Azerbaijan cho rằng “CH Nagorno-Karabakh” là do Armenia dựng lên
Phía Azerbaijan đưa bằng chứng chứng minh “ CH Nagorno-Karabakh” là chế độ do Armenia dựng lên nhằm chống phá Azerbaijan.
Sau khi VOV.VN đăng bài nhận định về bản chất xung đột Nagorno-Karabakh thì vào hôm 15/4 Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam đã gửi cho VOV.VN hai bản thông cáo báo chí (lần lượt vào trưa và chiều ngày 15/4) đề cập đến vấn đề “Cộng hòa Nagorno-Karabakh”.
Hai quân nhân Armenia này sinh ra trên đất Armenia và tử trận ở chiến trường Nagorno-Karabakh vào đầu tháng 4/2016. Ảnh chụp màn hình trang web “en.a1plus.am” của Armenia.
Theo tinh thần hai bản thông cáo này, Azerbaijan không công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nagorno-Karabakh”, và Armenia (chứ không phải nước cộng hòa tự xưng kia) đã và sẽ tiếp tục là một bên trong tiến trình đàm phán về vấn đề khu vực Nagorno-Karabakh.
Riêng bản thông cáo thứ 2 (gửi vào chiều 15/4) khẳng định rõ thêm rằng “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” chỉ là một “thực thể nhân tạo do Armenia lập ra” nhằm “che đậy” chính sách của Armenia chống lại Azerbaijan.
Bản thông cáo thứ 2 này cũng nỗ lực chứng minh sự hiện diện của binh sĩ chính phủ Armenia trên vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh bằng việc nhấn mạnh rằng thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 5/4/2016 là thỏa thuận đạt được giữa hai vị Tổng tham mưu trưởng của quân đội Cộng hòa Azerbaijan và Cộng hòa Armenia (không có sự tham gia của “Quân đội phòng vệ của Cộng hòa Nagorno-Karabakh“).
Thông cáo của Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam, gửi cho VOV.VN vào chiều 15/4.
Ngoài ra, Đại sứ quán Azerbaijan còn gửi kèm thông cáo này một “ danh sách quân nhân các lực lượng vũ trang Cộng hòa Armenia tử trận trong thời gian từ ngày 1-5/4/2016 ở khu vực chiếm đóng”.
Đại sứ quán Azerbaijan cho biết, danh sách do họ cung cấp là dựa trên các nguồn tin của chính truyền thông Armenia và đã được giới chức Armenia xác nhận.
Video đang HOT
Danh sách này (cùng đường link các trang web nguồn tin Armenia được gửi kèm để kiểm chứng) cung cấp họ tên, cấp bậc, quê quán và năm sinh của các quân nhân Armenia tử trận (bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, lính nghĩa vụ, lính tình nguyện, và lính hợp đồng). Cấp bậc sĩ quan cao nhất là trung tá. Người già nhất sinh năm 1947, người trẻ nhất sinh năm 1997. Nhiều người thuộc thế hệ “9x”.
Theo danh sách này, có 83 quân nhân Armenia tử trận, trong đó có 65 quân nhân đến từ Armenia, số còn lại là các quân nhân sinh ra trên vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Phía Azerbaijan ghi rõ đây là các quân nhân của Cộng hòa Armenia.
Con số 83 cho thấy mức độ đẫm máu của xung đột vũ trang Nagorno-Karabakh vào đầu tháng 4. Nếu con số này là chính xác thì tổng số lính tử trận của hai bên có thể lên tới 150-200 người.
Có một điều đáng lưu ý là nếu phía Azerbaijan công nhận tính xác thực của danh sách lính Armenia tử trận nói trên thì nhiều khả năng họ sẽ phải ghi nhận thời điểm giao tranh bùng phát là vào ngày 1/4 như phía Armenia tuyên bố chứ không phải là ngày 2/4 như Azerbaijan tuyên bố.
Đại sứ quán Azerbaijan gửi kèm danh sách binh sĩ Cộng hòa Armenia tử trận ở Nagorno-Karabakh.
Hiện vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh các vụ đụng độ ở Nagorno-Karabakh vào đầu tháng 4/2016. Một dấu hỏi lớn là “ai đã nổ súng trước?”.
Hai phía đều tố cáo nhau nổ súng trước. Tuy nhiên hai bên khác nhau về thời điểm tố bên kia nổ súng. Phía Armenia cho rằng Azerbaijan “gây sự” trước vào ngày 1/4, còn Azerbaijan thì khẳng định Armenia bắt đầu nổ súng vào hôm 2/4 và sau đó Azerbaijan mới đáp trả.
