B-52 Mỹ thách thức Trung Quốc ở Hoa Đông
Căng thẳng ở biển Hoa Đông tiếp tục gia tăng sau khi Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-52 xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới thành lập của Trung Quốc.
Ảnh minh họa
Các chiếc B-52 xuất phát từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam và vượt qua quãng đường hơn 2.414 km về hướng tây bắc, đi qua ADIZ của Trung Quốc mà không thông báo sớm cho phía Bắc Kinh. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết không thấy máy bay Trung Quốc liên lạc hoặc quan sát trong lúc 2 chiếc B-52 bay qua khu vực. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố trên website rằng không quân nước này đã theo dõi toàn bộ quá trình “xâm nhập” ADIZ của B-52 Mỹ vào ngày 26.11. Khi công bố thành lập ADIZ, Trung Quốc cảnh báo sẽ áp dụng “những biện pháp phòng vệ khẩn cấp” đối với máy bay không tuân thủ yêu cầu khai báo danh tính trước khi đi vào khu vực này.
Trước câu hỏi về cách xử lý các vụ xâm nhập trong tương lai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói nước này sẽ có “phản ứng thích đáng”, tùy thuộc vào “tình hình và mức độ đe dọa”. Giới chuyên gia đánh giá phản ứng của Nhật Bản và đồng minh Mỹ làm gia tăng nguy cơ xung đột giữa Bắc Kinh với Tokyo.
Video đang HOT
Hãng Reuters dẫn lời chuyên gia Tôn Triết thuộc Đại học Thanh Hoa nhận định nếu Mỹ tiếp tục triển khai thêm 2 hoặc 3 chuyến bay như vậy, Trung Quốc buộc phải phản ứng để giữ thể diện. Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), lực lượng không quân hải quân nước này vừa tiến hành cuộc tập trận ở Hoa Đông sau khi tuyên bố lập ADIZ. Hàng chục chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đã diễn tập không chiến và đánh chìm tàu chiến trong cuộc tập trận.
Trong khi đó, theo yêu cầu của chính phủ Nhật Bản, các hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và ANA Holdings đã ngưng cung cấp lịch trình bay và các thông tin khác cho phía Trung Quốc trong ngày 27.11. Kết quả là các chuyến bay diễn ra thuận lợi và an toàn khi đi qua ADIZ. Từ đó, Hiệp hội Hàng không Nhật Bản kết luận an toàn của hành khách không bị đe dọa khi từ chối yêu cầu cung cấp thông tin của Trung Quốc. Cũng trong ngày 27.11, quốc hội Nhật đã thông qua dự luật thành lập Hội đồng An ninh quốc gia theo mô hình của Mỹ.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 27.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez khẳng định việc Trung Quốc điều tàu sân bay Liêu Ninh cùng các tàu khu trục và tàu hộ tống xuống biển Đông huấn luyện “làm gia tăng căng thẳng và vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”, theo Reuters.
Theo TNO
Mỹ điều máy bay ném bom B-52 'dằn mặt' Trung Quốc và 'kiềm chế' Nhật
Mỹ điều hai máy bay ném bom B-52 bay qua vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc, không chỉ "dằn mặt" Bắc Kinh mà còn để "kiềm chế" Nhật Bản.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ - Ảnh: AFP
Bà Anne-Marie Slaughter, cựu giám đốc kế hoạch chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, đưa ra nhận định trên trong diễn đàn an ninh tại Trung tâm An ninh Mỹ ở thủ đô Washington ngày 26.11, theo trang tin Want China Times ngày 27.11.
Đối với Trung Quốc, việc Mỹ điều máy bay ném bom B-52 cất cánh từ đảo Guam vào ngày 25.11 là nhằm để ngăn chặn Bắc Kinh "ăn hiếp" đồng minh Nhật Bản.
Nhưng đối với Nhật Bản, bà Slaughter cho rằng động thái trên của Mỹ là để ngăn chặn nguy cơ Tokyo "mất kiềm chế" với Trung Quốc.
Trung Quốc hôm 23.11 đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo tranh chấp Nhật - Trung Senkaku/Điếu Ngư.
Vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc chồng lấn lên vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối.
"Việc Mỹ điều động máy bay ném bom B-52 là nhằm cảnh báo Nhật Bản không nên có những hành động thái quá, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực", bà Slaughter nói.
Ông Robert Kaplan, một cựu quan chức Ủy ban Chính sách Quốc phòng của Lầu Năm Góc, cho biết Mỹ điều động máy bay ném bom B-52 là nhằm thể hiện Washington bảo vệ Nhật Bản, đồng thời cho thấy Mỹ phản ứng nghiêm túc trước động thái của Trung Quốc.
Theo Bloomberg, máy bay ném bom B-52 không có trang bị vũ khí cất cánh từ đảo Guam của Mỹ vào ngày 25.11 và bay qua vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc mà không thông báo trước.
Đây là một động thái của Mỹ được cho là để "thách thức" Trung Quốc, do Bắc Kinh yêu cầu các hãng hàng không phải thông báo lịch trình qua vùng này.
Theo TNO
Radar Trung Quốc không thấy được máy bay B-52 Mỹ? Trung Quốc tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay nào xâm phạm vùng nhận dạng phòng không mới của nước này. Tuy nhiên, máy bay ném bom B-52 của Mỹ vừa bay qua vùng này nhưng không hề hấn gì. Các chuyên gia quốc phòng đặt ra nghi vấn có thể radar phòng không Trung Quốc không "thấy" máy bay Mỹ....