Avenger – Kẻ báo thù lỗi hẹn của Không quân Mỹ
Máy bay không người lái Avenger được trang bị hệ thống điện tử, vũ khí mạnh mẽ hơn nhưng bị không quân từ chối do chưa tạo được sự đột phá so với Reaper.
Chương trình máy bay không người lái ( UAV) Predator và Reaper do tập đoàn General Atomics sản xuất đã gặt hái được nhiều thành công. Tầm bay xa, vũ trang mạnh, cảm biến tinh vi, Reaper đã mở ra kỷ nguyên “những sát thủ không người lái”. Chúng trở thành công cụ đắc lực của Không quân Mỹ và Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) trong nhiệm vụ săn lùng – tiêu diệt khủng bố.
Giữa những năm 2000, Không quân Mỹ muốn một loại UAV mới vượt trội so với Reaper và có khả năng tàng hình để đột nhập những khu vực có mạng lưới phòng không mạnh. Tập đoàn General Atomics đã giới thiệu phiên bản nâng cấp từ MQ-9 Reaper. UAV mới được gọi là Avenger (Kẻ báo thù).
Avenger thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 4/4/2009. Đến tháng 7/2013, 3 mẫu UAV Avenger đã được chế tạo để thử nghiệm.
Bước đột phá về động cơ
Theo Airforce Technology, thiết kế khí động của Avenger tương tự Reaper với một số cải tiến. Cánh chính ở phần tiếp giáp với thân kéo dài về phía sau để tăng diện tích, tạo lực nâng tốt hơn. Bỏ cánh đuôi ổn định phía dưới trên phiên bản cũ.
Điểm cải tiến quan trọng nhất trên Avenger nằm ở phần động cơ. Máy bay sử dụng động cơ phản lực Pratt & Whitney Canada PW545B. Ống xả của động cơ được thiết kế kiểu chữ “S” để giảm tối đa mức độ bộc lộ hồng ngoại.
Động cơ mới giúp UAV đạt tốc độ tối đa 740 km/h, tốc độ hành trình 647 km/h, nhanh gần gấp đôi so với Reaper. Thời gian hoạt động liên tục 18 giờ, trần bay 15,2 km, phạm vi hoạt động 2.900 km.
UAV Avenger và các vũ khí có thể mang theo trưng bày tại một cuộc triển lãm. Ảnh: Hải quân Mỹ
Avenger có một khoang vũ khí bên trong thân để tăng khả năng tàng hình. Khoang chứa có thể chở tải trọng 1,6 tấn. Ngoài ra, nó có 6 điểm treo dưới cánh có thể mang theo 2,9 tấn vũ khí ở cấu hình không tàng hình.
Các loại vũ khí trang bị gồm tên lửa đa năng AGM-114 Hellfire, bom dẫn hướng laser Paveway III, bom thông minh JDAM, bom hàng không đường kính nhỏ GBU-38. Kẻ báo thù có thể được lắp vũ khí laser có công suất 150 kW trong tương lai.
Video đang HOT
Máy bay được trang bị radar khẩu độ tổng hợp tiên tiến Lynx. Hệ thống nhắm mục tiêu quang-điện (EOTS) tương tự phiên bản lắp trên tiêm kích tàng hình F-35. Avenger sử dụng hệ thống liên kết vệ tinh băng thông rộng. Trạm điều khiển mặt đất và thông tin liên lạc sử dụng chung với Reaper và Predator để tiết kiệm chi phí.
Đại diện nhà sản xuất cho biết, Avenger có khả năng kết nối với nhau thông qua vệ tinh để tạo nên một mạng lưới giúp nâng cao hiệu suất tác chiến. Tính năng tàng hình cho phép nó đột nhập vào những khu vực có phòng không dày đặc để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng.
Kỳ vọng bất thành
Tháng 12/2011, Không quân Mỹ quyết định mua một chiếc Avenger để đánh giá và tìm kiếm ứng viên thay thế cho MQ-9 Reaper trong vai trò “trinh sát – tấn công”. Chương trình được gọi là MQ-X. Không quân Mỹ muốn MQ-X phải có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, tính năng tàng hình để hoạt động bí mật, hệ thống điện tử tối tân và hỏa lực mạnh.
