B-21 – đỉnh cao mới của oanh tạc cơ tàng hình Mỹ
Có kích cỡ nhỏ hơn, nhưng B-21 sẽ được trang bị công nghệ tàng hình và hệ thống tác chiến điện tử ở tầm cao mới so với oanh tạc cơ tiền nhiệm B-2.
Hình vẽ phác thảo oanh tạc cơ tàng hình B-21 thế hệ 5 của Mỹ. Ảnh: USAF
Hôm 26/2, không quân Mỹ ra mắt bản phác họa và định danh cho oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 5 của họ là máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-21. Nhiều thông tin chi tiết mới được hé lộ cho thấy B-21 sẽ là mẫu oanh tạc cơ vượt trội về công nghệ so với chiếc máy bay tiền nhiệm B-2.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interestcho rằng B-21 có hình dáng giống một cách kinh ngạc với mẫu Máy bay Thâm nhập Chiến lược Tối tân (ASPA) và sau đó là Oanh tạc cơ Công nghệ Tiên tiến từ thập niên 1980, tiền thân của chiếc B-2. Tuy nhiên, B-2 sau đó được thiết kế lại để bay thấp sau khi tiến sĩ Paul Kaminski, người hiện giữ chức chủ tịch Ủy ban Khoa học Quốc phòng Mỹ, cảnh báo rằng B-2 có thể phải thâm nhập tầm thấp bởi các radar mới và nhạy bén hơn do Liên Xô chế tạo có thể phát hiện máy bay tàng hình tầm cao.
Theo Majumdar, với thiết kế của B-21, không quân Mỹ sẽ đưa công nghệ tàng hình của B-2 lên một tầm cao mới. Thiết kế tàng hình của B-21 sẽ đối phó hiệu quả hơn với các radar tần số thấp ở các dải tần UHF và VHF vốn ngày càng được sử dụng phổ biến để chống lại máy bay tàng hình. Trước đó, hồi năm 2012, tham mưu trưởng không quân Mỹ, tướng Norton Schwartz từng thừa nhận oanh tạc cơ tàng hình B-2 đang ngày càng khó sống sót khi thâm nhập vùng phòng không dày đặc của đối phương.
Thiết kế của B-21, tương tự như thiết kế oanh tạc cơ tầm cao ban đầu của B-2, nhằm đối phó với các radar dải tần thấp có thể phát hiện và theo dõi các tiêm kích tàng hình cấp chiến thuật như F-22 và F-35.
Với việc các radar dải tần thấp ngày càng được triển khai nhiều để đối phó với máy bay tàng hình, thiết kế cánh bay của B-21 phải đủ lớn để đối phó với các radar này.
Để có thể chống lại được radar dải tần thấp có bước sóng dài hàng mét đến hàng chục mét, thiết kế của máy bay tàng hình phải đảm bảo không có bộ phận nào trên máy bay quá nhỏ để gây ra hiện tượng cộng hưởng sóng radar. Hiện tượng cộng hưởng xảy ra khi một bộ phận trên máy bay, chẳng hạn như phần cánh đuôi, có kích thước nhỏ hơn 8 lần so với bước sóng radar.
Video đang HOT
Điều này có nghĩa là oanh tạc cơ B-21 cần phải được phủ ít nhất 60,96 cm lớp sơn vật liệu hấp thụ radar trên mọi bề mặt – điều hoàn toàn bất khả thi trong thực tế – hoặc các nhà thiết kế buộc phải tối ưu hóa vào dải tần mà máy bay hoạt động. Do đó, để đánh bại các radar tần thấp như các dải tần L, UHF và có thể là VHF, B-21 buộc phải được thiết kế dạng cánh bay, nghĩa là toàn bộ phần thân và cánh máy bay gần như được hòa thành một khối, biến cả chiếc máy bay thành một chiếc “cánh” khổng lồ.
Về cơ bản, thiết kế “cánh bay” nhiều góc cạnh, không có cánh đuôi của B-21 và B-2 giúp giảm tiết diện radar tần thấp đến mức hòa vào nhiễu nền của các hệ thống radar UHF/VHF, khiến chúng gần như trở nên vô hình đối với radar.
Động cơ và khả năng gây nhiễu điện tử
Bản phác họa của B-21 cũng hé lộ một số manh mối về cấu hình của chiếc oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 5 này, dù phần lớn thông số vẫn được giữ kín. Oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 5 này dự kiến được biên chế vào thập niên 2020, nghĩa là nó sẽ sử dụng mẫu động cơ hiện nay bởi phải mất nhiều thời gian và tiền bạc cùng nhiều rủi ro để phát triển một động cơ tuốc-bin mới.
Ngoài ra, động cơ này phải có ưu thế về khả năng tàng hình, nên gần như chắc chắn B-21 sẽ không sử dụng biến thể động cơ máy bay thương mại hiệu suất cao bởi nó có đường kính rất lớn. Nhiều khả năng động cơ của B-21 sẽ là một biến thể của động cơ quân sự hiện nay như Pratt&Whitney F100 trên tiêm kích F-15, F-16 hay General Electric F110, loại động cơ gốc được cải tiến để sử dụng cho oanh tạc cơ B-1 và B-2.
Oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit của không quân Mỹ. Ảnh: USAF
Tuy nhiên, ứng cử viên động cơ sáng giá nhất cho B-21 là Pratt & Whitney F135, cung cấp lực đẩy khô tới 12,7 tấn. Với một số điều chỉnh nhỏ, một biến thể của F135 có thể sản sinh lực đẩy 13,6 tấn mà vẫn có thể tăng hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu. Với hai động cơ F135 này, B-21 có lực đẩy nhỏ hơn 31,7 tấn của B-2, chứng tỏ kích thước của B-21 có thể sẽ nhỏ hơn một chút so với Spirit.
