc đỗ ĐH là một chuyện đương nhiên. Thế nhưng khi chỉ đạt 16 điểm khối A Phượng đã rất sốc. Phượng không đi ra ngoài, bẻ sim điện thoại, không liên lạc với ai. Cảm giác mất tất cả rồi lo sợ... luôn ám ảnh Phượng.
Tận dụng mọi cơ hội
TS Lê Thị Thanh Mai, Phó trưởng ban Đại học và Sau Đại học, thành viên Nhóm nghiên cứu hướng nghiệp ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng cơ hội học tập đối với học sinh tốt nghiệp THPT là rất nhiều. Các em không nên có tâm lý chờ thi lại năm sau, trừ ngành y. Nên chọn ngành gần giống để đăng ký đi học luôn ở trường khác. Chưa kể, khi học những trường đa ngạch, đa lĩnh vực, các em có thể học và tích lũy thêm tín chỉ ở ngạch khác. Khi đủ điều kiện tốt nghiệp ngạch 1, các em có thể đồng thời đăng ký tốt nghiệp ngạch 2.
Phụ huynh phải ý thức rõ con đường lập nghiệp của trẻ không phải duy nhất là ĐH, mà còn nhiều hình thức khác. Đừng đặt kì vọng quá cao như thế là tạo ra sức ép vì còn phụ thuộc vào khả năng, năng lực, trình độ... của các em. Ngay bản thân học sinh cũng nên ý thức nếu có năng lực thật sự thì mới thi ĐH. Gia đình cần động viên, không tạo sức ép cho học sinh, và giáo dục cho trẻ biết chấp nhận thất bại. Học sinh phải chọn lựa công việc phù hợp với năng lực và đam mê của mình. Và cần thay đổi cách nhìn không chỉ có ở thành phố lớn mới lập nghiệp được.
PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan
Học liên thông từ trung cấp lên CĐ, ĐH là phương án được lựa chọn nhiều. Bốn năm trước Lê Mỹ Nhuần (ĐH Bình Dương, Bình Dương) đã từ chối giấy trúng tuyển ngành Thủy sản (ĐH Quảng Bình, Quảng Bình) để vào Nam học kế toán. Ban ngày làm bảo mẫu, tối đi học, Nhuần tự đảm bảo cuộc sống cho mình, lại vừa có tiền gửi về cho gia đình. Tốt nghiệp trung cấp, đi làm, Nhuần tiếp tục học liên thông lên ĐH. Hiện nay, Nhuần đang là sinh viên năm cuối ĐH Bình Dương. Nhuần chia sẻ, tuy chậm hơn các bạn cùng trang lứa song em không hối hận về lựa chọn của mình.
TS Mai chia sẻ thêm văn hóa Việt Nam xưa nay con cái được cha mẹ bao bọc kĩ nên sự tự lập không được như trẻ nước ngoài. Cho nên, chỉ cần gặp thất bại nào đó các em rất dễ bị hụt hẫng. Trường hợp này, cứu cánh duy nhất cho các em là phụ huynh. Vì vậy trong tương lai, giáo viên nên tạo những tình huống để các em biết xử lý khi gặp thất bại và nên tạo môi trường để trẻ em tự lập nhiều hơn. Đối với những thí sinh có khả năng đỗ ĐH nhưng trong quá trình thi do sơ suất trượt, các em sẽ dễ buồn chán nhưng cần bình tĩnh, đọc kỹ thông tin NV2 của các trường trong cùng nhóm ngành quan tâm để chọn lựa. Còn nhóm thí sinh muốn thử sức mình dù biết rằng không vào được trường thì khi có kết quả nên chọn NV2 sát với mức điểm của mình hơn.
Theo Đất việt
Có nên bỏ nhà theo anh? Tôi có nên theo anh xây dựng gia đình riêng không? Tôi phải làm gì để tốt cho tất cả đây? Tôi và anh gặp nhau khi tôi vào cửa tiệm anh sửa máy tính, lúc đó tôi chẳng hề để ý gì đến anh ngoài việc anh ăn nói rất nhỏ nhẹ, tôi nghĩ có lẽ người buôn bán phải như vậy...