Avenger có chiều dài 13 m, sải cánh 20 m, trọng lượng cất cánh 8,2 tấn. Ảnh:General Atomics
Qua những thông số kỹ thuật được nhà sản xuất giới thiệu, Avenger dường như đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra của chương trình MQ-X. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, Không quân Mỹ kết luận rằng, Avenger không có nhiều khác biệt so với Reaper.
Avenger vẫn sử dụng hệ thống điều khiển và liên lạc giống Reaper đồng nghĩa với việc nó không thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu. Hệ thống định vị toàn cầu GPS sử dụng trên Avenger giống các UAV trước đây nên chưa thể loại bỏ nguy cơ bị hack gây mất quyền điều khiển.
Ngoài ra, Avenger không thực sự là một UAV tàng hình, nó chỉ khó phát hiện hơn so với Reaper. Khả năng tàng hình của Avenger chưa đủ mạnh để có thể đột nhập những khu vực có mạng lưới phòng không dày đặc.
Tốc độ nhanh gần gấp đôi so với Reaper của Avenger không gây được ấn tượng với các nhà đánh giá của Không quân Mỹ. Trung tướng Larry James, Phó tham mưu trưởng phụ trách tình báo, giám sát của Không quân Mỹ từng nói với Defense News trong năm 2012 rằng: “Avenger chỉ có vài cải tiến nhỏ so với Reaper, tính năng của nó không thật sự ấn tượng”.
Năm 2014, Không quân Mỹ tuyên bố hủy chương trình MQ-X. Thay vào đó, không quân sẽ hợp tác với hải quân để phát triển máy bay không người lái tàng hình hoạt động trên tàu sân bay để sử dụng trong năm 2018.
Không quân Mỹ không tiếp nhận Avenger nhưng ủng hộ bán loại UAV tấn công này theo yêu cầu của Ấn Độ vào năm 2015. Ngoài ra, General Atomics cũng giới thiệu Avenger cho chương trình JUSTAS của Không quân Canada.
Theo ANTD
Cơ hội nào cho Type-052C khi tàu Shivalik Ấn Độ tấn công?
Nếu như tàu khu trục Type052C được coi là chiến hạm trụ cột của Hải quân Trung Quốc thì Shivalik của Ấn Độ là đối trọng đáng gờm.
Tàu khu trục Shivalik (Project 17) là dự án đóng tàu khu trục nhỏ có khả năng tàng hình, hệ thống điện tử, vũ khí tiên tiến. Tàu này sẽ là lực lượng nòng cốt của Hải quân Ấn Độ trong nửa đầu thế kỷ 21. Dự án được Chính phủ Ấn Độ phê duyệt vào năm 1997. Công việc bắt tay vào đóng mới được thực hiện vào năm 2001.
Như vậy, cả hai dự án phát triển tàu khu trục trọng điểm của Trung Quốc và Ấn Độ đều có cùng thời gian triển khai tương tự nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ mất 2 năm để hoàn thành chiếc tàu khu trục Type-052C đầu tiên.
Trong khi đó, Ấn Độ phải mất gần 10 năm mới đưa con tàu đầu tiên của lớp này đi vào hoạt động. Điều đó khiến giới quân sự thế giới hoài nghi về chất lượng chiến hạm Trung Quốc - (vì chúng được phát triển quá nhanh).
Chiến hạm Type 052C.
Về phía Ấn Độ, sự chậm trễ của dự án là do phía đối tác (Nga) chậm trễ trong việc giao thép cường độ cao D-40S. Bên cạnh đó các kỹ sư Ấn Độ phải sửa đổi thiết kế vũ khí trên tàu để phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, dự án còn vướng mắc một số vấn đề pháp lý với Mỹ liên quan tới một số thiết bị sử dụng trên tàu.
Dù bị chậm tiến độ, song Shivalik được đánh giá là một lớp tàu đẳng cấp với khả năng tàng hình, hệ thống điện tử đa năng hiện đại, hệ thống vũ khí tấn công phòng thủ cực mạnh. Dự kiến, 12 chiếc loại này sẽ trở thành trụ cột cho Hải quân Ấn Độ.
Thiết kế
Điểm đặc biệt của Project 17 là toàn bộ hình dáng khí động học của tàu đều do các kỹ sư của Hải quân Ấn Độ nghiên cứu, thiết kế. Tàu mang một lối thiết kế rất hiện đại với khả năng tàng hình cao, một xu thế đang thịnh hành trong phát triển các tàu chiến hiện nay trên thế giới.