Nếu B-21 có kích cỡ nhỏ hơn B-2, các nhà thiết kế phải cân nhắc giữa tầm hoạt động và tải trọng. Theo ông Majumdar, tầm hoạt động của oanh tạc cơ B-21 sẽ ít nhất là tương đương với B-52, tức là từ 6.437 đến 8.046 km, và nó không nhất thiết phải mang theo lượng vũ khí bằng B-2 mà chỉ cần mang theo vũ khí lớn nhất sẵn có hiện nay là bom “sát thủ boong ke” GBU-57A/B MOP.
Cũng có dấu hiệu cho thấy không quân Mỹ đang có kế hoạch tích hợp năng lực tấn công điện tử quan trọng vào khung máy bay B-21 và các máy bay tấn công tầm xa khác. Năng lực tấn công điện tử rất cần thiết để đối phó với radar tần thấp hoạt động ở dải tần VHF vốn gần như không thể đánh bại bằng bộ khung máy bay và vật liệu tàng hình.
Trên thực tế, công nghệ tàng hình không giúp máy bay hoàn toàn vô hình, mà chỉ làm giảm khả năng và thời gian bị phát hiện của máy bay. Bởi vậy, các chuyên gia ở Trung tâm Tác chiến Không quân Mỹ (AFWC) đã phải thừa nhận giá trị của các biện pháp gây nhiễu điện tử trên máy bay tàng hình, biện pháp giúp B-21 có khả năng sống sót cao hơn trên chiến trường.
Không quân Mỹ dường như đang phát triển một hệ thống điện tử thông minh. B-21 chắc chắn sử dụng một hệ thống máy tính cấu trúc mở, chứ không phải dạng cấu trúc đóng cổ lỗ khó tích hợp vũ khí mới như trên F-22.
Với thiết kế và các công nghệ mang tính đột phá, oanh tạc cơ tàng hình B-21 thực sự là một mẫu máy bay ném bom tầm xa thế hệ 5 như kỳ vọng, thể hiện sức mạnh và khả năng răn đe của không quân Mỹ, ông Majumdar nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
B-21 - mẫu oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 5 của Mỹ
Oanh tạc cơ mới được định danh này sẽ sở hữu nhiều tính năng tối tân về công nghệ tàng hình, cảm biến, năng lực xử lý thông tin và tấn công mục tiêu.
Hình vẽ phác thảo oanh tạc cơ tàng hình B-21 thế hệ 5 của Mỹ. Ảnh: USAF
Ngày 26/2, không quân Mỹ quyết định đặt tên cho oanh tạc cơ thế kỷ 21 của mình là "máy bay ném bom tấn công tầm xa B-21", do nhà thầu quốc phòng Northrop Grumman chế tạo, theo Flightglobal.
B-21 được xác định là oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 5 của Mỹ, với thiết kế cánh bay không có cánh đuôi, giống với oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit ra đời cách đây 21 năm.
Trong thế kỷ 21, không quân Mỹ vẫn chưa sắm được một máy bay ném bom chiến lược mới nào và vẫn phải phụ thuộc vào oanh tạc cơ B-52H của Boeing ra đời cách đây 54 năm và oanh tạc cơ B-1B Lancer 28 năm tuổi. Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit mới hơn nhưng số lượng không nhiều, và dự kiến hoạt động đến thập niên 2060, theo các quan chức Mỹ.
"Nền tảng tấn công chính xác toàn cầu thế hệ 5 của chúng tôi sẽ có năng lực cảm biến - tấn công kết nối mạng để uy hiếp mục tiêu theo phương thức mà thế giới và các đối thủ của chúng tôi chưa bao giờ thấy", Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James nói.
Tên gọi B-21 của oanh tạc cơ thế hệ 5 này trái với dự đoán của nhiều chuyên gia rằng nó sẽ được gọi là B-3 để kế thừa các oanh tạc cơ trước đó là B-1 và B-2.
Cho đến nay oanh tạc cơ B-21 vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn bởi thiết kế của nó vẫn được giữ bí mật. Khác với các oanh tạc cơ khác như Stratofortress (Pháo đài bay) B-52, B-1B Lancer (Kỵ binh) hay B-2 Spirit (Bóng ma), B-21 vẫn chưa có biệt danh và sẽ được không quân Mỹ đặt trong thời gian tới.
Tính năng đầy đủ của oanh tạc cơ B-21 vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nó chắc chắn sẽ được tích hợp công nghệ tàng hình tối tân của Mỹ, khả năng hoạt động tầm xa, mang theo nhiều vũ khí và có thể sẽ có năng lực tự động hóa. Ngoài việc mang nhiều bom đạn, nó được cho là oanh tạc cơ có nhiều tính năng thông minh về bộ cảm biến, mạng kết nối và năng lực hợp nhất dữ liệu cùng khả năng phát động chiến tranh điện tử và trinh sát.
Oanh tạc cơ tàng hình mới của Mỹ sẽ có chi phí phát triển 23,5 tỷ USD, giá thành mỗi chiếc dự kiến là 564 triệu USD, theo ước tính của chính phủ Mỹ. Nếu không quân Mỹ vượt qua được mọi trở ngại, oanh tạc cơ B-21 sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2025.
Duy Sơn
Theo VNE
5 vũ khí Nga xuất hiện lần đầu đầy chết chóc tại Syria Chiến dịch không kích của Nga đang diễn ra tại Syria có thể đã không trở thành một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, nếu không có sự hỗ trợ của các loại vũ khí hiện đại nhất của nước này. Máy bay tiêm, cường kích Sukhoi Su-34, được lực lượng không quân và vũ trụ Nga tiếp nhận năm 2015, đã...