Còn theo một tin đề ngày 15/4 trên một trang web của Armenia (http://en.a1plus.am, trụ sở tại Yerevan) thì đây là một cuộc chiến tranh thực sự chứ không còn là một nỗ lực phá hoại thông thường từ phía Azerbaijan.
Trang tin này dẫn lời Đại úy Azat Stepanyan điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội Armenia ở thủ đô Yerevan cho biết viên sĩ quan 26 tuổi này bị thương ngày 2/4 trong lúc giao tranh ở “biên giới giữa Karabakh và Azerbaijan”.
Anh ta nói: “Mọi thứ đã được lên kế hoạch và tính toán kỹ. Họ [phía Azerbaijan] nỗ lực xâm nhập từ tất cả các hướng của giới tuyến”.
Người quân nhân Armenia này còn nhận định: “Phía Azerbaijan có thể có trang thiết bị và vũ khí tốt hơn nhưng họ thiếu kiến thức và lòng can đảm để sử dụng chúng”.
Trong khi đó, cũng ngày 15/4 trang web này dẫn lời phát ngôn viên Artsrun Hovhannisyan của Bộ Quốc phòng Armenia khẳng định rằng các tài liệu mà họ thu được từ chiếc máy bay trực thăng Azerbaijan bị bắn rơi trong đợt xung đột vừa qua cho thấy phía Azerbaijan đã lên kế hoạch từ trước cho các chiến dịch quân sự quy mô lớn ở khu vực giới tuyến giữa hai bên./.
Bức màn bí hiểm trong xung đột đẫm máu Armenia-Azerbaijan ở Karabakh
Trung Hiếu
Theo_VOV
Đại sứ quán Azerbaijan xác nhận binh sĩ tử trận thuộc Cộng hòa Armenia
Cơ quan ngoại giao Azerbaijan ở Việt Nam vừa ra thông báo xác nhận các binh sĩ đối phương tử trận ở Karabakh là quân nhân Cộng hòa Armenia.
Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam hôm 15/4 ra thông cáo khẳng định rằng tất cả các quân nhân đối phương bị Azerbaijan tiêu diệt tại mặt trận Nagorno-Karabakh từ ngày 2-5/4 đều là công dân của Armenia.
Một lính Armenia bịt tai khi khẩu pháo gầm vang ở Karabakh. Phía Armenia coi đây là quân nhận của "Cộng hòa Nagorno-Karabk" tự xưng, còn phía Azerbaijan coi đó là quân nhân của Cộng hòa Armenia. Ảnh: AP.
Thông cáo này cũng đặt dấu hỏi về hoạt động của lực lượng vũ trang Cộng hòa Armenia tại khu vực này.
Đại sứ quán Azerbaijan cho biết với việc Nagorno-Karabakh bị chiếm đóng, Azerbaijan mất quyền kiểm soát đối với 20% lãnh thổ của họ.
Hệ quả của việc này, theo thông cáo của Đại sứ quán này, là "cứ trong 10 người dân Azerbaijan thì có 1 người bị thay đổi chỗ ở hoặc trở thành người tị nạn" do tình trạng nước ngoài chiếm đóng vùng Nagorno-Karabakh của họ.
Bản thông cáo cũng nêu lại việc vào năm 1993 Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua các nghị quyết số 822, 853, 874, và 884 lên án các nỗ lực chống lại Azerbaijan và yêu cầu rút các lực lượng chiếm đóng ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng của Azerbaijan.
Thông cáo khẳng định mục tiêu chính của đàm phán hòa bình liên quan đến Nagorno-Karabakh là bảo đảm việc rút quân đội Armenia vô điều kiện khỏi Nagorno-Karabakh và bảo đảm quyền được trở về quê hương của những người bị di dời khỏi đây do xung đột.
Bức màn bí hiểm trong xung đột đẫm máu Armenia-Azerbaijan ở Karabakh
VOV.VN - Xung đột đẫm máu vào đầu tháng 4/2016 ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan vẫn còn nhiều điều bí hiểm cần được làm rõ.
Thông cáo cũng khẳng định cộng đồng quốc tế không công nhận tính hợp pháp của lãnh thổ giành được bằng vũ lực.
Azerbaijan không công nhận nước "Cộng hòa Nagorno-Karabakh" tự xưng (được Armenia hậu thuẫn)./.
Trung Hiếu
Theo_VOV
Nga đang tự đắc hay hờn dỗi? Nga bị loại khỏi G8 và nay cho rằng G7 không có ảnh hưởng tới đời sống chính trị quốc tế, cũng như không phải là nơi bàn về vấn đề Ukraine. Lời nói phũ phàng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 12/4 cho rằng nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) không ảnh hưởng tới tình hình...