Tàu khu trục Shivalik có thiết kế khí động học hiên đại. Thông số cơ bản: dài 142,5m, rộng 16,9m, mớn nước 4,5m, tải trọng tiêu chuẩn 4.900 tấn, đầy tải 6.200 tấn, thủy thủ đoàn 257 người trong đó có 35 sĩ quan.
Tính năng tàng hình của tàu dựa trên thiết kế khí động học ưu việt cùng với hệ thống che chắn hồng ngoại và hệ thống triệt tiêu âm thanh của động cơ làm cho tàu khó bị phát hiện bởi các khí tài trinh sát.
Khả năng tàng hình của Shivalik được đánh giá là ngang bằng với tàu khu trục nhỏ Visby của Thụy Điển và Lafayette của Pháp. Thậm chí, mức độ bộc lộ bức xạ hồng ngoại của Shivalik còn thấp hơn 2 loại tàu chiến nói trên.
Trong khi đó, tàu khu trục Type-052C gần như không có khả năng tàng hình, mức độ bộc lộ bức xạ hồng ngoại và bức xạ điện từ được coi là tử huyệt của tàu này. Giới quân sự Ấn Độ đã nghiên cứu và đánh giá khả năng đánh chìm tàu khu trục Type-052C gần như 100% ngay sau loạt bắn đầu tiên.
Tàu khu trục Shivalik (Project 17).
Hệ thống điện tử
Hệ thống điện tử trên tàu Shivalik được đánh giá hiện đại hàng đầu thế giới. Tàu sử dụng hệ thống điện tử kết hợp giữa Nga, Ấn Độ và phương Tây gồm: radar tìm kiếm mục tiêu trên không 3 tọa độ MR-760 Fregat M2EM 3-D, 4 x MR-90 Orekh radar tìm kiếm mục tiêu trên không và mặt nước cho pháo hạm và hệ thống tên lửa đối không do Nga chế tạo;
Radar giám sát trên không tầm xa và cảnh báo mối đe dọa ELTA EL/M 2238 STAR; 2 hệ thống radar dẫn hướng cho tên lửa và pháo hạm ELTA EL/M 2221 STGR, (2 loại radar này do tập đoàn IAI của Israel phát triển). Hệ thống tác chiến điện tử Aparna do Bharat Electronics của Ấn Độ sản xuất.
Để trinh sát các mục tiêu dưới nước, tàu được trang bị hệ thống sonar mảng pha gắn ở thân tàu HUMSA và sonar mảng pha kéo theo ATAS Sintra do tập đoàn Thales của Pháp phát triển.
Đặc biệt, nhờ sử dụng hệ thống che chắn hồng ngoại IRSS do Davis Engineering của Canada phát triển, tàu khu trục Shivalik có bộc lộ bức xạ hồng ngoại cực thấp. Hệ thống che chắn hồng ngoại IRSS của Canada được đánh giá là hệ thống che chắn hồng ngoại hàng đầu thế giới hiện nay. Ngoài Nga, Mỹ, Pháp không một quốc gia nào có hệ thống che chắn hồng ngoại hiệu quả như vậy.
Việc đưa vào sử dụng hệ thống che chắn hồng ngoại "hiện đại" này từng vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ, điều này đã góp phần làm chậm tiến độ của chương trình.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống dữ liệu chiến đấu CMS-17 do Ấn Độ phát triển, hệ thống liên kết dữ liệu tích hợp AISDN-17. Hê thống này kết nối tất cả các thiết bị trên tàu thông qua hệ thống cáp quang tốc độ cao dưới dạng Gigabit Ethernet. Nhờ vậy, khả năng phản ứng và xử lý các tình huống của tàu được nâng lên đáng kể.
Theo_Báo Đất Việt
Khám phá "từ A đến Z" chiến đấu cơ F-15 của Mỹ (6) Ở phần cuối loạt bài khám phá chiến đấu cơ F-15 của Mỹ, hãy cùng tìm hiểu một số phiên bản của thế hệ F-15E và các mẫu thử nghiệm tính năng. F-15E Strike Eagle: Máy bay tấn công mặt đất đa chức năng 2 chỗ ngồi của Không quân Mỹ được phát triển trên cơ sở chiến đấu cơ F-15 với hàng...